Mọi người thấy Kiều Phong ra đi đều chưng hửng. Có người lớn tiếng gọi:
- Bang chúa đừng đi nữa!
Có người hô:
- Ðại cục Cái Bang đều trông cậy vào Bang chúa, Bang chúa chủ trương cho!
Có người năn nỉ:
- Xin Bang chúa trở lại cho!
Ðột nhiên có tiếng gọi vang lên, rồi một cây gậy từ trên không ném xuống.
Chính là Kiều Phong ném cây Ðả cẩu bổng lại. Từ trưởng lão giơ tay ra đón lấy.
Tay vừa chạm vào cây bổng thì từ cánh tay cho đến toàn thân run lên như điện giật, phải buông tay ra, dư lực cây bổng vẫn còn rất mạnh cắm sâu xuống đất mà đứng thẳng.
Bang chúng đồng thanh hô vang lên vì họ trông thấy cây bổng, một vật chí bảo để trấn bang. Họ có quan niệm rằng thấy cây gậy tức là thấy Bang chúa. Trong lòng mọi người đều bâng khuâng nghĩ ngợi.
Ðoàn Dự cũng gọi:
- Ðại ca! Ðại ca! Tôi đi theo đại ca đây!
Chàng hấp tấp đuổi theo Kiều Phong, nhưng vừa chạy được ba bước, chàng lại nhớ đến Vương Ngọc Yến, quay lại nhìn. Vừa nhìn thấy mặt nàng, chân chàng không sao bước đi được nữa. Trong lòng chàng tự nhiên nẩy ra bao nhiêu mối tơ tình êm dịu, chàng quay trở lại, đến bên Vương Ngọc Yến, hỏi:
- Vương cô nương! Các cô định đi đâu bây giờ?
Vương Ngọc Yến đáp:
- Biểu huynh ta bị họ vu oan, có lẽ chàng chưa biết, định đi báo cho chàng hay.
Ðoàn Dự tê tái trong lòng mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói:
- Ủa! Mấy cô nhỏ tuổi đi đường xa sao tiện, để tôi đưa đi.
Chàng lại nói thêm một câu để chữa thẹn:
- Tôi vẫn nghe danh công tử đã lâu, muốn đến gặp công tử một lần (?)
Bỗng thấy Từ trưởng lão lớn tiếng nói:
- Việc báo thù rửa hận cho Mã Phó Bang chúa chúng ta có thể để về sau sẽ tính.
Nhưng bản bang một ngày không thể vô chủ, Kiều Phong đi rồi, việc này không thể trì hoãn được. Nhân lúc ở đây đông đủ cả, ta phải bàn tính ngay bây giờ.
Tống trưởng lão nói:
- Theo ý tôi thì chúng ta nên đi tìm Kiều Bang chúa trở về để người hồi tâm nghĩ lại mà đừng thoái vị...
Tống chưa dứt lời thì đầu đằng Tây có người kêu lớn:
- Kiều Phong là người rợ Hồ nước Khất Ðan, sao lại để làm thủ lĩnh chúng ta được? Bữa nay chúng ta còn nghĩ đến tình xưa nhưng lần sau gặp mặt đã thành cừu địch đánh nhau chí mạng.
Tống trưởng lão cười lạt, nói:
- Ngươi đánh nhau chí mạng với Kiều Bang chúa được không?
Người đó nổi giận, nói:
- Mình ta không đánh được thì mười người cùng đánh, mười người không nổi thì cả trăm người. Nghĩa sĩ ở Cái Bang ai không tận trung báo quốc. Chẳng lẽ thấy địch là rụt cổ vào ư?
Gã nói mấy câu đó thật khẳng khái hiên ngang. Nhiều người vỗ tay hoan hô.
Tiếng hoan hô chưa dứt thì góc Tây Bắc có tiếng người the thé:
- Bọn Cái Bang ước hẹn với người ta hội diện ở Huệ Sơn, thế mà bội ước không đến, thì ra chúng còn ẩn nấp ở đây. Ha ha! Buồn cười, thật đáng buồn cười!
Giọng nói sắc nhọn như đâm vào tai. Tiếng nói không được rõ ràng, tựa hồ như đầu lưỡi to quá hay là kịt mũi khiến người nghe phải khó chịu.
Tưởng đà chúa ở phân đà Ðại Nghĩa và Phương đà chúa ở phân đà Ðại Dũng đồng thanh la lên:
- Ờ ! Chúng ta lỡ lời ước hội, bọn đối đầu đã tìm đến đây!
Ðoàn Dự cũng nhớ ra, lúc ban ngày cùng Kiều Phong gặp mặt lần đầu ở quán rượu đã nghe thấy có hai người vào báo, ước định đến canh ba đêm nay có cuộc hội họp trên núi Huệ Sơn. Lúc đó dường như Kiều Phong thấy bên mình chưa đủ người, lực lượng hãy còn đơn bạc, nhưng vẫn y hẹn.
Chàng ngửa mặt lên nhìn thì mảnh trăng đã xế, biết rằng đã qua canh ba. Ða số người Cái Bang chưa biết cuộc ước hẹn này. Hoặc giả có người biết thì cũng chỉ để trong lòng vì bổn bang đang xảy ra việc trọng đại, nên không có đầu óc nào nghĩ tới nữa, bây giờ mới sực nhớ ra.
Từ trưởng lão hỏi dồn:
- Cuộc ước hội thế nào? Ðối đầu với mình là ai?
Lâu nay Từ không nghe gì đến việc của bản bang đối với đám giang hồ nên không hiểu gì hết. Chấp pháp trưởng lão ghé tai nói khẽ với Tưởng đà chúa:
- Phải chăng Kiều Bang chúa hứa lời ước hẹn với họ?
Tưởng đà chúa đáp:
- Ðúng rồi! Nhưng Bang chúa vừa mới phái người đến Huệ Sơn báo cho đối phương để lui cuộc hội diện lại sau bẩy ngày.
