Phó Đồng Văn vuốt nhẹ mái tóc dài sau gáy cô, tháo sợi dây cột tóc xuống, lần đầu anh làm việc này, chưa có kinh nghiệm nên vẫn làm một vài sợi tóc đứt đôi. Dây cột tóc được đặt lên bàn, miếng ngọc trên đầu sợi dây chạm phải mặt đồng hồ quả quýt tạo nên tiếng leng keng. Anh nghĩ cô dễ giật mình tỉnh giấc, nhưng cô đã ngủ một giấc rất sâu.
Trong một buổi tối, câu trả lời "rất nhiều" của anh đã biến thành vô số hình ảnh. Cô nhìn thấy Phó Đồng Văn hồi trẻ ngồi ngay ngắn trên ghế, bắt chéo chân, đặt một khẩu súng lên bàn, giao cho người dưới giết ai đó, cô cũng nhìn thấy anh đi qua một ngôi nhà đổ nát, nơi nơi trên đất rải rác xác chết. Trong mơ, hình như đâu đây có ai đang hát kịch nam (1). Cô không nhìn rõ khuôn mặt anh, chỉ là những đường nét phác họa lờ mờ. Cuối cùng cô đi theo bóng lưng Phó Đồng Văn, nhìn thấy anh nói chuyện với một vị đại nhân vẫn để tóc dài mặc quan phục tiền triều: "Đại thần triều đình hiện giờ, trước nhất không thể giúp vua, sau cùng quên việc giúp dân, đều là lũ ăn trên ngồi trốc."
Khi nghe thấy câu này, cô thấy thật lạ lẫm.
Đây là mơ. Là trong những cuốn sách hồi nhỏ cô phải học thuộc lòng, không phải là lời của anh...
Cô quay người đi ra ngoài, khi bước qua cánh cửa lớn, rõ ràng bậc cửa ba tấc sáu phân, nhưng chỉ cao ba tấc, làm cô té nhào. Cú ngã làm cả người đau ê ẩm, cũng làm cô tỉnh lại.
Chiếc chăn bông bọc kín người đang siết chặt cô. Thẩm Hề muốn lật người lại, nhưng nhận ra đầu kia của chăn bông có thứ gì đó đè lên. Cô mở choàng mắt, mồ hôi làm lông mi dính vào nhau, mờ mờ ảo ảo, che đi tầm nhìn phía trước.
Sau một lúc thích ứng với bóng tối, cô nhìn thấy một chiếc gối dựng ở đầu giường, kê cao, Phó Đồng Văn đang gối ở một đầu, không cởi áo sơ mi và quần dài trên người ra, thậm chí cả giầy anh vẫn đeo, chỉ đắp chiếc chăn bông lên người. Vừa rồi chăn đã bị cô kéo, trước ngực anh chỉ còn một góc chăn, hình như anh lạnh, vô thức chau mày. Nét mặt này, có vẻ câu tiếp theo sẽ là quở trách.
Thẩm Hề quay người, giúp anh đắp chăn. Gương mặt tuấn tú ấy, cô không nỡ rời đi. Anh ngủ say, cô ngắm mãi. Nghe tiếng hít thở của anh, và cả dáng ngủ không thoải mái lắm.
Thẩm Hề im lặng xuống giường, tìm ống nghe trong ngăn kéo dưới tủ quần áo, rồi lại bò lên giường bằng chân trần. Cô đeo ống nghe lên, chậm rãi áp lên áo sơ mi. Ngón tay kề sát lớp áo, cách một lớp vải cảm nhận hơi ấm cơ thể anh. Nhịp tim truyền qua ống nghe, đi thẳng vào tai cô. Trong căn phòng yên tĩnh, chỉ còn lại tiếng tim đập. Tiếng tim đập của anh.
Một bàn tay lập tức kéo ống nghe của cô xuống.
"Là mạch máu ở tim bị tắc nghẽn."
Thẩm Hề ngước mắt, đối diện với mắt anh.
Tắc nghẽn mạch vành. Thẩm Hề nhớ đã từng đọc trên tạp chí y học mới nhất, hình như được dịch ra như vậy. Sự phát triển khoa tim mạch bắt nguồn từ châu Âu, tạp chí học thuật nổi tiếng cũng xuất bản ở Pháp và Đức, hai năm trước mới có tạp chí của Anh. Mỗi lần cô và mấy người bạn học cầm được quyển tạp chí ấy là như bắt được vàng, không được đọc nhiều, đương nhiên nhớ rất kỹ.
