Liêu quản sự thấy Dương Lăng cầm chén trà có vẻ đăm chiêu, vội thấp thỏm dò hỏi:
- Đại nhân! Phải chăng... phải chăng loại trà này không hợp với khẩu vị của ngài?
- Hả? Ồ! Đâu có, đâu có! Loại trà ngon cực phẩm này lúc ở trên kinh sư bản đốc cũng chưa từng được thưởng thức. Thật là hương thơm nức mũi, toàn thân thư thái!
Dương Lăng thấy hắn hỏi dò, vội lấy từ trong ngực ra một chiếc khăn gấm trải lên bàn, giả vờ thèm thuồng nói:
- Liêu quản sự có thể san sẻ chút trà ngon cực phẩm này cho bản đốc ta được không? Uống xong nước trà này của huynh, khẩu vị của bản đốc đã bị nâng lên rồi, trà thường thật sự là nhạt nhẽo vô vị.
Y nói xong đưa mắt ra hiệu cho Cao Văn Tâm, Cao Văn Tâm vội lấy ra một thỏi bạc nhỏ không ít hơn mười lạng đặt lên bàn.
Liêu quản gia nghe y khen, bất giác có cảm giác được yêu mến mà áy náy. Hắn vui vẻ móc túi lấy túi trà nhỏ đó ra, hai tay đưa qua:
- Đại nhân nói như vậy hẳn là đại nhân rất thích loại trà này. Là người Hàng Châu, tiểu nhân cũng được vinh dự lây vậy! Ha ha, chút trà này chỉ là tâm ý nhỏ nhoi không tỏ được lòng tôn kính, xin đại nhân vui lòng nhận dùng tạm dọc đường. Đợi đến nơi rồi, chỉ sợ Mạc công công sẽ còn có phần lễ vật lớn cho ngài đó.
Dương Lăng âm thầm cười khẩy trong lòng: "Mạc Thanh Hà dối trên lừa dưới, dùng kém trám tốt, cả gan đánh tráo cả trà tiến cống cực phẩm. Hắn lại dám đưa trà tiến cống cực phẩm cho mình thấy ư?"
Liêu quản sự ra sức từ chối không nhận bạc của y, Dương Lăng đành kêu Cao Văn Tâm cất bạc lại, rồi nhận lấy túi trà trong tay hắn.
Một cơn gió ùa đến, thổi tung chiếc khăn tay của y đang đặt trên bàn. Liêu quản sự tinh mắt, liếc mắt nhận thấy đó là lụa cực phẩm Tô Châu, không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ kêu lên:
- Chiếc khăn tay này của đại nhân thực đúng là cực phẩm à nha!
Hắn vừa nói vừa nhẹ nhàng nhặt chiếc khăn tay lên, quan sát cành hoa mai thêu màu rực rỡ bên trên, khen ngợi:
- Thêu thật khéo! Thiếu nữ Giang Nam tính tình đặc biệt dịu dàng, thông minh khéo léo, sở trường nhất là đường thêu bay bướm, ăn nói tế nhị. Nhưng muốn nắm vững thuần thục loại kỹ thuật thêu thùa này, có rất nhiều cô nương cho dù dốc sức cả đời cũng chưa chắc đã có thể nắm bắt được. Chiếc khăn lụa này thật sự là tác phẩm của bậc thầy chân chính, có tiền cũng chưa chắc mua được, không dễ kiếm đâu!
Chiếc khăn tay đó là của công chúa Vĩnh Phúc dùng để bọc cặp xuyến ngọc Bàn Long bị Dương Lăng thuận tay nhét vào ngực khi y vào hậu cung bắt trộm. Ban đầu y có ý định sẽ trả lại cho công chúa, nhưng chờ mấy ngày mà cũng không có cơ hội gặp lại nàng.
Dương Lăng chợt nhớ đến một minh tinh nổi tiếng ở thời hiện đại mà đã có không biết mấy trăm bộ giầy dép và quần áo, huống chi là đường đường một công chúa Đại Minh? Chắc chắn người ta cũng sẽ chẳng quan tâm đến một chiếc khăn tay, thế là y thuận tay cất trên người luôn. Nếu không phải vì chiếc khăn này là do y thuận tay vớ được mà lấy mang đi tặng Ấu Nương thì thực thẹn với lòng thì y đã sớm mượn hoa kính phật rồi.
Lúc này nghe Liêu quản sự nhận định chiếc khăn gấm bé xíu này quý giá như vậy, y lại hơi hối hận vì đã không đem nó tặng cho Ấu Nương. Nghe thế, Trương thiên sư nổi lòng hiếu kỳ bèn cầm lên quan sát kỹ rồi nói:
- Đúng rồi! Quả nhiên là vật phẩm chất lượng tốt nhất trong số lụa Tô Châu. Ha ha, có điều màu hoa này hơi loè loẹt quá, Dương đại nhân mang theo người không thích hợp cho lắm!
