Những chữ viết tắt trong sách này:

AHBC

Anh-hùng Bắc-cương

AHLN

Anh-hùng Lĩnh-Nam

AHĐA-DCBM

Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông

AHTS

Anh-hùng Tiêu-sơn

ALTVTV

Anh-linh thần võ tộc Việt

ANCL

An-Nam chí lược

CEP

Coopérative Européenne Pharmaceutique

(Liên hiệp các viện bào chế châu Âu)

CKDH

Cẩm khê di hận

CMFC

Commité Médical Franco-Chinois

(Ủy ban trao đổi y học Pháp-Hoa)

DTLSVH

Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng

IFA

Institut Franco-Asiatique (Viện Pháp-Á)

KĐVSTGCM

Khâm định Việt sử thông giám cương mục

ĐĐHNS

Động-đình hồ ngoại sử

ĐNLTCB

Đại-Nam liệt truyện chính biên

ĐNLTTB

Đại-Nam liệt truyển tiền biên

ĐNNTC

Đại-Nam nhất thống chí

ĐNTLCB

Đại-Nam thực lục chính biên

ĐNTLTB

Đại-Nam thực lục tiền biên

ĐVSKTT

Đại-Việt sử ký toàn thư

MCMS

Mông-cổ mật sử

NS

Nguyên-sử

TS

Tống sử

TTDS

Thuận-thiên di sử

Thư viết cho tuổi trẻ tộc Việt

về những nguồn tài liệu

để tìm hiểu cuộc Bắc-phạt thời Lý

(Dẫn nhập bộ Nam Quốc Sơn Hà)

Những giòng dưới đây tôi viết dành cho tuổi trẻ Việt, chưa có chút vốn về thư tịch của chiến thắng Bắc phạt thời Lý, đánh chiếm các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch. Mong những bậc cao minh bỏ qua. Chẳng nên bận tâm.

Trân trọng.

Các bạn trẻ thân.

Các bạn đã từng nghe, từng đọc sơ lược về những chiến công hiển hách của tổ tiên ta, trong khoảng thời gian hai chục năm (1057-1077), Bắc tiến, đánh chiếm các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch của Tống vào thời Lý. Nam bình Chiêm đem các châu Ma-linh, Bố-chính, Địa-lý vào bản đồ Đại Việt. Bây giờ các bạn được đọc toàn bộ huân nghiệp này trong bộ Nam-quốc sơn hà. Đây là bộ sách, mà tôi đã dùng hết tâm huyết để thuật lại. Toàn bộ gồm 5 quyển, gần 2500 trang, lần đầu do viện Pháp-Á xuất bản, nhà Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành. Bốn chữ Nam-quốc sơn hà, tôi lấy trong bài thơ đánh Tống của ngài Thái-úy Lý Thường Kiệt.

Cũng trong việc ca tụng tổ tiên ta trong công cuộc giữ nước, mở rộng lãnh thổ, dưới triều Lý, vào khoảng thời gian trước bộ này 40-60 năm. Đó là các bộ :

Anh-hùng Tiêu-sơn,

Thuận-Thiên di sử,

Anh-hùng Bắc-cương,

Anh linh thần võ tộc Việt,

Đối với các độc giả cao minh, bài viết dưới đây dường như vô ích. Tuy vậy tôi thấy cần phải viết, để độc giả trẻ tuổi, thời thơ ấu ở ngoài lãnh thổ Việt-Nam, hoặc sống trong nước, nhưng không có dịp hiểu rõ hơn những vấn đề trong sách. Đó là vấn đề những nguồn tài liệu mà tôi dùng để sưu khảo, làm khung chính yếu, dựa vào đó, xây dựng tác phẩm.

Nguồn tài liệu chia làm bốn loại:

1. Tài liệu Việt-Nam.

Nói đến tài liệu Việt-Nam, tôi buồn lắm các bạn ạ, vì cuộc Bắc phạt của ta trong thời Lý có đến 6 lần khác nhau, mà khi tôi nói ra, người ta không tin. Những vị có kiến thức đọc được sách cổ của ta, của Trung-quốc thì coi đó là sự thường . Khi tôi nói, các vị ấy trêu tôi Biết rồi, khổ lắm nói mãi. Còn những người không biết thì phủ định, làm gì có. Thực đúng như sách Trung Dung nói "Tiểu nhân bất cập, quân tử quá chi".

Bây giờ tôi xin cố gắng trình bầy.

Nguồn tài liệu này gồm có ba :

Nguồn thứ nhất, do tiền nhân tôi để lại. Hầu hết chép tay, hoặc in mộc bản.

Nguồn thứ nhì do người Pháp sưu tầm, cất tại thư viện Paris.

Nguồn thứ ba, người Trung-quốc cất giữ tại thư viện Thượng-hải, Bắc-kinh, Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu và Hồ-Nam.

