Thấy y cứ cựa quậy mãi, Cao Văn Tâm không khỏi vừa giận vừa cáu, nhất thời lỡ tay vỗ mạnh, một tiếng "chát" giòn giã vang lên khiến chính nàng cũng sững sờ. Dương Lăng há hốc mồm, quay đầu ngạc nhiên nhìn nàng, một lúc lâu Cao Văn Tâm mới sực tỉnh. Nàng vội vàng quỳ xuống đất thưa:
- Tiểu tỳ vô lễ, xin lão gia trách phạt!
Đừng nói nàng chỉ là thị tỳ của Dương Lăng, cho dù là thê thiếp của y, bất kể là thân mật với trượng phu như thế nào cũng không được phép đánh vào mông của y, đó là hành vi cực kỳ vô lễ. Khi còn giúp người chẩn bệnh, Cao Văn Tâm từng nghe kể có vị cử nhân lớn tuổi đuổi vợ với tội danh là phẩm hạnh kém. Thực ra là vì trong lúc vui vẻ với trượng phu, người vợ hơi thất thố, bị cử nhân lão gia cho là bất kính nên đuổi đi, hại nàng ta xấu hổ nhục nhã mà tự vận.
Dương Lăng lại không có loại giác ngộ mà đại nam nhân nên có này, y chỉ bị hành động đột ngột của nàng làm cho ngây người ra thôi. Lúc này trông thấy nàng sợ đến độ môi trắng bệch, bản thân y lại cảm thấy áy náy, thế là y đành cười lớn rồi bảo:
- Là do tôi không phải, đột nhiên nhổm người nên cô trở tay không kịp. Ờm, lần sau khi xoa bóp, cô nhẹ tay một chút là được rồi.
Cao Văn Tâm thấy y hoàn toàn không hề nổi giận, còn vì mình mà bào chữa thành “xoa bóp” mới yên tâm. Nàng bẽn lẽn đứng dậy tiếp tục châm cứu cho y. Đến khi kéo quần lót y xuống để châm cứu, nhìn thấy mông y bị vỗ đỏ ửng cả một vùng, Cao Văn Tâm không khỏi lén le lưỡi. Không biết là cố ý hay vô tình mà mu bàn tay nàng xoa nhẹ vài vòng lên “vết thương”. Bàn tay ngọc ngà trơn nhẵn chạm vào thực là cực kỳ dễ chịu khiến Dương Lăng lâng lâng đắc ý.
Châm cứu xong, Dương Lăng lập tức chỉnh đốn lại y phục rồi bảo:
- Nha hoàn và nô bộc trong phủ hiện nay đều là người của Mạc công công, không thích hợp để tôi xử lý công vụ thường ngày cho lắm. Có cô ở bên cạnh tôi là đủ rồi, không cần người khác hầu hạ nữa. Ngôi nhà này nhất định phải hoàn toàn nằm dưới sự khống chế của người chúng ta. Cô bảo Trịnh bách hộ mang đám nha sai tiếp quản tòa nhà, đưa toàn bộ người của Mạc phủ rời khỏi đây, sau đó kêu Liễu Bưu đến gặp tôi.
Cao Văn Tâm thấy sắc mặt y nghiêm nghị, đích xác y có việc công cần làm nên không dám ngăn trở thêm, bèn vội đáp lời. Nàng ra ngoài được khoảng uống cạn một tuần trà thì đám nha sai bắt đầu đứng gác rải rác khắp nơi trong dãy nhà, đuổi tất cả nha hoàn, nô bộc của Mạc công công ra khỏi căn dinh thự độc lập này, cả trong lẫn ngoài bố trí đầy thị vệ của Nội xưởng. Sau đó, cửa phòng mở ra, một người ăn mặc như nha sai bình thường chợt lặng lẽ đi vào.
