Chiếc ô tô dừng ở bãi đỗ xe trước phố cổ Hội An. Minh Lam ra khỏi xe, bảo tài xế không cần phải đợi cô, sau khi xong việc cô sẽ tự bắt xe trở lại Đà Nẵng. Anh tài xế là người bản địa, dáng người không cao, nhưng rất thoải mái nhiệt tình. Anh chắc khoảng ba lăm hay ba sáu tuổi, nói tiếng Anh không sõi lắm nhưng nếu chỉ là giao tiếp bình thường thì không vấn đề gì. Bởi vì người Việt Nam không gọi nhau bằng họ, nên Minh Lam chỉ biết anh tên là “Thắng”. Cô, Giang Hoài và Thời Vi gọi anh là “A Thắng” theo thói quen của người Trung Quốc. Lúc đầu, A Thắng gọi cô là “cô Giản”, sau này khi đã quen nhau hơn rồi, anh chuyển sang gọi từ cuối trong tên cô, cũng là từ đơn giản nhất – “Lam”. Đã hơn nửa năm kể từ khi họ đến Đà Nẵng, A Thắng thậm chí còn học được một ít tiếng Trung cơ bản, ngoài cách phát âm còn hơi ngượng ngịu thì cũng khá ra dáng.

Sau khi nghe Minh Lam nói thế thì A Thắng không quá đồng ý, anh chậm rãi nói: “Lam, anh Giang nói chờ.”

Minh Lam nghĩ rằng Giang Hoài muốn cùng Thời Vi tận hưởng thế giới riêng của hai người, nên mới bảo cô không cần vội vã trở về. Đương nhiên cô sẽ không quấy rầy nhã hứng của họ, nhưng nếu như thế thì A Thắng không thể tan ca về sớm nhà được, cô suy nghĩ một lát, nói: “Tối nay tôi muốn ở lại đây.”

A Thắng ngạc nhiên la to: “Anh Giang không có nói vậy.”

Minh Lam thở dài, lấy điện thoại di động ra gọi cho Giang Hoài.

Người nhận điện thoại là Thời Vi. Minh Lam nghe thấy giọng nữ bên kia điện thoại, sững sờ vài giây, sau đó nói: “Thời Vi, phiền cậu chuyển điện thoại cho Giang Hoài giúp mình.”

“À, chú Lê đang giúp anh ấy tắm, có việc gì không?”

“Cũng không có gì, mình muốn nói với anh ấy một tiếng, tối nay mình sẽ ở lại Hội An, tí nữa mình bảo A Thắng trở về đó, nếu các cậu muốn dùng xe cũng sẽ tiện hơn.”

Thời Vi im lặng một lát: “Để mình chuyển điện thoại cho Giang Hoài, cậu tự nói với anh ấy nhé…”

“Không cần đâu…” Minh Lam cười cay đắng: “Nói với cậu thì cũng như nhau mà. Cậu nói lại với anh ấy giúp mình nhé. Cũng không phải chuyện gì to tát.”

“… Được rồi, cậu cẩn thận nhé.” Thời Vi nói.

Minh Lam lắc lắc điện thoại của mình trước mặt A Thắng: “Ok rồi nhé.”

A Thắng gãi đầu khó xử một lúc, sau đó nở nụ cười hàm hậu, tạm biệt Minh Lam rồi khởi động xe rời đi.

Minh Lam lấy thiệp mời mà lúc nãy Thời Vi đưa cho cô ra khỏi túi xách. Cô nhận ra đây là thiệp mời dự lễ khai trương khách sạn vào tuần sau. Trên thiệp có viết tên người nhận và một chuỗi địa chỉ. Minh Lam không hỏi Thời Vi về người Giang Hoài bảo cô đến tìm là ai, chuyện Giang Hoài nhờ cô làm, từ trước đến nay cô chưa từng hỏi lí do, chỉ cần làm theo là được.