Thiên sư vừa cười vừa mở chiếc khăn tay ra. Nhìn thấy cành hoa mai cổ xưa dưới góc bên phải hơi có chút kỳ lạ, chàng ta nâng khăn lên nhìn cẩn thận. Đột nhiên phát hiện ra ý nghĩa sâu sắc trong đó, Trương thiên sư giật nảy mình, suýt nữa buông tay khiến chiếc khăn bay đi theo gió.
Màn đêm u ám, ánh đèn mờ nhạt, người khác không quá để ý đến đoá hoa mai ở góc khăn. Nhưng Trương thiên sư cả ngày nghiên cứu bùa chú, những cổ tịch đạo gia trên Long Hổ sơn hầu hết đều là vật trân quý từ thời thượng cổ, văn tự ghi trên đó đều là những thứ cực kỳ cổ xưa cho nên Trương Ngạn Thạc rất am tường về chữ triện cổ.
Chàng ta thấy hoa mai trên góc khăn đó không ngờ là bốn chữ triện thêu thành, tiếp đó lấy bốn chữ tiểu triện hình hoa mai hợp lại thành một bức hình hoa mai, nếu không biết những chữ đó thì thực sẽ không nhận ra. Quả nhiên là hao phí tâm tư, khéo léo vô cùng.
Nhìn kỹ chữ thêu đó thì lại là bốn chữ "Vĩnh Phúc Tú Ninh". Công chúa Vĩnh Phúc khuê danh là Chu Tú Ninh, lúc Trương thiên sư lập đàn cầu phước cho hoàng thất trong cung đã biết được tên nàng; lúc này nhìn thấy trên chiếc khăn tay có cả hai chữ Vĩnh Phúc và Tú Ninh, làm sao chàng ta không đoán được đây là vật kề thân của công chúa chứ?
Trương thiên sư kinh hãi đến tim đập thình thịch. Đừng nói là Dương Lăng đã cưới thê nạp thiếp, cho dù hiện giờ y chưa vợ cũng không được phép cùng công chúa ngầm tặng tín vật, thầm trao tâm tình. Chẳng lẽ... chẳng lẽ Dương xưởng đốc gan lớn trùm trời, dám tư tình với công chúa sao?
"Người khôn phải biết giữ mình, người khôn phải biết giữ mình!" Từ khi bá phụ bị lưu đày, Trương Ngạn Thạc và phụ thân đều cùng dè chừng cẩn thận mọi lúc mọi nơi, chỉ sợ sẽ chạm vào vảy ngược(1) của hoàng thất. Phát hiện chuyện bê bối này của hoàng thất, chàng ta lập tức ra vẻ điềm nhiên như không đưa trả lại khăn lụa, trong lòng âm thầm phát thệ: "Đời này tuyệt sẽ không để cho người khác biết được mình nhận ra các chữ triện hoa mai này!"
Mặc dầu đã đến thời đại này được một khoảng thời gian, cũng biết được chút ít cấm kỵ, nhưng Dương Lăng nào có thể gặp chuyện gì cũng lo trước tính sau giống như đang đi trên băng mỏng, cho nên y hoàn toàn không hề để ý già cả. Y thoải mái cầm lấy chiếc khăn tay nhét vào trong người rồi cười nói:
- Đã vậy, bản đốc xin cảm tạ Liêu quản sự!
****************
Trương Phù Bảo mượn cớ thân thể không khoẻ, tắm rửa thay đồ, nhập định trọn một canh giờ mới cảm thấy tinh thần sảng khoái. Thấy mình hơi có linh cảm, nàng vội cầm lấy công cụ bói toán tự bói cho mình một quẻ. Đạo hạnh của nàng có hạn, bói mãi nhưng chỉ mới ra được câu đầu, lại giống hệt với lời bình mà phụ thân đã cho nàng. Trong lòng tiểu cô nương càng bứt rứt hơn.
Nàng biết đạo hạnh của anh trai cao thâm hơn mình một chút, cũng từng có ý muốn nhờ y bói toán nghiệm chứng cho mình. Nhưng cho dù quẻ bói này can hệ đến cả đời nàng đi chăng nữa, một tiểu cô nương mười ba mười bốn tuổi nào lại có da mặt đủ dày nôn nóng đi tìm anh trai bói tìm lang quân trong mộng tương lai cho mình chứ?
Trương Phù Bảo hai tay chống cằm, chơm chớp đôi mắt tròn xoe, trầm ngâm lẩm bẩm: "Bán luân minh nguyệt nhất giang thủy, bạch cốt sơn thượng địch hồng tiêu. Binh qua khởi thời xuân ảnh động, Lão Quân tượng tiền hứa lương nhân*."
