Màn đêm đã buông, tháng năm là lúc xuân hè giao mùa, gió nhẹ trời ấm trăng sáng.

Khương Trầm Ngư đến khoang chính, hỏi lão Lý quản sự: "Lần này xuất hành, chúng ta có mang theo pháo hoa không?".

Lão quản sự vội đáp: "Có có, pháo hoa nổi trên mặt nước của hiệu Bất Dạ Kinh là số một, đặc biệt mang theo hai hòm, để chuẩn bị sau khi đến Trình quốc...".

Khương Trầm Ngư ngắt lời lão: "Mau mau lấy ra".

Lý quản sự ngẩn ra: "Lấy ra? Dùng bây giờ ư?".

Khương Trầm Ngư nhìn chăm chú về một hướng, cười nhạt: "Đương nhiên.

Giờ lành cảnh đẹp, khách quý vô song, lúc này không dùng còn đợi lúc nào".

Lý quản sự liếc mắt nhìn theo, phát hiện hướng nàng nhìn chính là Hách Dịch.

Nghi vương hiển nhiên đã tắm rửa xong, thay chiếc áo mới màu thiên thanh, dáng vẻ uể oải ngồi tựa trên lan can, mái tóc xõa còn ướt sũng, trong tay cầm một bình rượu nhưng không uống, so với vẻ rạng rỡ khi mặc chiếc áo đỏ như lửa lúc trước lại có vẻ yên tĩnh, ưu tư.

Y nhìn vô định lên bầu trời, dường như đang ngắm trăng, lại dường như chỉ là đang đợi gió hong khô tóc.

Quý tộc của Bích quốc sùng bái Khổng học, nghiêm cẩn tuân thủ lễ giáo "người quân tử không trang trọng thì không uy nghiêm, học cũng không bền", đã quen thấy nam tử áo quần chỉnh trang, ngồi ngay ngắn đường hoàng, nay thấy Hách Dịch ngồi xiêu ngồi vẹo, lại thấy có chút mới mẻ.

Khương Trầm Ngư bước tới: "Trên thuyền thô lậu, tiếp đón bệ hạ chưa chu đáo, xin được lượng thứ".

Hách Dịch nghe tiếng quay đầu lại, nhìn thấy nàng, nhướn mày cười: "Có trăng có gió có rượu, còn có mỹ nhân, có bốn thánh vật này, sao lại nói là thô lậu?".

Ánh mắt Trầm Ngư lấp loáng, khoan thai nói: "Có lẽ còn thiếu chút gì đó". Hách Dịch chớp chớp mắt: "Ví như?".

"Nơi này quá yên tĩnh". Cơ hồ lời này vừa dứt, liền nghe thấy một tiếng rít dài phía sau lưng, ánh sáng rực rỡ mang theo chùm đuôi dài bay thẳng lên trời, sau đó nổ "bùng" lên, biến thành vô số điểm sáng, hiện thành muôn đóa hoa, rồi lại chầm chậm tan biến.

Mà những đóa hoa đó trở thành bối cảnh đẹp nhất lúc này.

Nàng đứng dưới bầu trời đêm, nở nụ cười nhàn nhạt, giữa rèm mi như có ánh sao. Từng chùm từng chùm pháo hoa bay lên nở rộ, tan biến phía sau lưng nàng.

Thuyền đi chầm chậm, bên bờ sông đã có những người bị pháo hoa thu hút, theo đâu mà đến, vỗ tay hoan hô.

Mọi người trên thuyền cũng kinh ngạc mừng rỡ vô cùng, toàn bộ đều chạy lên xem.

Một đêm vốn tĩnh mịch bình thường, trong phút chốc huyên náo hẳn lên, tựa như một nữ thần say ngủ mở choàng mắt, vạn vật đột nhiên sống lại, trăm hoa khoe sắc, vạn điều đua tiếng, mang một nhan sắc diễm lệ vô biên.

Còn bên này, Hách Dịch ngồi tựa trên lan can vẫn bất động, im lặng nhìn Khương Trầm Ngư, vẻ mặt cao thâm khó dò.

Khương Trầm Ngư không bị vẻ mặt đó làm hoảng sợ, nhếch môi cười: "Bệ hạ, đây là tiết mục đặc biệt tiểu nữ an bài cho ngài, ngài không thích sao?".

Ánh mắt Hách Dịch quét qua đám người ồn ào và pháo hoa trên không trung rồi lập tức thu về, một lần nữa dừng lại trên gương mặt nàng, vẫn không động thanh sắc.

