Nam Quốc Sơn Hà

Chương 47: Công cha, nghĩa mẹ

Tại căn cứ Nham-biền, Đại-Việt.

Ngày 19 tháng giêng năm Đinh-Tỵ, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077)

Trong khi trận Như-nguyệt, Vạn-xuân, Phú-lương diễn ra, thì hạm đội Bạch-đằng từ sông Lục-Nam tốc thẳng đến mỏm Nham-biền, rồi đổ quân lên.

Đạo thủy quân hạm đội Bạch-đằng, của đô đốc Trần An có nhiệm vụ đánh trại phía Đông, do hàng tướng Lưu Báo với gần năm vạn quân khê động Tống trấn đóng. Tuy bị bất ngờ, nhưng khoảng cách từ bãi sông tới trại tới sáu dặm (3km), khi thấy quân Việt đỗ bộ, quyân Tống còn đủ thời giờ báo động, sẵn sàng nghinh chiến. Thủy quân Việt rất thiện chiến, nhưng quân số chỉ bằng một phần năm quân Tống, nên khi tới nơi, đô đốc Trần An cho dàn trận cách xa hơn dặm, rồi dùng Lôi-tiễn bắn vào. Sau hai loạt nã Lôi-tiễn, trại Tống bốc cháy khắp nơi. Bấy giờ thủy quân mới công phá doanh trại địch. Cuộc chiến diễn ra cực kỳ ác liệt.

Ninh-viễn đại tướng quân, Dũng-Tâm hầu Tạ Duy với phu nhân Phương-Quế chỉ huy hiệu Vạn-tiệp đánh căn cứ Bắc Nham-biền. Trong căn cứ chỉ còn có năm chỉ huy tân-đằng-hải, cùng với thương binh, do một đô thống chỉ huy. Từ bãi sông đổ bộ đến căn cứ dài tới tám dặm. Khi quân Việt đổ bộ, Tống đã biết, chuẩn bị nghênh chiến. Quân tân-đằng-hải vốn không thiện chiến, thiếu phối hợp, lại chỉ bằng một phần tư hiệu Vạn-tiệp thì chống sao nổi? Quân Việt dàn ra, rồi đánh vào trại. Cuộc chiến không đầy hai khắc (30 phút) thì quân Việt đã tràn ngập. Hầu hết tân-đằng-hải đầu hàng.

Lập tức Tạ Duy sai chim ưng báo cho Trung-Thành vương biết. Không đầy nửa khắc sau, hầu được lệnh vương giúp thủy quân đánh trại Đông. Hiệu Vạn-tiệp reo lên, rồi tiến về phía Đông. Hai khắc sau hai đạo Vạn-tiệp, thủy quân bắt tay được với nhau.

Tạ Duy hỏi đô đốc Trần An:

– Đô đốc! Tình hình ra sao?

– Chúng chống trả mãnh liệt. Vì quân số mình ít, quân chúng đông mà thủ, nên tôi chỉ mới cho nã Lôi-tiễn mà thôi. Giặc cùng chớ đánh. Vậy chúng ta dọa cho chúng bỏ chạy, rồi đuổi theo tiêu diệt thì hay hơn. Bây giờ tôi đánh vào mặt Đông, tướng quân đánh mặt Bắc. Mặt Nam thì trại Tống bị hiệu Thần-điện đánh úp rồi. Vậy ta để hở mặt Tây cho chúng chạy.

Tạ Duy đồng ý. Hầu cho dàn quân đánh vào mặt Bắc. Còn phu nhân Phương-Quế chi huy Lôi-tiễn nã vào trại Tống. Hai đạo quân cùng nã Lôi-tiễn trong nửa giờ, thì toàn thể trại Tống biến thành một biển lửa. Bấy giờ cả hai mặt Đông, Bắc cùng đánh vào. Quân phòng thủ chống trả được hơn khắc, thì trại bị tràn ngập. Số đông quân Tống đầu hàng.

Lưu Báo đã biết chiến thhuật của Thiên-tử binh là không bao giờ mạo hiểm truy kích địch. Vì vậy y cho đội cung thủ đi đoạn hậu, còn tiền quân rút chạy về phía Như-nguyệt.

Bộ chỉ huy của Trung-Thành vương đi theo hiệu Thần Điện của Tuyên-vũ đại tướng quân Tín-Tâm hầu Triệu Thu với phu nhân Phương-Liễu, đánh trại Nam Nham-biền. Trại này do chính binh Tống trấn đóng. Nhưng chính binh đã xuất trận hết, trong trại chỉ còn bảo binh, thương binh, do tướng Giới-Định chỉ huy. Vì vậy khi thấy hiệu Thần-điện vừa dàn ra ngoài trại, đánh trống, rồi dùng Thần-nỏ nã Lôi-tiễn vào, thì bảo binh bỏ chạy. Thế là trại vỡ. Vương lệnh cho Triệu Thu đánh vào trại trung ương, nơi đặt tổng hành doanh, chứa lương của Tu Kỷ. Hiệu Thần-điên reo lên, rồi tiến về trung ương. Trại trung ương trống trơn, chỉ còn lại hơn năm trăm thương binh.

Tín-Tâm hầu Triệu Thu vừa chiếm được trại trung ương, còn đang kiểm kê kho đụn, thì Trung-Thành vương với vương phi tới. Hầu tường trình tự sự. Đúng lúc đó vương nhận được báo cáo của đô đốc Trần An, Ninh-viễn đại tướng quân Tạ Duy rằng đã chiếm xong căn cứ phía Đông. Bọn Lưu Báo, Giới Định rút chạy về phía Như-nguyệt.

Vương ra lệnh cho Triệu Thu:

– Em cùng Phương-Liễu khẩn đem Thần-nỏ, với bản bộ quân mã đuổi theo ngay, đừng cho chúng chạy thoát về Như-nguyệt. Ta tăng viện cho hai em hai cặp vợ chồng Lý Lục, Lý Thất, vì võ công Giới Định rất cao.

Hầu tuân lệnh điểm binh lên đường liền. Đuổi không đầy hai khắc, thì đã thấy tàn quân Tống đang chạy phía trước. Lưu Báo biết có chạy, cũng khó thoát thân. Y cho dàn quân ra ở chân núi, sẵn sàng nghênh chiến. Quân số của y còn ước hơn vạn, đông hơn hiệu Thần-điện nhiều.

Hầu nói với phu nhân:

– Em với Mai-Lục, Mai-Thất đánh vào bên trái; còn anh với Lý Lục, Lý Thất đánh vào bên phải.

Hiệu Thần-điện xung vào trận. Quân Tống tuy vừa bại trận, nhưng bây giờ lâm thế cùng đường, bắt buộc phải tử chiến. Hai bên giao tranh ác liệt. Quân Tống dựa lưng vào núi, nấp sau những phiến đá dùng cung tên chống lại, thành ra Thần-nỏ hóa vô dụng. Sau hơn hai khắc giao tranh, thì hàng ngũ Tống bắt đầu rối loạn. Cánh trái của Phương-Đơn đã chiếm được một phần sườn núi. Cuộc đánh cận chiến bắt đầu.

Giữa lúc đó, có tiếng ngựa hí, tiếng quân reo. Triệu Thu nhìn lại phía sau: Xa xa, một đoàn kị binh Tống dàn ra đang phi tới như bay. Phía trước thì quân của Lưu Báo, phía sau thì kị binh. Hầu hô lớn:

– Phải thanh toán bộ binh, chiếm sườn núi, bằng không thì kị binh tới sẽ nguy lắm.

Quân Việt tấn công ào ạt, nhưng kị binh tới nhanh quá. Hầu cầm cờ biến thế trận: Hiệu Thần-điện chia làm hai, quay lưng vào nhau chiến đấu. Phu nhân đánh quân Lưu Báo, còn hầu chống với kị binh.

Chân núi là khu đất bằng, kị binh dàn ra xung vào trận mạnh như thác đổ. Lập tức Thần-nỏ tác xạ. Nhưng kị binh phi đến gần tầm sát hại của Thấn-nỏ, rồi quay đầu phi ngược trở lại. Cứ như thế, sau hai loạt tên bắn vô ích, đến lần thứ ba thì kị binh Tống ào ạt chọc sâu vào phòng tuyến Việt phóng lao, bắn tên, tấn công thực sự. Hiệu Thần-điện vẫn can trương quay lưng vào nhau chiến đấu.

Hiệu Thần-điện trước đã đánh trại Nam, trại trung ương, rồi giao chiến với bộ binh Lưu Báo, sức giảm phân nửa, tên gần cạn. Bây giờ phải chống nhau với đội kị binh thiện chiến bậc nhất của Tống, nên sau hai đợt xung phong của kị binh, phòng tuyến bị cắt làm ba. Triệu Thu ra lệnh cho quân rút lên núi, tử chiến với bộ binh Tống, tránh mũi nhọn của kị binh.

Quân kị lại ào ạt xung phong, tên bắn như mưa, một mũi tên trúng giữa bụng hầu. Tuy đau thấm tâm can, nhưng sợ binh sĩ trông thấy, hầu rút kiếm cắt đứt đuôi tên, rồi xé vạt áo buộc bụng lại, sau đó tiếp tục đứng chỉ huy quân. Nhờ Lý Lục, Lý Thất võ công cao cường đứng đầu hàng quân chống với kị binh, nên hàng ngũ chưa đến nỗi loạn.

Nhìn lại phía trận của phu nhân, bất giác hầu kinh hãi rụng rời, vì phu nhân đang giao chiến với Lưu Báo, đầu tóc rũ rượi, có vẻ yếu thế lắm rồi. Mai-Lục đấu với Giới Định ngang tay. Còn Mai-Thất đang thay thế phu nhân chỉ huy quân chống trả.

Trong lúc quân Việt đang chiến đấu tuyệt vọng, thì bỗng kị binh Tống reo lên rồi rút chạy về phía Tây. Hầu kinh ngạc nghiến răng chịu đau quan sát: Từ phía Đông, hiệu binh Đằng-hải đang tiến đến như gió, bên trái Trần Ninh, Ngọc-Hương, bên phải Lý Ngũ, Mai Ngũ; Thần-nỏ chỉ bắn hai loạt, khiến mấy trăm kị mã ngã ngựa.