*Tạm dịch:
Nửa vầng trăng sáng, một dòng sông
Trên Bạch Cốt sơn rửa lụa hồng*
Dáng xuân lả lướt thời chinh chiến
Hẹn chàng trước tượng Lão Quân trông.
*(lụa hồng) cũng chỉ người con gái đẹp
Đọc đi đọc lại mấy lần nhưng ngẫm mãi không thông, Trương Phù Bảo căm tức vỗ bàn cằn nhằn:
- Cha thật đáng ghét! Con gái của mình mà cũng giả thần giả quỷ. Bói không ra thì thôi, bói ra được thì nói thẳng với mình cho xong, hại mình phải đoán tới đoán lui!
Nàng chán nản nhảy xuống giường, đẩy cửa sổ, ngước nhìn vầng trăng sáng tỏ trên bầu trời, hai con ngươi sáng ngời phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Nàng si mê ngơ ngẩn hồi lâu, trong lòng thầm nghĩ: "Không thể là y, nhất định không thể là y. Y đã có thê tử, Bảo Nhi mình sao có số làm thiếp người ta được?
Cho dù y có tài ba hơn nữa mình cũng không thể gả cho y được, nhất định là mình nghĩ ngợi lung tung rồi. Nửa cái bánh nướng thế nào cũng không thể tính là nửa vầng trăng tỏ chứ? Vả lại mình ngã là ngã xuống sông đào, chứ đâu phải ngã xuống sông lớn, ngụ ý(2) đâu phải là ngụ ý theo kiểu này. Hơn nữa ba câu sau cũng không khớp với y mà!"
Nghĩ đến đây, dường như Trương Phù Bảo hơi yên tâm, nhưng lại nghĩ đến việc xảo hợp này có thể không liên quan đến y, không hiểu vì sao nàng lại cảm thấy hơi buồn. Nàng giậm chân, tự vả vào mặt mình, xấu hổ tự mắng: "Mi bao tuổi rồi mà lại đi bận tâm mấy cái chuyện này? Đồ nha đầu không có triển vọng!"
Nàng buồn bực mở cửa thuyền, thấy có một nha sai đang xỉa răng đi ngang qua, lúc này mới cảm thấy bụng đang trống rỗng, vội hỏi gã:
- Này, ăn tối rồi sao?
Bây giờ người trên thuyền đều biết nàng là con gái, cũng biết nàng là em gái của Trương thiên sư. Người ta là em gái của quốc sư, đám nha sai thực không dám vô lễ. Tên nha sai đó liền vội làm lễ rồi đáp:
- Vâng thưa tiểu thư, xưởng đốc đại nhân và thiên sư đã xuống thuyền đến ven sông dùng tối rồi ạ!
Nghe nói bọn họ xuống thuyền mà lại không gọi mình, Trương Phù Bảo không khỏi tức giận hừ một tiếng rồi nói:
- Dẫn ta đi. Ta cũng đói bụng rồi.
Ban đầu Cao Văn Tâm đứng cạnh Dương Lăng hầu cơm nhưng rồi bị Dương Lăng bắt ép ngồi xuống cạnh mình. Lúc này nàng vừa nhã nhặn ăn gạch cua, vừa nhanh nhẹn liên tục lóc thịt và gạch cua, kịp đưa cho Dương Lăng đang ngốn lấy ngốn để như bò nhai cỏ.
Lúc uống trà, Dương Lăng lại nhỏ nhẹ nhấp miệng uống từng hớp bát canh gừng pha mật đường nóng hôi hổi. Con thuyền nhỏ khẽ lắc lư, tiếng sóng vỗ rì rào như có như không, cả miệng ngát hương ngào ngạt, quả nhiên sảng khoái vô cùng.
Trương Phù Bảo bước xuống thuyền lớn, được tay nha sai nọ dẫn đến bên chiếc thuyền nhỏ, nhìn thấy bộ dạng nhàn nhã của mọi người, trong lòng càng thêm tức giận. Thế là cũng không thèm đợi bọn họ gọi xuống thuyền, nàng liền không hề khách khí mà chọn lấy một chỗ rồi phịch mông ngồi xuống.
Nàng vẫn mặc một bộ đạo bào nhưng mái tóc dài xõa tung, xinh đẹp thướt tha, trông hồn nhiên và đáng yêu vô cùng. Song khi nàng cầm lấy một con cua lớn lên ăn, tướng ăn lại giống hệt như Dương Lăng.
Chỉ nghe Liêu quản sự cười nói:
- Cho nên có câu “giọng Tô Giang dịu dàng”, vừa ngọt ngào vừa êm ái, lại nghe rất hay. Phụ nữ Tô Hàng nói chuyện luôn luôn nhẹ nhàng, ngọt ngào êm tai. Có người còn bảo, nghe bọn họ cãi nhau cũng là một loại hưởng thụ đấy!