Tưởng nói rất khẽ vào lỗ tai đủ cho chấp pháp trưởng lão nghe thấy mà thôi, thế mà người kia ở ngoài rừng hạnh cũng nghe rõ, liền nói:
- Ðã hẹn là phải đúng, không có lui lại bảy, tám ngày gì hết. Muốn lùi lại một giờ cũng không được!
Bạch Thế Kính tức giận nói:
- Cái Bang ta đường đường là một bang lớn trong nước Ðại Tống, há sợ bọn giặc Hồ Tây Hạ các ngươi hay sao? Chẳng qua vì trong bản bang có việc khẩn yếu, rỗi công đâu mà đi cãi nhau nhảm nhí với các ngươi! Thay đổi ngày hội họp là chuyện tầm thường, có chi mà phải la ó?
Ðột nhiên có tiếng gọi, sau rừng hạnh một người vọt ra té lăn dưới đất không nhúc nhích. Bọn Bạch Thế Kính nhìn thấy người này mặt mũi bầy nhầy, cổ họng bị cắt đứt, tắt hơi từ bao giờ.
Mọi người nhìn ra là phó đà chúa ở phân đà Ðại Tín.
Tưởng đà chúa vừa sợ vừa giận, la lên:
- Tá hiền đệ đây mà! Y vừa được lệnh Kiều Bang chúa phái đi để trả lời hoãn lại ngày hội.
Chấp pháp trưởng lão nói:
- Từ trưởng lão! Hiện giờ Bang chúa không có ở đây, xin trưởng lão tạm chấp trưởng chức quyền Bang chúa.
Bạch Thế Kính không muốn tiết lộ bộ mặt vô chủ của bản bang để khỏi bị kém thế bên địch.
Từ trưởng lão hiểu ý, nghĩ thầm: "Lúc này mình không chịu đảm đương trách nhiệm thì cũng không thể nào tìm được người thứ hai nào giữ vững đại cục", bèn lớn tiếng hỏi:
- Người ta thường nói "hai nước đương lúc giao tranh không chém sứ giả". Thế mà tệ bang phái người đến xin hoãn cuộc tương hội, sao quý quốc lại giết y?
Tiếng the thé đáp lại:
- Hắn đã tỏ vẻ kiêu ngạo lại nói năng vô lễ, vào yết kiến tướng quân bên ta không chịu quỳ lạy, không giết còn để làm gì?
Bang chúng nghe thấy nổi lên la ó, nhiều người buông tiếng chửi mắng. Ðến lúc này mà Từ trưởng lão vẫn chưa biết kẻ đối đầu là hạng người nào, chỉ thấy Bạch Thế Kính hiểu y là người nước Tây Hạ, rồi bây giờ người này lại gọi y bằng tướng quân thì còn biết đâu mà mò. Lão liền hỏi:
- Ngươi cứ chui rúc vào xó nào, sao không dám ló mặt ra đây? Cứ nấp nánh để nói nhăng nói cuội, đâu có phải là hảo hán.
Người kia cười ha hả hô lên:
- Tướng quân! Ta ra đi thôi chứ!
Bỗng nghe đằng xa có tiếng tù và nổi lên, tiếp theo là tiếng vó ngựa từ ngoài mấy dặm vọng lại. Bên địch sắp đến là cả một đội nhân mã nhưng hãy còn khá xa.
Từ trưởng lão ghé miệng vào tai Bạch Thế Kính hỏi khẽ:
- Họ là ai và đến có chuyện gì?
Bạch Thế Kính đáp:
- Nước Tây Hạ có tòa nhà giảng võ gọi là Nhất Phẩm Ðường chi đó. Người ta đồn toà nhà này do quốc vương Tây Hạ dựng ra, làm nơi chiêu nạp những tay cao thủ trong võ lâm, tiếp đãi rất trọng vọng để truyền dạy võ nghệ cho quan quân trong nước.
Từ trưởng lão gật đầu nói:
- Nước Tây Hạ chỉnh đốn quân cơ, luyện tập võ nghệ, phải chăng cốt để sang xâm phạm giang san nhà Ðại Tống?
Bạch Thế Kính khẽ đáp:
- Chính là vì vậy. Sở dĩ đặt tên là "Nhất phẩm đường" vì người nào đã được vào đây đều là hạng võ công bậc nhất. Người cai quản Nhất phẩm đường là một vị vương gia và được phong chức Chinh Ðông Ðại Tướng quân, tên gọi Hách Liên Thiết Thụ gì đó. Mới đây y thống lãnh dũng sỹ trong toà Nhất Phẩm Ðường đi sứ Biện Lương, vào triều kiến hoàng thượng và hoàng hậu nhà Ðại Tống ta. Tuy mượn tiếng là về triều cống, song thực tế để do thám quân tình. Gã Hách Liên Thiết Thụ diễu võ dương oai ở chốn kinh sư rồi cho kẻ tuỳ tòng của gã ra đòi tỷ võ với ngự lâm quân. Trong bọn quan quân ngự lâm quân tại triều đình làm gì có tay cao thủ. May mà Tô học sỹ nghĩ ra một kế...
Từ trưởng lão ngắt lời:
- Tô học sỹ nào? Ðại Tô học sỹ hay Tiểu Tô học sỹ?
Bạch Thế Kính nói:
- Chính Ðại Tô học sỹ tên gọi Tô Thúc, Tô Ðông Pha. Học sỹ tâu lên thái hậu:
"Nhà Ðại Tống ta, dẹp võ luyện văn, mối bang giao với các nước láng giềng rất là hoà mục, không tiện tỷ thí võ công. Nhưng người Tây Hạ lại hiếu chiến, khinh nhà Ðại Tống ta như không có người. Chi bằng hẹn họ đến mùa xuân sang năm đến thành Biện Lương mà xem võ học nhà Ðại Tống".
