Nhân dân đã thắng lợi!

Trên thành lầu Thiên An Môn người ta tuyên bố như thế. Thực tình thì thắng lợi không phải của nhân dân, mà là Đảng, Đảng vừa đập tan một tập đoàn phản Đảng, ông Mao qua đời chưa đầy tháng thì bà quả phụ Giang Thanh liền bị bắt, nhân dân được triệu tập về quảng trường Thiên An Môn để chúc mừng thắng lợi. Đảng vĩnh viễn là đúng đắn, quang vinh và vĩ đại, tương tự người bất hủ, bất diệt, không ai khác, là ông Mao Trạch Đông đang nằm an nhàn, từ tốn trong cỗ quan tài thủy tinh cho nhân dân ngày ngày nối dòng bái lạy, chiêm ngưỡng.

Tiếp đến là phong trào phục hồi danh dự, chức vụ và nâng cấp cho lớp cán bộ cũ, cán bộ lão thành vừa bị cách mạng vùi dập, thậm chí bị đập cho tan tành, tả tơi. Đồng chí Vương Kỳ - vị cán bộ đặc biệt từng được anh bảo vệ, nhớ tới tình cũ nghĩa xưa, liền tìm cách thu nhận anh - một nông dân nhỏ từ nông thôn về Bắc Kinh. Trước cổng Tiền Môn, trên con phố cổ anh bỗng nhiên gặp lại Đại Lý, “chiến hữu” năm xưa cùng nhau tạo phản, rồi ba, bốn năm sau ở nhà thương điên, mãi mới được phóng thích. Đại Lý cũng nhận ra anh, hai tay nắm chặt, lắc mạnh, nhìn anh chằm chằm, và cười hể hả. Người cơ quan cũ bảo Đại Lý đã bị điên, gặp ai cũng cười, quả bao giờ là như vậy. Đại Niên bị còng tay, chính thức đi tù, mắc “sai lầm về đường lối” trước khi quân quản, tưởng đã thoát, ai ngờ đại diện quân đội phái về yêu cầu cách ly thẩm vấn, sau đó giữa đại hội quần chúng tuyên bố tội trạng của Niên, hai mạng người đã chết dưới bàn tay hắn. Lão Lưu từng bị người của Niên trong một đêm bức cung tại phòng tầng hầm tòa lầu văn phòng cơ quan, đã dùng roi điện đánh dập nội tạng lão, chết tươi, rồi khiêng lên lầu trên, đẩy thi thể lão qua khoang cửa sổ ngụy tạo nên hiện trường tự sát. Người thứ hai là một cô gái Hoa kiều vừa về nước, cũng bị bức cung bằng thủ đoạn dí điện, buộc chõ mồm vào máy thu âm, công nhận là đặc vụ Đài Loan, xâm nhập Đại lục để phát triển tổ chức thanh trừ cán bộ Trung Cộng, và cuối cùng cô ta không thể nào sống nổi. Cựu trung tá trước đây một thời từng bày mưu lập chước, cũng bị bắt với Niên.

Chồng Vương Kỳ nguyên là phần tử chống Đảng, bị liệt vào bọn đen nay được phục hồi danh dự, đảng tịch, trở về cơ quan Trung ương tham gia thụ lý hồ sơ những tập đoàn chống Đảng sau này. Vương Kỳ vì vậy mà thăng quan tiến chức, nhưng dáng vẻ lên lão, từ bi. Thời quân quản bà cũng bị cách ly tra khảo, người ta nhốt bà trong một phòng kho chật hẹp suốt sáu tháng, đêm cũng như ngày cái bóng đèn điện 100 oát trên trần không hề tắt, bà không thể phân biệt thời gian đã đi qua như thế nào, chỉ biết viết hết bản kiểm điểm này đến bản kiểm điểm khác, khai báo tình hình phong trào học sinh sinh viên Bắc Bình[16] hồi chưa giải phóng, bà nói lúc ấy, khi bị giam, thần kinh sai lệch, rối loạn, hễ nhắm mắt là cảm thấy như có ai đạp lên đầu mình, nên đảo điên và xoay tít. Bà bảo cực hình đối với bà như vậy là quá tốt, không bị xâm phạm thân thể, không bị lăng mạ, sỉ nhục, có thể do bà đã già và cũng có thể bà có nhiều đồng chí, chiến hữu cùng thời mà hồi đó vẫn đương chức trong quân đội, nên được chiếu cố chăng.