Dương Lăng cười nói:
- Thế à! Ha ha, Hàng Châu ta đã đến một lần, có điều đó là rất rất nhiều năm về... À... về trước, vì đi vội nên chưa thưởng thức được phong thổ lẫn nhân tình nơi phố phường này.
Đang gặm cua, Trương Phù Bảo nghe bọn họ nói chuyện hào hứng sôi nổi, thậm chí anh trai mình cũng như đang thả hồn bay xa, không khỏi hừ một tiếng:
- Nghe nói khâm sai đại nhân điều quân ồ ạt xuống Giang Nam, chắc là có việc công cần làm chứ? Đại nhân ngồi đây ăn uống, trên bờ đã có mấy chục tên vệ sĩ lăm lăm vũ khí rồi. Chẳng lẽ ngài định đến Tô Hàng sẽ dẫn theo cả trăm người vào ngõ hẻm nghe cô nương người ta nói chuyện phiếm ấy à?
Dương Lăng nghe vậy hơi lấy làm xấu hổ, Cao Văn Tâm thì lại mỉm cười.
Liêu quản sự thấy tình thế không ổn, liền vội đổi đề tài:
- Tiểu nhân nhiều chuyện rồi! Thực ra đại nhân đã đến đó thì đương nhiên là phải nhìn ngắm, thưởng thức phong cảnh vùng sông nước Giang Nam một chuyến. Nói đến phong cảnh, ngày mai chúng ta đến Hàng Châu rồi, những nơi phong cảnh đặc sắc ở Hàng Châu rất nhiều, đứng đầu chính là “Tây Hồ thập cảnh”(3). Phong cảnh ở Tây Hồ còn có rất nhiều câu truyện truyền thuyết, nổi danh nhất chính là về tháp Lôi Phong.
Liêu quản sự thấy vị đại tiểu thư Trương Phù Bảo này xuất hiện thì không còn dám nói về những nét đặc sắc của người con gái vùng Giang Nam nữa mà chuyển sang kể những câu truyện thần thoại. Đương nhiên Dương Lăng biết câu truyện về tháp Lôi Phong nhưng không ngờ câu truyện mà Liêu quản sự kể lại không giống với những gì mà y đã biết.
Theo lời hắn kể, vào năm Thiệu Hưng đời Tống, trong Tây Hồ có yêu quái Bạch xà tu luyện ngàn năm và hầu gái do Thanh ngư (cá trắm đen) hoá thành, trong mưa gặp được một người mở tiệm thuốc tên là Hứa Tiên, hai người vì thế nảy sinh tình cảm, kết làm phu thê. Nhưng Bạch xà và Thanh ngư đều là yêu tinh hoá thân, không biết lễ nghi nhân gian, thường xuyên làm mất thể diện Hứa Tiên, khiến y khó xử không thôi.
May mắn có vị cao tăng giỏi pháp thuật của Kim Sơn tự là Pháp Hải nhìn thấu nguyên hình của hai con yêu, ông đưa cho Hứa Tiên một chiếc bình bát có pháp thuật. Nhân lúc bọn họ không đề phòng, Hứa Tiên chụp chiếc bát lên đỉnh đầu hai yêu, hai yêu hiện nguyên hình và bị Pháp Hải bắt giữ. Thanh ngư định chạy trốn, bị Pháp Hải huỷ hết pháp thuật phải hiện nguyên hình. Bạch xà bị vị cao tăng đè dưới tháp Lôi Phong, vĩnh viễn không thể siêu sinh.
Liêu quản sự kể xong thì cười nói:
- Hoà thượng Pháp Hải còn từng để lại lời kệ rằng: “Tây Hồ thuỷ kiền, giang hồ bất khởi, Lôi Phong tháp đảo, Bạch xà xuất thế*.” Nước của Tây Hồ làm sao có thể cạn được chứ? Cho nên Bạch xà yêu cũng chỉ có thể vĩnh viễn bị đè dưới tháp Lôi Phong, nhận chịu hết mọi dày vò mà thôi.
* Tạm dịch:
Nước Tây Hồ mà cạn thì giang hồ sẽ không yên.
Khi tháp Lôi Phong sụp đổ cũng sẽ là lúc Bạch xà xuất hiện.
Chàng Hứa Tiên đó được cao tăng cứu giúp, từ đó một lòng hối cải, hành thiện tích đức. Về sau lại cưới vợ sinh con, con trai còn đỗ Trạng Nguyên, cũng xem như gia đình tích thiện rồi.