Từ trưởng lão gật đầu, đáp:
- Ðó là kế hoãn binh. Vậy trong năm nay bọn ta phải mời các bậc cao thủ khắp nơi, lựa chọn dũng sĩ để chuẩn bị sang năm đối địch.
Bạch Thế Kính nói:
- Trước khi người Tây Hạ qua Ðại Tống, họ cũng đã biết đại khái về võ học nước ta, họ hiểu rằng bản bang là một phái võ lớn trong triều Ðại Tống. Họ muốn huỷ diệt bản bang để gây thanh thế và để sang năm nắm vững phần thắng, vì họ chắc rằng thần dân nhà Ðại Tống một khi nghe thấy quân Tây Hạ kéo đến là sợ vỡ mật.
Khi đó họ sẽ xâm lấn bờ cõi được dễ dàng.
Từ trưởng lão ngấm ngầm kinh hãi, khẽ nói:
- Kế ấy quả nhiên độc địa.
Bạch Thế Kính lại nói:
- Gã Hách Liên Thiết Thụ ra khỏi kinh thành Biện Lương liền xuống ngay Tổng đà bản bang ở Lạc Dương thì vừa trúng lúc Kiều Bang chúa suất lĩnh chúng tôi xuống Giang Nam về việc báo thù cho Mã Phó Bang chúa. Bọn người Tây Hạ phải một phen mất công không. Nhưng họ chưa chịu thôi, lại theo xuống Giang Nam này ước hẹn cùng Kiều Bang chúa tương hội.
Từ trưởng lão trầm ngâm một lát rồi nói khẽ:
- Có lẽ bọn họ trù tính trước hết hãy huỷ diệt Cái bang ta rồi còn lên đánh phá chùa Thiếu Lâm, sau nữa đến phái Hoa sơn, phái Ðông Hải. Ðánh lần lần cho các phái, các bang ở Trung Nguyên tan nát. Như thế thì cuộc thắng sang năm mười phần họ nắm đến chín rồi.
Bạch Thế Kính nói:
- Kể ra thì họ định thế đó, nhưng liệu những tay dũng sĩ Tây Hạ có làm nổi thế không? Ðiều đó chỉ có Kiều Bang chúa liệu được mà thôi. Nhưng tiếc rằng giữa lúc nguy cấp này...
Ðang nói dở câu, lão hiểu rằng nói hết không tiện nên thôi. Lúc này tiếng vó ngựa đã gần tới nơi. Tám người cưỡi ngựa, chia hai hàng xông vào trong rừng, đều cầm đao trường. Mũi dáo có buộc một lá cờ nhỏ. Lưỡi đao sáng loáng. Trên bốn lá cờ bên tả thêu hai chữ "Tây Hạ" còn bốn lá bên hữu thêu hai chữ "Hách Liên" đều bằng chỉ trắng.
Sau tám người cưỡi ngựa cầm cờ thì đến bốn người thổi hiệu tù và, bốn người đánh trống.
Quần chúng Cái Bang nhún vai, nói:
- Bọn này làm như kiểu ra quân trong khi hai nước giao tranh, đâu có phải lề lối các bậc anh hùng hảo hán trong đám giang hồ đến cùng nhau hội ngộ.
Sau mấy tên đánh trống thì đến tám tên võ sỹ Tây Hạ.
Từ trưởng lão thấy trong tám người này đã có đến sáu người râu tóc bạc phơ vào hạng tám mươi tuổi thì nghĩ bụng: "Ðây chắc là nhân vật trong Nhất phẩm đường". Tám tên võ sỹ chia hai đứng bên tả hữu. Sau cùng là một người cưỡi ngựa từ từ đi vào rừng hạnh.
Người này độ ba mươi tư, ba mươi lăm tuổi, mình mặc áo cẩm bào đỏ, mũi như mũi chim ưng, vẻ mặt rõ ra một người minh tinh mẫn cán. Ði theo sát người này là một gã đại hán người cao lênh khênh, đặc biệt có cái mũi rất lớn. Gã mũi lớn vừa vào tới rừng đã bô bô:
- Quan Chinh Ðông đại tướng quân đã đến! Bang chúa Cái Bang đâu, mau ra nghênh tiếp!
Tiếng gã nói the thé, đúng là gã đã đến trước. Từ trưởng lão nói:
- Bang chúa bản bang không có đây, công việc bản bang do lão phu xử lý. Anh em Cái Bang chúng tôi toàn là những người giang hồ thảo dã, tướng quân nước Tây Hạ muốn tương kiến theo lễ quan liêu thì chúng tôi không dám với cao. Xin mời tướng quân lên hội diện cùng các bậc vương công nhà Ðại Tống, cần chi phải đến chơi với lũ hành khất chúng tôi. Giả tỷ các người lấy địa vị đồng đạo trong võ lâm đến đây gặp nhau thì tướng quân là khách phương xa, xin xuống ngựa vào đây theo lễ chủ khách nói chuyện.
Câu này Từ trưởng lão nói thật đứng đắn, không kiêu ngạo mà cũng không mất địa vị mình. Bang chúng nghĩ thầm: "Từ trưởng lão quả là một tay ngoại giao cự phách". Gã hán tử mũi lớn nói:
- Bang chúa bên quý bang đã không có đây thì tướng quân bên tôi không thể thi lễ cùng lão được.
Gã liếc mắt nhìn thấy cây Ðả cẩu bổng vẫn còn cắm dưới đất, liền nói:
- Ủa! Cành trúc này nhẵn bóng đẹp gớm! Mình phải lấy về làm cái cán chổi mới được!
Gã vươn tay vung roi ngựa ra cuốn lấy đầu cây Ðả cẩu bổng. Quần chúng Cái Bang vội la lên:
- Mi cút ngay!
- Quân chó đẻ này!
- Mẹ nó, láo quá!