Dương Lăng ngồi bên bàn, mới vừa rót đầy hai chén trà. Sau khi bị “đày đoạ” một phen, men rượu của y đã vơi đi mấy phần, ánh mắt cũng đã tỉnh táo lại. Trông thấy Liễu Bưu bước vào, y khoát tay bảo:
- Không cần khách sáo, đến đây! Ngồi xuống rồi hãy nói!
Liễu Bưu chắp tay thưa:
- Dạ! Ty chức ra mắt xưởng đốc đại nhân.
Rồi bước nhẹ nhàng đến ngồi đối diện với Dương Lăng. Gần nửa tháng xa cách bỗng nhiên gặp lại Dương Lăng, nét mặt của y hơi lộ vẻ vui mừng.
Dương Lăng đẩy một chén trà qua, bảo:
- Những ngày qua vất vả cho Liễu thiên hộ quá! Huynh nghe ngóng được thế nào rồi?
Liễu Bưu thưa:
- Đại nhân! Ty chức vừa xuống tới Giang Nam liền lập tức tung mạng lưới thám thính, cho người giả làm người bán dạo và du khách dò thám tin tức xung quanh. Ba vị thái giám trấn thủ nắm giữ thuế má Giang Nam đã nhiều năm, tuy đâu đâu cũng có thế lực, nhưng cũng bởi vậy bọn họ không thể nào che giấu được những hành vi, công việc của mình.
Y nói đến đây, hiển nhiên hết sức tự hào với thành tích của bản thân, cho nên vẻ mặt có phần tự kiêu. Y cầm chén trà lên nhấp một ngụm thấm họng rồi lôi trong ngực ra một quyển sổ nhỏ, nâng hai tay trao cho Dương Lăng:
- Đại nhân! Những gì ty chức điều tra được đều ghi ở trong này.
Trước tiên ty chức sẽ nói qua về viên trấn thủ thuế quan kiêm giám quân Long Sơn vệ sở Viên Hùng. Nhiệm vụ của Viên Hùng là lập trạm thu thuế trên những con đường vận chuyển thủy bộ giữa những quan ải và thành trấn trọng yếu. Ví dụ như trên tuyến vận chuyển đường sông, cách mỗi bốn mươi dặm lại cắt cử thuế sứ (nhân viên thu thuế - ND) ngăn sông chặn thuế, một chiếc thuyền đi ba bốn trăm dặm ít nhất phải bị chặn thu thuế năm sáu lần. Nhiều cửa tiệm tơ lụa, tạp hoá địa phương có quy mô nhỏ không kham nổi gánh nặng thuế khóa đã phải đóng cửa.
Dương Lăng nghe xong nhíu mày: "Thuế khoá quá nặng, nhìn ngắn hạn thì số thu có phần dồi dào, nhưng đây chỉ là cái lợi trước mắt, thực tế lại chèn ép sự phát triển của công thương nghiệp, về lâu dài sẽ rất có hại cho dân chúng và quốc gia. Viên Hùng cứ cách bốn mươi dặm lại lập một trạm thu thuế, rõ ràng đã vượt quá quy định của triều đình.
Có điều những phương sách này nhất định cũng đã được sự đồng ý của ty Lễ Giám, ta không thể dùng sai sót này để trừng trị hắn. Huống hồ chính là nhờ những món thuế khoá hà khắc phạm pháp và hợp pháp này cho nên mô hình vận chuyển của Nội xưởng mới được lan rộng, Nội xưởng mới phát triển nhanh chóng như vậy. Muốn hoàn thành mục tiêu cao xa hơn của mình, đành phải có những hy sinh tạm thời như thế này vậy!"
Y trầm ngâm hồi lâu, âm thầm tính toán một hồi rồi nói:
- Ừ, bản đốc đã ghi nhớ chuyện này. Hắn còn hành vi phạm pháp nào khác có thể buộc tội không?