Đại bộ phận cán bộ già đều được phục chức, một số ít tuổi cao như cựu bí thư đảng ủy Ngô Đào thì trước tiên là phục hồi chế độ đãi ngộ như tiền lương, nhà ở, công tác của con cái, rồi mới làm thủ tục về hưu. Nhưng trường hợp lão Đàm, ngoài Đảng, chức vụ nhỏ nhoi phó trưởng phòng, lý lịch lại có vết đen, nên vẫn cứ ở lại Trường cán bộ 5.7 lao động, mãi đến khi trường này giải thể, bàn giao cho chính quyền địa phương làm nông trường cải tạo bọn tội phạm, lão mới được trở về Bắc Kinh, vì chưa đủ tuổi hưu trí nên đành đợi phân công một công việc gì đó.

Lâm đã ly hôn và lại kết hôn lần nữa, chồng là thứ trưởng vừa được bổ nhiệm, người vợ trước của ông qua đời trong Văn cách.

Anh bắt đầu công bố tác phẩm và trở thành nhà văn, rời khỏi cơ quan cũ. Lâm mời anh về nhà ăn cơm, người chồng tái hôn của cô ngồi cùng và đàm luận chuyện văn chương với anh, ông nói:

- Tai nạn mà Đảng chúng ta vừa kinh qua thật là đề tài nên viết, đáng viết, để giáo dục hậu thế.

Lâm tiếp anh ở phòng khách, việc nấu nướng trong bếp đã có người làm thuê, được gọi một cái tên khá mỹ miều là bảo mẫu. Lâm cũng là người đầu tiên ở Bắc Kinh dùng nước hoa ngoại quốc, hình như của Pháp, loại đắt tiền.

Phần anh, cũng đang làm thủ tục ly hôn, Sảnh - vợ anh đã viết thư cho Hội nhà văn tố cáo anh có tư tưởng phản động, nhưng chứng cứ không rõ ràng, nói đúng hơn là không có. Qua mười năm Văn cách tồn đọng lại, ly hôn ít hơn kết hôn, điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tòa án vừa mở cửa, biết bao nhiêu oan án còn chất đống chưa kịp xử lý, nên không muốn tạo thêm nhiều phiền phức khác kiểu như ly hôn, vì vậy không biết đến bao giờ anh mới thoát được sự ràng buộc của cuộc hôn nhân này. Anh thừa nhận đã tống táng tuổi thanh xuân của Sảnh, không chỉ một mình cuộc cách mạng văn hóa của ông Mao, mà anh cũng có phần trách nhiệm, nhưng chẳng còn cách nào bù đắp nổi, may mà cái án phản cách mạng, làm đặc vụ của cha Sảnh còn chưa rõ ràng, cô ta từ nông thôn vội vàng về với ông cụ, nên anh xem như được ly thân, nhẹ gánh phần nào.

Anh nhận được một bức thư của ông Lục, viết rằng: “Nhiều cây quý trên núi ấy đều bị đốn trụi, huống là loại gỗ mục này”. Lục từ chối chức vụ chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kỷ luật của đảng ủy địa khu vừa mới thành lập lại, và nói, thôi đủ rồi, xin được nghỉ hưu, làm một ngôi nhà trong núi để dưỡng già.

Một năm sau, nhân đi công tác miền Nam, anh tìm cách gặp lại ân nhân đã bảo vệ anh trong những ngày gian nan ấy. Anh đến huyện thành, người bạn học cũ là Dung vẫn ở đó, nhà lớp mấy lần, và có thêm đứa con nhỏ ngoài kế hoạch. Dung không khác gì xưa, cần mẫn trong cương vị một kỹ thuật viên nông nghiệp, bà vợ bán hàng cho hợp tác xã, cũng muốn dời nhà ra gần cửa hiệu để tiện bề trông nom con cái, nhưng vì quà cáp, lễ mọn cho cán bộ chưa đủ, nên không thành. Dung rất ít lời, cứ ngồi thế im lặng nhìn anh cả buổi thôi.

Anh theo chuyến xe về trấn nhỏ, vẫn như xưa, xe cộ cũ kỹ, người lên kẻ xuống chen nhau. Anh không dám đi vào con phố cũ hay đến nhà trường, sợ gặp người quen mời cơm, rồi ngồi lỳ ở đó, được nhà này, mất nhà kia, thì thật không hay, mà muốn chu toàn ít ra cũng một, hai ngày. Nhân lúc chưa bị ai phát hiện anh hỏi đường về nhà Lục mới xây.