Ðầu roi ngựa của gã mũi lớn sắp cuốn được cây Ðả cẩu bổng bỗng có bóng người nhảy vụt ra vươn tay một cái, chắn ở phía trước cây Ðả cẩu bổng. Người này chờ cho roi ngựa quấn vào tay mình rồi co tay lại một cái, gã đại hán không ngồi vững trên lưng ngựa được, phải tung mình nhảy theo đứng xuống đất.
Hai bên đồng thời cùng vận động kình lực, bỗng nghe "rắc" một tiếng, cây roi ngựa đã đứt đôi. Người ấy xoay mình trở tay cướp lại cây Ðả cẩu bổng, xong chẳng nói câu gì lùi trở về ngay. Mọi người nhìn xem ai thì té ra truyền công trưởng lão.
Truyền công lão võ công tuyệt cao, ông rất ít lời, nhưng trong bản bang có việc nguy nan thì ông lại là người rất đắc lực. Ông vừa ra chiêu này kéo gã đại hán mũi to xuống ngựa, roi ngựa gã lại bị đứt đôi, thế là gã thua rồi. Gã đại hán cũng thâm trầm ghê lắm. Tuy bị một vố cay nhưng gã tuyệt nhiên không biến sắc, vẫn điềm nhiên nói móc:
- Bọn hành khất xin cơm quả nhiên bụng dạ hẹp hòi, một cành tre mà cũng không cho người ta.
Từ trưởng lão hỏi:
- Các vị anh hùng hảo hán bên Tây Hạ ước hẹn gặp gỡ tệ bang có việc gì?
Hán tử đáp:
- Tướng quân ta nghe nói bọn Cái Bang ở Trung Nguyên có hai môn tuyệt kỹ "Ðả miêu bổng pháp" và "Hàng xà thập bát chưởng" nên muốn đến để xem chơi.
Bang chúng nghe nói lửa giận bừng bừng, vì gã có ý xuyên tạc "Ðả cẩu bổng pháp" thành "Ðả miêu bổng pháp" và "Hàng long thập bát chưởng" ra "Hàng xà thập bát chưởng", rõ ràng là gã có ý khinh nhờn mình. Cuộc hội ngộ ngày nay khó lòng tránh khỏi gây ra cuộc ác chiến. Bang chúng tức giận buông lời xỉ mạ.
Từ trưởng lão, truyền công trưởng lão, chấp pháp trưởng lão ai nấy cả kinh nghĩ thầm: "Ðả cẩu bổng pháp" và "Hàng long thập bát chưởng" bao giờ cũng chỉ có Bang chúa bổn bang là biết sử dụng mà thôi. Ðối phương đã biết tên hai môn tuyệt kỹ này mà chúng có vẻ không sợ gì, ỷ vào võ nghệ ngang tàng đến đây khiêu chiến, e rằng mình khó chống lại được.
Từ trưởng lão nói:
- Các ông muốn xem "Ðả miêu bổng pháp" cùng "Hàng xà thập bát chưởng" của tệ bang, điều đó phỏng có khó gì! Chỉ cần đem con mèo hoặc con rắn ra đây là có cách đối phó được ngay. Các hạ muốn học làm mèo hay rắn nào?
Ngô trưởng lão cũng cười ha hả, nói:
- Ðối phương là rồng chúng ta mới dùng đến "Hàng long chưởng", đối phương là rắn thì chỉ cần bản lãnh bắt rắn là đủ.
Gã hán tử mũi to lại thua một trận đấu khẩu, đang tìm câu nói lại thì phía sau đột nhiên có tiếng nói ồm ồm:
- Hàng long cũng được mà hàng xà cũng được, ai dám đấu với ta thì ra đây?
Người này vừa nói vừa rẽ đám đông người đi ra, đứng ngất ngưởng, hai tay chắp để sau lưng. Quần chúng Cái bang nhìn thấy y tướng mạo cực kỳ xấu xa, mặt mũi hung ác, chưa biết là ai.
Bỗng thấy Ðoàn Dự lên tiếng gọi:
- Ô kìa! Ðồ đệ! Ngươi cũng đến đây à? Trông thấy sư phụ sao lại không lạy?
Người mặt mũi xấu xa này chính là Nam Hải Ngạc Thần, tên gọi Nhạc Lão Tam.
Nam Hải Ngạc Thần trông thấy Ðoàn Dự cũng giật mình, lão ra chiều bẽn lẽn nói:
- Ngươi... ngươi...
Ðoàn Dự nói:
- Này đồ đệ! Bang chúa Cái Bang đây là huynh trưởng mới kết nghĩa với ta. Quý vị đây đều là sư bá, sư thúc ngươi đó, ngươi không được vô lễ! Mau trở về đi!
Nam Hải Ngạc Thần gầm lên một tiếng, bao nhiêu cành lá trong rừng hạnh động rào rào, lão mắng:
- Mẹ kiếp! Lại gặp phải đồ chó!
Ðoàn Dự nói:
- Ngươi mắng ai là đồ chó?
Nam Hải Ngạc Thần tuy hung hãn vô cùng nhưng những câu lão đã nói ra bất luận thế nào cũng không cãi lời. Tại phủ Trấn Nam Vương nước Ðại Lý, lão đã làm lễ bái kiến nhận Ðoàn Dự làm sư phụ, lão vẫn không từ chối. Nam Hải Ngạc Thần đáp:
- Tính tôi quen miệng mắng người, lão gia quan tâm làm gì? Vả lại, tôi có mắng lão gia đâu!
Ðoàn Dự nói:
- Hừ! Ngươi thấy sư phụ sao không sụp lạy vấn an, thế thì còn ra thể thống gì nữa?
Nam Hải Ngạc Thần cố nhịn, quỳ xuống dập đầu nói:
- Sư phụ! Lão gia vẫn mạnh giỏi đấy ạ?