Liêu Bưu mỉm cười, dường như sớm biết việc đó không đủ để trị tội Viên Hùng. Y trả lời như đã liệu trước:
- Có. Ty chức phái người đóng giả làm tiểu thương buôn bán rượu thịt, giao thiệp với quan binh của Long Sơn vệ sở. Trong lúc tửu hậu có nghe bọn họ cằn nhằn rằng quân lương bộ Hộ phân phát chỉ có bốn thành rơi vào tay bọn họ, số còn lại đều bị Viên giám quân và đám quan viên chỉ huy vệ sở tham ô cả.
Hơn nữa, trước đây quan binh vệ sở ai nấy cũng đều có đất đai của riêng mình, nhưng những năm gần đây đã sớm bị cường hào và tướng tá dùng thủ đoạn ép mua ép bán chiếm đoạt lấy. Việc này khiến cho rất nhiều quan binh vì cuộc sống của người nhà mà đành phải đào tẩu lưu vong.
Vệ sở Long Sơn vốn phải có 6500 người trú đóng, nhưng con số quan binh thực có hiện tại chỉ là 2800 người, vả lại đa số đều là quân già lính yếu; số còn lại đều bị lĩnh khống tiền lương lẫn trang bị. Thậm chí khí giới lại càng ít đến thảm thương, rất nhiều chiến thuyền đã không thể sử dụng được từ lâu, khi sắp có thượng quan đến kiểm tra sẽ trưng dụng tạm thuyền đánh cá bổ sung vào cho đủ. Đến lúc giặc Oa(1) tập kích thì chỉ có thể nghe thấy tiếng đã phải bỏ chạy. Tuyến phòng thủ bờ biển dài mấy ngàn dặm hầu như chỉ tồn tại trên giấy.
Dương Lăng nghe xong không nén được giận, đập bàn chát một tiếng mắng:
- Không ngờ việc quân đội nội địa lại buông thả như vậy! Chẳng trách lúc ở kinh sư ta nghe nói cho dù chỉ vẻn vẹn mấy trăm tên giặc Oa cập bờ cũng có thể xông vào tập kích khắp nơi như chốn không người...
Nói đến đây y chợt nhớ đến một chuyện, lấy làm lạ hỏi:
- Có điều... Khi ta còn ở huyện Kê Minh, lúc giặc Thát đến tập kích, quân sỹ phương Nam được điều đến cứu viện đều đầy đủ quân số, vũ khí trang bị cũng không tệ, hình như... Liễu Bưu, huynh xác định tin tức do thám không nhầm lẫn chứ?
Liễu Bưu lấy làm lạ đáp:
- Ty chức điều tra hết sức kỹ lưỡng, sẽ không có nhầm lẫn đâu. Vì phương Nam không bị cường địch như giặc Thát uy hiếp, giặc Oa có lên bờ cướp bóc một phen xong cũng đi ngay, hoàn toàn không dám ở lâu, cho nên việc phòng bị luôn luôn lỏng lẻo. Không biết quân phương Nam điều lên Bắc mà đại nhân nói đến là do ai chỉ huy vậy?
Dương Lăng trả lời:
- Ờ... Ta cũng không biết bọn họ thuộc đội quân của ai. Song ta nhớ đô ty dẫn binh tên gọi là Tất Xuân.
Liễu Bưu nghe vậy bật cười giải thích:
- Đại nhân! Chỉ huy sứ của vệ sở Long Sơn chính là Tất Xuân. Thật ra khi Nam quân được điều lên phía Bắc, để phòng ngừa triều đình nhìn ra sơ hở, quân sĩ được điều động thông thường đều là quân tinh nhuệ được điều động từ vệ sở các nơi bù vào cho đủ số. Vì việc này có lợi cho quân vệ sở mọi nơi ở Giang Nam, cho nên những tướng lĩnh ở đây cũng đều ủng hộ hết lòng. Đội quân của Tất Xuân mà đại nhân thấy nhất định là do vài đội quân vệ sở có sức chiến đấu mạnh nhất chắp vá lại.