Khương Trầm Ngư lại hỏi: "Chắc chắn bệ hạ sẽ thích, bởi vì..." Nàng ngừng lại, Hách Dịch quả nhiên tiếp lời: "Bởi vì sao?".

"Bởi vì, bốn nghìn sáu trăm hai mươi sáu lượng bạc tổn thất đó của bệ hạ đểu chìm ở đây". Nói đến đây, Khương Trầm Ngư nghiêng đầu, cao giọng gọi: "Lý quản sự".

Lý quản sự đương giám sát bọn hạ nhân đốt pháo hoa, nghe nàng gọi, vội vàng lật đật chạy đến: "Có thuộc hạ, Ngu cô nương".

"Nhìn thấy những người bên kia sông chứ?".

"Vâng, nhìn thấy".

"Sai người chèo thuyền nhỏ qua đó, thu một trăm lượng bạc một người". 

"Hả?". Lý quản sự sững người.

Ánh mắt Khương Trầm Ngư lưu chuyển, cười châm biếm: "Trên đời làm gì có trò vui miễn phí? Ngươi cứ đi đi, không cần sợ. Nếu họ có hỏi, thì nói là mệnh lệnh của Nghi vương, pháo hoa chuẩn bị riêng cho ngài, bình dân bách tính dựa vào cái gì mà đòi xem?".

"Nhưng, nhưng nhưng... một trăm lượng bạc này cũng, cũng, cũng..." cũng thực là đắt cắt cổ! Lý quản sự đành nuốt nửa câu sau xuống. Một trăm lượng đủ cho một người dân bình thường sống cả năm.

"Nghi vương còn nói là nếu không giao đủ một trăm lượng thì đi kiếm thêm người xem pháo hoa, kiếm được càng nhiều người, một trăm lượng đó chia đều ra sẽ càng ít hơn. Cho nên, rốt cuộc nộp bao nhiêu tiền phải xem trước giờ Mão ngày mai bọn họ có thể lôi kéo bao nhiêu người đến, nếu gọi được một trăm người trở lên, vậy thì số tiền thừa ra đều cho bọn họ cả".

Tuy mệnh lệnh này vô cùng cổ quái, nhưng đã làm quản gia quản sự ba mươi năm, Lý Khánh biết rất rõ có một số việc biết càng ít càng tốt, vì thế chẳng nói nửa lời, liền đi làm ngay.

Sau khi lão đi, Hách Dịch từ đầu đến cuối vẫn im lặng, lúc này mới nheo mắt, tinh quang thoáng ẩn thoáng hiện trong đôi mắt, y chầm chậm nói: "Chuyện tốt chẳng ra khỏi cửa, việc xấu truyền xa vạn dặm...".

"Thế nên, thậm chí không cần đến giờ Mão ngày mai, trong vòng mười dặm quanh đây, tất cả mọi người đều sẽ biết bệ hạ đang ở trên thuyền của chúng thần".

"Thanh danh của ta bị hủy hoại rồi". Bóc lột dân chúng đã là chuyện mà bách tính căm giận nhất, càng huống hồ là bóc lột dân chúng trên địa bàn của người khác.

"Nhưng", Khương Trầm Ngư bắt chước dáng vẻ của y lúc trước, ngẩng đầu nhìn về phía chân trời xa xa, "trăng ngày mai sẽ tròn hơn hôm nay. Có thể ngắm trăng tròn đêm mai, chẳng phải rất tuyệt sao?".

Hách Dịch nhìn nàng chằm chằm một lát, chợt bật cười, tiếng cười càng lúc càng lớn, cuối cùng nhảy từ lan can xuống đất, vỗ tay: "Hay! Hay! Vụ mua bán này quả là lời! Đây đúng là vụ mua bán đáng giá nhất trong suốt hai mươi tư năm cuộc đời của ta", y ngừng lại một lát, nhìn nàng mỉm cười: "Tiểu cô nương, nàng rất thú vị. Nàng tuyệt đối không phải là một dược nữ bình thường".

Khương Trầm Ngư "ừm" một tiếng.

"Nàng cũng không phải sư muội của Giang Vãn Y".

Khương Trầm Ngư vốn định phủ nhận, nhưng trong đầu đột nhiên xuất hiện một ý nghĩ, cuối cùng nói thẳng: "Quả là không phải".

Ánh mắt Hách Dịch sáng lên, khi nhìn lên gương mặt nàng, ánh mắt ấy trở nên dò xét một cách thâm trầm: "Nàng là ai?".

"Ngài đoán xem?".

