Lý Tam Lang là một con người, một nam nhân, một tu mi trượng phu ngang tàng bất khuất...

Nhưng Lý Tam Lang thực ra là hạng tốt hay xấu, là người thiện lương hay là kẻ bất nhân thì chẳng một ai biết chắc cả, vấn đề còn mù mờ quá.

Có người bảo chàng là một đại hiệp sĩ chánh phái.

Lại có người nói: “Hắn là đại ma đầu tà ác!...”

Lý Tam Lang từng đọc sách thánh hiền, mà cũng đã học qua kiếm thuật.

Xét về sự học vấn của chàng thì tài hoa tuyệt thế, văn chương cẩm tâm tú khẩu, chữ nghĩa uyên thâm sắc sảo, mọi môn thi phú cầm kỳ đều tinh thông, điêu luyện.

Còn về trình độ kiếm thuật, tuy chàng mới xuất hiện vài ba năm nay, nhưng chưa một ai xứng tay đối thủ, đã lắm tay kiệt liệt đều không chịu nổi quá ba chiêu kiếm của chàng.

Chàng thường tự giam mình trong thư trai để nghiền ngẫm sử kinh; mà cũng hay ra vào nhưng ca lâu tửu điếm, xem bề ăn chơi rất mực phong nguyệt hào hoa.

Có lúc chàng giết người không kịp nhắm mắt; nhưng có khi lại không nở sát hại con sâu cái kiến.

Đến phần niên kỷ của chàng thì dư luận càng bất nhất.

Có người cho rằng chàng không quá hai mươi tuổi, nhân vì chàng quá phong lưu tình tứ.

Có người đoan quyết chàng khoảng ba mươi, bởi căn cứ vào khí độ, cung cách quả là hạng tuổi trung niên. Thậm chí, có người lại nhứt định chàng phải năm mươi tuổi trở lên thì mới có thể học vấn sâu rộng dường ấy và mới có thời gian mà luyện kiếm đến độ xuất quỷ nhập thần như thế...

Vậy, Lý Tam Lang đích xác ra sao?

Mọi người đều biết chắc có Lý Tam Lang và cả thảy đều nhìn nhận tài hoa, bản lĩnh kinh thế hãi tục của Lý Tam Lang. Nhưng chưa một ai gặp tận mặt Lý Tam Lang bao giờ.

Tuy nhiên, tất cả đều có thể nói về Lý Tam Lang hoặc thế này, hoặc thế nọ, chẳng ai nói giống ai.

Rốt lại, Lý Tam Lang vẫn phiêu phiêu diễu diễu, thần bí, tung tích mông lung...

* * * * *

“Lý Tam Lang đang ở trong miếu Quan Đế!”

Tin tức ấy không biết xuất phát từ đâu ra mà chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã loan truyền như sấm động khắp gần xa.

Thế là già, trẻ, nam nữ từ tứ phương bát hướng giang hồ đồng lũ lượt kéo đến Quan Đế miếu.

Quan Đế miếu: một ngôi cổ miếu trơ gan cùng tuế nguyệt, tuy đã hư hao chẳng ít, nhưng nước tàn phá không đến nổi quá nhiều. Có điều nó âm u, lạnh lẽo rợn người, vì từ lâu rồi không ai hương khói.

Mọi khi, Quan Đế miếu đã chẳng lạ gì với nhiều người, vì nhiều người từng đi ngang qua lại nhiều lần và nhìn vào nhiều lượt. Nhưng ghé vào thì chẳng ai ghé làm gì, vì chẳng có chi đáng tò mò cả.

Hôm nay lại khác hẳn. Quan Đế miếu trở thành cái đích háo hức nhất của cả võ lâm giang hồ.

Chung quanh và nhất là khu đất trước cửa miếu đã đông nghẹt những người và người.

Đầu nhấp nhô như sóng biển; tiếng trò chuyện, tiếng kêu nhau, những lời qua câu lại dành chỗ đứng, các cuộc cãi vã vì đủ thứ lý do... thật ồn ào, thật náo nhiệt. Giữa biển người, dù hai người đối diện sát nhau mà nói với nhau cũng khó mà nghe hết được.

Hai cánh cửa miếu đóng im ỉm. Cửa bằng gỗ, nhưng sơn dầu đen cũ kỹ trông tựa bằng sắt.

Bên trong miếu hoàn toàn vắng lặng như tờ.

Trước hai cánh cửa đóng, một lão nhân đứng trơ chẳng khác pho tượng. Lão mặc trường bào xanh, dáng người cao ráo quắc thước, phụng mục trường mi, mũi trái mật, miệng vuông, nhìn qua tất hiểu buổi thanh niên ắt lão là một trang anh tuấn, mỹ nam tử vậy.

Lão đứng hướng mặt ra phía đám đông, sau lưng chỉ cách cửa miếu vài bước.