Dương Lăng nghe xong ngẩn người một lát, rồi mới giận dữ mắng:
- Thủ đoạn giỏi lắm! Chuyện khác ta còn có thể tạm thời ẩn nhẫn, nhưng bọn họ tự hủy trường thành (ý là hủy hoại quân đội, lực lượng chính bảo vệ đất nước) thì chuyện này ta không thể nhẫn nhịn được. Ta sẽ khai đao với hắn trước, giết gà doạ khỉ, để vệ sở duyên hải bớt phóng túng một chút. Huynh hãy tiếp tục thu thập tình báo của bọn chúng, chú ý đừng bứt dây động rừng.
Liễu Bưu hào hứng đáp:
- Ty chức tuân mệnh! Lại nói về vị thứ hai, trấn thủ thuế giám dệt may Lý Đại Tường. Ngành dệt tơ của Tô Hàng được phân công cực kỳ chặt chẽ, hiện có các loại thợ chuyên môn như thợ sợi bông, thợ vải đoạn, thợ dệt; những đại phú thương mở phường dệt may còn thuê hàng loạt thợ thủ công nữ chuyên phụ trách kéo sợi, nhuộm màu, sửa máy*, thêu hoa. *(chắc chỉ là sửa chữa mấy dụng cụ dệt cổ xưa)
Tính tình của Lý Đại Tường lại không quá kiêu căng, nhưng dệt may Tô Hàng vang danh thiên hạ, thu lợi rất nhiều. Hắn ngầm sai thân tín đội lốt thương nhân, lợi dụng chức quyền ép giá thu mua, đầu cơ trục lợi nên kiếm được món lãi kết xù. Phú hào cả vùng Tô Hàng đều oán giận mà không dám nói ra.
Như dân chúng phủ* Tùng Giang, đa số đều theo nghề phụ là dệt vải, mỗi ngày được một xếp (cuộn); sản lượng vải vóc do ngàn vạn bá tánh sản xuất nội trong một ngày đã đủ hoàn thành kế hoạch. Tiểu dân vùng Gia Thiện lấy nghề kéo sợi làm kế sinh nhai, sản lượng càng lớn vô cùng. Nơi này có câu rằng “vải Tùng Giang mua hoài không hết, sợi Ngụy Đường thu mãi vẫn còn”. Toàn bộ những thứ vải vóc tơ sợi này đều bị hắn độc quyền ép giá thu mua, rồi lại tập trung chuyển bán khắp nơi. Bởi có thể thu được món lợi kếch sù từ trong đó rồi cho nên hắn tự nhiên không cần vơ vét đến nỗi bị người người căm ghét như Viên Hùng. *(phủ: đơn vị hành chánh trên huyện)
Vả lại vùng Hồ Châu trồng dâu nuôi tằm, phần đông dân chúng Sơn Đông và Hà Nam trồng trọt cây bông vải. Bởi dệt may Tô Hàng cần rất nhiều nguyên liệu từ những địa phương này vận chuyển vào, mà Viên Hùng lại nắm giữ thuế quan, cản trở vận chuyển những món hàng này nên cực kỳ bất lợi cho sự phát tài của Lý Đại Tường, vì vậy giữa hắn và Viên Hùng có mâu thuẫn rất sâu.
Dương Lăng âm thầm gật đầu. Thật ra tập trung thu mua, tập trung vận chuyển, tập trung buôn bán đều có ích, ví bằng sự bóc lột của Lý Đại Tường không quá hà khắc, có thể chừa lại con đường sống cho dân chúng thì không cần thiết phải so đo với hắn về chuyện này trong giai đoạn hiện tại.