Một thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp tung người khỏi mình ngựa tiến về sườn núi. Chỉ nhấp nhô mấy cái, bà đã tới chỗ Phương-Liễu đang giao tranh với Lưu Báo. Bà rút kiếm đưa vào ngực y, y lộn người ra sau tránh, nhưng bà đã tung người theo, kiếm chặt y làm hai khúc. Thiếu phụ thấy Phương-Liễu đang ôm ngực thở hổn hển, bà hỏi:

– Có sao không em?

Phương-Liễu nhìn lại: Người cứu mình là vương phi Trinh Dung. Bà thở khò khè:

– Em bị trúng tên vào ngực trái, đã cắt chuôi.

Vương phi vội bồng Phương-Liễu lên, đưa lại chỗ Triệu Thu. Hầu ngồi dựa lưng vào phiến đá, cho Trần Ninh băng bó. Hầu hỏi phu nhân:

– Em! Có sao không?

– Em bị trúng hai mũi tên, một vào ngực trái, một vào bụng. Em cắt tên... máu ra nhiều... lại phải đấu với Lưu..ưu..ưu.

Đến đó phu nhân nghẹo đầu sang một bên. Hầu thét lên:

– Liễu! Liễu sao rồi?

Đến đó hầu giật lên mấy cái, rồi ngả đầu vào lòng phu nhân. Người ngoài đứng xa tưởng rằng đó là cặp tình nhân trẻ đang âu yếm nhau, đâu ngờ, họ đã cùng nhau ra đi, để về với thế giới vua Hùng, vua Trưng, trường thọ với non sông.

Về phía Mai-Lục đấu với Giới Định ngang tay. Định Thấy trận tuyến bên mình tan vỡ, y đâm đại một bát-xà-mâu rồi tung người lên cao chạy khỏi vòng vây. Nhưng khi y vừa đáp xuống, thì một thanh kiếm đưa vào cổ y, rồi có tiếng trong trẻo ra lệnh:

– Buông vũ khí đầu hàng, bằng không ta nhả kình lực.

Giới Định nhìn lại, thì ra Mai-Thất. Y chưa kịp phản ứng, thì Mai-Lục đã điểm vào huyệt Đại-chùy của y. Y tê liệt ngã xuống. Quân Việt trói y lại.

Ghi chú,

Tuyên-vũ đại tướng quân Tín-Tâm hầu Triệu Thu tuẫn quốc năm 26 tuổi, phu nhân Phàn Phương-Liễu tuẫn quốc năm 25 tuổi. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công phong cho hầu tước Anh-văn, Tuyên-vũ đại vương, phu nhân được phong Trang-Ninh quận chúa, truyền xây đền thờ. Trải qua biết bao lớp sóng phế hưng, cho đến nay (1995) sau 918 năm, đền thờ ngài vẫn còn tại xã Cung-nhượng, tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang, tỉnh Bắc-giang, nay là Hà-bắc. Độc giả muốn thâm cứu thêm về tiểu sử ngài, xin xem bài tựa, NQSH quyển 1, mục 7.2.3.

Trời đã về chiều.

Sau khi kiểm điểm lại nhân mã, tù binh; Trung-Thành vương cử đô thống Lý Lục, với phu nhân là Mai Lục thay thế Triệu Thu chỉ huy hiệu Thần-điện. Vương truyền lệnh cho hiệu Đằng-hải, Thần-điện dựa lưng vào chân núi đóng trại, rồi sai giải Giới Định lên. Quân vừa dẫn Giới Định vào, vương thân cởi trói cho y, rồi mời ngồi. Mặt Giới Định lạnh như tiền, y thản nhiên ngồi, không nói không rằng. Vương rót rượu, đem giò, chả, nem mời y:

– Giới tướng quân là tinh hoa của tộc Hán, võ công cao, văn chương nức tiếng Tây thùy. Tôi ở mãi miền thấp nhiệt này, mà cũng nghe danh Tương-giang túy khách.

Giới Định là một tướng võ, nhưng cũng như Trương Thế-Cự, y là một thi nhân có danh đương thời, với biệt hiệu là Tương-giang túy-khach. Bây giờ dù bị cầm tù, dù đối diện với tướng Đại-Việt, nhưng thấy kẻ đối đầu tỏ vẻ hâm mộ văn chương của mình, y cố giữ cái phong nhã:

– Đa tạ vương gia quá khen, Giới này thực xấu hổ. Vương gia khen tiểu tướng có võ công cao, mà lại bị bại về tay một thiếu nữ Việt. Còn văn chương nức tiếng, thì thực Giới không dám nhận. Này, không biết vương gia đã đọc những áng văn nào của tiểu tướng?

Miệng nói, y tiếp chung rượu từ tay Trung-Thành vương uống cạn, tay cầm đũa gắp nem (chả giò) ăn.

– Kiến văn của tôi hủ lậu lắm, sở dĩ tôi được nghe danh Tương-giang túy-khách là do một lần đứng hầu mẫu thân với cậu mợ út của tôi. Trong câu chuyện, cậu mợ không ngớt khen từ của tướng quân rằng: « Bảo rằng hùng tráng, thì cũng thực hùng tráng; bảo rằng tươi như hoa, như cỏ Xuân, thì cũng thực tươi ». Mợ út cứ khen bài « Túy ngọa Hy-hà »( Uống say nằm bên bờ sông Hy-hà) với bài « Điểu minh Xuân dạ » (Chim hót đêm Xuân), thì chỉ có thơ của Ngụy Võ-đế (Tào Tháo) là hơn được mà thôi.

Ghi chú,

Giới Định người đất Trường-sa, sinh giờ Tý ngày 29 tháng 9 năm Giáp-Tuất, nhằm niên hiệu Cảnh-hựu nguyên niên đời vua Tống Nhân-tông (1034), tự là Minh-Đạo, hiệu là Tương-giang túy khách. Thi tiến sĩ bị trượt, bỏ văn theo võ. Sau nhiều lần lập chiến công ở Tây-thùy lên tới chức đô-thống, rồi Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Trong khi theo Quách Qùy sang đánh Đại-Việt, bị bắt ở trận ngã ba sông Thương, sông Lục-Nam. Sau chiến tranh, Giới xin ở lại Thăng-long dạy học. Trong thời gian này, Giới kết hôn với một thôn nữ tên Bùi-thị Như-Phương, sinh được hai con trai. Niên hiệu Nguyên-hữu thứ tám đời vua Tống Triết Tông, nhằm niên hiệu Hội-phong thứ nhì đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt, Giới 60 tuổi (1093), dẫn vợ con hồi hương. Tác phẩm để lại có thi tập Tương-giang túy khách cảo lục, gồm 35 bài từ, 59 bài thơ. Thi tập này được hội Văn-học Trường-sa tái bản năm 1988. Năm 1990, tôi có dịp tiếp xúc với danh ca Giới Thu-Hoa, hậu duệ của Giới Định tại Nhạc-dương lâu bên bờ hồ Động-đình, nhờ đó tôi được đọc gia phả họ Giới. Kể từ Giới Định tới Thu-Hoa trải 33 đời.

Giới Định kinh ngạc:

– Không biết cữu phụ, cữu mẫu của vương gia là ai?

Trung-Thành vương lấy thanh trủy thủ mà Mai-Lục tịch thu được trên người Giới Định ra trao tận tay y:

– Là người đã ban thưởng cho tướng quân thanh trủy thủ này.

Giới Định bật người dậy:

– Thì ra vương gia là cháu Kinh-Nam vương. Hèn gì quân Giới Định này bị tan, thân Giới Định này bị bắt thì cũng là sự thường thôi.

Trung-Thành vương nói:

– Trước khi ra trận, cậu út tôi có dạy: Binh tướng Tống đều là thủ hạ cũ của cậu mợ. Chẳng may Hy-Ninh hoàng đế tin dùng ma pháp của tên cẩu nho Vương An-Thạch, mà bị đẩy vào vòng chiến với Đại-Việt. Vậy khi ra trận, tuyệt đối tránh chém giết. Nếu bắt được tù binh thì phải đối xử tử tế, rồi đưa về Thiên-trường cho cậu mợ nuôi. Đợi hết chiến tranh, cậu mợ sẽ đưa về Tống, như vậy bọn mặt dơi tai chuột không dám kết tội rồi giết cả nhà như tù binh thời vua Thái-tông bị bắt ở Chi-lăng, Bạch-đằng.

Giới Định chắp tay hướng Trung-Thành vương vái ba vái:

– Đa tạ Kinh-Nam vương, đa tạ Thái Công-chúa, đa tạ vương gia.

Chợt thấy Mai-Lục, Mai-Thất đứng hầu sau vương phi Trinh Dung, Giới Định hỏi:

– Giới này bị bại về tay hai tiểu cô nương mà trong lòng còn ấm ức. Cứ như con mắt của Giới này, thì nhị vị cô nương chưa quá cái tuổi đôi mươi, mà sao công lực lại cao thâm đến như thế?

Vương phi Trinh-Dung đáp bằng giọng cực kỳ ôn nhu:

– Để tôi giới thiệu với Giới tướng quân, hai nữ tướng này khuê danh là Mai Lục, Mai Thất...

Giới Định bật lên tiếng than:

– Hỡi ơi! Tiểu tướng đã bại về tay hai trong Thập-bát Kim-cương, ái đồ của Mộc-tồn hòa thượng thì không ân hận gì nữa.

Sau khi khoản đãi Giới Định cùng một số tướng sĩ bị bắt, Trung-Thành vương truyền đem tất cả tù binh chở về Thiên-trường trao cho Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu.

Vương phi Trinh-Dung bàn:

– Triệu Thu, Phương-Liễu tuẫn quốc, em đề nghị cho Lý Lục, Mai Lục thay thế chỉ huy hiệu Thần-điện. Tinh thần binh tướng hiệu này đang giao động. Vậy ta nên cho hiệu này về trấn chiến lũy Vạn-Xuân, đem hiệu Long-dực đến đây thay thế.

– Được. Để anh viết thư cho Chiêu-Văn, báo tình hình.

Chiều hôm sau, tức ngày 20 tháng giêng, Dương Minh, Phương-Cúc, cùng hiệu Long-dực tới. Trung-Thành vương cử Lý Thất, Mai-Thất làm phó thống lĩnh cho Dương Minh, Phương-Cúc.