Lão đến tự bao giờ không ai rõ. Chỉ thấy hiện giờ lão đang chấp tay sau lưng hững hờ nhìn biển người ồn ào.

Đám đông xô đẩy, chen lấn nhau, mỗi lúc một tràn tới gần sát lão nhân thanh bào.

Đột nhiên lão xua tay, lạnh lùng khai khẩu :

- Các vị bất tất phải nôn nóng. Quan Đế miếu đã bị vây chặt rồi, dù một giọt nước cũng khó rỉ ra, dù một con chuột cũng đừng hòng chạy thoát. Lý Tam Lang nếu quả có mặt trong đây thì rồi các vị sẽ thấy mặt, chắc chắn như vậy. Các vị cần gì tranh giành hỗn loạn, vạn nhất mà làm sập tòa cổ miếu thì e rằng vĩnh viễn hết thấy Lý Tam Lang được nữa!

Quanh Quan Đế miếu nhiệt náo là thế mà thanh bào lão nhân không cần to tiếng vẫn đưa âm thanh rõ rệt xoáy thẳng vào màng nhĩ mọi người.

Dứt lời, lão không buồn quan tâm chú ý đến đám đông. Nhưng đám đông thì đã bị lời nói của la chận dừng lại, không còn xô lấn tràn tới nữa.

Mọi người đứng cúi đầu, vừa thở vừa lau mồ hôi và sửa lại y phục xốc xếch.

Ngay lúc ấy bỗng bóng người thấp thoáng, một thiếu phụ mặc áo trắng xuất hiện. Bộ y phục như tuyết bó sát thân hình lồ lộ diễm kiều chan chứ nét tình tứ, khêu gợi của nàng.

Nàng uyển chuyển lưng ong tiến lại gần thanh bào lão nhân khiến đôi mắt hững hờ của lão phải bừng sáng lên hẳn chăm chú nhìn. Và nàng nhoẻn cười cam mật, say đắm lòng người hỏi :

- Lão nhân gia, tiểu Tam Lang quả thực có trong Quan Đế miếu không ạ?

Thanh bào lão nhân nhíu mày, làm ra vẻ lãnh đạm hỏi lại Bạch Y thiếu phụ :

- Chẳng hay Lý Tam Lang là người có liên hệ ra sao với cô nương?

Bạch Y thiếu phụ cười tươi như hoa, giương mi đáp :

- Chàng là người yêu trong mộng của ta.

Lời nàng chưa dứt thì trong đám đông sau lưng nàng liền vang lên một giọng the thé :

- Không biết xấu! Đã có chồng rồi mà còn đi tìm trai!

Mọi người chợt hoa mắt và nghe “bốp” một tiếng. Gã hàn tử thốt chưa trọn câu ấy đã lãnh trọn cái tát đích đáng, đến nỗi trên da mặt xám xịt của gã hằn rõ vết đỏ năm ngón tay dài dài. Không biết Bạch Y thiếu phụ đã xuất thủ cách nào mà chẳng một ai kịp thấy. Xem lại, người ta thấy nàng vẫn đứng nguyên chỗ cũ và dung mạo diễm kiều vẫn tươi cười như thường, tựa hồ chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Hán tử bị tát tai vẫn dửng dưng như không, lại cười nham nhở :

- Nếu nàng chưa chồng hoặc chồng đã chết rồi thì còn có ta đây; ta đang góa vợ, mà lại khoẻ mạnh, nàng về làm vợ ta là đắc sách nhất.

Bạch Y thiếu phụ không giận, mặt ửng hồng như e thẹn. Hán tử cao hứng, vươn tay chụp vào người nàng.

Tà Bạch Y phất phới, không biết nàng tránh né thế nào mà bàn tay hán tử trở thành vô duyên, chụp vào khoảng không.

Hán tử bật tiếng la :

- A! Giai nhân cũng biết võ! Nhưng tránh né đâu cho thoát!

Gã lại vươn tay chụp tới lần nữa, thủ pháp quái dị, cực kỳ thần tốc.

Nhưng thêm lượt nữa gã lại chụp vào khoảng không và chẳng biết do quá đà lỡ bộ hay do một kình lực vô hình nào kéo tới, gã loạng choạng chúi nhũi.

Bạch Y thiếu phụ quắt mắt nhìn gã cười khúch khích :

- Cái đó kêu bằng “vì yêu hoa mà khổ vì hoa” đấy! Dẫu có chết cũng là quỷ phong lưu phải không? Nhưng muốn chạm tới ta một mình người chưa đủ đâu, hãy gọi cả ba huynh đệ của ngươi mà lại xem sao?

Đám đông cười ồ.

Đại hán vừa thẹn vừa tức, sấn tới, sa sầm nét mặt nói :

- Hay lắm! Giai nhân đã cao giọng lớn lối như vậy, chắc tự tin ở bản lãnh võ công lắm!

