Lúc Chu Phỉ lần đầu tới trấn nhỏ quanh 48 trại, nàng hoàn toàn là một kẻ nhà quê, tham lam nhìn ngó khắp nơi, nhưng rồi trước lạ sau quen, thời gian qua lâu như vậy mới trở về, nàng nghiễm nhiên tự xem mình như nửa chủ nhà, dọc đường giới thiệu phong cảnh Thục Trung cho Tạ Doãn và Ngô Sở Sở – phần lớn là lần trước lúc rời nhà, nhóm Đặng Chân và Vương lão phu nhân nói cho nàng biết, bây giờ Chu Phỉ lặp lại y chang, còn một số chuyện hình như Đặng sư huynh từng nói nhưng lâu quá, nàng không nhớ rõ bèn tự thêm mắm dặm muối dựa trên ấn tượng của mình, nói bậy bạ mà nghiêm túc y như thật.
Nếu không phải năm xưa Tạ Doãn từng ẩn nấp ở đây hơn nửa năm để tìm cách lẻn vào 48 trại thì hắn thật muốn tin nàng.
Tạ Doãn chơi xấu, muốn xem xem nàng có thể bịa tới mức nào, trong lòng cười muốn đau ruột nhưng không vạch trần nàng, còn tỏ vẻ thành kính lắng nghe, dụ nàng nói nhiều nhiều, cảm thấy có thể tích góp đủ chuyện tiếu lâm để mình dựa vào kiếm cơm trong hai năm sau nhờ một lần này.
Lúc chạng vạng vào ở khách điếm, Tạ Doãn biết rõ còn cố hỏi:
– Ta thấy cũng không xa nữa, sao chúng ta không đi thẳng lên núi mà phải ở lại đây trì hoãn thêm một ngày?
Chu Phỉ thầm nhủ: “Ta đâu có biết.”
Từ khi gặp nhóm Mã Cát Lợi, nàng không còn là nữ hiệp nói một là một nói hai là hai, tự mình làm chủ nữa mà đã trở lại làm một tiểu lâu la biếng nhác như khi đi theo Vương lão phu nhân, “không quan tâm chuyện gì hết”, Mã Cát Lợi bảo đi là nàng đi, bảo nghỉ là nàng nghỉ không chút dị nghị, dừng chân ở đâu, đi theo tuyến đường nào, Chu Phỉ luôn không hề góp ý kiến.
Nghe nói khi đứa trẻ mới học đi bị ngã, nếu xung quanh không có ai, nó sẽ tự mình bò dậy như không xảy ra chuyện gì, nhưng nếu xung quanh có một người lớn thì nó sẽ khóc kinh thiên động địa, nhất định phải phơi bày hết những tủi thân uất ức ra ngoài.
Lúc Chu Phỉ chưa gặp người thân, đội trời đạp đất cũng chẳng hề chi, nhưng vừa về cạnh người quen thì tính trẻ con chưa mất của nàng lại chiếm thế thượng phong, nghe Tạ Doãn hỏi, nàng liền đáp lý lẽ hùng hồn:
– Cái này hả, đầu tiên là vì trời tối, kế đó là đường núi không dễ đi, trong rừng có sương mù, rất dễ bị lạc đường, tiếp nữa…
Mã Cát Lợi thực sự nghe không nổi nữa, cố ý hơi cao giọng, một đệ tử đi theo nói:
– Nhân số, danh sách và lệnh bài đều phải được đối chiếu đưa vào trạm gác đầu tiên trong núi.
Chu Phỉ chợt tỉnh ngộ, lúc này mới nhớ tới trạm gác, mặt tỉnh bơ bổ sung:
– Đúng, lại thêm trại chúng ta ra vào rất nghiêm, phải cẩn thận đối chiếu thân phận, lại qua…
Mã Cát Lợi đề phòng nàng bịa đặt lung tung nên vội tiếp lời:
– Đệ tử bình thường ra vào phải qua hai tầng xét duyệt không có sai sót mới được qua, người lạ lần đầu vào núi thì phiền phức hơn, ít nhất phải xin chỉ thị của một vị trưởng lão mới được, đại khái phải đợi hai ba ngày. Hiện tại đại đương gia không có nhà, e là còn chậm hơn bình thường một chút.