Trương Phù Bảo tính tình chất phác, nghe xong tức giận nói:
- Cái tên Hứa Tiên đó thực quá vô tình. Tuy Bạch xà là yêu tinh, nhưng đôi bên đều có tình cảm với nhau, lại chưa từng hại hắn. Hắn không quen với hành vi của người ta thì cũng nên niệm tình phu thê mà để người ta ra đi, cớ sao lại giúp tên hoà thượng ác độc khiến thê tử mình chịu khổ dưới tháp Lôi Phong? Bản thân thì lại bỏ vợ, cưới người khác, rồi còn con đàn cháu đống gì đó, hưởng hết vinh hoa phú quý! Như thế còn có thiên lý hay sao?
Chẳng ngờ kể câu truyện này cũng bị nàng mắng, Liêu quản sự không khỏi cứng mồm, đờ cả người. Trương thiên sư thấy vậy cười trách:
- Phù Bảo! Chẳng qua chỉ là một truyện thần thoại thôi, muội so đo làm gì?
Dương Lăng không ngờ câu truyện Bạch xà của thời này lại là một phiên bản như vậy, thế là y nhất thời cao hứng kể câu truyện mà mình được biết. Câu truyện về Thanh xà Bạch xà xuất thế, gặp Hứa Tiên trên cây cầu gãy, lên Nga Mi trộm thuốc cứu chồng, dâng lũ nhấn chìm Kim Sơn, đánh cho Pháp Hải bỏ chạy, được Dương Lăng rù rì kể lại, cảm động lòng người hơn câu truyện của Liêu quản sự gấp không biết bao nhiêu lần. Không những Trương Phù Ngọc nghe say sưa mà cả Cao Văn Tâm cũng lắng nghe đến mê mẩn.
Trương Phù Bảo nghe đến kết cục phu thê đoàn tụ, cùng bay về cõi tiên thì mặt mày rạng rỡ, khen: - Câu truyện này mới hay.
Rồi nàng cầm một con cua lên, dương dương đắc ý nói:
- Vị Thanh Thanh cô nương đó dùng tam muội chân hoả đốt Pháp Hải, vậy là thần kỹ của đạo gia ta rồi. Ha ha, Pháp Hải bị đuổi đến lên trời xuống đất đều không xong, là trốn trong vỏ con cua này sao?
Dương Lăng lấy làm lạ: "Chẳng lẽ người thời này còn chưa phát hiện đường vân trong mai cua giống hình hoà thượng à?” Y vội cầm một con cua lên, bóc mai ra, quả nhiên vẫn nhìn thấy đường vân giống như hoà thượng đang tĩnh tọa, hình dáng thần thái đây đủ cả, kỳ diệu vô cùng.
Dương Lăng cười đưa cho Trương Phù Bảo nói:
Cô xem này, lão Pháp Hải đó trốn trên thân con cua đã lâu, giống như Đạt Ma diện bích(4) nhiều năm, để lại cái hình này. Cô xem xem có phải là hoà thượng hay không?"
Trương Phù Bảo cầm lấy đưa lên ánh đèn nhìn kỹ, không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ kêu lên: - Quả nhiên có hoà thượng, quả nhiên có hòa thượng! Ca ca! Thì ra đây không phải là truyện thần thoại, nhất định trước đây thực sự đã có việc này đó!
Trương thiên sư, Liêu quản sự và Cao Văn Tâm ai nấy đều hết sức kinh ngạc tự bóc cua ra quan sát, nhìn thấy mà tấm tắc kêu lạ kỳ. Liêu quản sự cũng khoái chí nói:
- Không ngờ trên đời lại có chuyện kỳ lạ như vậy, trong mỗi con cua lại có một vị hòa thượng. Sao trước nay không ai chú ý nhỉ? Ha ha, thực là thú vị. Tiểu nhân là người Hàng Châu mà cũng chưa từng nghe qua chuyện này. Trở về đem chuyện này kể cho người ta nghe, nhất định trong chốc lát sẽ lan truyền khắp chốn.
Dương Lăng nghe vậy thì giật mình. Câu truyện này đã trải qua không biết mấy thế hệ bổ sung và hoàn thiện, rồi miễn cưỡng ráp vào một ít kỳ văn cổ tích mới trở thành phiên bản của đời sau. Mình nhất thời buột miệng kể ra, hắn lại muốn "xuất bản trước hạn"!
Cao Văn Tâm cũng chưa từng nghe câu truyện này, nhất thời cũng say sưa chìm trong câu truyện tình của Bạch xà và Hứa Tiên. Nàng cảm khái một hồi, dựa vào bóng khuất của ánh đèn lặng lẽ ngắm nhìn vẻ anh tuấn tiêu sái của Dương Lăng, trong lòng thầm nghĩ: "Bạch xà cảm động và ghi nhớ ơn cứu mạng của tiều phu, dám hoá thân thành người, gả làm vợ hắn. Mình... mình thân phận là nô tỳ, song thậm chí cả yêu tinh cũng không bằng, so ra cũng chỉ có thể xem như thị tỳ Thanh xà kia, vác khổ thay người, lo tới lo lui, rốt cuộc vẫn không thành chánh quả."