Lão càng nghĩ càng tức, lạy xong đứng phắt dậy, trở gót chạy đi liền, vừa chạy vừa gầm lên. Mọi người nghe tiếng gầm của lão như nước thuỷ triều đổ xuống ầm ầm, ai nghe cũng biết ngay võ công của lão ta không phải tầm thường. Trong Cái Bang bất quá chỉ được vài ba người như Từ trưởng lão hoặc truyền công trưởng lão là có thể đối địch với lão được.
Thế mà cậu thư sinh yếu ớt Ðoàn Dự lại ngang nhiên là sư phụ lão thì ai mà không ngạc nhiên. Bỗng thấy trong đám võ sỹ Tây Hạ một người nhảy ra, người cao lênh khênh như cây tre, chân bước rất lẹ làng, hai tay cầm khí giới rất lạ cán
dài đến ba thước có năm móng sắt nhọn quắt, ánh trăng chiếu vào xanh lè.
Ðoàn Dự biết gã là một trong Tứ ác đứng hàng thứ tư, tức Cùng Hung Cực Ác Vân Trung Hạc. Chàng tự hỏi: "Sao bọn Tứ ác lại kéo nhau sang đầu Tây Hạ.
Chàng chú ý nhìn sang phía người Tây Hạ, quả thấy có cả Vô ác Bất Tát Diệp Nhị Nương bồng một đứa nhỏ miệng cười khanh khách. Chỉ còn thiếu minh lão đứng đầu bọn này là ác Quán Man Doanh Ðoàn Diên Khánh thái tử."
Chàng nghĩ thầm: "Chỉ cần mình thái tử Diên Khánh không đến là được, còn Nhị ác, Tứ ác tưởng người Cái Bang đây cũng đủ đối phó rồi". Nguyên bọn Tứ ác từ lúc rời khỏi nước Ðại Lý liền sang Tây Hạ vào Nhất Phẩm Ðường. Vì nghe tin ở đây có cho sứ đi mời những tay cao thủ võ lâm, bọn này liền quy đầu Tây Hạ.
Hách Liên Thiết Thụ thấy bọn Tứ ác giở mấy ngón võ ra, đã biết ngay là những tay cao thủ tuyệt luân, liền tiếp đón trọng vọng. Chuyến này Hách Liên Thiết Thụ sang thành Biện Lương đem bốn người đi theo để làm thủ túc cho mình. Vân Trung Hạc nhẩy ra, lớn tiếng nói:
- Tướng quân ta nghe nói Cái Bang có hai môn tuyệt kỹ. Nếu bọn ngươi quả những tay bản lãnh cao cường, hay chỉ là hạng có danh hão, vậy thì ra đây ta coi!
Hồ trưởng lão nói với Từ trưởng lão:
- Ðể tôi ra tỷ thí với hắn!
Từ trưởng lão nói:
- Gã này khinh công lợi hại lắm đấy. Hồ huynh phải cẩn thận mới được!
Hồ trưởng lão vác cương trượng ra đứng cách Vân Trung Hạc độ hơn một trượng, nói:
- Tuyệt kỹ của bản bang phải tuỳ người mới đem ra thi thố, còn đối với các hạ là hạng vô danh tiểu tốt thì cần gì dùng đến "Ðả cẩu bổng pháp". Hãy coi đây!
Lão vung cương trượng lên nghe vù vù, nhằm vai bên tả Vân Trung Hạc đánh xuống. Hồ trưởng lão người thấp lùn, béo chùn chụt mà Vân Trung Hạc thì cao lênh khênh và gầy khẳng gầy kheo, thành ra cặp đối thủ này trông không xứng đôi.
Cây cương trượng của Hồ trưởng lão dài đến hơn một trượng, nên tuy Vân Trung Hạc người cao nghệu mà lão vung trượng lên cũng thành thế trên cao đánh xuống thấp.
Nguyên Hồ trưởng lão được sư phụ truyền thụ cho lối sử dụng thứ binh khí dài này là có ý bù vào chỗ người lão thấp lủn thủn, nên lúc lão phát huy quyền lực thấp mà thành cao.
Vân Trung Hạc né người tránh khỏi, rồi nghe đánh "bịch" một tiếng, đất cát bắn tung lên, vì cây trượng của Hồ trưởng lão vụt xuống đất, đầu trượng ngập sâu hơn một thước. Xem thế đủ biết sức mạnh ghê người.
Vân Trung Hạc tự biết thực lực mình không bằng lão, hết tránh qua bên tả lại nghiêng bên hữu, vận động khinh công cùng lão giao đấu. Hồ trưởng lão múa tít cây trượng, quanh mình lão chỉ thấy một luồng ánh bạc, nhưng không đánh trúng Vân Trung Hạc được đòn nào.
Ðoàn Dự đang xuất thần theo dõi cuộc đấu, bỗng bên tai nghe giọng nói êm ái của một nữ lang hỏi:
- Ðoàn đại ca! Bọn mình giúp bên nào cho phải?
Ðoàn Dự ngoảnh đầu lại thì người hỏi đó chính là Vương Ngọc Yến, chàng bất giác tâm thần mê mẩn, ngẩn ngơ hỏi lại:
- Cô nương bảo sao?
Ngọc Yến nói:
- Gã gầy nhom và cao lênh khênh kia là bạn với đồ đệ đại ca, còn lão lùn mập thì lại là thuộc hạ của người anh kết nghĩa với đại ca. Hai người càng đánh càng hăng, chúng ta nên giúp ai hay là nên can ngăn?
Ðoàn Dự nói:
- Ðồ đệ tôi là con người độc ác mà gã cao gầy kia lại càng tệ hại hơn, giúp họ làm gì?
Vương Ngọc Yến trầm ngâm một lát rồi nói:
- Ủa! Bọn Cái Bang đã đuổi huynh trưởng đại ca không để làm bang chúa, lại đổ oan cho biểu huynh tôi, tôi ghét họ lắm.