Vương ra lệnh:

– Chim ưng của Khu-mật viện báo cho biết, chiến tuyến Như-nnguyệt bị vỡ. Vậy chúng ta phải tiến thực mau, uy hiếp hậu cứ Như-nguyệt của Tống, bằng không Thăng-long nguy mất. Ta đã cho hạm đội Bạch-đằng chở hiệu Vạn-tiệp theo sông Cầu đi sau hạm đội Thần-phù giả tiến về Như-nguyệt. Vậy bây giờ hiệu Đằng-hải đi làm tiền đội, hiệu Long-dực đi làm hậu đội tiến về Như-nguyệt. Khi còn cách Như-nguyệt năm chục dặm, ta đóng quân lại để uy hiếp hậu cứ Quách Qùy, bắt y phải rút quân từ chiến lũy Như-nguyệt về. Như vậy công chúa Thiên-Ninh mới có thể tái chiếm chiến lũy.

Quân tướng rầm rập, rầm rập lên đường.

Tại phía Nam chiến lũy Như-nguyệt, Đại-Viêt.

Đúng lúc đó (19 tháng giêng), Quách Quỳ vừa chiếm được chiến lũy Như-nguyệt. Tuy vượt qua song, nhưng tất cả 30 đạo binh triều đều bị tổn thất nặng, duy kị binh thì tinh lực còn nguyên.

Quách Quỳ họp chư tướng lại ban lệnh:

– Giặc mới bị thua, nhân lúc chúng bàng hoàng, ta ở thế thắng như chẻ tre, đánh như sét nổ, khiến chúng không kịp trở tay. Từ đây về Thăng-long toàn đồng bằng, vậy chư tướng có ý kiến gì?

Triệu Tiết thấy Quách Quỳ thành công, y dọa già:

– Tuy chỉ có quãng đường năm mươi dặm, nhưng không phải dễ dàng đâu. Đường Như-nguyệt, Thăng-long có ba khúc, ta phải thanh toán từng khúc một. Khúc thứ nhất, Như-Nguyệt tới rừng tre, hai bên đường có mười tám xã. Khúc thứ nhì từ rừng tre đến Cổ-pháp nơi có lăng tẩm triều Lý là vòng đai phòng thủ Thăng-long. Giao-chỉ có trọng binh tại đây; khúc này có tới hai mươi bốn xã. Khúc cuối cùng từ Cổ-pháp tới Thăng-long cũng có trọng binh với ba mươi sáu xã.

Quỳ vui mừng:

– Hay! Ta cho quân vào xã bắt hoàng nam làm dân phu, lấy lương cho binh sĩ ăn.

Tiết cười, mỉa mai Quách Quỳ dốt nát:

– Xã ở vùng đồng bằng đều bao bọc bởi một lũy sống, dầy tới ba bốn trượng, muốn chặt lũy mà vào, e tốn công, tốn sức không ít. Xã thông với bên ngoài bằng hai tới năm cổng, với những con đường nhỏ nằm giữa ruộng lầy lội. Mỗi xã đều tổ chức thành một chiến lũy, tại các cổng đều có hệ thống phòng thủ, do hoàng nam, hoàng nữ trấn giữ. Bọn này được huấn luyện võ nghệ, xung phong, hãm trận rất công phu. Lương thảo của quân Giao-chỉ đều do các xã cất giữ. Ta muốn có phu, có dân phu để khuân vác; muốn có gạo thịt, tôm cá, rau dậu cho quân ăn; muốn có cỏ non cho ngựa... thì bằng mọi giá phải đánh chiếm mười tám xã trước đã.

Gì mà Quỳ không hiểu ý Triệu Tiết. Y giận cành hông, nhưng phải nuốt hận ban lệnh cho Vũ-kị thượng tướng quân Trương Thế-Cự:

– Thiết kỵ là sức mạnh vô địch, Trương tướng quân cứ thẳng tiến về Thăng-long, bỏ lại tất cả các đồn ải dọc đường. Các đồn ải tôi sẽ cho bộ binh tiến đánh cùng một lúc. Còn các xã thì ta dùng các chỉ huy tân-đằng-hải đánh. Nội chiều hôm nay, kị binh phải tới Thăng-long. Ngay khi tới nơi, cho thiết kị đi đi, lại lại quanh thành dương oai diễu võ làm cho vua tôi Giao-chỉ sợ hãi. Đêm thì dùng mã não, hoàng thạch bắn vào đốt nhà, dinh thự. Nhưng phải đợi bộ binh tới rồi mới đánh thành.

Trương Thế-Cự hỏi:

– Ví thử Càn-Đức, Yến-Loan, Thường-Kiệt đầu hàng hay bỏ chạy thì tôi phải phản ứng ra sao?

– Trường hợp chúng đầu hàng, thì một mặt tướng quân nhập thành, trấn các cửa, rồi sai sứ khẩn báo cho tôi biết. Còn như chúng bỏ chạy, thì bằng mọi giá phải đuổi đến cùng.

Quỳ nhấn mạnh:

– Trong khi kỵ binh vượt đường về Thăng-long, thì ta dùng quân tân-đằng-hải giải quyết các xã dọc đường. Trong mỗi xã, số hoàng nam cao nhất là ba chục, đến một trăm. Mỗi chỉ huy tân-đằng-hải của ta có tới năm trăm người. Mỗi xã ta dùng hai chỉ huy đến bao vây, rồi gọi loa chiêu dụ. Chiêu dụ không xong thì đánh chiếm.

Quỳ gọi Triệu Tiết:

– Tôi phối trí tại Nam ngạn Như-nguyệt sáu đạo binh tinh nhuệ nhất, chưa bị tổn thất, đó là các đạo 10, 11, 12, 13, 14, 15 và ba mươi sáu chỉ huy tân-đằng-hải. Tướng quân cùng các tướng Diêu Tự, Bình Viễn, Vương Tiến dùng binh triều giữ Nam ngạn sông Như-nguyệt, dùng tân-đằng-hải tiến đánh các xã hai bên đường từ đây tới rừng tre. Đánh xong, bắt hết hoàng nam hoàng nữ xung làm dân phu.

Quỳ gọi ba tướng Miêu Lý, Lưu Mân, Đặng Trung:

– Phía sau rừng tre là châu Cổ-pháp, có lăng tẩm của triều Lý. Chắc chắn bọn Giao-chỉ sẽ cho những cao thủ bậc nhất thủ tại đây đánh cảm tử. Trong tất cả chư tướng Nam chinh, thì ba vị có võ công cao nhất, vậy ba vị hãy đem quân đi sau đạo kị binh. Trước chiếm Cổ-pháp để uy hiếp Càn Đức, sau đó tiến về Thăng-long.

Miêu Lý đặt vấn đề:

– Trong trận đánh vừa rồi, ba mươi đạo quân triều đều hao hụt quá nửa. Vậy bây giờ đem đạo quân nào đi?

– Tôi đã kiểm điểm rồi. Chín đạo binh bị hao nhưng tinh lực chưa đến nỗi kiệt quệ. Vậy các vị hãy đem bảo binh bổ xung sáu đạo 4, 5, 6, 7, 8, 9, rồi lên đường ngay.

Miêu Lý, Lưu Mân, Đặng Trung lĩnh mệnh.

Triệu Tiết hỏi:

– Trong ba người, ai làm chúa tướng?

Quỳ chỉ Miêu Lý:

– Miêu tướng quân có đẳng trật cao nhất. Vậy Miêu tướng quân làm chúa tướng.

Quỳ vẫn để nguyên tổng hành doanh ở Bắc-ngạn sông Như-nguyệt, ý định chờ tin tức hai cánh Phú-lương, Nham-biền rồi mới cho sang sông.

Trương Thế-Cự xua kị binh ruổi trên con đường cái quan hướng về Thăng-long.

Cự là một tướng kị binh tài kiêm văn võ, ưu tú nhất của Tống. Cách đây hai mươi năm, khi mới nhập ngũ, với tuổi mười chín; nhờ võ công cao cường, lại có học thức, y được Kinh-Nam vương trọng dụng. Sau thời gian huấn luyện ở trường kị binh, vương cho y giữ chức lượng trưởng (coi 25 kị binh) và chú ý nâng đỡ. Nhờ những chiến công hiển hách trong các trận đánh với Tây-Hạ, Bắc-Liêu, y được thăng chức liên tiếp, dần dần tới Vũ-kị thượng tướng quân, tước tới Vũ-Dương hầu (Tương đương với ngày nay là tư lệnh kị binh).

Trong thời gian ở Tây-thùy, mỗi khi nghe thấy một võ lâm đồng đạo bị kết tử hình, tù đầy, lập tức Cự thượng biểu xin ân xá tội nhân, trao họ cho Cự, để đánh giặc lập công. Hóa cho nên, cạnh Cự, lúc nào cũng có hàng trăm cao thủ võ lâm đi theo. Tuy vậy đám võ sĩ này mới chỉ có những cao thủ bậc nhất, toàn loại đầu trộm đuôi cướp, chứ loại thượng thừa thì không có. Lúc quân lên đường, Cự năn nỉ Quách Quỳ cho một cao thủ thật uy tín, vào hàng đại tôn sư để chỉ huy bọn này. Quỳ sai đại sư Pháp-Tuệ thủ tọa Đạt-Ma chùa Thiếu-lâm đường đi theo Cự, nhưng dặn kỹ chỉ xuất hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Tuy là tướng võ, nhưng Cự bị ảnh hưởng của Kinh-Nam vương, nên luôn luôn tỏ ra ôn nhu, văn nhã. Trong thời gian ruổi ngựa ở biên thùy, y sáng tác được rất nhiều bài từ chứa đựng tình cảm dào dạt, bi hùng của một người yêu nước. Đầu thời Nam-Tống, thời Thiệu-Hưng, nhà vua cho sưu tầm, in thành tập, mang tên Hy-giang túy ngoạ. Hy-giang hay Hy-hà là con sông lớn thuộc Tây-Hạ, sát với Tống. Đây là vùng đất mà Tống Thần-tông khởi khai chiến với Tây-hạ, sai Kinh-Nam vương đánh chiếm. Túy là say, ngọa là nằm. Ý lấy trong thơ Đường « Túy ngoạ sa trường quân mạc vấn. Do lai chinh chiến kỷ nhân hồi ». Nghĩa là « Say nằm bãi cát hỏi chi? Xưa nay chiến trận mấy khi trở về ».