Vậy những tài liệu nào tôi căn cứ vào đó, viết bộ Nam-quốc sơn hà? Dưới đây tôi xin liệt kê. Những tài liệu nào tôi kê trước, thì chính yếu hơn các tài liệu liệt kê sau.

1.1.- Khâm-định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM),

do cụ Phan Thanh-Giản làm tổng tài. Nhóm sử thần bắt đầu biên tập vào niên hiệu Tự-Đức thứ 9 (Bính-Thân, 1856). Hoàn thành niên hiệu Kiến-Phúc nguyên niên (Giáp-Thân, 1884). Nội dung chia ra:

1.1.1. Quyển đầu, chép các sắc chỉ, tấu chương, thể lệ.

1.1.2. Tiền biên 5 quyển, chép từ Hồng-Bàng đến Thập-nhị sứ quân.

1.1.3. Chính biên, 47 quyển, chép từ Đinh Tiên-Hoàng đến Lê Mẫn-Đế.

Trong đó bút tích ngoại tổ cùng phụ thân phát biểu ý kiến, phê chằng chịt khắp mọi trang. Năm 1973, sợ để trong nhà, có khi bị mất, bị cháy. Tôi tặng cho phủ Quốc-vụ-khanh đặc trách văn hoá. Đầu quyển nhất, tôi dành ra mười lăm trang đánh máy, chỉ rõ cho độc giả biềt nguồn gốc bản này của gia đình tôi được lưu truyền như thế nào. Sau đó mỗi khi cần dùng, tôi lại tới mượn về sưu khảo. Từ năm 1975, tôi dùng bản của thư viện Paris. Trong khi dẫn chứng, tôi viết tắt là KĐVSTGCM.

1.2. Đại-Việt sử ký (ĐVSK)- Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT).

Bộ Đại-Việt sử ký, do Hàn-lâm-viện học sĩ, kiêm Quốc-sử viện giám tu, Bảng-nhãn đại khoa niên hiệu Thiên-Ứng Chính-Bình thứ 16 đời vua Trần Thái-Tông (Đinh-Mùi, 1247) Lê Văn-Hưu soạn; chép từ Triệu Đà đến Lý Chiêu-Hoàng. Bộ này hoàn tất vào tháng 6 niên hiệu Thiệu-Long nguyên niên (Nhâm-Thân, 1272), đời vua Trần Nhân-Tông.

Niên hiệu Diên-Ninh thứ nhì đời Lê Nhân-Tông (Ất-Hợi, 1455), vua sai Quốc-sử tế tửu bác sĩ Phan Phu-Tiên soạn quốc sử. Phan Phu-Tiên chép nối tiếp bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văn-Hưu, tức từ niên hiệu Kiến-Trung nguyên niên đời Trần Thái-Tông (Ất-Dậu 1225) đến khi quân Minh bị đuổi về nước (1428). Vì vậy bộ sau này được mang tên là Đại-Việt sử ký tục biên (ĐVSKTB).

Niên hiệu Hồng-Đức thứ mười (Kỷ-Hợi, 1479), vua Lê Thánh-Tông sai sử thần Ngô Sĩ-Liên biên soạn một bộ chính sử. Ông Ngô Sĩ-Liên tu bổ bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văn-Hưu, Đại-Việt sử ký tục biên của Phan Phu-Tiên, rồi chép thêm. Vì vậy bộ sử mới mang tên Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), chia làm 15 quyển. Từ Hồng-Hàng đến Ngô sứ quân 5 quyển, gọi là Ngoại-kỷ. Từ Đinh Tiên-Hoàng đến Lê Thái-Tổ 10 quyển, gọi là Bản-kỷ.

Bản của tiền nhân tôi để lại là bản do triều Tây-sơn in vào tháng chạp năm Canh-Thân (đầu 1801).

Xét nội dung hai bộ của Lê, Ngô, tôi thấy:

1.2.1. Ngô Sĩ-Liên hầu như chép lại bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văo-Hưu từ Triệu Đà đến Lý Chiêu-Hoàng.

1.2.2. Ngô Sĩ-Liên thêm vào bộ của Lê Văo-Hưu hai thiên Hồng-Bàng ngoại kỷ và Thục-kỷ. Để viết hai thiên này, Ngô đã mượn càc truyện thần thoại trong Việt-điện u linh tập của Lý Tế-Xuyên và Lĩnh-Nam trích quái của Trần Thế-Pháp.

Bản của tiền nhân tôi có rất nhiều người phê bên cạnh. Phần châu phê, ông tôi bảo đó là của Dực-Tông Anh-hoàng-đế (Tự-Đức). Lời châu phê Hồng-bàng thị kỷ như sau :

"Ngưu quỷ, xà thần. Bất nghi tín dã".

Nghĩa là : Ma trâu-đầu rắn, không nên tin.