Chu Phỉ gật gù, ra vẻ như ta đây vốn biết rõ lắm.
Ngô Sở Sở là người đầu tiên không kìm được, bật cười ra tiếng, Tạ Doãn chỉ nâng ly trà lên che mặt.
Chu Phỉ không hiểu ra sao.
Mã Cát Lợi ho khan một tiếng, nói:
– Vị Tạ công tử này năm xưa một thân một mình vượt qua sông Tẩy Mặc, gần như là người đầu tiên suốt hai mươi năm qua, chắc hẳn rất quen thuộc với trạm gác và quy củ dưới núi.
Chu Phỉ:
– …
Trước khi chân nàng giẫm xuống, Tạ Doãn đã bưng ly trà tung người bay ra, ông lão đàn hát kể chuyện bên dưới bị hắn dọa giật mình, gảy ra một đống âm hỗn loạn.
Tiếng cười trong trà lâu nổi lên bốn phía, ông lão kể chuyện không hề giận, chỉ bất đắc dĩ lườm Tạ Doãn thình lình bay ra ngoài, đẩy đàn qua, cầm kinh đường mộc (1) gõ gõ, nói:
– Dây đàn hơi ẩm, không gảy nữa, hôm nay lão hủ kể cho chư vị nghe một câu chuyện cũ.
(1) Kinh đường mộc: Thanh gỗ thường được quan lại xưa hoặc người diễn thuyết dùng để gõ kêu gọi mọi người im lặng hoặc tập trung sự chú ý.Tạ Doãn trở mình ngồi trên xà ngang của trà lâu, nâng ly trà lên nhấp nhẹ một hớp – ban nãy hắn nhảy nhót tới lui như vậy mà nước trong ly trà không hề rơi ra một giọt.
Trên lầu có người nói:
– Lão ơi, mấy câu chuyện kia đều là bịa cả, hay lão kể chuyện của lão trại chủ chúng ta đi?
Lại có người vội tiếp lời:
– Đừng kể chuyện dùng một đao móc long châu ra khỏi miệng long vương nha lão!
Đám người rảnh rỗi trên dưới trà lâu lại cười vang một tràng.
Nơi này rất thanh nhàn, ông lão kể chuyện bình thường tán gẫu với mọi người trong quán trà đã quen, không thiếu tiền nên rất có phong thái khí phách, râu bạc của ông run run, giọng nói êm tai vang lên:
– Nếu kể đại anh hùng của chúng ta thì lão trại chủ Lý Chủy nhất định là người đứng đầu…
Lúc ra khỏi nhà, nhóm Vương lão phu nhân gấp rút lên đường, chưa dừng lại trên trấn, lần đầu tiên Chu Phỉ được nghe nét đặc sắc trong trà quán địa phương nên không gây lộn với Tạ Doãn nữa mà nhoài người ở lan can nghe tỉ mỉ.
Ông lão kể chuyện từ khi Lý Chủy mới ra đời thành danh qua một trận chiến rồi luyện thành Phá Tuyết đao hùng cứ một phương thế nào, ông kể có trầm có bổng, có lên có xuống, tuy có chút hư cấu khoa trương nhưng khiến người ta vô cùng say mê, người nơi đây đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn rất thích thú, khi ông kể đến đoạn “phụng chỉ làm phỉ” thì khắp lầu đều vỗ tay khen hay.
Chu Phỉ nghe Mã Cát Lợi bên cạnh khẽ thở dài:
– Phụng chỉ làm phỉ, lão trại chủ… ơn nghĩa của lão trại chủ với chúng ta là ơn nghĩa sinh tử cốt nhục.
Chu Phỉ quay đầu qua, thấy đại tổng quản Tú Sơn Đường bưng cái ly rỗng, mắt nhìn chằm chằm người kể chuyện dưới lầu, lẩm bẩm:
– Có gì lạ? 48 trại lớn như thế, không chỉ một mình Mã thúc nhận ân huệ của lão trại chủ, cha ta năm xưa là một trong những kẻ ngông cuồng gây sự, ông ấy đúng là một anh hùng hảo hán, chiến tử sa trường là xong hết mọi chuyện. Năm đó ta còn chưa tới 15 tuổi, không thành văn không giỏi võ, bị ngụy triều hạ lệnh truy sát, đành dẫn mẹ già và đệ đệ muội muội chạy thoát thân, dọc đường người thân từng người một rời đi, nếu không có lão trại chủ thì Mã thúc đây sớm đã thành một nắm xương vụn rồi.