"Quản sự của thuyền này hết sức cung kính, không dám trái lệnh nàng, là dược nữ, địa vị của nàng quá cao; là quan viên, đáng tiếc nàng thân là nữ nhi; là lãnh tụ, nàng còn quá trẻ; nếu đoán nàng chỉ là một thiên kim tiểu thư vì hiếu kỳ mà đi theo đoàn sứ thần, nàng lại quá thông minh...". Hách Dịch nói đến đây liền lắc đầu, "Ta đoán không ra".

Kỳ thực không phải y ngốc, mà là trên thế gian này, ai mà ngờ được hoàng đế Bích quốc lại có thể sai phi tử của mình đi làm gián điệp ở địch quốc? Nghĩ tới thân phận khó xử của mình, lòng Khương Trầm Ngư chùng xuống, nhưng miệng vẫn cười nói: "Không sao, bệ hạ có thể từ từ đoán. Vì chuyến đi Trình quốc lần này còn hơn mười ngày, nếu ngài có thể đoán ra thân phận của tiểu nữ, tiểu nữ sẽ làm cho ngài ba việc".

"Nếu như ta không đoán ra?".

"Vậy đổi lại là bệ hạ làm cho tiểu nữ ba việc".

Nét mặt Hách Dịch khẽ thay đổi, tuy vẫn cười nhưng lại thêm vài phần kinh ngạc: "Nàng phải biết, không nên tùy tiện đặt cược những chuyện như vậy. Trước đây ta có biết một cô gái, cũng đánh cược với người ta, nếu bị thua, đối phương có thể yêu cầu bất cứ điều gì. Cuối cùng...".

Khương Trầm Ngư ngắt lời y: "Cuối cùng cô gái đó gả cho người thắng cược chứ gì".

Hách Dịch nháy mắt: "Hóa ra nàng biết".

Khương Trầm Ngư cười rạng rỡ: "Tiểu nữ biết".

"Vậy nàng không sợ sao?". Giọng nói cố tình nhấn mạnh vẻ mờ ám, vừa khéo dừng lại đúng lúc, đôi mắt Hách Dịch lại càng sáng hơn.

"Tại sao phải sợ? Có thể gả cho Nghi vương là việc bao thiếu nữ hằng mơ ước".

Bị phản pháo, Hách Dịch quả nhiên không biết đối đáp ra sao, sững ra một lúc, đành cười khẽ: "Thú vị, thú vị... quả nhiên ta đã lên đúng thuyền mới có thể gặp được tiểu a đầu thú vị như nàng".

Khương Trầm Ngư nhìn y cười, chậm rãi nói: "Những chuyện thú vị còn rất nhiều, tiểu nữ đảm bảo, bệ hạ đi chuyến này không uổng phí chút nào".

Chuyến đi này, người không thấy uổng phí thực ra là nàng.

Nếu không phải Chiêu Doãn phái nàng đi sứ, nàng không bao giờ có thể ngờ được rằng, mình có thể kết giao với quân tử của Nghi quốc, hơn nữa còn cứu mạng y, để y nợ mình món ân tình lớn đến vậy.

Mượn việc đốt pháo hoa, dẫn dụ bách tính bên sông tới xem, sau đó lại dùng cường quyền vô cùng bá đạo trưng thu ngân lượng, khiến cho dân chúng oán trách. Phải biết rằng trong thiên hạ, tiếng xấu là truyền đi nhanh nhất, gây ầm ĩ nhất. Cho nên, vơ vét tiền của là giả, truyền tin mới là thật. Khi người người đều biết quân vương Nghi quốc đang ở trên thuyền quan đi sứ Trình quốc, Chiêu Doãn có thủ đoạn cay độc hơn nữa cũng vô ích. Y có thể hy sinh đi lược hai trăm tám mươi người, nhưng có thể hy sinh được hai nghìn tám trăm người, hai vạn tám nghìn người không? Chuyện này càng truyền càng rộng, muốn giết người diệt khẩu càng khó. Cho dù Chiêu Doãn có giận, có tức đi nữa, cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn thuyền bình an xuất cảnh.

Một nguy cơ đã được hóa giải.

E rằng mọi người trên thuyền vừa từ Quỷ Môn quan trở về mà không hay.

Người biết sự tình cũng chỉ có nàng và vị Nghi vương nhìn có vẻ phóng túng hào sản nhưng kỳ thực cực kỳ khéo léo này.