- Ôi! - Cậu thanh niên hợp tác xã đồ mộc mồm ngậm điếu thuốc nhận ra anh, bước tới, bắt tay. Họ đã cùng tập bắn bia hồi huấn luyện dân quân, cùng uống rượu với nhau và cũng cùng tán phét, chắc bây giờ đã là cán bộ. Không, thợ thôi, dân ngoại lai, ở tạm, làm thế nào mà lên quan nổi, cậu ta chỉ đường cho anh và hẹn gặp lại ở văn phòng hợp tác xã.

Nhà ông Lục ở sâu trong núi, cạnh bờ sông, phía sau mỏ than phải bảy, tám dặm, còn đi bộ khá xa. Dung đã bảo anh, cán bộ trên huyện đều loan tin ông Lục điên mất rồi, cất một lều tranh xa xóm xa làng, ăn chay luyện đan, hành “Hoàng lão chi đạo”, cầu mong trường sinh bất lão. Còn số đông đồng chí, chiến hữu của Lục giờ đây được phục chức ngồi ở vị trí khá cao thì nhận xét, ý chí cách mạng nơi lão Lục đã bị suy giảm. Điều này là do Lục nói ra khi anh vào núi gặp ông.

- Không còn muốn làm bẩn tay mình nữa, cũng được chứ, thưa thầy? - Lục say sưa - nhà tranh vách đất, trồng rau đọc sách, không còn trẻ trung như thầy giáo mà bươn chải - rồi hạ giọng - mình già rồi, kiếp này cũng đến thế mà thôi.

Nhà Lục ở không phải là tranh tre nứa lá như người ta đồn đại, mà xây gạch lợp ngói hẳn hoi, nhìn bên ngoài chẳng ra dáng vẻ gì cả, và có đứng trên đỉnh núi mỏ than mới trông thấy. Lục nhận một khoản tiền hưu trí, tự thiết kế và thuê nông dân trong vùng xây dựng, nền nhà lát đá thanh, phòng ngủ bố trí một tấm đá, dễ dàng lật lên, đó là cửa vào đường hầm thông ra khe suối, hai bên bát ngát cả rừng thông. Lục luôn nghĩ đến bảo toàn tính mạng, lúc nào cũng đề phòng, có lẽ cuộc đời đã dạy ông phải như vậy.

Góc tường gian chính gắn một mảnh bia vỡ, thuê nông dân gánh từ trên miếu hoang đỉnh núi xuống đây, chữ nghĩa còn lại không đầy đủ, nhưng đại khái có thể đọc được thân thế và nỗi lòng của hòa thượng, người đã từng lập miếu, là một vị tú tài thất thế, muốn tung hoành hổ hải, tham gia xây dựng xã hội utopia trên thế gian này, nổi loạn, tàn sát, nhưng không thành, và cuối cùng thì xuất gia đi tu... Phòng ngủ của Lục chất đống khá nhiều sách, có những cuốn chỉ lưu hành trong nội bộ Đảng, cung cấp cho cán bộ cao cấp đọc tham khảo như Tự thuật của Điền Trung Giác Vinh, Thủ tướng Nhật Bản, hay ba tập Hồi ký của Tướng quân De Gaulle, Tổng thống Pháp, cũng có cả sách quý đóng theo kiểu cổ như Bản thảo cương yếu, không rõ xuất bản năm nào, cùng nhiều áng cổ thi mới tái bản.

- Định viết mệt cái gì đó, và đề mục đã có rồi, ấy là Sơn trung nhân nhật ký được chứ, thưa thầy, vấn đề còn lại là có viết nổi không đây? - Lục nói và cả hai cùng cười rất ăn ý, có lẽ đó là do tình cảm của anh đối với Lục, cám ơn người cưu mang mình trong bấy nhiêu năm.

- Nào, hãy đi kiếm tí gì về nhậu cái đã!