Chu Phỉ không tiện tâng bốc khoe khoang với người khác về ngoại tổ phụ mình, bèn dựa theo ít lời của Mã Cát Lợi mà nói:
– Trước đây con chưa từng nghe thúc nói lệnh tôn là đại anh hùng phản chính quyền ngụy năm xưa.
– Anh hùng chó má gì chứ.
Mã Cát Lợi xua tay cười khổ, vẻ mặt loáng thoáng nỗi oán giận khó tan dành cho phụ thân, thở dài nặng trĩu:
– Làm người phải biết mình ăn được mấy bát cơm, nếu ai cũng là trụ cột thì ai là củi đun?
Nói tới đây, ông ngẩng đầu nhìn Chu Phỉ, thần sắc vô cùng nghiêm túc, tựa như xem Chu Phỉ thành một người bạn đồng trang lứa có thể nói chuyện ngang hàng.
– Một nam nhân ngay cả vợ con mình cũng không thể bảo vệ chu toàn, đầy đầu đều là “đại nghĩa”, lao đi tìm chết, thú vị sao? Tự mình chết không toàn thây cũng thôi, còn liên lụy gia quyến, người như vậy cũng xứng là nam nhân, xứng với đứa trẻ luôn gọi mình là “cha” từ nhỏ tới lớn sao?
Chu Phỉ và ông nhìn nhau một lát, xuất phát từ lễ phép, nàng vờ gật đầu như rất tán thành, kỳ thực trong lòng chẳng hiểu gì ráo: “Nói với mình mấy chuyện này làm gì? Mình đâu phải nam nhân, cũng đâu có vợ con nheo nhóc gì.”
Mã Cát Lợi dường như lúc này mới ý thức được là nàng không hiểu, bèn lắc đầu cười tự giễu, lập tức thay đổi giọng điệu, ôn hòa dạy dỗ:
– Con cũng vậy, đại đương gia thế mà yên tâm được, khi con ở Tú Sơn Đường chỉ lấy hai mảnh giấy hoa là lui, trong lòng Mã thúc đã nghĩ, con bé này ỷ mình võ công tốt nên ngông cuồng không giới hạn, con xem xem, vừa ra ngoài là y như rằng gây chuyện – kết quả thế nào? Bị Mã thúc nói đúng chứ gì. Tiểu tử kia của ta nhỏ hơn con hai tuổi, nếu tương lai nó cũng giống con thì dù đánh gãy chân nó, ta cũng không cho nó ra ngoài.
Lý Nghiên ở đối diện bàn Chu Phỉ làm mặt quỷ, Chu Phỉ vội ho một tiếng, dời đề tài một cách cứng nhắc:
– Mã thúc, chuyện lão bá kia kể về lão trại chủ đều là thật ư?
Mã Cát Lợi nghe vậy nở nụ cười:
– Chỗ truyền kỳ của lão trại chủ há chỉ ở mấy chuyện cỏn con đó? Ta nghe nói năm xưa khi Tào Trọng Côn soán vị, mười hai trọng thần nhận nhiệm vụ lúc nguy nan, đưa ấu đế xuôi nam, dọc đường còn được lão trại chủ chúng ta chiếu cố, bằng không sao họ có thể đi thuận lợi như vậy được?
Ngô Sở Sở mở to mắt, ngay cả Tạ Doãn cũng bất giác sáp qua, trong đại sảnh bên dưới là người kể chuyện chính lớn tiếng kể, mấy người Chu Phỉ ngồi vây quanh Mã Cát Lợi, nghe “người kể chuyện phụ” nhỏ giọng kể, đều rất vui vẻ.