Sau khi rời khỏi bãi đỗ xe, Minh Lam đi bộ một đoạn đường. Gặp một vài người chạy xe ba bánh dừng bên lề, cô đưa địa chỉ cho một trong số họ xem và hỏi đường đi đến đó. Không ngờ anh ta lại ân cần bảo sẽ đưa cô đến địa chỉ này bằng phương tiện của mình, sau khi suy nghĩ một lát, nếu có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Giang Hoài giao sớm hơn một chút thì càng tốt. Vì vậy, cô đồng ý thuê xe của họ để đến đó.

Hình như loại xe ba bánh tên là “Xích lô” này rất nổi tiếng ở Việt Nam. Đặc điểm của nó là ghế hành khách rất to ở phía trước và người lái xe ngồi đạp ở phía sau. Nghe nói loại xe này được phát minh từ thời thực dân Pháp. Thiết kế như thế có thể ngăn mùi mồ hôi của người lái xe không bị gió thổi vào hành khách ngồi ở phía sau và tầm nhìn của hành khách không bị cản trở trong quá trình tham quan trên đường đi.

Minh Lam đã nhìn thấy phần giới thiệu loại xe ba bánh này trong sách từ trước đó. Lúc đó cô nghĩ, trên thế giới này có một kiểu người luôn thích làm những việc khiến bản thân vui vẻ. Thỉnh thoảng cũng sẽ tự phân mình và đồng loại thành “Ba sáu chín loại” khác nhau. Từ xưa đến nay, nhân loại đối với sự vật hiện tượng này luôn vận động không ngừng, nghĩ kĩ lại thì, suy nghĩ của thế nhân thật không thể hiểu được.

Năm đó, khi cô lật xem sách ảnh du lịch mượn từ thư viện, có đưa phần giới thiệu và hình ảnh về loại xe ba bánh thú vị này của Việt Nam cho Giang Hoài xem, lúc đó cô đã nói ra suy nghĩ của mình. Sau khi nghe xong, Giang Hoài nói với giọng điệu rất điềm tĩnh: “Minh Lam, người chỉ làm những việc mình thích, có lẽ là do những chuyện bản thân họ có thể kiểm soát quá ít, vì vậy họ chỉ đành không làm những việc mình không thích. Con người luôn không giống nhau, sự công bằng duy nhất chỉ xét về mặt nhân cách, hoặc là, chúng ta nên nói thế này: Mặc dù đời người là bất bình đẳng, nhưng nhân cách con người luôn luôn là bình đẳng. Bất kể gặp phải tình huống nào, em phải luôn nhớ điều này.”

Minh Lam ôm sách ngồi trước xe lăn của anh, đột nhiên nhận ra thân phận của mình, điều này khiến cô xấu hổ, hai tay ôm chặt quyển sách, khoé môi mỉm cười cay đắng.

Cô không bao giờ quên dáng vẻ lúc đó của Giang Hoài. Anh run rẩy nâng cánh tay phải không thể giơ cao được của mình lên, vuốt nhẹ tóc cô, anh nghiêm túc nhìn cô và nói: “Anh biết em đang nghĩ gì. Em xem, anh là một người tàn tật, ngay cả tay chân của mình mà anh cũng không tự do điều khiển được. Chẳng lẽ anh và em không bình đẳng sao? Nếu ngay cả nhân cách cũng không bằng thì anh dựa vào đâu mà sống tiếp được nữa?”

Minh Lam biết anh cố tình hạ thấp bản thân mình, để tránh việc cô nghĩ đến thân phận mình là kẻ ăn nhờ ở đậu. Anh muốn nói với cô rằng anh và cô hoàn toàn bình đẳng. Cuộc sống của họ, đã bị số phận an bày, cô và anh, ai tốt hơn ai? Trái tim cô vừa ấp ám vừa đau đớn, cô ôm lấy chân anh khóc lớn. Lòng bàn tay anh vẫn đang nhẹ nhàng vuốt tóc cô, mềm mại mà nóng bỏng.

Năm ấy, cô mười bảy tuổi. Lúc đó, Giang Hoài không nói gì thêm nữa, nhưng anh luôn ở bên cạnh cô. Cô cảm nhận được sự ấm áp ân cần của anh, khác hẵn vẻ lạnh nhạt lạnh nhạt sau này. Đương nhiên, trừ năm đầu tiên cô ở nhà họ Giang ra, anh cực kì bài xích cô, về sau cho đến bây giờ anh chưa bao giờ đối xử không tốt với cô. Chỉ là, có lẽ là đột nhiên, có lẽ là chậm rãi, anh đã dần dần xa cô. Anh vẫn nói chuyện với cô như trước, nhưng những lời nói đó, không xuất phát từ trái tim anh.