Trương Thế-Cự cùng đoàn kị mã phi được hơn mười dặm, Nguyễn Dư chỉ về hướng Nam nói với y:

– Phía trước, chỗ có nhiều nhà trắng, ngói đỏ là làng Đình-bảng, thang mộc ấp của triều Lý, có lăng tẩm ba đời vua Lý. Nếu chiếm được Đình-bảng, quật mồ các vua Lý lên, thì từ trong triều tới ngoài trấn đều rúng động.

Cự lắc đầu:

– Đem binh sang cướp nước ta là bọn Lý Nhật-Tông, Lê-thị Yến-Loan, Lý Thường-Kiệt, Tôn Đản. Ta cần tới Thăng-long bắt chúng đem về cho triều đình trị tội; chứ ông bà, cha mẹ chúng không liên hệ gì. Vậy ta chỉ chiếm Đình-bảng, để uy hiếp triều Lý, chứ nhất định không đụng đến nơi an nghỉ của người quá cố. Nếu ta quật mồ tổ tiên họ Lý thì chẳng hóa ra ta là bọn tà ma, bọn thú vật sao?

Cự đưa mắt nhìn phía trước, tay mở tấm bản đồ vẽ bằng lụa: Chỉ cần qua khu rừng tre nữa là tới Đình-bảng. Sau Đình-bảng, một khắc (14 phút) sức ngựa sẽ tới Thăng-long.

Y truyền lệnh cho đạo kị mã chậm gót lại, rồi sai một đội tiền phong đi trước thám sát. Lát sau viên đội trưởng trở lại báo: Trong rừng tre, có nhiều đường thông qua rất rộng. Xe ngựa có thể đi hàng ba.

Cự truyền cho sư kị đệ nhất tiến trước. Sư đệ nhất rầm rộ vượt qua rừng như sóng vỡ bờ thực dễ dàng, không một bóng người, không một ụ đất cản trở. Viên sư trưởng sai thám mã trở lại báo tin. Cự hạ lệnh: Tiếp tục tiến về Thăng-long.

Sau khi ban lệnh, Cự mừng run lên:

– Biết bao nhiêu tâm huyết của triều đình, của trăm vạn quân, chỉ còn một khắc sức ngựa nữa là tới ổ giặc.

Cự lên ngựa, dẫn đầu sư đệ nhị vượt rừng, sai sư đệ tam đi đoạn hậu. Cự ra roi cho ngựa chạy bon bon qua cánh đồng lúa non, tới rừng tre. Trong rừng toàn loại tre già, sắc vàng cao vút từng mây. Đường đi bằng phẳng, rộng rãi. Cứ mỗi lần gặp những con đường nhỏ cắt ngang, Cự dừng ngựa quan sát thực kỹ, khi biết chắc không có dấu vết phục binh; y mới tiếp tục cất vó.

Tới khoảng giữa rừng, thì phía trước có con đường lớn theo hướng Đông-Tây cắt ngang con đường Nam-Bắc mà Cự đang đi.

Thình lình có ba con trâu lồng, trên lưng mỗi con đó một người cỡi. Một trong ba người cầm tù và thôi tu tu... chạy theo con đường Đông-Tây, vọt qua ngã tư, rồi biến mất. Cự ra roi cho ngựa xẹt tới, nhìn theo ba con trâu, thì chỉ thấy con đường xa thẳm, hai bên đường đầy hoa Xuân, cỏ mướt xanh. Còn trâu thì đã biến mất.

Biết rằng ba con trâu đã rẽ vào con lộ nào đó, Cự ra lệnh dừng quân, rồi truyền một tên đội trưởng dẫn mười kị binh, truy tầm tung tích. Sư kị đệ tam cũng vừa đến. Quân ùn lại trong rừng.

Cự chột dạ nghĩ thầm:

– Trong binh pháp, kị binh sợ nhất là gặp đồng lầy, và rừng rậm. Ta không nên ở đây lâu.

Tuy vậy, thấy sư đệ nhất đã vượt qua vô sự, y tự tin một phần nào. Hai sư đệ nhị, đệ tam dàn thành hàng dài bốn dặm, đang dừng vó, lỏng buông tay khấu, cho ngựa gặm cỏ non bên đường.

Cự nghĩ thầm:

– Suốt thời gian qua, ở Bắc-ngạn có bao nhiêu cỏ tươi, ngựa ăn hết rồi; hơn mười ngày nay, ngựa ăn toàn cỏ khô. Nay gặp cỏ xanh non thế kia, chiến mã ăn vào chắc dễ chịu lắm.

Đội thám thính đi khoảng hai dặm, thì dường như thấy điều gì kỳ lạ, nên rẽ vào con đường bên phải mất hút.

Hơn khắc sau, không thấy đội thám thính trở về, Cự lại sai một đội nữa đi tìm. Nhưng cũng như đội trước, không thấy đội thứ nhì trở về. Sốt ruột, Cự thân dẫn trăm kị binh đi tìm hai đội trước.

Khi đến chỗ rẽ, y dừng ngựa lại quan sát: Trước mặt y, con đường nhỏ sâu hun hút, không một bóng người. Sợ bị trúng phục binh, Cự quay ngựa trở về chờ đợi.

Khoảng hai khắc sau (30 phút ngày nay) hai đội thám thính đầu tiên bị mất tích bây giờ xuất hiện ở phía Nam, đang phi như bay trở về, ngược chiều với sư kị đệ nhị. Viên sư trưởng phất cờ ra lệnh cho chúng đi chậm lại. Hai đội thám thính như không thấy hiệu lệnh của chủ tướng, vẫn phi nước đại.

Viên sư trưởng cảm thấy có gì bất tường, y quát lên:

– Cản lại!

Một đội đao thủ dàn ngang qua đường. Hơn hai chục con ngựa thấy bị cản trở, chúng hí lên inh ỏi, hai vó trước cất cao lên, hất hai mươi hai kị mã xuống đất. Lạ thay, đám kị mã đều nằm đứ đừ, bất động.

Bấy giờ viên sư trưởng mới nhận ra, đó không phải là lính của y, mà chỉ là những bộ quân phục mặc vào hình nộm. Như vậy hai đội kị mã thám sát lành ít dữ nhiều.

Trương Thế-Cự đã nghe thuật về những trận đột kích, những mưu kế vô cùng tận của mười hai đại tướng trẻ Đại-việt trong các trận đụng độ ở Bắc-cương; lại cũng thấy lối đánh táo bạo trong lần đột kích đêm giao-thừa; rồi lối đánh thí mạng, khiến Tống phải đổi mười mạng lấy một mạng trong trận đánh chiến lũy Như-nguyệt. Bây giờ, y là người trong cuộc, bị trúng kế. Nhưng y không biết đối thủ là ai? Định làm gì? Muốn gì?

Từ phía Nam, một chiếc xe bốn ngựa khoan thai đi tới. Người đánh xe là một thiếu nữ trang phục quận chúa của Tống, áo tím, xiêm trắng; khăn, dây lưng mầu xanh lá cây. Thiếu nữ tuổi khoảng mười lăm mười sáu, đôi mắt đen lay láy, sáng long lanh, hợp với khuôn mặt thực khả ái. Ngồi giữa xe là một thiếu nữ, rất khó đoán tuổi, mặc áo vàng, quần đen, khăn choàng cổ, dây lưng mầu hồng. Phía sau ghế của thiếu nữ áo vàng có sáu thiếu nữ nữa đều mặc áo tím, quần đen; khăn, dây lưng xanh như thiếu nữ đánh xe. Sáu thiếu nữ xử dụng sáu nhạc khí, đang tấu một bản nhạc êm dịu, dìu dặt, nhẹ nhàng. Cự nhận ra đó là bản nhạc ở vùng Trường-sa, hồ Động-đình, chứ không phải nhạc Việt.

Trương Thế-Cự nghĩ rất nhanh:

– Bọn con gái này là ai, đi ngược chiều với sư một kị, mà sao không bị cản trở? Chúng là con gái, mà dám ruổi xe đi giữa trận tuyến, ắt không phải là bọn tầm thường. Có lẽ chúng mới từ trong rừng ra làm trò ma, trò quỷ gì đây?

Y sai quân cản lại, rồi hỏi:

– Các người là ai?

Thiếu nữ đánh xe cười rất tươi:

– Ta ấy à? Ta họ Trần-Triệu, tiểu danh Minh-Thúy. Còn người, có phải người là Vũ-kị thượng tướng quân, Vũ-Dương hầu không?

Thấy một cô gái dáng dấp ngây thơ, nói tiếng Biện-kinh rất rõ ràng, lại biết chức tước của mình, nhưng nói bằng giọng hách dịch, xưng ta gọi mình là người ; Thế-Cự cho rằng nàng là công chúa, quận chúa Đại-Việt đây. Y cung tay hành lễ:

– Không dám, chào Trần-Triệu cô nương. Trên đường đi cô nương có gặp đội thiết kị của tôi không?

Y chỉ tay vào thiếu nữ áo vàng:

– Không biết cô nương đây phương danh quý tính là gì?

Minh-Thúy nghiêng nghiêng đầu hỏi lại Thế-Cự:

– Đây là một nữ nhân nức tiếng thiên hạ vì lắm tiền nhiều của, mà trong tay không có một đồng. Trương hầu mà đoán được cô ta là ai thì ta sẽ trả lời câu hỏi của hầu.

Trương Thế-Cự nhìn thiếu nữ áo vàng: Thực là một người đẹp, mà trọn đời y chưa từng thấy ai có thể so sánh. Đúng như Minh-Thúy nói, thiếu nữ trang phục rất giản dị, trên người không một chút nữ trang. Y đáp bằng lời của một văn nhân:

– Dễ quá! Hôm qua, Hằng-Nga trên cung Quảng mới cỡi hạc giáng trần, thì chắc là cô nương đây. Có đúng không?

Thiếu nữ reo lên:

– Trương tướng quân đoán sai rồi! Y không phải Hằng-Nga đâu, y là cháu ta đấy. Y họ Lý, nhũ danh An-Quốc, sắc phong Thiên-Ninh công chúa.

Đám kị binh cùng bật lên tiếng reo lớn, vì cái tên Bà-chúa-kho nức tiếng Hoa-Việt từ lâu. Trong khi Trương Thế-Cự thấy thiếu nữ bảo công chúa Thiên-Ninh là cháu, thì dường như nàng là bà con với thân mẫu công chúa.