Đánh cược với y để lấy ba lời hứa, thắng đương nhiên là tốt nhất thua thì cũng không sao, thân phận của nàng một khi bại lộ, y có thể làm gì, chẳng nhẽ định lấy nàng chắc? Cho dù nàng cầu xin y, hay là y cầu xin nàng, sự ràng buộc giữa hai người một khi đã phát sinh, sẽ không biến mất. Đây chính là quân cờ tuyệt thế, nếu có thể lợi dụng tốt tương lai tất có chỗ dùng.

Mà những quân cờ như thế còn rất nhiều ở bờ biển bên kia...

Trời đêm thoáng đãng, rõ ràng cùng trời và đất đó, nhưng phút giây này đối với nàng mà nói, hết thảy đều đã đổi khác.

Lúc đầu, thế giới của nàng rất nhỏ rất nhỏ, chỉ có sân nhà, sau đó một ngày nọ, vô tình nhìn thấy Cơ Anh, thế giới đã rộng lớn thêm một khoảng, chuyển động vây quanh Cơ Anh, đến lúc tiến cung, lại mở rộng thêm khoảng nữa, nhưng rốt cuộc vẫn còn chật hẹp.

Nhưng giờ đây, nàng đang đứng trên mũi thuyền, đối mặt với dòng sông, tất cả ánh sao đều chiếu xuống nàng, gió nhẹ lướt qua, mang theo hương hoa hai bên bờ sông. Con đường phía trước còn mơ hồ, chẳng phải cũng chính là còn có vô vàn khả năng đó sao? Chỉ cần nắm chắc những khả năng này, nàng sẽ có thể có được kết cục như ý nhất.

Đừng sợ hãi nữa.

Đừng hoang mang nữa.

Cũng đừng rụt rè nữa.

Đây chính là trời và đất của nàng.

Phải làm mưu sĩ, không có nghĩa là thần phục Chiêu Doãn, hết thảy ngọn nguồn chẳng qua là để bản thân được sống tốt hơn. Mà tuân theo sự sắp đặt của Chiêu Doãn đi sứ Trình quốc không phải là thực sự giúp Chiêu Doãn thành công, chỉ là thể hiện giá trị của bản thân, để chờ đợi một ngày đứng trên cả vận mệnh. Như nàng giờ phút này, cứu Nghi vương là vì cứu những kẻ vô tội trên thuyền, cũng là giành được một cơ duyên khác cho mình.

Trời và đất bao la đến vậy...

Khương Trầm Ngư mải miết nhìn, làn sương trong đáy mắt chầm chậm dâng lên.

Trong mông lung dường như đã có thứ gì mất đi, không thể tìm lại được, cũng không thể khôi phục lại dáng vẻ ban đầu, nhưng lại có thứ gì bắt đầu thăng hoa, giống như con nhộng phá kén chui ra, hóa thành bươm bướm.

"Bệ hạ". Nàng nghiêng đầu, "Đêm dài dằng dặc, bệ hạ có muốn chơi một ván cờ với A Ngu không?".

Hách Dịch cười, khóe mắt cong lên, mang theo ba phần đùa cợt ba phần tự đắc lại kèm một phần tựa như cưng chiều: "Ta chơi cờ rất giỏi đấy".

Khương Trầm Ngư học điệu bộ y, mỉm cười: "Thật khéo, tiểu nữ cũng vậy". Gió đêm khẽ thổi, nước sông lững lờ trôi.

Người bên sông nhốn nháo, càng lúc càng đông, tiếng oán thán, tiếng cầu xin, tiếng cãi vã, hội tụ thành bối cảnh đánh cờ của hai người, cùng với pháo hoa bay vút lên không trung, hóa thành vĩnh viễn.

Giờ Mão ngày hôm sau, khi bình minh chiếu sáng trên sông, đám phu thuyền bê từng chiếc hòm lên thuyền, sắp thành hàng rồi mở nắp.

Lý quản sự hai mắt vằn máu, trông có vẻ tiều tụy tay bê sổ sách bẩm báo: "Đêm qua tổng cộng có ba ngàn sáu trăm bảy mươi chín người xem pháo hoa, đều nộp tiền mặt. Trừ một số ít còn chưa nộp ra, tổng cộng thu được bốn nghìn hai trăm linh chín lượng bạc. Đã kê khai đầy đủ, mời cô nương xem qua".

Khương Trầm Ngư nhìn những hòm bạc đó, mỉm cười bình thản.

Ngược lại, Hách Dịch đang đánh cờ với nàng hoàn toàn không còn dáng vẻ gà gật buồn ngủ lúc trước, y nhảy phắt xuống khỏi ghế, xông tới chỗ những hòm bạc đó, sung sướng nói: "Rất tốt rất tốt, đều thu được cả rồi, đều là của ta...", y đang định giơ tay ôm bạc, Khương Trầm Ngư liếc mắt ra hiệu, đám phu thuyền lập tức đóng nắp hòm lại.