1.2.3. Ngô Sĩ-Liên chép tiếp tục từ Lý Chiêu-Hoàng đến Lê Thánh-Tông.

Hồi 1962, trong khi tôi đi du học chưa về. Phụ thân tôi trao cho viện Khảo-cổ, rồi cụ phó bảng Nguyễn Sĩ-Giác mượn, để dịch thuật. Khi tôi trở về nước, thì không tìm lại được. Tôi đành cho chụp microfilm bản của thư viện Paris, và dùng bản này. Gần đây, tôi dùng bản của Đông-kinh đại học, Đông-dương văn hóa nghiên cứu sở, phụ thuộc Đông-dương học văn hiến của giáo sư Trần Kinh-Hòa chú giải, xuất bản niên hiệu Chiêu-Hòa thứ 59. Khi dẫn chứng tôi viết tắt là ĐVSKTT.

Ghi chú,

Giáo-sư Trần Kinh-Hòa (Chen Chin Ho) 1912-1997, gốc người Trung-quốc, nhưng mang quốc tịch Nhật. Ông sang Việt-Nam nghiên cứu về văn chương, lịch sử, văn hóa Việt. Ông kết hôn với một thiếu nữ Việt có học thức, gốc người Hành-thiện, tỉnh Nam-định. Tôi là người bạn vong niên, và là bác sĩ điều trị của Giáo-sư. Thời gian 1954-1963 Giáo-sư từng dạy tại đại học Văn-khoa và Sư-phạm Sài-gòn. Sau năm 1963 Giáo-sư lại trở về Nhật, rồi Đài-loan dậy học. Cuối đời, Giáo-sư dạy học tại Hoa-kỳ, khi về hưu Giáo-sư lưu ngụ tại San Francisco. Giáo sư đã hiệu đính, chú giải, xuất bản hầu hết những bộ sách viết bằng chữ Hán của Việt-Nam.

1.3. Việt sử lược.

Bộ thứ ba mang tên Việt-sử lược (VSL), của một tác giả vô danh. Căn cứ vào câu Kim vương Xương-phù, nghĩa là đức vua hiện tại niên hiệu Xương-Phù. Tra trong sử, Xương-Phù là niên hiệu vua Trần Đế-Nghiện (Đinh-Tỵ, 1377). Như vậy bộ này viết vào thời gian trên. Bộ này chép trong Tứ-khố toàn thư của Trung-quốc.

Tiền nhân tôi có bản này, nhưng khuyết mất mấy trang. Từ năm 1965, tôi dùng bản của Cẩm-chướng thư cục, do chính phủ Trung-hoa dân quốc tặng Đại-học văn khoa Sài-gòn. Sau năm 1975, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải. Gần đây, tôi dùng bản của đại học Soka Nhật-bản xuất bản niên hiệu Chiêu-Hòa thứ 62 do giáo sư Trần Kinh-Hòa chú giải. Trong khi dẫn chứng, tôi viết tắt là VSL.

1.4. Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái.

Bộ thứ tư, tôi dùng đến là bộ Việt điện u linh (VĐUL) và Lĩnh-Nam chích quái (LNCQ). Hai bộ này dường khởi đầu do Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp viết, rồi người sau chép thêm vào. Việt-Điện u linh, của Lý Tế-Xuyên. Ông được coi là tác giả đầu tiên. Lĩnh-Nam chích quái, Trần Thế-Pháp cũng được coi như là tác giả biên tập đầu tiên vào niên hiệu Khai-hựu nguyên niên đời vua Trần Minh-Tông (Kỷ-Tỵ 1329). Trong khi dẫn chứng, tôi viết tắt là VĐUL và LNCQ.

1.5. Thiền uyển tập anh.

Thứ năm, phải kể tới bộ Thiền-uyển tập anh (TUTA), của một tác giả dấu tên, biên soạn năm Vĩnh-Thịnh thứ mười một đời vua Lê Dụ-Tông (Ất-mùi, 1715). Bản của tiền nhân tôi để lại là bản in vào thời vua Tự-Đức. Nội dung chép 62 tiểu truyện các thiền sư, cùng ghi lại 67 bài thơ, 98 đoạn thơ của các ngài. Bản của bổn sư Nam-Hải Diệu-Quang là bản chép tay. Tuy có đôi chút khác biệt. Nhưng đại thể vẫn giống nhau. Trong khi dẫn chứng, tôi viết tắt là TUTA.

1.6. Văn bia.

Tài liệu thứ sáu, là các văn bia thời Lý còn lại. Đa số những văo bia này, do học giả Hoàng Xuân-Hãn phát hiện, sao, dịch, chú giải. Tổng số dùng tới có sáu văn bia:

- Bia chùa Báo-ân.

- Bia chùa Sùng-nghiêm diên khánh.

- Bia Thập Sùng-thiện-diên-linh.

- Bia chùa Hương-nghiêm.

- Bia chùa Linh-xứng.