Suy cho cùng, tuy bản thân Dương Lăng nắm quyền thuế giám, nhưng không ai có thể tự thân trấn thủ mọi nơi trong cả nước, cuối cùng y vẫn cần phải dựa vào những người này làm việc cho mình. Nếu như triều đình không thể hoàn mỹ về mặt pháp chế và chế độ thì cho dù đổi cả một đám quan lại cũng chưa chắc những người mới đã liêm chính hơn bọn cũ. Muốn chính trị trong sạch, không phải là chuyện chỉ trù tính mà thành. Cho dù không có đám thuế giám chuyên quyền này đi chăng nữa, nhưng sờ sờ trước mắt là những món lợi to có thể kiếm chác dễ dàng như vậy, lẽ nào thay một đám quan tham thì sẽ hết tham quan?
Dương Lăng nghĩ đến đây bèn gật đầu nói:
- Ừ, người này mặc dù tham ô, nhưng tâm địa không tính là quá xấu, là người có thể lung lạc được. Đúng rồi, còn vị Mạc công công này thì thế nào?
Liễu Bưu cười thưa:
- Trong ba vị thái giám trấn thủ, người có thanh danh tốt nhất chính là vị Mạc công công này. Thuế ruộng Giang Nam được quy thành ngân lượng. Những năm đầu khai quốc, bản triều đã quy định bốn thạch thóc gạo phải nộp một lạng bạc; về sau tỷ suất quy đổi thay đổi lớn, mỗi thạch thóc gạo bị trưng thuế một lạng bạc. Thuế nông nghiệp nơi đây chẳng khác nào đã bị tăng thêm ba lần.
Dân chúng nói rằng:
"một mẫu ruộng công bảy đấu thâu,
trước đem sáu đấu nộp Hoàng châu,
chỉ chừa một đấu chờ khi cưới,
dân chúng lo âu đến bạc đầu".
Như vậy ta có thể thấy sự hà khắc của thuế khoá như thế nào! Nếu không phải Giang Nam trù phú, gạo cá được mùa, dân chúng đã sống không nổi từ lâu.
Bởi dân chúng phải vận chuyển lương thực ra ngoài bán đổi lấy ngân lượng mới có thể nộp thuế, vốn đã bị hao hụt khi vận chuyển lại còn bị tên Viên Hùng đánh thuế không ngừng, cho nên vận chuyển ra ngoài năm đấu, bọn họ có thể cầm tiền của ba đấu về đã coi như tương đối tốt đẹp rồi.
Sau khi Mạc công công trấn thủ Giang Nam, mỗi năm đến mùa thu hoạch hắn đều phái người dùng ghe thuyền quan phủ chủ động đến tận nhà dân thu mua. Tuy rằng hắn thu mua thấp hơn giá chợ một chút, nhưng so với thuế khóa và hao tổn dọc đường, bá tánh vẫn được lợi hơn là tự mình vận chuyển đến chợ bán, thành thử ai nấy đều vui vẻ bán cho hắn. Vì vậy thanh danh của Mạc công công rất tốt, dân chúng Giang Nam gọi hắn là thiện nhân.
Ngày đó trên thuyền Dương Lăng thấy Mạc công công gan lớn trùm trời, thậm chí cả trà tiến cống dâng cho hoàng thượng cũng dám đánh tráo, y cho rằng hắn chỉ là một tên hoạn không sợ chết, trong mắt chỉ có tiền mà thôi. Nào ngờ lại nghe báo hắn tốt bụng như vậy, y không khỏi lấy làm lạ hỏi:
- Nói như vậy, hắn là thanh quan ư?
Liễu Bưu cười ha hả đáp:
- Không thể xem là thanh quan, suy cho cùng hắn làm như vậy cũng là vì muốn trục lợi cá nhân mà thôi. Nhiều lương thực như vậy, nếu mỗi thạch lương thực hắn đều kiếm chác được sơ sơ thì gom góp lại cũng đã được một ngọn núi vàng rồi. Có điều, cho dù nói thế nào đi chăng nữa thì dân chúng cũng được hưởng lợi. Những người dân này mặc kệ ngươi tham ô hay không tham ô, chỉ cần lúc cần kíp ngươi có thể chiếu cố bọn họ một chút, bọn họ đã cảm kích không thôi rồi.