Cao Văn Tâm nghĩ đến đây, thầm mắng mình một tiếng: "Xì! Mi đang nghĩ bậy nghĩ bạ gì thế, Thanh xà người ta chưa từng có ý với tướng công nhà nàng ấy mà."
Nàng thấy không ai chú ý đến vẻ mặt của mình, không khỏi lại suy nghĩ tiếp trong lòng: "Thanh xà đó ra sức trả công không lời than oán như vậy, thật sự chỉ xuất phát từ tình cảm tỷ muội ư? Nàng ấy... nàng ấy có bao giờ thích vị công tử Hứa Tiên đó không? Nếu nàng ấy thổ lộ tình ý với Hứa Tiên, tiểu thư lại có tình như thủ túc với nàng, Hứa Tiên có sẽ... có sẽ cưới nàng về hay không?" (TheJoker: nếu là mềnh mềnh cưới ngay! Kết em này sau mỗi Ấu Nương thoai hix)
.........
Đêm đã khuya, gió đã trở lớn, mặt nước nổi lên những bọt hoa sóng trắng, từng đợt từng đợt vỗ vào con thuyền cá nhỏ bé. Dòng cảm xúc của Cao Văn Tâm cũng bắt đầu giống như con thuyền nhỏ trên sóng, dập dềnh chao đảo.
Vầng trăng như lụa, sóng khẽ vỗ bờ, gió thu nhẹ thổi, ánh mắt mông lung. Con tim không rượu cũng say.
****************
Xa giá nghênh đón quan khâm sai đã đợi trên bến thuyền từ lâu. Mặt trời còn chưa xế núi, thái giám trấn thủ lương trà* Mạc Thanh Hà, thái giám trấn thủ dệt may Tô Hàng kiêm chưởng quản ngự dụng long y** Lý Đại Tường cùng thái giám trấn thủ thuế quan thủy bộ Viên Hùng đã dẫn đầu đám người ra sông đón đợi.
(*: lương thực và trà
**: quần áo hoàng thất)
Dương Lăng là xưởng đốc Nội xưởng, chuyện y xuôi Nam tuần tra trưng thu thuế má không can hệ với Tam ty lắm, nhưng thân phận của Dương Lăng hiện tại không thể coi thường. Vì vậy Bố chánh sứ, Án sát sứ và Đô chỉ huy sứ của Chiết Giang cũng chạy đến nghênh đón. Tri phủ Hàng Châu Dương Vu Anh là chủ nhà song lại bị chen lấn, đẩy dạt sang một bên.
Do sứ giả mau mồm mau miệng rao truyền tin Trương thiên sư cưỡi thuyền quan của Dương đại nhân cùng đến Hàng Châu, đám đạo trưởng của mấy đạo quán lớn ở địa phương cũng rất cao hứng đến bến thuyền chờ đón tổ sư gia, chen lấn đứng cùng đám danh nhân thân sỹ của địa phương.
Điển sứ, tuần kiểm mặt mày căng thẳng đang chỉ huy hơn trăm nha sai duy trì trật tự.
Đoàn long kỳ màu vàng sậm vừa đập vào mắt, đám người liền bắt đầu nhốn nháo. Ba đại thái giám trấn thủ và các vị quan lại vén áo bào chậm chậm bước xuống thềm đá, đi đến đầu bến. Thuyền lớn vừa cập bờ, đội chiêng trống do đám thân sỹ tổ chức liền nổi nhạc ầm lên, pháo nổ đì đùng không dứt, khắp nơi nhất thời mịt mù khói pháo.
Đạp ván xuống thuyền, hai bách hộ dẫn hơn trăm tay nha sai bước xuống thuyền trước, chia thành hai hàng hình cánh nhạn. Dương Lăng và Trương thiên sư vừa sánh bước xuất hiện, lập tức trên bến thuyền tiếng tung hô loạn lên:
- Hoan nghênh đề đốc nội xưởng, thị vệ thân quân khâm sai Dương đại nhân!
- Vô lượng thiên tôn, đệ tử cung nghênh thiên sư pháp giá quang lâm!
Trông thấy cảnh hỗn loạn đó, Trương thiên sư và Dương Lăng không khỏi nhìn nhau cả cười. Trương thiên sư lần này đến Hàng Châu với thân phận cá nhân nên không muốn dây dưa với phía quan lại lắm; thiên sư chỉ chào hỏi chuyện trò cùng các vị quan lại đến nghênh đón một lúc rồi dẫn em gái mình đến gặp đạo nhân và tín đồ của các đạo quán ở địa phương.