- Bia đền Ngọ-xá.

1.7. Ngọc phả.

Tài liệu thứ bẩy là những tập Ngọc-phả tại đền thờ anh hùng dân tộc, được chép, gửi về bộ Lễ triều Nguyễn xin phong thần. Tài liệu này, tiền nhân tôi khi làm việc tại Quốc-sử quán triều Nguyễn đã sưu tầm để lại. Thư viện trung ương Paris cũng có một số bản khác nhau. Tôi dùng đến 101 bản Ngọc-phả.

1.8. Yên-tử di sự lục

Tài liệu thứ tám mà tôi dùng là bộ Yên-tử di sự lục (YTDSL). Gồm ba mươi sáu quyển. Sách chép tay, bản sư Diệu-Quang dùng để dạy tôi từ khi qui y (Ất-dậu, 1945) cho đến ngày tôi phải xa người (Giáp-Ngọ, 19-8-1954). Năm đó, khi nghỉ hè (7-6-1954) tôi lên chùa ở nghe người giảng dậy. Ngày 20 tháng 7 được tin Việt-Nam chia đôi. Ngày 29 tháng 7 phụ thân cho gọi tôi về để theo gia đình di cư vào Nam. Bổn sư sai các sư cô Diệu-Hoà, Diệu-Đức, Diệu-Tịnh, Diệu-Minh ngày đêm sao cho tôi một bản.

Nội dung bộ sách gồm 36 quyển. Trong đó:

1.8.1. Quyển 1, chép tâm ấn truyền phả. Tức biểu đồ thầy truyền cho trò. Truyền pháp tại Ấn-độ khởi từ đức Thích-Ca Mâu-Ni cho ngài Ma-ha Ca-Diếp, tới ngài Bồ-Đề Đạt-Ma 28 đời. Truyền pháp tại Trung-quốc từ Bồ-Đề Đạt-Ma tới Tăng-Sán 3 đời. Tổ Tăng-Sán truyền cho ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi. Cộng bốn đời. Truyền pháp từ tổ Tỳ-Ni Đa-lưu-chi cho đến ngài Tiêu-Dao tại Đại-Việt trải 18 đời. Từ ngài Tiêu-Dao lập ra phái Yên-tử, truyền đến bản sư gồm 25 đời. Tới tôi là đời thứ 26.

Thích-ca Mâu-Ni 1

Ấn-độ 28

Trung-quốc 3

Tiêu-sơn 18

Yên-tử 25

Cộng chung 75

1.8.2. Quyển 2 đến quyển 10, chép hành trạng các tổ từ khi ngài Tỳ-Ni Đa-lưu-chi đến Đại-Việt, cho tới Vạn-Hạnh thiền sư (1018). Cộng 45 truyện.

1.8.3. Quyển 11 đến quyển 20, chép hành trạng các tổ từ sau Vạn-Hạnh cho đến ngài Huyền-Quang. Cộng 54 truyện.

1.8.4. Quyển 20 tới 36, chép hành trạng các tổ từ sau Tam-tổ tới ngài Nam-Hải Diệu-Quang. Cộng 72 truyện.

Tổng cộng 171 truyện.

Bộ sách do nhiều người chép. Thường sau khi bản sư viên tịch, đệ tử sẽ chép hành trạng lại cho đời sau biết. Vì vậy số tác giả có lẽ tới 30 vị. Khi du học trở về Việt-Nam (1966), tôi có ý dịch sang Việt-ngữ. Song vì bận rộn sinh nhai, lần lữa mãi tới năm 1970 vẫn chưa dịch xong phần đầu. Cư sĩ Chánh-Trí Mai Thọ-Truyền mượn về đọc. Ông trao cho ba chuyên viên phủ Quốc-vụ khanh đặc trách văn hoá dịch. Sau biến cố 1975, tôi không rõ bộ này lưu lạc đâu? Tôi ngờ rằng nó vẫn còn ở Sài-gòn. Tuy vậy, trong thời gian viết Anh-hùng Tiêu-sơn, Anh-hùng Đông-a (1968-1975) tôi đã dùng bộ này để thuật về các Bồ-tát đắc pháp.

Lưu ý độc giả

Tôi xin các vị quản thủ thư viện tại Việt-Nam, cũng như các tư nhân, nếu ai lưu giữ được bộ này xin cho tôi biết, tôi chỉ cần sao lại một bản. Tôi xin tạ một số tiền nhỏ là 20 nghìn USD. Trên đầu mỗi trang bộ sách tôi đều ghi bằng chữ Nho Trần Đại-Sỹ, cạnh đó tôi ghi một ký hiệu bằng số La-mã. Khi báo cho tôi, chỉ cần quý vị nói cho biết số đó là số gì, là tôi tin ngay. Địa chỉ của tôi ở cuối bài này.