Cự cung tay hướng công chúa Thiên-Ninh:

– Vũ-kị thượng tướng quân, Vũ-Dương hầu Trương Thế-Cự xin bái kiến công chúa điện hạ. Tiểu tướng nghe công chúa lánh xa chốn bụi trần, cho nên nay tuổi gần ba mươi mà vẫn còn là khuê nữ. Tiểu tướng còn nghe nói, công chúa phụ trách lương thảo của toàn quân Giao-chỉ, được người đời tôn là Bà-chúa-kho. Không biết hôm nay đại giá công chúa đi đâu đây? Không lẽ công chúa lại đến đây giao chiến với tiểu tướng?

Nguyễn Dư nói nhỏ:

– Tướng quân phải cẩn thận, chúng ta đang tiến vào vòng đai bảo vệ Thăng-long, mà y thị tổng chỉ huy vòng đai này. Vì cái dáng xinh dẹp, nói năng nhu nhã của thị mà hồi đánh Chiêm, đánh sang Trung-quốc, các tướng Chiêm lẫn Trung-quốc bị mắc mưu y thị mà mất mạng đấy.

Trương Thế-Cự nói ngang:

– Vì dù ta được ôm con nhỏ này ngủ một đêm, rồi có tan xương nát thịt cũng cam lòng. Người câm cái mõm lại.

Công chúa Thiên-Ninh vái dài:

– Đánh nhau với Trương tướng quân là chư tướng Đại-Việt. Còn tôi, tôi chỉ biết nuôi người chứ không biết giết người. Từ hôm Quách nguyên soái đem quân sang đến giờ, quân Tống bị bắt ở Bắc-biên có tới hơn vạn, tôi đều tiếp đãi nuôi nấng đầy đủ. Hôm nay nghe phòng tuyến Như-nguyệt bị vỡ, Quách nguyên soái sai Trương tướng mang kị binh đi trước, tôi vội ra đón đường để cứu hơn vạn chiến mã Tống!

–???

Công chúa chỉ vào thảm cỏ non bên đường:

– Cỏ xanh đẹp thế này, nhưng là cỏ kịch độc; nếu chiến mã phương Bắc ăn vào thì không chết cũng bị bệnh. Vì vậy muốn cứu đàn ngựa chiến, tôi mạo muội đón Trương tướng quân, để báo cho tướng quân rõ mà lệnh cho kị binh không nên để ngựa ăn cỏ độc này. Nhưng dường như trễ rồi thì phải.

Trương Thế-Cự cau mày:

– Công chúa có đùa không? Cỏ nào chả là cỏ, loại cỏ này ở Hy-hà cũng có, ngựa ăn vào có sao đâu?

Viên sư trưởng nghe nói, nhảy xuống ngựa vặt một đám cỏ đưa lên ngửi. Y kinh hoàng, vì có mùi thơm thơm khác thường. Y nói với Trương Thế-Cự:

– Cỏ có độc thực!

Đến đây kị binh mới nhận thấy đoàn chiến mã đang ở trạng thái kỳ lạ: Nước mắt dàn dụa, miệng mở lớn sùi bọt, trong khi bốn vó run run như muốn ngã.

Trương Thế-Cự kinh hoảng, y cung tay hỏi công chúa Thiên-Ninh:

– Xin công chúa ban thuốc giải để cứu bầy ngựa. Tiểu tướng nguyện không quên ơn.

Minh-Thúy nhoẻn miệng cười:

– Thuốc trị cỏ độc, chỉ Thái-y viện mới có. Mà Thái-y viện ở Thăng-long kia. Vậy Trương tướng quân đi với ta về Thăng-long. Ta sẽ xin thuốc cho.

– Ngựa bệnh như thế này, làm sao chúng tôi về Thăng-long được?

– Vậy ta xin cáo từ về Thăng-long lấy thuốc. Nếu chậm trễ, chỉ nửa ngày sau chúng sẽ chết hết.

Nàng than một mình bằng tiếng Việt:

Công cha như núi Thái-sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Thôi đành vậy.

Nói rồi Minh-Thúy ra roi, chiếc xe ngựa quay đầu trở lại. Thế-Cự đưa mắt cho đội võ sĩ.

Bốn tên võ sĩ hộ vệ bên Trương Thế-Cự tên Đông, Tây, Nam, Bắc. Chúng nổi tiếng thần quyền vô địch trong các trận đánh với Tây-Hạ. Được lệnh Thế-Cự chúng tung mình lên cao, đáp xuống trước xe, mỗi người chụp đầu một con ngựa ghì lại. Bốn con ngựa hí lên inh ỏi, không cất nổi vó.

Thiếu nữ áo tím nhỏm người dậy, nàng vung roi ngựa lên, bốn tiếng véo, véo, véo, véo bốn võ sĩ bay bổng lên cao, rồi rơi chổng ngược đầu xuống vũng bùn bên đường. Bùn ngập tới ngang lưng, còn lại hai chân đạp loạn xạ. Các võ sĩ Tống vội nhảy xuống lôi bạn ra khỏi vũng bùn. Bốn tên võ sĩ đầu, mình đầy bùn. Chúng ngoác miệng ra chửi:

– Tổ bà con lỏi đánh trộm.

Chúng tung mình lên ngựa định đuổi theo, nhưng xe đã đi xa, chỉ còn tiếng đàn, tiếng tiêu, tiếng phách, tiếng trống vọng lại. Phút chốc, chiếc xe đã mất hút trên con đường cái quan đầy hoa thơm mùa Xuân.

Nhìn gương mặt, tiếng nói, cùng thủ pháp của thiếu nữ áo tím, Trương Thế-Cự thấy rất quen thuộc, rất uy nghiêm, mà trong nhất thời, y không tìm ra mối liên hệ của nàng với mình. Trong lòng y nảy ra một mối lo nghĩ, mà y không hiểu tại sao?

Giữa lúc Trương Thế-Cự hoảng hốt, lòng rối như tơ vò, thì từ phía trước, mấy kị binh sư đệ nhất y phục tả tơi phi ngựa ngược chiều với đoàn quân. Mấy viên kị binh thấy Trương Thế-Cự, vội ghì cương cho ngựa dừng lại.

Cự hỏi:

– Cái gì đã xẩy ra?

Viên tốt trưởng mặt đầy máu đáp bằng giọng kinh hoàng:

– Hổ, báo, voi! Thần-nỏ! Chết hết rồi!

Hai hàm răng của y đánh vào nhau lập cập:

– Xin tướng quân chuẩn bị, chúng sắp tới bây giờ.

Nói đến đây, vì máu ra nhiều quá, y ngã lăn xuống đất. Hai kị mã khác đỡ y dậy, nhưng mắt y trợn trừng. Y chết rồi.

Trương Thế-Cự hỏi mấy kị mã còn lại:

– Tại sao lại ra nông nỗi này?

Một kị mã tường thuật:

– Sư đệ nhất vượt khỏi rừng tre, phi như bay tiến về Thăng-long. Khi qua một khúc đường nhỏ, chạy giữa khu đồng lầy lau sậy, thì một tiếng pháo nổ lớn, rồi hai bên đường, nào hổ, nào báo, nào voi xông ra tấn công. Ngựa thấy hổ, báo thì kinh hãi lồng lộn chạy quàng vào đồng lầy lau sậy, rồi bị mắc lầy chôn vó. Thoáng một cái hơn nửa ngựa bị hổ, báo, sói cắn bị thương, bị chết. Rồi một đội tiễn thủ xuất hiện. Tiễn công của bọn này thực kinh khủng, mũi tên dài bọc thép, tầm bắn xa gấp đôi kị mã của ta. Tiếp theo một đạo binh hùng dũng vừa thét lên, vừa xông ra. Bộ binh, tiễn thủ vừa đâm chém, vừa bắn tên. Không đầy một khắc, trọn sư đệ nhất bị chết hết. Chúng bắt ngựa đem đi.

– Sao các người lại thoát về được?

– Dạ, viên nữ tướng chỉ huy đội tiễn thủ tha cho bọn tiểu nhân về. Y thị... Y thị nhắn rằng: Nếu tướng quân có còn là con người thì hãy tiến lên, thị sẽ... thị sẽ bắt tướng quân giam vào cũi... cũi chó.

– Người có biết nữ tướng đó là ai không?

– Không! Chỉ biết y thị với chồng đi dưới cây cờ mầu hồng nhạt, thêu con rồng kim tuyến óng ánh.

Nguyễn Dư nói:

– Thưa tướng quân, nếu đúng như vậy thì chúng ta đang ở phòng tuyến cuối cùng của Giao-chỉ, tức phòng tuyến bảo vệ Thăng-long. Đội tiễn thủ bắn sư đệ nhất có tên Thần-tiễn Long-biên. Đội Thần-tiễn Long-biên khoảng 500 người. Tên nào võ công cũng cao cường, nên chúng bắn xa gấp đôi chúng ta, trăm phát trăm trúng. Căn cứ vào lá cờ hồng thêu rồng vàng, thì đạo binh phục kích là hiệu Ngự-long do Long-nhương thượng tướng quân tước Thiện-Tâm hầu Phạm Dật, với vợ là Lê Kim-Loan chỉ huy. Cặp vợ chồng này không như bọn Mai Cầm, Quách Y chỉ giỏi đốc chiến, liều mạng đâu; mà võ công chúng rất cao siêu, mưu trí không biết đâu mà lường. Xin tướng quân cẩn thận.

Cự nhìn lại: Đoàn chiến mã vô địch của y, từng ruổi vó trên khắp sa mạc Tây-thùy, Bắc-thùy, bách chiến bách thắng, bây giờ chúng đứng không nổi, nằm bẹp xuống đất, nước mắt dàn dụa, tỏ vẻ đau đớn vô cùng.

Trương Thế-Cự tiến thoái lưỡng nan. Y lệnh cho quân tạm nghỉ nấu cơm ăn, rồi qua đêm.

Tại chiến lũy Cổ-pháp, Đại-Việt.

Ngày 20 tháng giêng, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống.

Đạo quân của Miêu Lý, Lưu Mân, Đặng Trung tới hội với đạo quân Miêu Lý ở rừng tre. Ba tướng thấy tình trạng đội thiết kị vô địch của Trương Thế-Cự như vậy đều kinh hãi. Ba đạo quân cùng đóng trại trong rừng tre.