Trước mặt Dương Lăng là một đám quan viên đang khúm na khúm núm túm tụm vây quanh y. Thuế giám lương trà Mạc Thanh Hà Mạc công công đi đầu bước lên phía trước, mỉm cười thi lễ:
- Khâm sai đại nhân đi đường mệt nhọc, thật vất vả rồi. Ty chức Mạc Thanh Hà cùng Lý Đại Tường, Viên Hùng và quan viên của Tam ty cung nghênh đại nhân.
Dương Lăng quan sát hắn. Vị đại thái giám Mạc Thanh Hà này tuổi trạc tứ tuần, vóc người cao to, dáng vẻ đường đường. Mặc dầu hắn là công công trấn thủ địa phương, phẩm hàm không bằng đám công công của ty Lễ Giám trong kinh, nhưng có lẽ bởi không phải hầu hạ dưới chân thiên tử nên ngực hắn ưỡn cao, không như đám thủ lĩnh Ty lễ giám đầy quyền lực nhưng lưng vai lúc nào cũng quen khom cúi; khí chất phong độ ấy trông thật bất phàm.
Hai thái giám phía sau lại không bằng anh bằng em. Thái giám trông coi dệt may Lý Đại Tường da thịt trắng bủng, mày đen mắt híp, thực có mấy phần ẻo lả. Còn Viên Hùng cai quản ty thuế quan, kiêm nhiệm giám quân sứ giám sát mấy ngàn quân của Long Sơn vệ lại gầy gò nhỏ thó, cằm nhọn má hóp, mặc bộ quan bào rộng thùng thình, như thể gặp gió thổi liền sẽ bay lên trời vậy.
Hai người cũng vội vàng bước lên ra mắt Dương Lăng. Không những Dương Lăng là khâm sai, là xưởng đốc Nội xưởng, mà sau này còn là lãnh đạo trực tiếp của ba người. Ba ông chúa đất địa phương này dĩ nhiên sẽ khom lưng uốn gối ra sức bợ đỡ y rồi.
Đợi ba người vỗ mông ngựa một trận xong, Bố chánh sứ ty Ngưu đại nhân mới cùng hai vị đại nhân khác bước lên, cười nói với Dương Lăng:
- Cung nghênh khâm sai đại nhân! Dương đại nhân đi đường vất vả, chúng tôi đã bày tiệc rượu ở lầu Túy Tiên tiếp đãi tẩy trần cho đại nhân rồi. Mời đại nhân sang ngồi kiệu, chúng ta đến nơi sẽ nâng chén kính lời, thỏa sức no say.
Tuy các vị quan to địa phương này không sánh bằng mấy vị thái giám nọ, nhưng Dương Lăng cũng không dám vô lễ với bọn họ, y bèn vội ôm quyền từ tạ:
- Bản đốc phụng chỉ tuần tra, các vị đại nhân trăm bề bận rộn mà vẫn đến nghênh tiếp, thực khiến tại hạ sợ hãi. Thật ra tại hạ đi đường mệt mỏi, lúc này mong muốn nhất là được tắm rửa một hồi, nghỉ ngơi cho khoẻ, thật sự không muốn làm phiền đến các vị đại nhân.
Mạc Thanh Hà nghe vậy vội cười nịnh:
- Xưởng đốc đại nhân! Lầu Túy Tiên nằm ngay dưới chân núi Cô Sơn*, cách hành dinh khâm sai của ngài chỉ có một dặm đường. Các vị đại nhân đều có lòng tốt, xin xưởng đốc đại nhân chớ nên khước từ.
(* thực ra chữ “sơn” đã là núi rồi, nhưng nhóm dịch vẫn giữ nguyên “Cô sơn” để đọc khỏi thấy trỏng trỏng, giống như vẫn giữ “sông Hoàng Hà” vậy)
Dương Lăng nghe hắn nói vậy cũng không tiện từ chối quá mức. Chén tạc chén thù trên quan trường vốn là chuyện nể mặt mũi nhau, nếu như anh không đi, mặc dù tiết kiệm được tiền bạc cho người ta nhưng chắc chắn trong lòng người ta cứ vẫn không vui. Y đành mỉm cười đáp:
- Nếu như thế thì làm phiền các vị rồi.
Mạc công công vui vẻ kêu người lên thuyền đưa hành trang của Cao Văn Tâm và Dương Lăng về hành dinh, còn mình và các vị đại nhân và những nhân vật danh tiếng địa phương đi cùng Dương Lăng. Chỉ kiệu quan không đã là mấy chục cái, phía trước có đoàn gõ chiêng dẹp đường, đoàn người cuồn cuộn thẳng hướng đến lầu Túy Tiên mà đi.