1.9. Một số sách của Quốc-sử quán triều Nguyễn biên tập, bao gồm:

- Đại-Nam chính biên liệt truyện (ĐNCBLT),

- Đại-Nam nhất thống chí (ĐNNTC),

- Đại-Việt địa dư chí,

- Hoàng Việt nhất thống địa dư chí,

- Bắc-thành địa dư chí lục,

- Đồng-Khánh địa dư chí,

- Hà-nội tỉnh thần tích,

- Hà-nội sơn xuyên phong tục,

- Bắc-giang tỉnh thần tích,

- Chư dư tạp biên,

- Hoàn-vũ ký,

- Hưng-yên tỉnh nhất thống chí,

- Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng khảo,

- Hải-dương tỉnh thần tích,

- Thăng-long cổ tích khảo,

- Thái-bình địa dư ký,

- Kim cổ thôn bi ký,

- Bắc-ninh tỉnh địa dư chí,

- Bắc-ninh tỉnh thần tích,

- Long-biên bách nhị vịnh,

- Lâm cổ ký,

- Lục Nam địa dư chí,

- Ngọc-phả cổ lục,

- Công dư tiệp ký.

Những bộ này đều có nói đến thần tích các danh nhân thời Lý.

2. Tài liệu Trung-quốc

Trái với tài liệu Việt, tài liệu Trung-quốc rất nhiều. Các bàn trẻ có biết tại sao không ? Vì việc quân Việt đánh sang các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch là một mối hận vô bờ bến của người Trung-quốc, nên họ viết sách để lại. Tôi dùng rất nhiều. Chỉ đơn cử ra một vài bộ chính.

2.1. Tống-sử.

Do Thừa tướng Thoát-Thoát và A-lỗ-Đồ triều Nguyên làm tổng tài. Cùng với bẩy người biên tập. Gồm 496 quyển. Đây là một trong 24 bộ chính sử Trung-quốc. Tiền nhân dùng cổ bản dạy tôi học. Khi rời Bắc vào Nam, tôi không mang theo được. Cho đến nay, tôi cũng không biết bản đó là bản in năm nào? Ai in? In ở đâu? Từ năm 1965, tôi dùng bản trong Tứ-bộ bị yếu của Trung-hoa dân quốc tặng đại học văn khoa Sài-gòn. Sau 1975, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải. Bộ này in chữ nhỏ, nên số trang chỉ bằng một phần ba số trang cổ bản mà tiền nhân dạy tôi. Tổng cộng có 14.238 trang. Những quyển quan trọng nhất là:

- Quyển 1-2-3, Thái-tổ bản kỷ. Trang 1-52.

- Quyển 4-5 Thái-tông bản kỷ. Trang 53-120.

- Quyển 6-7-8 Chân-tông bản kỷ. Trang 121-174.

- Quyển 9-10-11-12 Nhân-tông bản kỷ. Trang 175-252.

- Quyển 13 Anh-tông bản ký. Trang 253-262.

- Quyển 14-15-16 Thần-tông bản kỷ. Trang 263-316.

- Quyển 290, Địch Thanh, Quách Quỳ liệt truyện. Trang 9.705-9.727.

- Quyển 318, Trương Phương-Bình liệt truyện. Trang 10.353-10.371.

- Quyển 320 Dư Tĩnh liệt truyện. Trang 10.397-10.413.

- Quyển 324, Phạm Trọng-Yêm liệt truyện. Trang 10.257-10.293.

- Quyển 327, Vương An-Thạch liệt truyện. Trang 10.541-10.560.

- Quyển 332, Lý Sư-Trung, Lục Sằn, Triệu Tiết liệt truyện. Trang 10.673-10.695.

- Quyển 334, Thẩm Khởi, Lưu Di, Hùng Bản, Tiêu Chú, Đào Bật liệt truyện. Trang 10.721-10.741.

- Quyển 336, Tư-mã Quang liệt truyện. Trang 10.757-10.779

- Quyển 349, Yên Đạt, Diêu Tự liệt truyện. Trang 11.049-11.064

- Quyển 350, Vương Quân-Vạn, Hòa Mân, Lưu Trọng-Võ, Khúc Chẩn liệt truyện. Trang 11.067-11.090.

- Quyển 446, Tô Giàm liệt truyện. Trang 13.149-13.172.

- Quyển 480, Ngô-Việt Tiền thị thế gia. Trang 13.897-13.917.

- Quyển 481, Nam Hán Lưu thị thế gia. Trang 13.919-13.951.

- Quyển 485, Ngoại quốc truyện Hạ-quốc thượng. Trang 13.991-14.006.

- Quyển 486, Ngoại quốc truyện, Hạ-quốc hạ. Trang 14.007-14.034.

- Quyển 488, Ngoại quốc truyện, Giao-chỉ, Đại-lý . Trang 14.057-14.076.