Bởi trong đoàn người quay về này có dẫn theo hai người lạ là Ngô Sở Sở và Tạ Doãn nên phản hồi của 48 trại quả nhiên chậm đi không ít, có điều quy củ chính là quy củ, trừ phi đích thân đại đương gia gọi cửa, bằng không không ai được ngoại lệ, bọn Chu Phỉ đành ở lại trấn nhỏ dưới núi, may mà trong trấn phồn hoa náo nhiệt, không hề nhàm chán.
Lý Nghiên nhanh chóng thân thiết với Ngô Sở Sở, ban ngày hoặc ở trong quán trà nghe kể chuyện hoặc kéo Chu Phỉ cùng đi dạo lung tung trong chợ. Tối ngày thứ ba dừng chân trong trấn, Mã Cát Lợi bưng một bình rượu lên lầu, nói với bọn Chu Phỉ:
– Ngày mai chắc sẽ có người đến, mẹ con không có nhà, đám khỉ này làm việc quá rề rà, nghỉ ngơi sớm nhé. A Nghiên, nói con đấy, mai đừng có ngủ thẳng cẳng mặt trời chiếu tới mông mới dậy, quá không ra thể thống gì.
Ngô Sở Sở về phòng sớm, Lý Nghiên nhe răng chu mỏ, bị Chu Phỉ trừng mắt qua mới hậm hực về phòng sát vách, chỉ có Tạ Doãn ở lại bên bàn nhỏ cạnh cửa sổ đại sảnh khách điếm, trong tay cầm một bình rượu nhạt quen thuộc của hắn, xuyên qua thanh chống cửa sổ, hắn ngắm ánh trăng gần như trong vắt của Thục Trung.
Chu Phỉ dừng bước, cuối cùng cũng hoàn hồn khỏi nỗi kích động sắp về nhà – bất luận là “Đoan vương” hay là Tạ Doãn, lần này về cùng họ cũng chỉ là “khách”, không thể ở lâu, thân phận “Đoan vương” không thích hợp, còn Tạ Doãn… Chu Phỉ cảm thấy hắn dường như càng quen thuộc với cuộc sống lãng tử lang bạt hơn.
Thế thì người cùng đồng sinh cộng tử suốt dọc đường này có lẽ chẳng mấy chốc sẽ chia xa.
Không biết có phải vì ở lại trấn quá lâu hay không, Chu Phỉ phát hiện mình đột nhiên không còn tâm trạng quá phấn khích khi quay về 48 trại nữa, mà ngược lại hơi mất mát.
Nàng đi tới, dùng chân khều cái ghế ra ngồi cạnh Tạ Doãn, phát hiện từ góc nhìn của hắn nhìn ra ngoài vừa vặn có thể thấy một góc 48 trại, có thể nhìn ra ánh đèn lác đác trong đêm là của người gác đêm không ngủ không nghỉ đi tuần núi.
Đó là nhà nàng.
Thế còn nhà Tạ Doãn thì sao?
Chu Phỉ nhớ Tạ Doãn từng nhắc qua loa một câu “nhà ta ở cố đô”, giờ đây ở dưới Thục Sơn, nàng bỗng dưng cảm nhận được chút tiêu điều mênh mông vô hạn.
Chu Phỉ chợt hỏi:
– Cố đô là nơi thế nào?
Tạ Doãn hình như không ngờ nàng lại thình lình hỏi câu này, hơi sửng sốt rồi mới nói:
– Cố đô… cố đô rất lạnh, không giống nơi này của các cô bốn mùa cây cối xanh tươi, vào mùa đông hằng năm, khắp nơi trên phố vắng vẻ, thỉnh thoảng có một trận tuyết lớn rơi xuống, bao phủ trên phiến đá bằng phẳng, chỗ người ngựa giẫm lên rất dễ bị đóng băng…
Phỏng đoán theo niên đại thì năm Tào Trọng Côn làm phản, hỏa thiêu Đông Cung, Tạ Doãn cùng lắm chỉ là một đứa trẻ hai ba tuổi – hai ba tuổi có thể nhớ được sao?
Chuyện này rất khó nói, ít nhất với Chu Phỉ thì nàng có thể nhớ được bàn tay lạnh băng của phụ thân và bóng lưng đẫm máu của Lý nhị gia.