Sở dĩ Vương Ngọc Yến tức giận bọn này là vì họ đối với biểu huynh nàng không tốt. Bất luận ai coi biểu huynh nàng không ra gì, nàng đều cho là người ác nhất thiên hạ.
Vương Ngọc Yến lại nói tiếp:
- Lão lùn mập sử hai mươi bốn đường "Pha Ma trượng" của Ngũ Ðài Sơn. Vì lão lùn quá nên hai chiêu "Tần Vương Tiên Thạch" cùng "Ðại Bàng Triển Xí" không được kín đáo, chỉ đánh vào hạ bàn bên hữu lão là không đỡ được. Song gã cao gầy không nhận ra, lại tưởng người lùn thì hạ bàn rất vững, nhưng thực ra không phải thế.
Mặc dầu nàng nói nhỏ nhưng những tay cao thủ giỏi nội công trong trường đấu đều nghe thấy rõ ràng. Ai cũng biết võ công Hồ trưởng lão không phải hạng tầm thường, song vừa nhìn đã nhận rõ ngay chỗ sở đoản của lão thì thực không được mấy người.
Nghe Vương Ngọc Yến nói ra, mọi người đều nhận là đúng. Hồ trưởng lão sử hai chiêu "Tần Vương Tiên Thạch" và "Ðại Bàng Triển Xí" quả về sức mạnh thì có thừa nhưng về vững chãi thì chưa đủ, hạ bàn sơ hở rất nhiều. Vân Trung Hạc liếc mắt nhìn Vương Ngọc Yến khen rằng:
- Cô em đẹp quá! Mà tinh mắt thật chẳng ai bằng, lấy tôi làm chồng quách.
Lão vừa nói vừa vung cây cương trảo lên đánh luôn ba chiêu vào hạ bàn Hồ trưởng lão. Quả nhiên chiêu thứ ba Hồ trưởng lão không đỡ được, vừa nghe "sột" một tiếng, đùi lão bị đâm một nhát dài và sâu vào đến xương, máu chảy đầm đìa.
Vương Ngọc Yến tính tình hồn nhiên thật thà, nghe Vân Trung Hạc khen mình đẹp thì lấy làm khoái chí. Gã nói hỗn thế mà nàng không để ý, mỉm cười nói:
- Nói thế mà không biết xấu, ngươi có tài cán gì ta mới chịu lấy ngươi chứ?
Vân Trung Hạc thích quá, nói:
- Sao nàng không chịu lấy ta? Phải chăng nàng đã có thằng lỏi mặt trắng kia? Ðể ta giết ý trung nhân của nàng đi, xem nàng có phải lấy ta không?
Câu nói này phạm vào điều tối kỵ của Vương Ngọc Yến, nàng quay mặt đi không thèm nói gì nữa. Vân Trung Hạc toan tìm lời nói gỡ lại thì Ngô trưởng lão bên Cái Bang đã nhảy ra, giơ quỷ đầu đao lên chém bên trái bốn nhát, bên phải bốn nhát, trên bốn nhát, dưới bốn nhát, tổng cộng mười sáu nhát, khí thế rất là dũng mãnh.
Vân Trung hạc không hiểu đao pháp lão thuộc về môn phái nào, né tránh hết bên nọ sang bên kia, sợ hãi vô cùng. Vương Ngọc Yến cười nói:
- Ngô trưởng lão sử "Tứ tượng hợp lực đao pháp", bên trong gồm tám quẻ và sinh khắc biến hoá khôn lường. Gã cao gầy kia không hiểu, nếu gã biết sử chiêu "Hạc xà bát đả" thì có thể phá nguy được.
Người Cái Bang lại nghe nàng chỉ đường giúp cho Vân Trung Hạc thì trong lòng ai nấy đều căm giận. Bỗng thấy Vân Trung Hạc biến đổi chiêu thức, đứng xoạc chân ra, cầm cương trảo quét ngang trông tựa hồ như con tiên hạc.
Ngọc Yến đứng sát lại bên Ðoàn Dự khẽ cười nói:
- Gã cao gầy mắc mưu tôi rồi, không chừng tay trái gã bị chém đứt bây giờ.
Ðoàn Dự lấy làm lạ, hỏi:
- Ðúng thế không?
Ngọc Yến chưa kịp đáp đã thấy Ngô trưởng lão chém xéo lên, tựa hồ như không hợp lề lối nào cả, ra đòn mỗi lúc một chậm lại. Ðột nhiên, lão chém ba đao rất mau, ánh đao vừa loé lên, Vân Trung Hạc đã kêu rú lên một tiếng thất thanh, lưng bàn tay gã bị trúng đao.
Cây cương trảo bên tay này không nắm vững được, rớt xuống đất đánh "choang" một tiếng. May thân pháp gã mau lẹ dị thường, vội lùi về phía sau tránh kịp ba nhát đao của Ngô trưởng lão nên gã chỉ bị thương xoàng. Ngô trưởng lão bước tới trước mặt Vương Ngọc Yến, cầm dựng cây đao lên, nói:
- Ða tạ cô nương!
Vương Ngọc Yến mỉm cười, nói:
- Phép "Kỳ môn tam tài đao" của trưởng lão quả là tuyệt diệu!
Ngô trưởng lão giật mình, nghĩ thầm: "Cô này biết cả đến đao pháp bí hiểm của ta thì ghê thật!". Nguyên Vương Ngọc Yến hiểu đao pháp của Ngô trưởng lão nhưng nói trá là "Tứ tượng lục hợp đao" vì nàng thấy Vân Trung Hạc biết sử chiêu "Hạc xà bát đả", liền khuyến khích cho gã ra chiêu này, quả nhiên gã trúng kế,suýt bị đứt mất tay.
Ðứng bên Hách Liên Thiết Thụ là người nói tiếng the thé, tên gọi Nỗ Nhi Hải.