- Quyển 489, Ngoại quốc truyện, Chiêm-thành, Chân-lạp, Bồ-cam. Trang 14.077-14.099.

- Quyển 495, Man-di truyện, Quảng-nguyên châu. Trang 14.214-14.220.

2.2. Tư-trị thông giám cương mục

của Tư-mã Quang chép theo lối biên niên. Bộ này gồm 294 quyển. Mục lục 30 quyển, khảo dị 30 quyển. Khởi từ Chiến-quốc, Ngũ-đại, trải 1362 năm. Hồi nhỏ tiền nhân chưa giảng cho tôi bộ này. Hồi 1963, nhân giúp cho người bạn Hòa-lan soạn luận án tiến sĩ văn chương Phương pháp chép sử của người Trung-quốc. Tôi mới để ra hơn tháng nghiên cứu. Bản tôi nghiên cứu của Cẩm-chướng thư cục Thượng-hải. Năm 1975 về sau, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải.

2.3. Tục tư trị thông giám trường biên của Lý-Đào.

Chép theo lối biên niên. Khác với chính sử. Ở chính sử; các sử thần triều đại sau chép triều đại trước, nên có nhiều điểm không đúng sự thực. Lý-Đào chép ngay sự kiện đang diễn ra.

Bộ Tục tư trị thông giám trường biên chép từ Tống Thái-tổ lên ngôi vua, cho đến lúc nhà Tống phải dời đô xuống Lâm-An, trải 166 năm (960-1126). Tương đương với bên Đại-Việt, niên hiệu Ngô Xương-Văn (Canh-Thân, 960), đến niên hiệu Xương-phù Duệ-vũ thứ bẩy đời Lý Nhân-Tông (Bính-Ngọ, 1126). Thời gian này bao gồm tất cả bộ Anh hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử, Anh-hùng Bắc cương, Anh-linh thần võ tộc Việt, Nam-quốc sơn hà. Tổng cộng có 4.400 sự việc của 9 đời vua Tống. Sách chia làm 520 quyển.

Khi ông tôi qua đời, tôi tiếp nhận số sách của người để lại có bộ này. Bấy giờ tôi mới mười lăm tuổi, chưa đủ kiến thức khảo cứu, thành ra chỉ đọc qua, thấy đó là mộc bản, chữ lớn. Khi di cư vào Nam, tôi không mang theo được. Đây là mối ân hận đeo đẳng suốt đời tôi. Vì trong đó ông tôi phê chằng chịt khắp mọi trang.

Năm 1968, khởi sự viết lịch sử tiểu thuyết, tôi dùng bản của Trung-hoa dân quốc tặng đại học văn khoa. Từ sau năm 1975 tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải.

Ghi chú

Năm 1990 khi trở về Việt-Nam, tôi có ra Hà-nội, tìm lại ngôi nhà tôi ở hồi 1954 hỏi, thì chủ nhà cho biết : Khi được cấp ngôi nhà đó, họ có thấy rất nhiều sách. Những sách ấy, họ đã bán cho người ta gói đồ, và...đi cầu ! Hôm đó tôi bật lên tiếng khóc như trẻ nít !

2.4. Bút ký, khảo lược.

Ngoài ra tôi dùng rất nhiều sách khác, như:

2.4.1. Đông-đô sự lược của Vương Xung.

2.4.2. Lĩnh ngoại đai đáp của Chu Khứ-Phi.

3. Nguồn tài liệu đặc biệt,

3.1. Mộ chí, văn bia, địa phương chí, gia phả,

Những năm 1976-1995, trong khi làm việc cho Liên hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeutique,CEP), Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique, IFA) và Ủy ban trao đổi y học Pháp Hoa (Commité Médical Franco-Chinois, CMFC)... Tôi có nhiều dịp du hành sang Trung-quốc, tôi sưu tầm được không biết bao nhiêu tài liệu chép trong điạ phương chí, mộ bia, của những vùng biên giới Hoa-Việt, mà trước đây thuộc Việt. Những tài liệu này tôi sao chụp bằng scaner mang về.

Tại thư viện Thượng-hải, Bắc-kinh, Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu, Hồ-Nam, tôi tìm được không biết bao nhiêu tài liệu liên hệ đến lịch sử Hoa-Việt giai đoạn 1010-1225 tức thời đại Tiêu-sơn.

Nhờ phương tiện truyền thông, tôi đã tìm lại được hầu hềt hậu duệ của các danh nhân Tống liên quan đến Đại-Việt; rồi xin được đọc gia phả của họ. Chắc các bạn hỏi, bằng cách nào tôi tìm được hậu duệ của các tướng Tống từng sang đánh Đại-Việt ? Tôi xin kể ra đây để tặng các bạn một nụ cười.