Quân sĩ đang ăn cơm, thì tiền quân báo với Thế-Cự:

– Thưa tướng quân, từ phía Nam có một đoàn ngựa tải đồ đang tiến tới đây, không rõ là quân nào, tải gì?

Miêu Lý dẫn bọn Thế Cự, Đặng Trung, Lưu Mân cùng chạy lên coi, thì không phải là đoàn ngựa, mà toàn trâu. Mỗi con kéo một cái xe trên chất đầy hàng. Cự ra lệnh trên trăm quân dàn ra trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Còn y, y đeo kiếm cùng với đoàn võ sĩ chờ đợi.

Đoàn xe mỗi lúc một đến gần.

Cự đã nhìn rõ, đoàn xe khá dài, mỗi xe do một con trâu kéo. Xe chở đầy hàng. Hàng được phủ bằng lá cây, thành ra không biết đó là loại hàng gì. Mỗi con trâu có một thiếu nữ, ngồi ngang trên lưng. Đoàn xe được dẫn dầu bởi thiếu nữ áo tím đã đánh xe cho công chúa Thiên-Ninh, có tên Trần-Triệu Minh-Thúy. Minh-Thúy cầm ống tiêu đưa lên miệng thổi một khúc của mục đồng chăn trâu, tiếng tiêu véo von nghe rất êm tai. Cạnh nàng còn một thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp, tuổi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu, mặc võ phục, lưng đeo kiếm.

Trương Thế-Cự đưa mắt ra lệnh, bốn võ sĩ tiến tới trước xe Minh-Thúy ra lệnh:

– Ngừng lại! Các người đi đâu? Trên xe chở những gì?

Đây là bốn võ sĩ đã bị Minh-Thúy đánh chúi đầu vào vũng bùn ban nãy.

Minh-Thúy nhoẻn miệng cười, tay đưa ra một cái hũ lớn:

– Người biết không? Ta đến Thái-y viện nói dối gã ngự y Trần Hữu-Đức rằng ngựa của ta ăn phải cỏ độc ở rừng trúc Kinh-Bắc; xin y cho ít nghìn viên thuốc chữa trị. Hừ! Cái gã... cái gã Ngự-y Trần Hữu-Đức béo ị ấy, thực keo kiệt. Y chỉ cho ta có hai viên, rồi nói: Hai viên đủ rồi. Ta nói thực rằng xin thuốc trị bệnh cho kị mã Tống. Y lắc đầu quầy quậy như trúng tà, rồi nhất định không cho. Ta năn nỉ thêm, không những y không cho, còn hăm mách gia gia, ma má ta nữa. Tức mình, ta bỏ đi, chờ lúc y đánh đàn cho vợ xinh đẹp của y hát, ta vượt tường vào trộm cả hũ cho bõ ghét.

Viên võ sĩ tên Bắc đưa mắt hỏi ý kiến Trương Thế-Cự. Cự gật đầu. Gã Bắc tiến lên, hai tay tiếp hũ thuốc. Nhớ đến cái nhục bị Minh-Thúy đánh chúi đầu xuống bùn, Bắc nghĩ ngay đến trả thù. Tay tiếp hũ thuốc, y vận công truyền chân khí sang, với ý hất Minh-Thúy bay xuống vũng nước bên đường cho nư giận. Nhưng vù một tiếng, gã Bắc bay bổng lên cao, rồi rơi xuống giữa chiếc xe phía sau Minh-Thúy.

Từ Trương Thế-Cự cho tới đội võ lâm theo y đều kinh hãi vô cùng. Bởi Đông, Tây, Nam, Bắc xuất thân từ phái Côn-luân nội ngoại công cao thâm hiếm có; mà sao thiếu nữ này lại có thể đánh y bay tung lên dễ dàng như vậy?

Minh-Thúy mắng gã Bắc:

– Sao người vô lễ, lấy ân làm oán thế? Ta đem thuốc cho Trương tướng quân cứu mấy nghìn chiến mã, mà người lại dùng nội công đánh ta? Đáng lẽ ta giết mi về tội vô ơn, nhưng sợ giết mi thì má má đánh ta què giò. Ta tha cho đấy.

Lời của Minh-Thúy làm tướng sĩ Tống suy nghĩ: Mẹ nàng là hoàng thân, quốc thích triều Lý, thì phải đối đầu với quân Tống mới phải, thế mà sao nàng giết tướng Tống, bà lại đánh què? Lại nữa vừa rồi nàng xử dụng nội công phái Hoa-sơn của Trung-quốc hắt gã Bắc lên cao. Vậy e nàng có liên hệ gì với Trung-quốc đây.

Trương Thế-Cự hỏi:

– Cô nương! Thế lệnh tôn, lệnh đường là ai vậy?

– Là... là... ta không dám nói. Nhược bằng ta nói ra, thì e bọn người vỡ mật mà chết mất. Nào? Bây giờ người có nhận thuốc hay không?

Trương Thế-Cự cung tay:

– Bắc thiếu hiệp có đôi chút nóng nảy, mong cô nương thứ lỗi cho.

Y thân tiến lên đỡ lấy bình thuốc.

Minh-Thúy nói:

– Trong hũ có hai loại thuốc, một loại mầu vàng, một loại mầu đỏ. Tướng quân cho kị binh nhét vào miệng mỗi chiến mã một viên mầu vàng, và nhét vào hậu môn một viên mầu đỏ. Nội trong hai giờ, thì chúng sẽ đi tháo, bao nhiêu cỏ độc được tống ra hết. Sau đó phải cho chúng dưỡng bệnh, trong mười ngày không được cỡi, không được bắt chúng chuyên chở.

Trương Thế-Cự đã từng làm tướng kị binh lâu năm, y khá am tường phép dùng thuốc trị bệnh cho ngựa; thấy thiếu nữ chỉ dẫn hợp lý, y trao hũ thuốc cho hai viên sư trưởng. Nhưng trong lòng y than thầm:

– Hỏng bét! Quách Quỳ bắt mình phải tới Thăng-long chiều nay; mình có ba sư kị, thì một sư bị phục binh giết hết, hai sư thì chiến mã bị bệnh, phải nghỉ dưỡng bệnh mười ngày, thì làm sao bây giờ?

Y hỏi Minh-Thúy:

– Trần-Triệu cô nương! Còn năm mươi xe, cô nương chở những gì thế? Không lẽ Bà-chúa-kho Đại-Việt lại đem lương cho chúng tôi?

Minh-Thúy chỉ vào đoàn xe, vào thiếu-phụ ngồi cạnh:

– Trên đường từ Thăng-long về đây, đem thuốc trị độc cho ngựa, lúc ta đi qua bãi chiến trường; thấy trên hai nghìn xác tử sĩ Tống phơi trên cánh đồng cho qụa rỉa, cho ruồi bu! Động lòng trắc ẩn, thương người vị quốc vong thân, ta nhờ tỷ tỷ đây sai người thu nhặt tử thi, rồi chở đến trao cho Trương tướng quân. Tướng quân thử coi lại một chút xem có đúng không?

Thế-Cự đưa mắt cho đội võ-sĩ. Chúng tiến đến bên đoàn xe, lật những tấm lá chuối phủ bên trên lên coi: Bên dưới quả toàn xác kị binh thuộc sư một, đặt nằm dài như những cây củi.

Minh-Thúy bảo Thế-Cự:

– Ta mượn xe của tỷ tỷ đây đem tử thi trao cho tướng quân. Vậy tướng quân nhận lấy đi, để ta còn đem xe về trả chứ!

– Hiện ngựa của tôi đều trở thành vô dụng. Phiền cô nương cho đoàn xe này đến Bắc-ngạn Như-nguyệt dùm, nguyện không quên ơn.

Minh-Thúy la lên, nàng xua tay rối rít:

– Không thể được! Muôn ngàn lần không thể được. Ta... ta phải nhờ chị Kim-Liên đây xin mãi, má má mới cho ta đi chơi với chị ấy. Má má hẹn giờ Thân ta phải về. Nếu nay ta đưa đám tử thi này tới Như-nguyệt giúp người, thì e giờ Dậu mới về tới nhà. Như vậy má má đánh ta què mất.

Giọng cô nói đầy nũng nịu, rất dễ lọt tai.

Thế-Cự hỏi:

– Cao danh quý tính của lệnh tôn, lệnh đường là gì? Cô nương học võ với ai, mà bản lĩnh đã đến trình độ cao thâm như vậy?

– Ta không nói.

Thế-Cự đưa mắt cho đại sư Pháp-Tuệ. Nhà sư trong đội võ sĩ tiến ra cung tay:

– Trương tướng quân xin cô nương chở dùm tử sĩ, mà cô nương chối. Bây giờ bần tăng xin đánh cuộc với cô nương một lần.

Minh-Thúy nói với Thế-Cự luôn luôn dùng giọng kẻ cả, coi chúng không ra gì. Trái lại, đối với nhà sư, nàng tỏ ra cực kỳ lễ độ:

– Không ngờ đại sư Pháp-Tuệ, thủ toạ La-Hán đường phái Thiếu-Lâm, mà cũng tới đây sao? Than ôi! Chốn thanh cao sao người không ở, lại xuống đây làm gì e bụi trần vướng vào áo thì chẳng đáng tiếc sao? Đại sư muốn đánh cuộc gì nào?

Trương Thế-Cự nghe Minh-Thúy nói, y càng thêm kinh ngạc:

– Thiếu nữ này ở xứ Nam-man, mà sao cũng nhận biết đại sư Pháp-Tuệ?

Pháp-Tuệ đáp:

– Bây giờ cô nương hãy đấu với bần tăng mười hiệp. Nội trong mười hiệp, nếu bần tăng nói được sư thừa của cô nương ra, thì cô nương phải đưa đám tử sĩ này đến Như-nguyệt. Còn như bần tăng không tìm ra được sư thừa của cô nương, thì cô nương muốn gì nào?

– Dễ thôi! Trường hợp đó, Trương tướng quân phải đem quân lui về sông Như-nguyệt. Đại sư biết không? Gia gia, má má đệ tử thực đau lòng khi thấy người Hoa, người Việt chém giết nhau.

Nàng hỏi Trương Thế-Cự:

– Trương tướng quân có dám đánh cuộc không?

Trương Thế-Cự gật đầu:

– Tiểu tướng xin hứa.

Mắt Minh-Thúy sáng ngời:

– Đại sư nhớ nhé.