Để ba anh em lão gia chìu ý người đẹp cho vui...

Gã đang nói thì có thêm hai hán tử nữa, song song bước ra.

Bạch Y thiếu phụ giương đôi mày liễu cười lạt :

- Ba Đông tam quỷ! Sẽ không hối hận chứ?

Tuy hỏi vậy nhưng nàng không đợi đối phương trả lời, đã uyển chuyển dáng đài các tiến lại, cất cánh tay mềm mại lên, khẽ phất một cái, năm ngón tay mũi viết xỉa thẳng vào ngực hán tử đứng giữa.

Hán tử bất thần như bị độc xà mổ trúng, biến sắc kinh hồn, buột miệng la hoảng :

- Tán Hoa Thủ!

Hai hán tử đứng gần cũng tái mặt. Cả ba đồng thoát lui hai bước, hấp tấp xoay người lủi nhanh vào đám đông.

Bạch Y thiếu phụ quát lạnh tợ băng :

- Đứng lại!

Ba hán tử như bị đóng đinh, một chút cử động cũng không dám.

Bạch Y thiếu phụ lại phục hồi nét cười rạng rỡ, cất giọng ngọt lịm :

- Hãy trở lại đây cho ta xem thử nét uy phong tàn độc của các ngươi, coi có đúng như danh tiếng lừng lẫy lâu nay không ...

Ba hán tử liền quay lại và thình lình quì mọp xuống hết.

Hán tử gây sự nãy giờ vội run run cất tiếng :

- Đỗ cô nương, bọn huynh đệ Mã Quân Võ này đã “hữu nhãn vô châu”...

Bạch Y thiếu phụ cười càng tươi nói :

- Bữa nay nhằm lúc ta đi tìm gặp tiểu Tam Lang của ta nên chỉ muốn lòng dạ vui vẻ, không thích mang bàn tay vấy máu khi diện kiến tiểu Tam Lang. Vậy ba huynh đệ các ngươi tạm quì đây... chơi nhé!

Nói xong, coi như mọi việc đều êm xuôi, đẹp đẽ, nàng chẳng nhìn đến bọn Mã Quân Võ nữa, mà nhoẻn cười xoay sang thanh bào lão nhân, nhắc lại :

- Lão nhân gia! Người vẫn chưa trả lời hộ câu hỏi thăm ban nãy.

Thanh bào lão nhân hơi xẵng giọng :

- Làm sao mà trả lời chắc được! Sự thực bên trong Quan Đế miếu có Lý Tam Lang hay không, ai dám quả quyết.

Bạch Y thiếu phụ nói :

- Thế thì mở cửa miếu ra tất rõ chứ gì?

Thanh bào lão nhân lắc đầu đáp :

- Không nên!

Bạch Y thiếu phụ hỏi :

- Có ai cấm cản hay sao?

Thanh bào lão nhân lại lắc đầu :

- Chẳng ai cấm cản gì cả.

Bạch Y thiếu phụ lại hỏi :

- Vậy sao lão nhân gia còn đợi gì mà chẳng mở cửa miếu ra đi?

Thanh bào lão nhân trả lời :

- Ta không mở, ta đợi người khác làm việc ấy.

Thoáng lộ vẻ ngạc nhiên Bạch Y thiếu phụ hỏi :

- Đợi người khác khai miếu môn, nhưng đợi ai bây giờ? Lão nhân giâ sẵn đứng gần đấy, chỉ cần đẩy tay một cái là cửa miếu mở ngay chớ gì?

Thanh bào lão nhân nhún vai nói :

- Đâu phải đơn giản quá vậy. Hai cánh cửa này chẳng phải là thứ dễ mở!

Bỗng có một hán tử trung niên tách đám đông rảo bước tiến lại bảo :

- Hai cánh cửa miếu thì có chi khó mở, để tại hạ mở cho.

Thanh bào lão nhân quét mắt nhìn hán tử trung niên lạnh lùng hỏi :

- Ai đầu tiên mở cửa miếu này, kẻ đó sẽ ngã chết ngay tại cửa. Các hạ tự tìm tử lộ chăng?

Hán tử trung niên khựng lại ngay, rồi gầm đầu trở gót biến lẹ vào đám đông.

Bạch Y thiếu phụ kêu “A” một tiếng, rồi lại cười thật duyên dáng nói một hơi :

- Hóa ra có sự đáng sợ đó, thảo nào và cho tới bây giờ vẫn chẳng một ai dám khai miếu môn. Đã vậy, không lẽ ta mở cửa. Chết thì ta chẳng sợ, nhưng ta không muốn chết trước khi gặp tiểu Tam Lang. Mà nếu có chết thì cũng phải chết trong vòng tay tiểu Tam Lang mới đành lòng...