Xe xích lô chở cô chạy dọc theo bờ sông Thu Bồn, dừng trước sân một căn nhà truyền thống của Việt Nam. Trước cửa nhà có treo tấm biển hiệu với hai chữ lớn: “Thuỳ Vân”. Sau khi Minh Lam thanh toán tiền thuê xe, cô bước xuống và đi vào trong.

Có thể thấy được lối vào căn nhà đã được trang trí thành một quán cà phê. Kết cấu kiến trúc đều bằng gỗ, phần mái nhà được chạm khắc khéo léo vút cong về bốn phía, vươn rộng ra tứ phương, nghệ thuật điêu khắc độc đáo đậm chất cổ xưa. Căn nhà này không giống như được cố tình xây theo kiến trúc giả cổ, mà thật sự đã được xây dựng từ lâu, trải qua biết bao năm tháng thời gian. Các cửa sổ ở ba mặt đều được mở ra, sáng sủa và thoáng mát, một số cột trụ to chống dưới hiên nhà tạo thành hành lang xung quanh nhà chính. Trong nhà bày bàn ghế kiểu xưa bằng gỗ. Trong không khí thoang thoảng mùi thơm của trà và cà phê, hoà quyện với nhau cực kì hài hoà. Cũng không quá ngạc nhiên vì từ khi cô bước vào phố cổ Hội An đến đây, những căn nhà mang đậm kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp này đều nằm xen kẻ với những nhà lầu hai tầng được xây dựng lại với kiến trúc tương tự bởi người dân địa phương, quan cảnh này không hề gây cảm giác lộn xộn, mà còn tạo nên một sự quyến rũ rất riêng.

Nếu không phải vẫn chưa làm xong chuyện mà Giang Hoài giao, cô thực sự muốn ở đây thưởng thức một tách cà phê rồi mới đi. Mấy năm nay, cô dành rất ít thời gian cho bản thân. Không chỉ vì Giang Hoài cần sự chăm sóc của cô, mà trong tiềm thức, dù cố tình hay vô tình cô đều đang tự trừng phạt chính mình. Cô không cho phép mình được rảnh rỗi, gần như cô đặt hết thời gian và tâm trí của mình vào Giang Hoài. Nếu không phải những năm qua có Thời Vi bên cạnh Giang Hoài, thì đôi khi sự tồn tại của cô lại biến thành sự quấy rầy. Cô và anh là hình với bóng, gần như không thể tách rời.

Cô không ngồi xuống mà đưa bìa thiệp mời cho một người phục vụ, dùng tiếng anh hỏi thăm người cô cần tìm có phải ở đây hay không. Tiếng anh của người phục vụ không quá tệ, cô ấy hiểu rõ ý cô và trả lời rằng: “Anh ấy ra ngoài rồi.”

Minh Lam hỏi cô ấy: “Khi nào anh ấy quay lại?” Đối phương trả lời: “Anh ấy thường trở về trước bữa tối.” Và tỏ ý có thể giúp cô chuyển thiệp mời đến người cô cần tìm. Minh Lam không chút suy nghĩ liền từ chối cô ấy một cách lịch sự. Ban đầu Giang Hoài nhờ cô đích thân giao thiệp mời này cho người có tên trên đó, vậy nên cô chỉ có thể giao tận tay đối phương.

Cô không cần biết người nhận thiệp mời này quan trọng thế nào, cũng không cần hỏi Giang Hoài lí do vì sao anh bảo cô đi mời một cách trang trọng như vậy. Cô chỉ cần hoàn thành tốt việc mà Giang Hoài giao, vậy là xong.