"Khi sinh ra anh đã bị vậy rồi sao?" Cô hỏi.
Phó Đồng Văn mỉm cười, lắc đầu.
Cô cũng không hỏi thêm nữa.
Nếu nói tim mạch ngoại khoa là hoang mạc, thì nội khoa chính là ốc đảo mới phát hiện ra trên hoang mạc ấy, nhỏ bé, xung quanh vẫn là những khu vực chưa biết tên. Triệu chứng của Phó Đồng Văn tối qua rất giống triệu chứng giáo sư đã từng nhắc tới, Tắc nghẽn mạch vành dẫn tới nhồi máu cơ tim cấp. Khẩu hiệu lạc quan của giáo sư là, nhiều nhất là ba mươi năm nữa chắc chắn sẽ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Ba mươi năm...là năm nào tháng nào đây.
Cô cúi đầu nhấc ống nghe lên: "Hiện giờ anh có khó chịu ở đâu không?"
"Tôi rất khỏe," Phó Đồng Văn chỉnh lại tư thế, từ nằm nghiêng chuyển sang tựa vào đầu giường, "Em đỡ hơn chưa?"
Thẩm Hề gật đầu: "Khi còn ở động thuốc phiện, ngày nào em cũng giúp họ khiêng xác chết. Anh không cần quá lo lắng cho em đâu."
Người đã đi qua cửa tử, sẽ không dễ dàng yếu đuối. Thứ không bước qua được là bóng tối tâm lý, nhưng giây phút nghe thấy nhịp tim của anh, cô mới nhận ra mình đã được giải phóng. Điều cô muốn là Phó Đồng Văn tiếp tục sống, vững tin anh luôn đúng, luôn là người lương thiện, những thứ khác không còn quan trọng nữa.
Hai người đều trầm mặc.
"Nói gì đó đi." Anh nói.
"Ừm." Cô chờ anh nói.
Vì vậy, mấy phút sau, hai người đều cười xòa.
"Em đang chờ tôi mở đầu sao?" Phó Đồng Văn trêu cô, "Lẽ nào không có gì để nói với anh ba?"
Thẩm Hề lắc đầu quầy quậy, ngồi trên mép giường, để chân trần giẫm lên sàn nhà.
"Lên đây đi." Bỗng nhiên anh nói.
Thẩm Hề giật mình, chợt hiểu ra, cô khẽ vén chăn bông lên, cũng học theo Phó Đồng Văn, tựa gối vào đầu giường, đắp chung với anh một chiếc chăn. Bên trong vẫn còn hơi ấm, chân cô nhanh chóng nóng lên.
Không giống lúc ngủ cùng với nhau, hai người lúc này, đều tỉnh táo, đều biết mình đang chung giường chung chăn. Cô đoán, chỉ cần Phó Đồng Văn khẽ nhúc nhích, không chừng mình là người bị nhồi máu cơ tim trước. Có lẽ ngày tháng sau này đều sẽ như vậy...gương mặt cô đỏ bừng, may mà ánh sáng trong phòng lờ mờ, nên nhìn không rõ.
"Trong tủ quần áo có chăn mới," Anh nói nhỏ, mang ý xin lỗi, "Đêm qua cơ thể không khỏe, không muốn cử động, tối nay sẽ lấy chăn ra."
"Vâng." Cô trả lời.
Hai người đều ngầm đồng ý chuyện sau này sẽ phải chung giường.
Dù anh không muốn, nhưng trải qua chuyện tối qua, cô tuyệt đối không dám để anh ngủ dưới sàn.
"Còn một chuyện nhỏ này nữa," Anh cười, "Trên tàu có thể phải để em chịu thiệt làm bà Phó một thời gian."
Thẩm Hề nhìn một góc chăn bông, rồi "ừ" một tiếng.
"Thật ra, tôi cũng coi là người đứng đắn," Nói đến đây, Phó Đồng Văn lại tự mỉm cười, "Chuyện bất đắc dĩ, mong em hiểu cho."
Anh nghĩ cô sợ hiểu lầm gì sao?
Không lẽ anh không biết, năm ấy ở nhà họ Phó, trong mắt toàn bộ mọi người, cô đã bị hiểu lầm thế rồi.
Hai người, một chiếc chăn, không có tiếng nói chuyện.