Vả lại... Vì Mạc công công trông giữ cực nghiêm những loại vật phẩm quý hiếm giá cao như trà, hương liệu, dược phẩm, muối ăn, … thậm chí chịu trách nhiệm tổ chức dân công đi xây dựng công trình cũng không ít, cho nên phần ngân lượng hắn thu được cũng phong phú vô cùng. Chỉ là trong ba người, Mạc công công được xem là kẻ rộng rãi nhất. Nếu gặp năm tai ương, hắn còn thường xuyên dựng lều thí cháo cứu sống không ít nhân mạng, cho nên thanh danh cực tốt.
Dương Lăng đứng dậy, bước chậm rãi trong phòng vài bước, trầm tư hồi lâu rồi mới quả quyết ra lệnh:
- Được! Sáng sớm ngày mai huynh hãy điều động người của huynh đến chỗ Viên Hùng, điều tra hắn kỹ càng lại cho ta. Còn về phần ta thì... ha ha, bản đại nhân du hành Giang Nam chỉ phụ trách du sơn ngoạn thủy, những thứ khác sẽ không phụ trách. Ngày mai ta sẽ đến Sư Tử thôn uống trà.
Là tâm phúc của Dương Lăng nên Liễu Bưu đã sớm biết kế hoạch của y, nghe vậy bèn đứng dậy hỏi:
- Đây là đại nhân muốn đánh Viên, lôi kéo Lý, Mạc chăng?
Dương Lăng cười nói:
- Ha ha! Dù sao cũng không thể một gậy đánh giết hết thảy được. Nếu làm thế tất cả thái giám trấn thủ trong cả nước đều dở quầy cất sạp, triều đình không còn bạc để dùng, há chẳng phải sẽ lại đẩy ty Thuế Giám về tay ty Lễ Giám ư?
Tuy là nói như vậy, nhưng chuyện Mạc Thanh Hà tráo trà tiến cống vẫn đeo nặng trong lòng y, cho nên y muốn ngày mai đến thôn Long Tỉnh trên núi Sư Tử tự mình thị sát. Vào thời tiết này đương nhiên không có trà ngon gì, lần này y đi kiểm tra, một là muốn để ba đại thái giám trấn thủ bớt lo âu, cho rằng y cũng chỉ là hư trương thanh thế chứ tịnh không có ý xử lý bọn họ, hai là để bóng gió thăm dò ý tứ của Mạc Thanh Hà.
Liễu Bưu cười đáp một tiếng, vừa tính quay người lui ra, Dương Lăng chợt nhớ đến chuyện kỳ lạ mình vừa chứng kiến khi nãy, vội giữ y lại, hỏi:
- Liễu Bưu! Có chuyện này ta muốn hỏi huynh. Thái giám Đại Minh chúng ta... cũng có thể cưới vợ sao?
Liễu Bưu ngẩn người ra. Hắn đã âm thầm điều tra kỹ càng ba vị thái giám trấn thủ nên hiển nhiên biết rõ chuyện gia đình bọn họ như lòng bàn tay. Vì vậy, hắn chỉ hơi ngẩn người liền sực tỉnh, cười đáp:
- Phải chăng đại nhân đã gặp mặt phu nhân của Mạc công công rồi?
Dương Lăng kinh ngạc:
- Huynh cũng biết? Chẳng lẽ... Mạc công công vốn sau khi xuất gia... à… sau khi lập gia đình rồi mới tiến cung sao?
Liễu Bưu bật cười đáp:
- Đại nhân hiểu lầm rồi. Thật ra trong nội cung, việc thái giam cùng cung nữ kết làm phu thê cũng không phải là ít, có điều bọn họ không gọi là phu thê, mà gọi là "Đối thực" và "Thái hộ"(2), giữa khác giới có, giữa cùng giới cũng có nữa, chuyện này đã có từ xưa. Thời hoàng đế Hồng Vũ bản triều đã từng cấm đoán một đoạn thời gian, về sau rồi cũng buông trôi bỏ mặc. Bây giờ cho dù Hoàng Thượng, Hoàng Hậu có nghe nói đến cũng sẽ không can dự vào.