Nói rồi nàng vọt mình lên cao như con chim én. Ở trên cao, nàng vung roi ngựa quất vào đầu Pháp-Tuệ. Pháp-Tuệ né tránh, mỉm cười:

– Đây là một chiêu trong Vô sắc kiếm pháp của phái Nga-mi biến ra.

Minh-Thúy vòng roi quay hai lần, cái roi vọt ra như con rắn hướng cổ Pháp-Tuệ. Pháp-Tuệ bắt lấy roi rồi cười lớn:

– Đây là Tiên-pháp của phái Đường-lang.

Minh-Thúy giật roi lại, nhưng cây roi như dính chặt vào tay Pháp-Tuệ. Nàng buông roi, đánh một chưởng vào giữa ngực nhà sư. Nhà sư tung mình lên cao, miệng la:

– Đây là chiêu Kình-ngư thăng thiên của phái Mê-linh bên Đại-Việt.

Cứ như thế, Minh-Thúy dùng tám chiêu của tám môn phái khác nhau, mà Pháp-Tuệ vẫn chưa nhận ra môn hộ của nàng, làm cho bọn Trương Thế-Cự cuống lên. Đến chiêu thứ chín, nàng dùng hổ trảo chụp nhà sư, miệng nói:

– Chiêu thứ chín này.

Pháp-Tuệ kinh hãi, vì chỉ còn một chiêu nữa là ông thua cuộc. Nghĩ ra một kế, ông vận đủ mười thành công lực đánh xuống đỉnh đầu nàng. Chưởng phong bao trùm khắp một vùng. Minh-Thúy kinh hãi, biến trảo thành chưởng đỡ. Nàng đỡ vào quãng không, bởi Pháp-Tuệ phát hư chiêu. Vì đỡ hụt, lảo đảo suýt ngã, nàng phải lộn người đi đến ba vòng mới đứng vững.

Minh-Thúy la lớn:

– Đủ mười chiêu rồi. Đại sư không tìm ra được môn phái của đệ tử, như vậy là người thua cuộc!

Nàng nói với bọn Trương Thế-Cự, Miêu Lý:

– Các người mau lui quân về Như-nguyệt ngay!

Không thấy nhà sư Pháp-Tuệ cũng như bọn Trương Thế-Cự trả lời, Minh-Thúy nhìn lại: Trên gương mặt ông cũng như đội võ sĩ Tống đều hiện ra vẻ hoảng hốt, kinh khủng như gặp sự gì ghê gớm nhất đời.

Pháp-Tuệ cười gượng:

– Quận chúa thua rồi. Vì không những bần tăng biết sư phụ của quận chúa, mà con biết cả tổ phụ, lệnh tôn, lệnh đường của quận chúa nữa!

–???

– Quận chúa là con gái út của Kinh-Nam vương với Thái-trưởng đại công chúa Huệ-Nhu. Quận chúa không học võ với song thân. Bản lĩnh của quận chúa do nội tổ của quận chúa là Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An truyền thụ. Có đúng thế không?

Minh-Thúy ngơ ngác hỏi Kim-Liên:

– Tỷ tỷ! Tại sao đại sư lại nhận ra chân tướng em?

– Vừa rồi em ra chiêu Đông-hải lưu phong, lại nữa em dùng Cổ-loa tâm pháp, thì với một người minh mẫn như đại sư Pháp-Tuệ, người nhận ra ngay.

Trương Thế-Cự chắp tay hành lễ:

– Người xưa nói, không biết là không có tội. Tiểu tướng xin quận chúa tha cho cái tội vô phép hôm nay. Xin quận cúa chuyển lời vấn an của anh em tiểu tướng đến vương gia cùng công chúa điện hạ.

Minh-Thúy hư một tiếng, miệng cười, chỉ vào gã Bắc nói với Trương Thế-Cự:

– Người dở quá! Phải chờ đến đại sư phụ đây nói ra, người mới biết thân thế ta. Ta chẳng từng nói ta họ Trần-Triệu là gì? Gia gia ta họ Trần, má má ta họ Triệu. Cũng vì vậy ta không thể giết tướng sĩ Tống, vì họ là bầy tôi của má má ta. Ta mà giết họ, ắt má má đánh ta què giò. Ta ăn trộm thuốc cứu chiến mã, đem xác tử sĩ về là vì thương họ tận trung báo quốc, vị quốc vong thân. Nhưng ta cũng cản các người tiến về Thăng-long vì gia gia, má má ta thấy người Hoa, người Việt giết nhau, các người đau lòng lắm.

Nàng chỉ vào thiếu phụ ngồi cạnh rồi nói với nhà sư Pháp-Tuệ:

– Đệ tử thua cuộc rồi. Vậy đệ tử xin cùng tỷ tỷ đây đưa xác tử sĩ về Như-nguyệt.

Thiếu phụ ngồi cạnh Minh-Thúy hỏi Trương Thế-Cự:

– Trương tướng quân! Tôi là Trang-hòa Thiên-đức quận chúa nhũ danh Võ Kim-Liên, vợ của Hổ-uy thượng tướng quân Vũ Quang.

Tướng sĩ Tống đều bât lện tiếng úi chà, ối trời, vì sau trận Côn-lôn, Đại-giáp, Tiểu-giáp, Ngọc-tuyền, Ung-châu, danh tiếng vợ chồng Vũ Quang trấn động Hoa-Việt. Nay họ mới được thấy bà.

Kim-Liên chỉ tay về hướng Nam:

– Hiện vợ chồng chúng tôi chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh bảo vệ Lăng-tẩm của Lý triều. Trong khi chư vị đang tụ binh ở đây để đánh xuống. Có thể trong chốc lát, có thể ngày mai, ngày kia, chúng ta sẽ chém giết nhau. Liệu việc tôi đưa tử sĩ về Như-nguyệt, có gây ra trở ngại gì cho tướng quân không? Nếu như sau này có sự gì xẩy ra, tướng quân có hối hận không?

Thế-Cự hiên ngang đáp:

– Nam nhi đại trượng phu dám làm thì dám chịu. Quận chúa yên tâm, tôi xin đem danh dự bảo đảm rằng, nếu như sau này có sự gì không hay xẩy ra cho quận chúa, cho tôi. Tôi xin gánh chịu.

Kim-Liên bảo Minh-Thúy:

– Biểu muội! Em về đi thôi, để chị đi một mình được rồi. Bằng không em về trễ, thì cậu mợ lại trách phạt đấy.

Ghi chú,

Từ sau trận bình Chiêm, bốn thiếu nữ Việt-kiều Lê Kim-Loan, Võ Kim-Liên, Trần Ngọc-Liên, Trần Ngọc-Hương được Khai-Quốc vương nhận làm nghĩa nữ; mà Khai-Quốc vương phi là chị của Kinh-Nam vương. Vì vậy Kim-Liên với Minh-Thúy có tình chị em con cô, con cậu.

Kim-Liên ngửa mắt lên trời hú một tiếng dài liên miên bất tuyệt, vang vang đi rất xa. Lát sau có một con trâu từ trong rừng chạy tới. Thế-Cự nhận ra đó là một trong ba con trâu, mà ban nãy người ta cỡi chạy qua để dụ cho thám mã đuổi theo, rồi bị giết.

Kim-Liên túm áo Minh-Thúy tung lên cao. Minh-Thúy lộn một vòng, rồi đáp xuống lưng trâu. Nàng ra roi, miệng hô:

– Nghé oọ...ọ...ọ.

Con trâu lồng trở về hướng Nam.

Trương Thế-Cự gửi một viên tham tướng đem mấy tên kị binh của sư đệ nhất sống sót dẫn đoàn trâu của Kim-Liên hướng về Như-nguyệt.

Thế-Cự họp với Miêu Lý, Lưu Mân, Bình Viễn bàn việc tiến binh. Miêu Lý ra lệnh:

– Sư đệ kị đệ nhất vì khinh địch mà trúng phục binh. Sư đệ nhị, đệ tam chẳng may ngựa bị trúng độc. Bây giờ ta để lại mấy trăm kị binh ở đây trông coi ngựa, còn lại ta dùng kị binh như bộ binh, tiến về Thăng-long.

Thế-Cự đành tùng quyền, trong khi chờ ngựa phục hồi sức khỏe.

Thế-Cự bàn:

– Theo như tin tức của phó nguyên soái Triệu Tiết, thì từ đây về Thăng-long, quân Giao có hai hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, với Quảng-thánh. Trong khi ta có sáu đạo binh, lại thêm đạo kị, như vậy quân số đông gấp ba chúng. Ta cứ tiến trước, gặp giặc thì đánh. Phía sau còn sáu đạo binh 10, 11, 12, 13, 14, 15 với hơn trăm chỉ huy tân-đằng-hải. Ta thừa sức đánh bọn chúng.

Sau khi bàn luận, thì Đặng Trung dẫn đạo đệ tứ đệ ngũ đi đầu, Lưu Mân dẫn đạo đệ lục, đệ thất đi thứ nhì, Miêu Lý dẫn đạo đệ bát, đệ cửu đi thứ ba. Trương Thế-Cự dẫn đạo kị binh đi bộ cuối cùng.

Quân sĩ rầm rộ lên đường. Bốn đạo quân đi thành một tuyến dài đến hơn mười dặm trên con đường rộng, hai bên là cánh đồng lúa mới cấy. Quân rời rừng tre được khoảng năm dậm, thì đội tiền phong trở lại báo với Bình-Viễn:

– Trình tướng quân, phía trước có một bãi đất hoang rộng mênh mông, đó là nghĩa địa, có thể dàn quân được. Sau nghĩa địa là ruộng mới cấy, nước không sâu. Sau khu ruộng là chiến lũy chắn ngang đường đi. Không biết bên trong có bao nhiêu quân trấn đóng?

Đặng Trung dẫn hơn chục võ sĩ vọt ngựa lên quan sát: Trên đường di, một cái cổng lớn chắn ngang. Giữa cổng là con bùi nhùi khổng lồ che kín. Hai bên cổng là lũy tre cao vút, mỗi bên kéo dài đến bốn dặm. Ngoài lũy tre có cái lạch rộng ước hơn hai trượng, nông sâu không biết bao nhiêu, nhưng dưới hào đầy chà, cọc lởm chởm.

Đặng Trung hỏi Nguyễn Dư:

– Đồn này là đồn gì vậy?