– Nhưng trong cung thì không lạnh nổi, có lửa than, có…
Tạ Doãn hơi dừng lại, bưng chén lên uống một hớp rượu, cười nói:
– Ngoài ra ta không nhớ rõ, đại khái ngoại trừ không lạnh nổi không đói nổi thì không có gì đặc biệt thú vị, ở trong đó quy củ rất nghiêm. Sau khi lớn lên, bình thường đến mùa đông, ta đều thích chạy về phương nam, mấy khách điếm nhỏ vì tiết kiệm tiền đều không đốt lửa cho ta, lỡ bỏ qua nơi trú chân, phải ở lại nơi hoang vu bốn bề lộng gió thì cảm giác đó lại càng khỏi phải nói, thà rằng đi Nam Cương phơi nắng còn hơn.
Chu Phỉ do dự một hồi:
– Vậy ngươi…
– Có nhớ chuyện Tào Trọng Côn hỏa thiêu Đông Cung không hả?
Thấy Chu Phỉ đầu tiên là cẩn thận từng li từng tí, sau đó giống như bị hắn dọa, Tạ Doãn liền bật cười:
– Nhớ chứ, trận lửa lớn đầu tiên trong đời ta thấy, đương nhiên phải nhớ rồi. Còn nếu nói cảm giác thì thực không có cảm giác gì, khi đó ta không biết cái gì gọi là sợ hãi, cũng không biết ngoại trừ bức tưởng đỏ thì ta sẽ mất đi thứ gì, lão thái giám cứu ta ra ngoài hết mực trung thành, không để ta thấy những thứ không nên thấy. Còn về phụ mẫu… lúc nhỏ ta gặp họ không nhiều, không thân thiết với họ bằng vú nuôi của ta nữa là. Nam triều chính thống hiện giờ có tiểu thúc ta chống đỡ, nhiều năm nay chưa từng có ai ân cần dạy bảo ta, buộc ta phải báo thù rửa hận gì gì đó, lỡ như có ngày họ thật sự bình định được phản tặc, ta sẽ tiện thể về cố đô nhìn một cái, nhưng chưa chắc sẽ ở lại lâu dài, ta không có thâm thù đại hận như cô nghĩ đâu.
Nụ cười của hắn chẳng những không có thâm thù đại hận mà còn không tim không phổi, tuy Chu Phỉ không giỏi đoán ý qua sắc mặt nhưng nàng luôn cảm thấy Tạ Doãn có thứ gì đó khác thường.
Nàng đang định nói chuyện thì ở giữa núi cách đó không xa chợt truyền đến tiếng chim chói tai, bầy chim không biết bị thứ gì kinh hãi mà kêu ỏm tỏi bay thành đàn vào bầu trời đêm, xung quanh chợt nổi lên một cơn gió bất thường, thổi cây chống cửa sổ đóng lại cái “cạch”, ánh đèn lờ mờ trong khách điếm dao động kịch liệt.
Bàn tay Chu Phỉ bưng chén rượu dừng giữa không trung, mí mắt giật giật không báo trước.
Lúc này, sông Tẩy Mặc vẫn đen kịt, ánh trăng vung vãi tùy ý rơi rắc trên mặt sông, thỉnh thoảng chiếu lên dây trận, tạo ra một ánh phản quang cực nhỏ lướt qua mặt nước.
Sau khi Lý Cẩn Dung rời 48 trại, việc canh phòng trong trại đương nhiên được nâng cao đến cực hạn, lúc này, dù Ngư lão đang canh giữ giữa sông Tẩy Mặc nhưng con quái vật lớn vẫn không hề ngơi nghỉ dưới lòng sông. Nếu có người đứng ở giữa sông sẽ nhận ra những tảng đá dưới làn hơi nước đang không ngừng di chuyển vị trí, hễ có người xông vào, dây trận ngay lập tức sẽ bùng lên trỗi dậy – uy lực đó thậm chí ngay cả Chu Phỉ cũng chưa từng được thấy, bình thường Ngư lão chỉ dọa nàng chứ không hề thực sự để một cô bé chưa xuất sư chơi đùa với con quái vật hung tàn này.
Nhưng đêm nay, có một người nhẹ nhàng lướt qua mặt sông đầy sát cơ mai phục ấy, đi thẳng đến cái đình nhỏ giữa sông…