Hồi bé khi cha và mẹ ở bên nhau, cũng sẽ nói chuyện phiếm như thế, cha sẽ nắm tay mẹ, nghịch từng ngón tay bà, giọng nói ấm áp ân cần. Khi ấy, cô không hiểu hai chữ "vợ chồng" chính là chung chăn cùng gối, là mối duyên nghìn năm mới tu được.
Ánh mắt Thẩm Hề trượt xuống, dừng trên tay mình. Tay cô đặt lên bụng dưới, còn tay anh đặt bên người, hai người cách nhau khoảng ba tấc. (Khoảng ba mươi centimet)
Đồng hồ quả quýt đang kêu tích tắc.
Thẩm Hề nhớ ra, Cố Nghĩa Nhân từng nhắc tới chuyện anh ba lần từ hôn. Lần đầu là với một cô cách cách, vốn sẽ thành hôn vào năm Quang Tự, nhưng năm ấy cậu tư qua đời, anh cũng hủy hôn mà không rõ nguyên nhân; sau đó là một cô tiểu thư có học thức, chưa từng nghĩ sẽ có sai sót gì, rồi cô ấy tâm đầu ý hợp với cậu hai, Phó Đồng Văn tác thành cho hai người, chủ động từ hôn. Cô cuối cùng quen biết với Phó Đồng Văn lâu nhất, là thanh mai trúc mã với anh, thông thạo thư pháp, hai người thổ lộ tình cảm, nhưng trái tim cô gái hướng ra biển lớn, chí hướng hai người không giống nhau, cô ấy từng lấy hôn ước ra ép, buộc anh cùng mình ra khỏi Trung Quốc, nhưng sau cùng vẫn bị từ chối. Vợ chưa cưới nước mặt nhạt nhòa từ biệt, giấy hôn ước trở thành tờ giấy bỏ. "Đây là những chuyện bác sĩ Đàm nói cho chúng tôi nghe," Khi ấy Cố Nghĩa Nhân cầm tú lơ khơ, học theo y như thật, "Cậu ba và Đàm tiên sinh nói, hai người lý tưởng không giống nhau, trên tâm hồn thì chỉ là người xa lạ, tình cảm này không phải là tình yêu."
Cố Nghĩa Nhân cười ha ha nhìn lá bài trên tay, nói tiếp: "Đàm tiên sinh còn nói, cậu ba không hủy hôn, anh ấy cảm thấy mất cái nọ được cái kia. Nhưng hủy hôn tới ba lần, vậy cái "được" kia đang ở nơi nao?"
Lúc đó, Thẩm Hề vẫn chưa biết trong lòng Uyển Phong có Phó Đồng Văn. Cô thật sự rất tò mò, còn hỏi Cố Nghĩa Nhân, những hôn ước này đều là thật, vậy những hồng nhan tri kỉ đâu? Hễ nhắc đến đề tài như thế này, đàn ông đều sẽ giả bộ bí hiểm khó dò, Cố Nghĩa Nhân cũng không khác là mấy. "Chuyện đó không thể nói cho cậu biết được." Lời Cố Nghĩa Nhân nói, cứ như anh ta mới là nhân vật chính trong câu chuyện tối hôm ấy vậy.
Công tắc đèn tường đều trong tầm với hai người. Cô không mở đèn vì có suy nghĩ riêng, còn anh thì sao?
"Tên mụ của em là Ương Ương à?" Phó Đồng Văn chợt hỏi.
"Vâng." Anh đã biết cô họ Thẩm, ắt cũng biết tên cô.
"Tố du tùng chi, uyển tại thủy trung ương (2), Thẩm Uyển Ương." Lời của anh đã nói lên nỗi lòng cô, "Sau này em đổi tên."
Cô nhẹ nhàng đáp lại: "Em nghĩ, luôn phải để lại một thứ gì đó, để nhắc nhở bản thân." Giọng nói dịu dàng, bên trong có khí phách.
Thẩm Hề là cái tên cô đã chọn khi chạy trốn. Hề (3), là "Nô", nữ nô. Cô muốn mình đời đời phải nhớ tới họ Thẩm.
Đôi mắt đen tuyền sâu thẳm của Phó Đồng Văn nhìn cô.
Cô tưởng anh nghĩ mình đã xoáy vào nỗi đau của cô, bèn giải thích: "Cậu ba yên tâm, hiện giờ thời đại thay đổi, em đã buông tay rồi."
