Si Quey Sae-ung là một người nhập cư gốc Trung Quốc, nhưng đã trở thành một phần của văn hóa dân gian Thái Lan và được nhắc đến nhiều trong phim ảnh, sách ở nước này khi bị cho là thủ phạm giết hàng loạt trẻ em và là kẻ ăn thịt người ghê rợn.
Si Quey sinh năm 1927 trong một gia đình làm nông ở thành phố Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Si Quey di cư sang Thái Lan trên một tàu chở hàng và làm nhiều công việc chân tay. Anh ta bị cáo buộc giết 7 trẻ em trong thập niên 1950.
Theo những lời đồn đại được lan truyền, Si Quey giết hại các nạn nhân và moi nội tạng của họ để nấu lên ăn với niềm tin rằng làm vậy sẽ khiến mình trẻ ra. Si Quey nhắm mục tiêu vào trẻ em vì các bé dễ mắc bẫy hơn.
Các tài liệu chính thức ở Thái Lan nói rằng Si Quey thích ăn thịt người. Anh ta lần đầu nếm thịt người khi chiến đấu với quân Nhật trong Thế chiến II. Khi bị lính Nhật bao vây và không có thức ăn, anh ta xua đi cơn đói bằng cách ăn thi thể của những đồng đội tử trận.
Năm 1958, Si Quey bị bắt tại tỉnh Rayong khi giữ một thi thể bé trai 8 tuổi tên là Somboon Boonyakan. Một buổi chiều, Somboon rời nhà để mua rau của Si Quey, người đang làm việc ở một vườn cây gần đó. Không thấy Somboon trở về, cha cậu bé đi tìm con và bắt gặp Si Quey đang chuẩn bị đốt một đống cành cây và lá khô.
Trong đống lá đó, người cha phát hiện xác của con trai mình, tim và gan đã bị moi ra. Nhiều thập kỷ sau, cha mẹ của Somboon vẫn khẳng định Si Quey đã mổ bụng con trai họ.
Si Quey nhận tội giết Somboon và anh ta còn bị cáo buộc sát hại 6 trẻ em khác tại một số tỉnh ở Thái Lan từ năm 1954. Nạn nhân bé nhất 5 tuổi còn nạn nhân lớn nhất 11 tuổi, cả hai đều là người gốc Hoa. Si Quey bị xử bắn vào tháng 9/1959 ở tuổi 32, sau khi giới chức Thái Lan không thể kết luận liệu anh ta có bị rối loạn tâm thần hay thể chất hay không.
Kể từ đó, Si Quey trở thành "ông kẹ" của nhiều thế hệ trẻ em Thái Lan. Các phụ huynh Thái Lan thường dọa con cái rằng nếu các em không ngoan, thức khuya hay trốn học, Si Quey sẽ đến và ăn gan của các em.
Các bác sĩ biến thi thể Si Quey thành xác ướp, bôi sáp cứng lên trên và trưng bày trong tủ kính tại bảo tàng khoa học pháp y của bệnh viện Siriraj ở Bangkok. Nhân viên bảo tàng cho biết Si Quey là tâm điểm chú ý của nhiều khách tham quan. Nhiều du khách Trung Quốc cũng đến để xem xác ướp.
Giờ đây, nhiều người Thái bày tỏ nghi ngờ về những tội ác mà Si Quey, người chỉ nói tiếng Thái bập bẹ, được cho là đã thú nhận 60 năm trước. Ngày càng nhiều người Thái tự hỏi những chi tiết ghê rợn như ăn thịt người có đúng sự thật hay không.
"Thời đó mọi người rất cả tin. Họ tin bất cứ điều gì mà không cần bằng chứng", Sakorn Khunain, 50 tuổi, tài xế taxi ở Bangkok, nói. "Ở Thái Lan, ai cũng biết câu chuyện này, tôi luôn muốn biết liệu nó có đúng sự thực không".
Những "thám tử" nghiệp dư như Sakorn đã nghiên cứu kỹ vụ án của Si Quey, tìm lại các bài báo thời xưa, xem xét các bằng chứng và bàn luận trên mạng xã hội. Theo họ, trong vụ sát hại cậu bé Somboon, không có căn cứ xác đáng chứng minh Si Quey là kẻ ăn thịt người. Anh ta cũng có thể là "con dê tế thần", gánh thêm tội từ những vụ giết người bí ẩn ở nhiều nơi khác.
Nhiều người Thái muốn "minh oan" cho Si Quey. Hàng chục nghìn người đã ủng hộ một bản kiến nghị trực tuyến, yêu cầu dừng trưng bày xác ướp Si Quey. Đáp lại, bệnh viện Siriraj đã gỡ tấm bảng đề rằng anh ta là kẻ ăn thịt người và cho biết đang xem xét khả năng hỏa táng thi thể Si Quey sau khi thu thập các tài liệu quan trọng.
Một số người cho rằng linh hồn Si Quey không thể siêu thoát vì luôn cố gắng tìm kiếm công lý. "Khi tôi quan sát Si Quey ở bảo tàng, tôi cảm thấy buồn cho anh ta", sinh viên đại học Suttisa Rattanasri nói. "Việc Si Quey bị nhốt trong lồng kính và bị mọi người chỉ trỏ khinh miệt suốt bao năm qua giống như một lời nguyền rủa với anh ta".
"Ngay cả khi Si Quey đã phạm những tội ác đó thì chúng cũng xảy ra rất lâu rồi. Chúng ta không nên giam cầm anh ta như thế", tài xế taxi Sakorn nói. "Còn nếu Si Quey không gây ra những tội đó thì mọi chuyện còn tệ hơn, bởi vì anh ta bị gán cho tiếng xấu nghiêm trọng và như thế không công bằng".