Lục không ăn trường trai như người ta vẫn nói, ông dẫn anh đến nhà ăn của khu mỏ. Dưới chân núi sừng sững một tời điện ngạo nghễ, đó là miệng của giếng lấy than, từng gàu từng gàu từ lòng đất được kéo lên, đen nhánh và bên cạnh dựng nhiều dãy nhà, chắc là lán trại của công nhân. Lúc ấy đã tan ca, phu mỏ tay cầm bát sắt đũa tre xếp hàng ở cửa nhận cơm, Lục xông vào bếp, anh tha thẩn ở bên ngoài, thì bỗng nghe hai tiếng “thưa thầy” giọng phụ nữ. Anh quay lại và nhận ra Tôn Huệ Dung đứng trong hàng phu mỏ đợi lấy cơm, choàng tạp dề như một bà lão nông dân, mà ánh mắt, hàng mi và đôi môi vẫn sắc đẹp, kiều diễm như xưa, không thay đổi chút nào, chỉ có thân hình và khuôn mặt là hơi mập một tý. Huệ Dung hớn hở bước lên đón anh, anh ngạc nhiên hỏi nàng “Sao em lại ở đây”, định vồ tới nắm lấy nàng, thì Lục từ trong nhà bếp thoắt ra, kéo hai vai anh và bảo “đi!”. Anh phải nghe lời Lục, bởi ông là ô dù, che chở, thành thói quen mất rồi, nhưng vẫn ngoái đầu nhìn nàng. Huệ Dung đứng đấy ngẩn ngơ như một pho tượng, rồi kinh hoàng, thất vọng, uất ức lộ ra nơi khóe mắt thâm quầng, thế mà nàng vẫn nhoẻn miệng cười với anh, miệng định nói gì đó, nhưng không cất nổi thành lời, nàng cứ đứng đấy, bên ngoài hàng phu mỏ đợi lấy cơm, mặc cho thiên hạ liếc mắt trầm trồ.

- Không được dính vào con đĩ đó, thưa thầy, nó đã ngủ với mọi phu mỏ, khiến mỏ than này nổi loạn đánh nhau! - Lục giải thích, anh miễn cưỡng bước theo ông và tiếp tục nghe ông huấn thị:

- Đầu tháng nhận lương, bọn phu mỏ tranh nhau ném tiền lên người con bé, khiến đàn bà ở nhà mắng chửi lung tung, đài truyền thanh khu mỏ phải lên tiếng tuyên truyền, khuyên can, nhưng chúng nó đã bị con đĩ hớp hồn cả rồi, không biết ả ta có chiêu gì mà hấp dẫn thế - ông Lục cũng có vẻ tò mò, biết ý, quay trở về đạo mạo - thầy mà nói thêm vài câu nữa là hắn cuỗm đi luôn, người ta sẽ dị nghị thầy giáo cũng dính, khó có thể thoát khỏi miệng thế gian.

Ông Lục bày rượu thịt thết đãi anh, mà sao khô đắng thế, anh phải giả bộ nhậu nhẹt say sưa, nhưng vô cùng hối hận vì không được đứng lại nói chuyện với nàng. Nhưng kỳ thực thì còn biết nói gì, anh và Huệ Dung như hai thế giới, cho dù thế giới nơi anh không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm thì chỗ nàng vĩnh viễn dưới hầm than, một đời không ngoi lên nổi. Nàng quên mất khoảng cách tách chia giữa mình và anh, quên mất cảnh ngộ của mình, quên mất thân phận là “con đĩ” trong con mắt người đời mà đã xem anh là thầy giáo như thuở nào, trên tận thiên đường. Nàng không cần cầu cứu, nàng biết hoàn cảnh của mình, nhưng vì trong chốc lát, những thơ ngây, chung tình, dục vọng, đắm say tràn về và thốt lên hai chữ “thầy giáo”. Nỗi đau của nàng khiến anh khổ sở, trách mình sao mềm yếu nhường kia.

Một đêm ngủ lại nhà Lục nằm sâu trong núi, nghe thông reo như bao đợt sóng, trào dâng nỗi nhớ Huệ Dung. Anh đã chụp ảnh cho em, anh đã miết đã sờ lên môi em, tay anh đấy cũng là đôi môi anh đó, em hát bài ca cách mạng ca ngợi tư tưởng Mao Trạch Đông, ca ngợi người nữ anh hùng kháng Nhật - chị A Khánh, tất cả đều theo quy định của Cục Giáo dục, nội dung không có gì sai sót, lại được chất giọng đặc biệt mượt mà trình diễn thì còn gì bằng,... ôi em nữ sinh bé nhỏ của thầy. Thế nhưng giờ đây thầy không hề biết em đã lấy chồng hay chưa, em sống ra sao, hoặc như ông Lục vừa nói, một con đĩ cho cả bầy phu mỏ hoành hành, xé xác, băm vằm, nhầy nhụa mà thuở ban đầu Triệu bí thư lưng gù đã mở lốc thông đường. Trời ơi, Tôn Huệ Dung! Hiện nơi xứ người xa xôi thầy vẫn giữ tấm hình của em.

Anh có dạy một học sinh xóm núi, cậu ta lên được đại học, tốt nghiệp ra trường công tác, tình cờ gặp anh và thưa rằng, ông Lục đã qua đời. Anh hỏi vì sao, dạ do bệnh, anh bảo, cũng nghe đồn như vậy. Nhiều năm sau, trong một cơn ác mộng, anh mơ về sơn cước, gặp Huệ Dung và ông Lục bí thư...