Anh yên lặng một lúc mới lên tiếng: "Buông tay là tốt rồi."
Nói đến đây, hình như Phó Đồng Văn không muốn tiếp tục nữa. Anh thoải mái dang tay ra, cử động bả vai cứng đờ do ngủ nghiêng người cả một đêm, sau đó xuống giường. Hàng loạt động tác này anh làm không hề trúc trắc, rất nhẹ nhàng ung dung, hình như anh cũng ghét bản thân mình, muốn trở về thời khỏe mạnh lúc còn trẻ.
Anh kéo rèm cửa sổ ra.
Trời chưa sáng.
Cách một tấm kính thủy tinh, cô nhìn thấy mây mù tầng tầng lớp lớp, nâng đỡ mặt trăng. Trăng trên biển rất sáng, to hơn rất nhiều khi nhìn từ nhà trọ. Nhưng trong trí nhớ, trăng sáng nhất là ở Quảng Châu.
Trăng quê nhà vẫn sáng, lời người xưa không dối lừa tôi. (4)
Thẩm Hề nhìn bóng lưng anh, đang tính toán quãng đường về nước, quay lại Quảng Châu. Cô muốn về thăm một lần. Tính mãi tính mãi, cô chợt giật mình. Về nước rồi, còn có thể gặp anh không?
"Những người được anh ba giúp đỡ, có ai còn liên lạc với anh không?" Cô vòng vo dò hỏi.
Tay Phó Đồng Văn chống lên cửa sổ thủy tinh, nhớ lại: "Thỉnh thoảng có gửi thư tới, nhưng rất ít khi gặp nhau."
Là vậy à. Cô gối đầu lên đầu giường, không lên tiếng.
Phó Đồng Văn vẫn còn mệt, đứng bên cửa sổ một lúc, rồi lại lên giường ngủ. Lần này anh quay lưng về phía Thẩm Hề.
Thẩm Hề mặc quần áo chỉnh tề, mở cửa hỏi quản gia nước nóng, pha một tách trà sớm ở phòng khách, vừa đặt ấm trà xuống thì bác sĩ Đàm tới.
Anh ta thấy Thẩm Hề đã bình thường trở lại, nên vô cùng ngạc nhiên, càng thêm tán thưởng, nở nụ cười rất nhiệt tình, nhẹ nhàng nói: "Tôi mang moóc-phin tới, lo tinh thần cô vẫn chưa ổn, định tiêm cho cô một mũi."
Thẩm Hề lắc đầu, ra hiệu cho anh đừng nói chuyện ở đây. Cô bưng ấm trà, bảo bác sĩ Đàm lấy một chiếc tách sạch khác, rồi theo mình đến boong tàu riêng. Lúc này trời nửa sáng nửa tối, nước trà nóng làm dạ dày ấm lên, bác sĩ Đàm cũng mở lòng, nói nhiều hơn trước. Anh ta là người hóm hỉnh, nhưng từ trước tới giờ Thẩm Hề chưa từng biết đến mặt này. Có lẽ sau đêm qua, anh mới chấp nhận người bạn đồng hành Thẩm Hề. Cùng chung một người lo lắng, cùng trải qua một chuyện, chỉ vậy mà hai người đã như máy thu thanh được bật lên.
"Một tuần ấy chúng tôi đến London, tôi đã gặp rất nhiều bạn học cũ, còn cả giáo sư trước đây," Bác sĩ Đàm kể, "Vị giáo sư đó vẫn luôn nghiên cứu lĩnh vực này, lát nữa tôi lấy tài liệu cho cô xem, năm năm trước ông ấy đã quan sát năm người bị nhồi máu cơ tim, viết một báo cáo, nhồi máu cơ tim cấp rất dễ xảy ra khi quá mệt mỏi hoặc tinh thần bị kích động."
Bác sĩ Đàm nói xong, uống cạn tách trà, nóng tới nỗi anh ta hít vào một hơi, nhưng vẫn nói tiếp: "Cậu ta không thể quá xúc động, tuyệt đối không thể chịu k1ch thích."
Thẩm Hề lặng lẽ ghi nhớ câu này.
"Phó Đồng Quyến..." Bác sĩ Đàm khẽ than, "Mới đầu chúng tôi là bạn học, đều học tim mạch."
"Vì anh ba sao?"
Bác sĩ Đàm gật đầu: "Đáng tiếc thay, dù khoa nội hay khoa ngoại, chúng tôi đều phát triển quá muộn."