Ngay khi Minh Lam do dự giữa việc nên ngồi trong quán gọi một tách cà phê và chờ người kia trở về, hay đi dạo một vòng phố cổ rồi quay lại thì người phục vụ đã chủ động nói với cô rằng người cô cần tìm thật ra đang ở một cửa hàng ngay bên kia sông. Chỉ cần qua cầu, đi vài bước là đến rồi. Nếu cô có việc gấp, cô ấy có thể chỉ đường cho cô đi đến đó. Khi đến cửa hàng, chỉ cần hỏi bất cứ ai trong tiệm, hỏi người cô cần tìm tên là “Khánh”, thì mọi người đều biết đó là ai.

Minh Lam rất cảm kích. Theo hướng ngón tay người phục vụ chỉ, khi cô đi qua chiếc cầu nhỏ, cô thấy có một số học sinh đang đi bộ về nhà sau giờ học, có rất đông những khách du lịch với màu da khác nhau, còn có nhiều người dân địa phương chạy xe đạp hoặc xe máy đi ngang qua cầu cùng một lúc, vô cùng náo nhiệt.

Đến bên kia sông, cô dể dàng tìm thấy bảng hiệu của cửa hàng. Dường như là một cửa tiệm may, những tấm vải đầy màu sắc với nhiều họa tiết khác nhau được sắp xếp gọn gàng, hai mẫu manocanh bằng nhựa được mặc áo dài trưng bày trước cửa. Bên trong tiệm có một nhân viên bán hàng đang cầm thước dây, vừa đo kích thước cho khách vừa đọc số liệu cho một nhân viên đang ngồi khác ghi chú vào sổ.

Minh Lam thấy không tốt lắm khi quấy rầy việc buôn bán của người khác, nên ngại ngùng đứng bên cạnh cửa, đợi khách rời đi rồi mới hỏi thăm. Nếu đã đến đây rồi, chi bằng dạo một vòng quanh cửa tiệm, xem các mẫu vải đặc sắc này xem sao. Đương nhiên, cô không dự định đặt may cho mình một bộ áo dài Việt Nam, nhưng đột nhiên nhớ đến đã từng nghe ai đó nói vải cotton của Việt Nam rất tốt, mỏng nhẹ mà tinh tế, rất thích hợp để mặc trong thời tiết nóng. Hơn nữa, tay nghề của thợ may ở Hội An rất nổi tiếng, vậy sao không nhân dịp này đặt may cho Giang Hoài một bộ áo ngủ để anh có thể mặc thoải mái hơn.

Giang Hoài thích đơn giản, Minh Lam bỏ qua những mẫu có in hoa mà chọn những mẫu vải thuần một màu. Màu xám nhìn hơi đứng tuổi, màu trắng quá đơn điệu, màu đen hơi u ám, chọn đi chọn lại, vẫn là màu xanh có vẻ hợp với anh nhất. Ngón tay Minh Lam dừng lại trước một mẫu vải màu xanh lam mỏng thêu hoa văn chìm, màu sắc nhẹ nhàng của tấm vải này giống như màu của bầu trời sớm vừa hừng sáng vậy.

Vừa ngẩng đầu lên, Minh Lam thấy vị khách lúc nãy đo kích thước trong cửa hàng đã rời đi. Cô nhân viên đến bên cạnh, mỉm cười dịu dàng dùng tiếng anh hỏi cô cần giúp gì. Cô hỏi về giá cả và liệu ngoài áo dài ra thì cửa hàng có nhận may đồ ngủ cho nam không. Sau khi nhận được câu trả lời hài lòng, cô cung cấp số đo của Giang Hoài cho nhân viên và dặn dò thợ may may rộng hơn một chút. Cô nghĩ, dù sao thì đây cũng là đồ ngủ, không cần quá vừa vặn, thoải mái mới là quan trọng nhất.

Sau khi cô cung cấp địa chỉ giao hàng và thanh toán, tấm màn ở cuối cửa hàng được vén lên. Ban đầu Minh Lam không chú ý, cho đến khi một chàng trai trẻ bước ra, cô bất giác nhìn thêm vài lần.

Người đó, mặc một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay có sọc nhỏ màu tối, phối với chiếc quần tây màu xám than, tay phải cầm một cây gậy. Khoảnh khắc tấm rèm được vén lên, đầu gậy vươn ra chạm nhẹ xuống sàn nhà.

Đó là – Một cây gậy dành cho người mù.