Lầu Túy Tiên là tửu lâu nổi tiếng và xa hoa nhất Hàng Châu, nằm ngay dưới chân núi Cô Sơn. Tuy những tửu lâu xa hoa của kinh sư cũng rường cột chạm trổ, nguy nga lộng lẫy như thế, nhưng luận về ý cảnh sẽ không thể nào sánh được với nơi này. Dương Lăng bước vào tửu lâu mà như đang đi vào một lâm viên. Hành lang bên trong đình viện rộng lớn uốn lượn khúc khuỷu quanh co, hoa thơm chim hót. Trong sân có vài căn gác nhỏ tinh xảo độc đáo, thi thoảng vẳng ra những tiếng đàn du dương.
Hàng người đi qua ba khu lạc viện, men theo con đường nhỏ rải đá trắng tinh, vượt qua một chiếc cầu nhỏ nên thơ, xuyên qua một khu rừng trúc mới đến một căn gác nhỏ. Những cây trúc cao lớn che chắn làm nổi bật căn gác nhỏ màu hồng trong đó. Trúc xanh đong đưa giam hờ căn gác trong sự thanh tao tĩnh mịch, khiến người ta cảm thấy vui vẻ thoải mái. Dương Lăng vừa trông thấy, thân thể đang mệt mỏi lập tức phấn chấn lên.
Khi nãy trong kiệu y vẫn chưa kịp ngắm cảnh sắc Giang Nam, giờ chỉ cần nhìn thấy một góc này quả nhiên đã tựa như tiên cảnh. Mọi người bước vào gác, phân ngôi chủ khách an tọa. Còn chưa kịp chuyện trò, một hàng thiếu nữ váy trắng vải xanh, tà áo tung bay đã bưng trái cây và trà thơm lả lướt đi tới.
Váy áo tung bay, dáng người tha thướt, mắt như thu thủy, mày tựa núi xa. Những người con gái này dung mạo tịnh không phải tuyệt sắc thượng thừa, song hiếm thấy chính là ngũ quan đều tinh xảo như nhau. Từng cái nhíu mày, mỉm cười, mỗi bước đi, dừng lại đều mang theo sự ung dung dịu dàng đặc trưng của người con gái miền sông nước.
Nếu nói lâm viên nhìn thấy khi nãy là một phong cảnh thoát tục, thì những người con gái thướt tha như liễu lay trong gió này há chẳng phải cũng u nhã như vậy ư?
Dương Lăng nhìn mà không khỏi lộ ánh mắt tán thưởng. Mạc Thanh Hà trông thấy bèn đưa mắt nhìn sang Viên Hùng ngồi đối diện mỉm cười, rồi nâng chén lên mời:
- Xưởng đốc đại nhân từ phương Bắc đến, tất nhiên tửu lượng không tầm thường. Rượu Giang Nam có vị nhạt tinh thơm, mời đại nhân uống cạn ba chén trước! Hôm nay chúng ta không say không về!
Chú thích:(1) Rồng là một vật có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cái cổ của nó có cái vảy ngược dài một thước ta (3 tấc). Ai động đến thì bị nó giết ngay. Các vị vua chúa cũng có cái vảy ngược, kẻ du thuyết không sờ phải cái vảy ngược của vua chúa thì mới có thể là người giỏi. (trích ký lục Tư Mã Thiên)(2) nguyên văn Cơ Phong, là thuật ngữ thiền lâm, còn gọi là thiền cơ, là lời nói mang ngụ ý sắc bén, thâm ảo.
(3) Mười cảnh đẹp của Tây Hồ (西湖十景-Tây Hồ thập cảnh), được hình thành vào thời Nam Tống, chủ yếu nằm rải rác xung quanh Tây Hồ, thường được mô tả như sau:
Tô đê xuân hiểu: Buổi sáng mùa xuân trên đê Tô (do Tô Đông Pha đắp)
Liễu lãng văn oanh: Chim oanh hót trong bụi liễu
Hoa cảng quan ngư: Xem cá tại ao hoa
Khúc viện phong hà: Hương sen thổi nhẹ tại sân cong
Nam Bình vãn chung: Chuông chiều ở núi Nam Bình
Bình hồ thu nguyệt: Trăng mùa thu trên hồ yên bình
Lôi Phong tịch chiếu: Tháp Lôi Phong trong ánh sáng buổi chiều
Tam đàm ấn nguyệt: Ba đầm nước phản chiếu ánh trăng
Đoạn kiều tàn tuyết: Tuyết còn sót lại trên cầu gãy
Song phong sáp vân: Hai ngọn núi đâm vào mây (theo wiki)
(4) theo truyền thuyết, Đạt Ma sư tổ diện bích (quay mặt vào tường) tham thiền nhập định chín năm rồi viết nên Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh làm nên nền tảng võ thuật Thiếu Lâm, thế nên có câu "cửu niên diện bích" là vậy. Dương Lăng mượn câu nói này.