Đây cũng là điều Thẩm Hề buồn rầu.
"Đồng Quyến..." Bác sĩ Đàm muốn nói lại thôi.
Thẩm Hề nhìn anh, cô biết, những lời tiếp theo vô cùng quan trọng.
"Năm đấy, cậu ba thuộc phái cách mạng."
Đảng Duy Tân ư? Thẩm Hề ngạc nhiên, cô vốn tưởng anh chỉ là người say mê kinh doanh...
"Chúng muốn cậu ba dừng tay, nên trói Đồng Quyến đi, tiêm moóc phin và thuốc phiện cho cậu ấy, khoảng nửa năm thì phải, khi quay về người đã không ra người," Bác sĩ Đàm tháo kính mắt xuống đặt lên chiếc bàn thấp, bưng tách trà lên uống, "Sau khi Đồng Quyến về nước, Đồng Văn vẫn luôn dốc sức để cậu ấy cai thuốc, nhưng cơ thể cậu ấy càng ngày càng dựa vào thuốc, tâm lý không chịu nổi, một phát súng kết liễu cuộc đời. Nhìn thấy khẩu súng Đồng Văn mang theo không? Chính là nó."
Là khẩu súng anh để dưới gối trong phòng.
Cô cũng từng thử đoán nguyên nhân cái chết của cậu tư, nhưng cách sự thật rất xa. Biết anh lâu đến thế, như người ở bên cạnh mình, bỗng chợt nghe thấy lời này, cô cảm thấy thê lương khôn cùng. Với một người luôn cố gắng xóa bỏ sạch sẽ thuốc phiện, còn hình phạt nào tàn khốc hơn, không chỉ tróc da tróc thịt, mà còn phá hủy lý tưởng và ý chí.
Thẩm Hề hít sâu một hơi, trong lòng vẫn nặng nề.
"Con người cậu ấy sẽ không từ thủ đoạn nào với chuyện mình muốn làm, nhưng cô bảo cậu ta dính dáng tới thuốc phiện, không bao giờ."
Thẩm Hề gật đầu: "Về sức khỏe cậu ba, bác sĩ Đàm có gì muốn nói không?"
"Để tôi nghĩ xem."
Bác sĩ Đàm đưa tách trà đến bên miệng, Phó Đồng Văn đã thay quần áo, tay cầm áo vest màu tro, bước chân thong dong: "Hai người đang coi tôi là thỏ trong phòng thí nghiệm đấy à?" Anh cười, ném áo vest lên đầu bác sĩ Đàm.
Kính mắt của Bác sĩ Đàm bị rơi xuống, anh ta tức giận bật cười: "Đúng là tay mơ, đừng tưởng biết mỗi tác dụng của thỏ là giả bộ làm người trong ngành được."
Hai người nói nói cười cười, chuyện đêm qua cuốn theo chiều gió.
Trong những đêm trước đây, phải trải qua nhiều chuyện, họ mới có thể làm những việc này.
Thẩm Hề nhìn Phó Đồng Văn, nghĩ đến khi "cùng giường" của hai người lúc nửa đêm, ban ngày ban mặt lại cảm thấy có phần lúng túng. Quả nhiên giữa ban đêm và ban ngày, can đảm của con người cũng khác nhau. Cô cầm ấm trà lên, ra hiệu với Phó Đồng Văn, rồi vội vã rời khỏi: "Em đi lấy thêm trà."
Phó Đồng Văn nhìn bóng lưng chạy trối chết của cô, tự nhiên bật cười.
Ngày ấy, nếu như cô có dũng khí quay đầu lại nhìn, chắc chắn sẽ thấy, trong đôi mắt kia đã có bóng dáng cô.
(1) Kịch nam: Là loại hình nghệ thuật sân khấu của niềm Nam Trung Quốc thời Nguyên (1279 - 1368), là một trong những hình thức hí kịch hoàn thiện sớm nhất của Trung Quốc.
(2) Trích từ bài thơ "Kiêm gia 1" trong Kinh thi, bản dịch của Tạ Quang Phát:
Thuận dòng theo đến tận nơi,
Giữa vùng nước biếc, thấy người ở trong.
(3) Hề: Chỉ những người lao động khổ sai ở cổ đại.
(4) Là một câu nói của triết học nổi tiếng thời Tống Trình Di (1033-1107)