Tỷ như tôi tìm con cháu Quách Quỳ, nguyên soái đạo quân sang đánh Đại-Việt năm 1076-1077. Trước hết tôi tra trong Tống-sử, ông ta quê ở tỉnh nào, huyện nào. Cuối cùng tôi đăng trên vài tờ báo địa phương đó, ít giòng:

"Giáo-sư giám đốc Trung-quốc sự vụ viện Pháp-Á (Paris), muốn liên hệ với hậu duệ của An-Nam hành doanh kinh lược Chiêu-thảo sứ, kiêm Kinh Hồ, Quảng Nam tuyên huy sứ, Nguyên-soái Quách Quỳ, từng cầm quân đánh Đại-Việt vào thời cua Tống Thần-tông (1076-1077) ; để tìm hiểu huân nghiệp. Xin liên hệ với.... ".

Thế nhưng khi gặp nhau, họ không cho đọc gia phả, mà chỉ thuật cho nghe mà thôi. Tôi chọc giận họ :

"Tôi đọc trong sử Việt thấy nói ông tổ của các vị bị một nữ tướng Đại-Việt bắt sống, rồi phải quỳ gối lạy 100 lạy mới được phóng thích".

Thế là họ gân cổ lên cãi, cãi sùi bọt mép ra. Tôi vẫn không tin. Ức quá họ phài xì gia phả ra, rồi cho tôi đọc nhửng trang về Tổ tiên danh hùng của họ. Họ rất hãnh diện, đem từng giòng gia phả ra khoe, rồi còn mời tôi viếng thăm mộ tổ tiên họ để đọc mộ chí ghi huân nghiệp đương thời. Nhờ vậy, mà tôi tìm ra được rất nhiều chi tiết lịch sử.

3.2. Quách-thị Nam chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký.

Tại thư viện bộ Tư-lệnh hai Quân-khu tiếp giáp với Việt-Nam, cũng như tại bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng-Tây, Quảng-Đông, tôi đã tìm ra được bộ nhật ký hành quân của Quách Qùy mang tên Quách-thị Nam chinh, và của Triệu Tiết mang tên Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, như đã thuật trong mục 5.1.4 bài tựa. Khi dẫn chứng, tôi viết tắt là QTNC và TTCTGCK.

3.3. Tống-triều công thần bi ký.

Bộ này do hai đại thần là Trần Hy-Cương, Tống Đạm soạn vào thời năm Mậu-Tuất (1718), Thanh Khang-Hy thứ 57. Nội dung sao chép tất cả văn bia, mộ chí các công thần nhà Tống. Thư viện Quảng-châu, Liễu-châu đều có bộ này.

3.4. Xã chí, thần tích.

Tại thư viện Quảng-châu, Nam-ninh, Liễu-châu, tôi tìm được một số sách do người địa phương, do các quan địa phương thời Tống viết. Những sách này đối với người Trung-hoa thì không có một chút giá trị nào, vì nội dung chép về phong tục, tôn giáo, di tích của các khê động giáp giới với Đại-Việt hồi đó. Nay các khê động đã biến thành làng xã, ranh giới không còn, di tích cũng mất. Nhưng đối với lịch sử Việt-Nam, với tôi, nó là cung cấp cho rất nhiều sự kiện về cuộc chiến tranh Tống Lý. Các bộ đó là:

- Ung-châu kỷ sự,

- Quảng-Tây địa dư ký,

- Quảng-Tây chư thần ký,

- Hy-Ninh hận sự bi ký,

- Thần tích Hỏa-giáp ngũ đại vương từ,

- Thái-bình phong vật chí,

- Hoành-sơn sơn xuyên phong vực,

- Ôn-nhuận sự tích,

- Quy-hóa địa dư chí,

- Vĩnh-bình sơn xuyên phong vực chí,

- Vĩnh-bình chư thần chí,

- Khâm-châu địa dư chí,

- Hổ-môn chư thần ký,

- Cổ-vạn sơn xuyên cương vực ký,

- Tây-bình chư thần chí,

- Tây-bình sơn xuyên cương vực chí,

- Lộc-châu sự tích,

- Lộc-châu cương vực chí,

- Thiên-long địa dư chí,

- Khâm-châu chư thần ký,

- Nghi-châu địa dư chí,

- Như-tích sơn xuyên phong vực chí,

- Để-trạo địa dư chí,

- Dung-châu sự tích,

- Đông-hải Hy-Ninh bản mạt,

- Bạch-hâu địa dư chí,

- Liêm-châu địa dư chí,

- Hổ-môn chư thần chí.