– Thưa tướng quân đây không phải là đồn, mà là xã Cổ-pháp, nằm trên con đường thông với Thăng-long. Trong xã có khoảng trăm hoàng nam, hoàng nữ trấn đóng.

Viễn sai quân đem loa đến, rồi truyền bọn du thủ, du thực của Nguyễn Dư dùng loa chiêu dụ. Nhưng phía trong vẫn im lìm, không một tiếng động.

Đặng Trung ra lệnh:

– Phá cổng tiến vào!

Đội thiết đột dẫn đầu tiến lên, khi vưa tới cổng, thì một tiếng lệnh vang lên. Véo, véo, véo, tên từ trong lũy bắn ra, kình lực khiến tên rít lên tiếng vi vu. Thoáng một cái, trăm thiết đột đều bị trúng đầu, cổ, ngã lăn ra bên đường.

Bấy giờ trong lũy trống thúc vang dội, quân reo dậy đất, cờ xí kéo lên bay phất phới. Nhưng vẫn không thấy một bóng người. Trong khi quân Tống ùn lại trên đường, đành tập trung vào khu nghĩa địa.

Miêu Lý, Đặng Trung đã vọt ngựa tới. Miêu Lý chỉ vào lũy tre dài năm dặm:

– Đúng là một làng, nhưng giặc đã lợi dụng địa thế dùng làm chiến lũy. Kìa, con hào đầy những chông, chà mới dựng lên. Nhưng không biết đạo quân nào trấn ở trong?

Nguyễn Dư chỉ vào cây cờ soái mầu hồng, thêu con rồng vàng, với hàng chữ « Đại-Việt Thiên-tử binh Ngự-long » một lá khác « Long-nhương thượng tướng quân, Thiện-Tâm hầu, Phạm »:

– Chỗ kia là hiệu Ngự-long.

Y lại chỉ vào cây cờ soái mầu vàng, thêu con rồng trắng, với hàng chữ « Đại-Việt Thiên-tử binh Quảng-thánh », một lá khác « Hổ-uy thượng tướng quân, Thành-Tâm hầu, Vũ »:

– Chỗ kia là hiệu Quảng-thánh.

Miêu Lý cau mày:

– Ta nghe nói, tại vòng đai này, quân Giao có hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh, tại sao lại còn cây cờ thiêu hình con ngựa phun lửa với cây cờ thêu hình con rồng đen kia nữa. Đó là hiệu quân nào?

– Kỳ hiệu thêu con ngựa phun lửa là của hiệu binh Phù-đổng. Tướng chỉ huy là Vũ-kị thượng tướng quân Hà Mai-Việt, võ công bình thường, nhưng là một tướng dụng binh như thần. Còn kỳ hiệu con rồng đen là của Quảng-vũ của vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi, Lý Tam.

Miêu Lý, Đặng Trung, Lưu Mân cùng các hiệu binh Tống từng bị Đinh Hoàng-Nghi với hiệu Quảng-vũ đánh cho những trận kinh thiên động địa. Nay nghe Nguyễn Dư nói, cả ba cùng chột dạ.

Lưu Mân cau mày:

– Sau khi Đâu-đỉnh thất thủ, vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi, Lý Tam cùng hiệu Quảng-vũ biến mất, tưởng đâu chúng còn ở trong rừng. Nào ngờ chúng rút về trấn ở đây.

Lưu Mân hỏi Nguyễn Dư:

– Tại sao cạnh kỳ hiệu Ngự-long, Quảng-thánh còn có soái kỳ của Phạm Đật, Vũ Quang, mà sao cạnh kỳ kiệu của hiệu Quảng-vũ với Phù-đổng lại không thấy có soái kỳ của Đinh Hoàng-Nghi với Hà Mai-Việt?

Nguyễn Dư trả lời bằng cái lắc đầu.

Miêu Lý ra lệnh:

– Cũng may cho ta, song song với chiến lũy có khu đất cao đầy mồ mả. Ta tập trung quân vào đây, dàn trận, rồi chỉ cần lội bùn hơn hai dặm là tới hào. Vậy Đặng tướng quân đánh vào bên trái, Lưu tướng quân đánh vào bên phải, tôi dánh vào chính giữa. Trương tướng quân bảo vệ hậu quân.

Ba đạo quân rời con đường cái quan tiến vào khu nghĩa trang, dàn thành trận song song với chiến lũy. Trống lệnh, thanh la lệnh, cờ phất liên tiếp.

Ba tiếng trống lệnh vang lên. Hơn sáu vạn quân tinh nhuệ của Tống từng tung hoành trên sa mạc Tây-thùy, Bắc-thùy, rời khu đất khô ở nghĩa địa tràn xuống ruộng. Còn ngựa không thể lội bùn phải để lại trên bãi đất.

Quân dẵm lên lúa, bùn chỉ tới mắt cá. Nhưng đây là những đội quân sinh sống ở sa mạc đã quen, bây giờ lội bùn lên tới dầu gối đã lấy làm khó khăn, chứ đừng nói vận động chiến. Người thì rút chân lên không nổi, kẻ thì ngã xuống, bùn nước ướt hết quân phục. Lại nữa quân phải mang theo y phục, chăn, màn, cung, tên, đao, mộc, thuẫn, quá nặng. Nhiều người bị lún tới háng đứng như trời trồng, đồng đội phải xách nách lôi ra khỏi hố.

Các tướng cho lệnh:

– Chỉ mang theo vũ khí tùy thân. Còn lại, để trên bãi đất.

Từ nghĩa trang tới bờ chiến lũy không quá hai dặm (1 km) mà quân lội ỳ ạch mãi mới được nửa đường. Khi quân còn cách chiến lũy một lằn tên, thì cờ lệnh phất lên, ra hiệu ngừng lại, chuẩn bị hàng ngũ để xung phong.

Trong chiến lũy vẫn im lìm.

Đứng trên mỏm đất cao quan sát trận tuyến, Miêu Lý thấy trận thế bên Tống đã xong. Y dơ tay ra lệnh. Ba chiếc pháo thăng thiên tung lên trời, rồi nổ tan. Quân Tống reo hò xung phong. Người thì bước những bước khó khăn, kẻ thì ngã, nhưng rồi tất cả chỉ còn cách bờ chiến lũy 20 trượng.

Trong chiến lũy vẫn im lìm. Quân Tống tiến gần hơn nữa. Đâu đó, có tiếng rít vi vu, rồi ba quả Lôi-tiễn bay lên giữa bầu trời, nổ tung thành ba trái cầu lửa. Tên trong chiến lũy bắn ra vun vút. Quân Tống ngã lổng chổng. Nhờ bắn bất ngờ, quân Việt thành công được hai loạt tên. Đến loạt thứ ba quân Tống vội lấy thuẫn, lá chắn ra che, rồi tiếp tục tiến vào.

Bỗng quân Tống la ơi ới:

– Chông! Tôi dẵm phải chông!

– Tôi cũng dẵm phải chông!

Trận tuyến Tống bị rối loạn. Người khỏe đỡ người bị chông. Quân Việt núp trong lũy, rình địch sơ hở, không che kín người là buông tên.

Miêu Lý ban ra một lệnh khủng khiếp:

– Ném xác tử sĩ về trước làm chỗ để chân, che cho khỏi chông rồi tiến lên.

Quân Tống reo hò, tiến tới sát con hào. Đội này dùng lá chắn chăng lên che chở cho đội kia dùng đao chặt, kéo những cây chà. Hơn khắc sau, đã có đội vượt hào tiến vào tới chiến lũy.

Nếu chiến lũy Như-nguyệt gồm những cây tre trơ trọi cắm lên tường đất, thì chiến lũy này lại là những bụi, những cụm tre với cành lớn, cành nhỏ, lá, gai xen nhau, kết lại thành bức tường. Thỉnh thoảng có quãng trống, thì lại được lấp bằng những cây tre khổng lồ kết thành dậu.

Quân Tống tấn công vào những quãng trống đó, dùng dao chặt rào. Quân Việt từ trong bắn ra.

Hơn hai khắc sau, tại hơn mười chỗ, bụi tre mỏng, quân Tống đã phá được hàng rào, chúng reo hò, tràn vào trong như nước vỡ bờ. Nhưng khi chúng vừa tràn vào thì bị Thần-nỏ bắn ngã lổng chổng.

Người trước bị bắn ngã, thì người sau tiến lên. Nhưng Thần-nỏ đã được đưa đến hàng chục dàn, thi nhau tác xạ. Quân Tống chết chồng đống lên nhau. Lớp này ngã, lớp kia nối tiếp.

Quân Việt dàn sau Thần-nỏ đứng chờ sẵn, hễ quân Tống lọt qua lưới Thần-nỏ là làm thịt liền. Cuộc chém giết cực kỳ khốc liệt. Mỗi lúc quân Tống tràn vào một nhiều.

Đặng Trung đưa mắt nhìn: Phía sau quân Việt, một tướng trẻ đứng trên cái đài khá cao, tay đang cầm cờ phất lia lịa chỉ huy quân.

Trung hỏi Nguyễn Dư:

– Viên tướng kia là ai vậy?

– Y là Hổ-uy thượng tướng quân, tước Thành-Tâm hầu tên Vũ Quang, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh, là một trong Long-biên ngũ hùng. Con mụ Kim-Liên chở xác chết ban nãy chính là vợ y. Nếu tướng quân muốn chiếm được chiến lũy này, thì phải giết cho được y.

Đặng Trung phất cờ gọi đội võ sĩ của Trương Thế-Cự đến, rồi ra lệnh cho bốn gã Đông, Tây, Nam, Bắc:

– Bốn vị nhân huynh phải tìm mọi cách giết tên nhóc con kia cho ta.

Bốn võ sĩ bàn sơ với nhau, rồi bốn người dẫn bốn đội võ sĩ đánh thốc vào phòng tuyến Việt. Phòng tuyến bị cắt ra làm đôi. Lập tức hai đội tiếp tục đánh thẳng, hai đội đánh bọc sang tả, hữu. Thoáng một cái bốn đội đã tới gần đài chỉ huy.

Một tiếng tù và rúc lên, đội võ sĩ phái Tản-viên hơn trăm người do Lý Nhị, Mai Nhị chỉ huy phóng đến như bay cản đội võ sĩ Côn-lôn lại. Hai đội võ sĩ lăn xả vào đấu với nhau.

Quân Tống tràn vào mỗi lúc một đông.