Tuy hắn mặt mũi bần tiện nhưng là một tay túc trí đa mưu. Hắn thấy Vương Ngọc Yến mấy câu trước cho Vân Trung Hạc thắng, rồi mấy câu sau lại giúp Ngô trưởng lão đả thương Vân Trung Hạc, liền quay lại nói với Hách Liên Thiết Thụ:
- Tướng quân! Cô bé người Hán kia tinh quái lắm, ta bắt về Nhất Phẩm Ðường,để nàng biết được điều gì thì phải nói hết ra thì lợi hại vô cùng.
Hách Liên Thiết Thụ nói:
- Hay lắm! Ngươi làm đi!
Nỗ Nhi hải vênh mặt lên, nghĩ bụng: "Ông này thật khéo quá, mỗi khi mình hiến kế là ông lại nói mỗi câu gọn lỏn "Hay lắm! Ngươi làm đi!" Nhưng hiến kế thì dễ,làm việc mới khó. Cô bé này võ công cao cường không biét đến đâu mà lường!
Mình ra tất bị ê mặt với mọi người, chi bằng ta hạ thủ trước đi là hơn". Hắn tiến lên ba bước, nói:
- Từ trưởng lão! Tướng quân chúng tôi muốn xem "Ðả cẩu bổng pháp" và "Hàng long thập bát chưởng" của quý bang. Có biết thì biểu diễn đi cho coi, mà không biết thì chúng tôi xin cáo từ, chả rỗi công đâu mà chờ.
Từ trưởng lão cười lạt, đáp:
- Những tay cao thủ trong Nhất Phẩm Ðường bên quý quốc chúng tôi xem ra tầm thường lắm, không đáng xem "Ðả cẩu bổng pháp" và "Hàng long thập bát chưởng".
Nỗ Nhi Hải nói:
- Thế nào mới là xứng đáng?
Từ trưởng lão đáp:
- Phải đánh bại được những bọn tầm thường bên chúng tôi thì người cầm đầu Cái Bang mới chịu ra tay.
Vừa nói tới đây, đột nhiên lão ho lên sù sụ, rồi thấy mắt đau lên kịch liệt không mở ra được, nước mắt trào ra.
Từ trưởng lão cả kinh, vội nhảy tung người lên.
Nguyên lão là tay giang hồ lão luyện, kiến thức rất rộng, vừa thấy có điều kỳ dị thì biết ngay là bên địch đã dùng tà pháp, liền nhảy vọt lên không trung nín thở, chân phải đá luôn ba phát.
Nỗ Nhi Hải không ngờ lão già đầu bạc phơ mà chân tay mau lẹ đến thế. Hắn vội né tránh, nhưng chỉ tránh được phần trước ngực là nơi trọng yếu. Bả vai hắn bị trúng, người hắn xiêu đi, tiện đà hắn nhảy lùi về phía sau. Quần chúng Cái bang nhất tề la lên:
- Không biết mắt bị bệnh gì mà tự nhiên không mở ra được, đau nhức vô cùng,nước mắt trào ra.
Vương Ngọc Yến, A Châu, A Bích cũng bị đau mắt không mở ra được. Nguyên người Tây Hạ đã ngầm phóng ra một luồng mù độc không mùi vị lại không hình sắc. Thứ mù độc này lấy nọc các giống rắn độc luyện với mù độc ở núi Ðại Tuyết Sơn ra đựng vào bình. Khi dùng đến thì họ uống thuốc giải độc trước giữ mình, rồi mới mở nắp bình cho mù độc bay ra.
Dù ai thính mũi, tinh mắt đến đâu cũng không thể phát giác ra được. Mù độc làm cho chảy nước mắt, hơi độc nhiễm vào đầu óc. Những tiếng kêu rú lên không ngớt,quần chúng Cái Bang lục đục ngã lăn ra.
Ðoàn Dự đã nuốt "Mãng hổ chu cáp" nên bất luận tà khí gì cũng không xâm nhập vào người được.
Chàng thấy mọi người Cái bang, rồi A Châu, Bích đều hốt hoảng, không hiểu tại sao, trong lòng rất kinh sợ. Chàng lại thấy Từ trưởng lão nhắm mắt, hai lần nhẩy lên trên không, rồi chân tay lão bị tê liệt ngã lăn ra.
Nỗ Nhi Hải lớn tiếng quát tháo, chỉ huy bọn thủ hạ cùng các võ sỹ trói hết người Cái Bang lại, còn tự mình thì tiến đến bên Vương Ngọc Yến, giơ tay nắm lấy cổ tay nàng.
Ðoàn Dự quát lên:
- Mi làm trò gì vậy?
Trong lúc cấp bách, chàng giơ ngón tay trỏ bên phải lên, một luồng chân khí từ đầu ngón tay phóng ra nghe "xuỳ", chính là phép Lục Mạch Thần Kiếm của họ Ðoàn nước Ðại Lý.
Nỗ Nhi Hải không hiểu gì cả, vẫn chụp lấy cổ tay Vương Ngọc Yến.
Ðột nhiên nghe "rắc" một tiếng, xương tay phải hắn đã gãy làm đôi. Nên biết rằng, một khi Lục Mạch Thần Kiếm đã phóng ra thì cái thân thể huyết nhục bình thường của con người không tài nào chống lại được.
Nỗ Nhi Hải la lên:
- Xin thôi!
Ðoàn Dự cúi xuống ôm lấy tấm lưng thon của Vương Ngọc Yến vào lòng, đoạn dùng phép "Lăng ba vi bộ" bước xéo lên ba thước rồi lại rẽ ngang hai bước, chàng chạy rất nhẹ nhàng.
Diệp Nhị Nương vẫy tay một cái, phóng kim độc vào sau lưng Ðoàn Dự. Mũi tên độc này đi thẳng và rất mạnh.