4. Cao-ly sử, gia phả Kiến-bình, Kiến-hải tại Hàn-quốc.

Do cuộc viếng thăm Việt-Nam Cộng-hòa ngày 6 tháng 11 năm 1958, Tổng-thống Lý Thừa-Vãn tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Bấy giờ tuy mới 19 tuổi, tôi đã lưu tâm, rồi năm 1980, trong khi dự đại hội y khoa ở Hàng-châu, Trung-quốc, tôi được tiếp xúc với bác sĩ Lý Diệp Oanh, Lý Chiếu Minh, tôi đã tìm ra sự kiện Kiến-bình vương Lý Long Tường cùng tông tộc 6 nghìn người là thuyền nhân tới Hàn quốc năm 1226. Rồi năm 1983, tôi lại tìm ra một giòng họ Lý nữa là con cháu Kiến-hải vương Lý Dương-Côn, cũng là thuyền nhân tới Hàn quốc năm 1150.

Do vậy tôi được đọc gia phả của hai giòng họ Lý này. Gia phả cung cấp cho tôi rất nhiều sự kiện lịch sử về cuộc chiến tranh Tống-Lý. (xin đọc bài Nguyên-tổ hai giòng họ Lý tại Hàn-quốc, phụ lục quyển 3, bộ Anh-hùng Đông-A dựng cờ Bình-Mông).

5. Nguyên tắc xử dụng tài liệu.

Nam-quốc sơn-hà được viết dưới thể dạng bộ lịch sử tiểu thuyết tam hư thất thực nghĩa là ba phần hư, bẩy phần thực. Phàm đã là tiểu thuyết thì tha hồ phóng túng, tưởng tượng như Alexandre Dumas, Thi Nại-Am, La Quán-Trung, Kim-Dung. Thế nhưng lịch sử tiểu thuyết của tộc Việt lại không thể bịa đặt quá đáng, ma trâu, đầu rắn, phun kiếm, di sơn đảo hải. Tại sao? Bởi chỉ những sự kiện anh hùng trong lịch sử của chúng ta, cũng rất khó làm cho hậu thế tin được: Vua Trưng thắng Hán ba trận vĩ đại, vua Lê diệt Tống ở Chi-lăng, Bạch-đằng... quá dễ dàng. Nếu nay lại bịa đặt thêm nữa, thì hậu thế chẳng còn ai tin.

Với hoài bão, đem tài hèn, sức mọn, cùng tâm huyết ra thuật truyện tổ tiên anh hùng, giữ nước như thế nào; nên tôi tự đặt cho những nguyên tắc căn bản, để khỏi đi quá đà, trái với lịch sử. Tuy vậy độc giả sẽ hơi bỡ ngỡ, khi tôi trình bầy những bí ẩn lịch sử, mà những bậc tiền nhân đi trước, vì không chịu suy xét, cứ đọc sử Trung-quốc, rồi chép lại.

Với kho tàng tài liệu trên, tôi đã tự đặt cho mình những nguyên tắc sau:

4.1. Những gì sử Việt chép. Tuyệt đối gữa nguyên, không thay đổi về không gian, thời gian.

4.2. Những gì sử Trung-quốc như Tống-sử, Tư-trị thông giám cương mục, Tục Tư-trị thông giám trường biên, đã chép trái với sử Việt-Nam, được tước bỏ. Trái lại những gì sử Việt không ghi chép mà sử Trung-quốc chép có lý, được giữ nguyên.

4.3. Những gì trong sử Việt, Hoa không chép, mà các cuốn phổ, bia đá, gia phả , truyền sử nói sẽ được tôn trọng. Bởi truyền sử dân gian, tự nó đã thành triết học của người Việt.

4.4. Về niên biểu, ngày, tháng, chúng tôi tuân theo bộ sách chữ Hán Hoàng-Việt giáp tý niên biểu của cụ Nguyễn Bá-Trác, do Quốc-sử quán triều Nguyễn ấn hành. Khi mỗi sự kiện xẩy ra, tôi đều ghi năm theo Tây-lịch, đóng trong ngoặc đơn.

4.5. Những địa danh cổ, vẫn giữ nguyên.

4.6. Đầu đề mỗi hồi, chúng tôi đặt ra, hoặc dùng những câu thơ, văn đã có sẵn.

4.7. Khi có khúc mắc, chúng tôi chú giải khi thì cuối hồi, khi thì ngay dưới sự kiện.

4.8. Các nhân vật, hầu hết thuộc nhân vật thực sự. Thảng hoặc mới có nhân vật tiểu thuyết, để làm một vài nhiệm vụ đặc biệt cho thành cốt truyện.

4.9. Chúng tôi cố gắng làm nổi bật những vấn đề cổ như: Quan chế, Phong tục, luật pháp, tổ chức hành chánh, ăn uống, y phục đương thời. Nhất là bốn vấn đề: Thiền-học, y-học, võ-học và tình dục học (sexology). Tuy biết tình dục học có làm cho một số các vị cao niên không vui.

Nào bây giờ mời các bạn hãy mở những trang giấy rực hào quang của tổ tiên ta gần nghìn năm trước.

Thân mến chào các bạn.

Viết tại Pontault Combault, Pháp-quốc,

mùa hè, tháng sáu, năm Ất-hợi (1995).