Những công công địa phương có quyền có thế không những có thể cưới vợ nhận nuôi con, mà vợ cưới về còn thường là con gái ngoan của những gia đình quan lại. Nhưng vị phu nhân của Mạc công công lại có xuất thân phong trần, nghe nói trước đây là đệ nhất danh kỹ của "Lầu Xuân Vũ" ở Giang Nam.
Dương Lăng nghĩ đến phong tình tuyệt thế của vị mỹ nữ ấy, không khỏi bật cười nói:
- Ta nói thật nhé! Hôm nay gặp cô ta mà ta giật cả mình, còn tưởng là đó là người vợ Mạc công công cưới về trước khi nhập cung, bằng không làm sao hắn có gan dám công nhiên dùng thân phận thái giám để cưới vợ như vậy!
Y vừa nói vừa nghĩ đến người con gái Giang Nam muôn vẻ phong tình ấy lại gả cho một tên thái giám, không khỏi lắc đầu thở dài, rất lấy làm tiếc rẻ.
Liễu Bưu thưa:
- Đại nhân! Ngài đừng thấy bọn họ là giả phượng hư hoàng(3) mà coi khinh, so với người thường thì những cặp vợ chồng thái giám này càng mặn nồng hơn nhiều. Về việc “thái hộ” trong cung, thường là một khi đôi lứa nên duyên thì sẽ kính trọng và yêu thương nhau cả đời không đổi. Nếu ngẫu nhiên có thái giám hoặc cung nữ thay lòng đổi dạ, đối phương thường sẽ đau khổ không thiết sống, thậm chí vì vậy mà thắt cổ tự vẫn, chuyện đắng cay này trong cung chẳng lạ lùng gì.
Đa số bọn họ nếu như có một người chết trước, đối phương cũng cả đời không kết duyên lần nữa mà sẽ đặt linh vị của đối phương trong phòng mình, mỗi khi đến ngày giỗ đều thường khóc thương thảm thiết, khóc đến chết đi sống lại. Tình cảm của bọn họ... thật không phải là thứ mà người thường chúng ta có thể lý giải.
Có điều cưới vợ ngoài cung cũng có thể mặn nồng được như vậy hay không thì ty chức không biết.
Quả thật lúc ban đầu Dương Lăng cũng hơi khinh rẻ chuyện thái giám cưới vợ, nhưng nghe Liễu Bưu nói xong, y mới tỉnh ngộ. Những người đó mặc dù về mặt sinh lý đã không thể được gọi là đàn ông, nhưng về mặt tâm lý họ lại muốn hưởng cuộc sống của người bình thường; lòng mong muốn đó còn bức thiết hơn hẳn những người đàn ông bình thường. Kể ra cũng thật khiến người ta đồng tình.
Dương Lăng bỗng bật cười nói:
- Nghe được một câu của huynh còn hơn đọc sách mười năm, bản quan đã lĩnh giáo. Chỉ cần người ta đôi bên đều tình nguyện, chúng ta quả thực không nên vì hắn là thái giám mà ba lời bốn ý làm gì.
Chú thích:(1) thời xưa người Nhật Bản thấp bé nên bị gọi là người lùn (oa nhân), giặc Oa là giặc lùn, chỉ hải tặc Nhật Bản.(2) "Đối thực" chỉ cung nữ, "Thái hộ" chỉ thái giám
(3) Phương giả, hoàng dối; xuất xứ từ Hồng Lâu Mộng, chỉ mối quan hệ vợ chồng hữu danh vô thực. Phượng là chim đực, hoàng là chim cái.