Ðoàn Dự chính ra không biết cách né tránh gì, chỉ nhờ ở bộ pháp lúc đi chếch,lúc lùi lại. Kim độc bắn tới nơi thì người chàng đã lăng qua mé hữu ba thước. Ba tay cao thủ trong bọn võ sỹ Tây hạ nhất tề xuống ngựa gọi nhau đuổi theo. Ðoàn Dự đến bên một con ngựa, đặt Ngọc Yến lên yên trước rồi phi thân nhảy lên sau,phóng nước đại chạy như bay.
Bọn võ sỹ Tây Hạ đã chiếm đóng những nơi hiểm yếu bốn mặt rừng hạnh, khi thấy Ðoàn Dự cưỡi ngựa đột nhiên chạy ra chúng liền bắn tên không ngớt. Hơn mười mũi tên "Lang nha vũ tiến" đều cắm phập vào cây hạnh. Trong bóng tối
Ðoàn Dự bảo ngựa:
- Này ngựa không ngoan! Này ngựa không ngoan! Chạy càng nhanh càng tốt! Về nhà ta cho ăn gà, ăn thịt, ắn cá, ăn cừu (!)
Ngựa chạy một lúc đã bỏ xa những người ở phía sau. Chàng hỏi Ngọc Yến:
- Vương cô nương! Cô làm sao vậy?
Vương Ngọc Yến đáp:
- Tôi bị trúng độc rồi, trong người không còn chút khí lực nào nữa.
Ðoàn Dự nghe hai tiếng "trúng độc" thì giật nẩy người lên, vội hỏi:
- Có nặng lắm không? Phải tìm thuốc giải độc mới được.
Ngọc Yến nói:
- Tôi cũng không biết nữa, đại ca giục ngựa đi mau đến chỗ nào bình yên rồi sẽ nói chuyện.
Ðoàn Dự hỏi:
- Bây giờ đi đâu cho bình yên?
Ngọc Yến nói:
- Về Thái Hồ.
Ðoàn Dự nhìn nhận phương hướng, biết Thái Hồ ở về mé Tây, liền cho ngựa chạy về ngả Tây Bắc để vừa xa quân địch vừa về gần Thái Hồ. con ngựa này đi chưa được bao lâu đã mệt nhoài, trời lại lất phất mưa.
Ðoàn Dự hỏi:
- Vương cô nương! Cô cảm thấy thế nào?
Vương Ngọc Yến đáp:
- Không sao.
Ðoàn Dự được đi cùng mỹ nhân, trong lòng vui sướng khôn xiết, nhưng lại sợ nàng trúng độc mãnh liệt có thể nguy hại đến tính mạng. Vì thế mà có lúc chàng mỉm cười, có lúc nét mặt lại buồn thiu. Ðêm tối không nhìn rõ nên không biết vẻ
mặt chàng thay đổi luôn luôn. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, Ðoàn Dự cởi áo trường bào của mình ra che lên người cho Vương Ngọc Yến, nhưng chỉ được một lát thì che được người nọ, hở người kia rồi cả hai người cùng ướt như chuột.
Ðoàn Dự lại hỏi:
- Vương cô nương! Cô thấy thế nào?
Vương Ngọc Yến thở dài đáp:
- Ðã lạnh lại ướt, tìm vào đâu ẩn mưa một lúc.
Bất luận Vương Ngọc Yến bảo gì, Ðoàn Dự cũng coi như ngọc chỉ trên thiên đình hoặc như chiếu chỉ nhà vua. Nàng bảo cần tìm chỗ trú mưa, chàng biết rõ rằng đây chưa thoát ra khỏi vòng nguy hiểm mà vẫn luôn mồm khen phải.
Trong lòng lại nảy ra những ý nghĩ vớ vẩn: "Lúc nào Vương cô nương cũng chỉ nghĩ đến biểu huynh nàng là gã Mộ Dung Phục, còn Ðoàn Dự này thuỷ chung vẫn vô hy vọng. Hôm nay ta cùng nàng gặp bước gian nguy, ta tận tâm kiệt lực bảo vệ cho nàng, giả tỷ có vì nàng mà phải chết, thì sau khi ta chết rồi chắc nàng cũng nghĩ đến ta vài phần. Sau này, nàng cùng Mộ Dung Phục thành hôn sinh con đẻ cháu, lúc rảnh việc kể lại chuyện xưa cho con cháu nghe, có khi cũng đề cập đến việc hôm nay. Bấy giờ tuy đầu nàng đã bạc phơ, nhắc đến ba chữ "Ðoàn công tử" chắc nàng cũng châu lệ tuôn rơi..."
Chàng nghĩ vậy, bất giác tự thương cho mình, hai mắt đỏ hoe.
Vương Ngọc Yến thấy chàng ngẩn ngơ, chẳng biết có tìm được chỗ trú mưa không, liền hỏi lại:
- Thế nào? Không có chỗ nào trú mưa được ư?
Ðoàn Dự còn đương ngơ ngẩn, nói đi đâu:
- Lúc đó cô nương nói chuyện cùng con gái...
Vương Ngọc Yến lấy làm lạ, hỏi:
- Ðại ca nói con gái tôi cái gì vậy?
Bấy giờ Ðoàn Dự mới giật mình tỉnh ngộ, cười nói:
- Chết chưa! Tôi đang nghĩ vẩn vơ.
Chàng đưa mắt nhìn chung quanh, thấy góc đông bắc có một cái trại đặt cối giã gạo, liền nói:
- Chỗ kia có thể trú mưa được.
Rồi bắt ngựa rẽ vào. Ðến nơi, chàng xuống ngựa, nhìn thấy Vương Ngọc Yến sắc mặt lợt lạt, bất giác động lòng tiếc ngọc thương hương, hỏi nàng:
- Cô nương đau bụng hay nhức đầu?
Vương Ngọc Yến lắc đầu, tủm tỉm cười, đáp:
- Tôi không sao cả!
Ðoàn Dự nói:
- Chao ôi! Không biết bọn Tây Hạ đã tung thuốc độc gì ra, tôi phải tìm thuốc giải cho cô nương mới được.