Hách Dịch sửng sốt quay đầu lại hỏi: "Chẳng phải trả cho ta sao?". "Ai nói là trả cho bệ hạ?".

"Rõ ràng các ngươi nợ ta bốn nghìn...".

Khương Trầm Ngư giơ tay, Lý quản sự hiểu ý đưa ngay bàn tính của lão cho nàng, nàng đón lấy gẩy gẩy, vừa tính vừa nói: "Chúng ta đâm chìm thuyền của bệ hạ, theo lý phải đền bù tiền hàng trên thuyền tổng cộng hết bốn nghìn sáu trăm hai mươi sáu lượng. Nhưng bây giờ bệ hạ đang ở trên thuyền của chúng ta, ăn của chúng ta dùng đồ của chúng ta, mỗi ngày ba bữa một trăm lượng, còn có điểm tâm, trà nước, đồ ăn đêm, tính thêm năm mươi lượng, còn các khoản quần áo giày dép, cùng đồ dùng thường nhật, tính sơ sơ thêm tám mươi lượng. Còn tiền trả cho bọn thị nữ, tiền thưởng cho đám người hầu...".

Hách Dịch cuống lên: "Đợi đã, tại sao ta phải chi tiền thưởng?".

Nhưng Khương Trầm Ngư chẳng thèm đếm xỉa y, gẩy hạt bàn tính nhanh như bay: "Lại thêm tiền phòng, một ngày vị chi tiêu hết ba trăm mười lượng, sau mười lăm ngày đến Trình quốc, tổng cộng là bốn nghìn sáu trăm năm mươi lượng. Còn nữa, chúng ta đưa Nghi vương đến Trình quốc, Nghi vương thân phận tôn quý, phải tính với giá của khách quý, vậy thì thêm một nghìn lượng lộ phí. Như vậy trừ đi tiền bồi thường cho bệ hạ, bệ hạ phải trả thêm cho chúng ta một nghìn không trăm hai mươi tư lượng bạc nữa. Tiểu nữ biết bây giờ bệ hạ không có tiền, không sao, đợi đến khi thuyền cập bến Trình quốc, chúng thần sẽ phái người đi cùng bệ hạ đến trạm dịch lấy tiền, và sẽ không tính món tiền công xe ngựa, người đưa này".

Hách Dịch đờ người ra nhìn nàng, mãi lâu sau mới trút một hơi thật dài, cười khổ nói: "Bây giờ ta nhảy khỏi thuyền còn kịp không?".

Khương Trầm Ngư tươi cười: "Lẽ nào bệ hạ chưa nghe câu lên thuyền dễ xuống thuyền khó?".

Hách Dịch giơ ngón tay, chỉ vào nàng một lúc lâu, cuối cùng đành bất lực vỗ vào trán mình: "Nàng lợi hại, nàng lợi hại, đánh cờ giỏi, tính toán cũng tinh, ta phục rồi". Vừa nói vừa đi về phía khoang thuyền.

Khương Trầm Ngư gọi: "Bệ hạ, cờ vẫn chưa đánh xong".

"Không đánh nữa! Tránh lát nữa thua rồi phải nộp bạc cho nàng, bản vương phải đi ngủ đã, không ai được quấy rầy...", tiếng nói càng lúc càng xa, mấy tì nữ xung quanh không nhịn được cười rộ lên.

Lý quản sự hỏi: "Cô nương, chỗ bạc này chuyển xuống khoang đáy nhé?".

"Lão sai mấy người ở lại đây. Đợi qua giờ Ngọ thì đem số bạc này hoàn trả cho dân chúng".

"Hả?".

Khương Trầm Ngư mỉm cười: "Nhưng không được nói là Nghi vương trả, mà nói là hoàng thượng chúng ta nghe tin Nghi vương lạm thu của dân, cho nên xuất tiền bồi thường cho họ".

"Vâng". Lý quản sự tỏ vẻ đã hiểu.

Khương Trầm Ngư nhìn ván cờ mới chơi được một nửa trên bàn, thực ra kỳ lực của nàng và Hách Dịch tương đương, giao đấu một đêm vẫn chưa phân thắng bại, tiếp tục đánh nữa, Hách Dịch vị tất đã thua. Nhưng y không đánh nữa, đương nhiên vì thấy thu được nhiều bạc như vậy, tức là sự việc đã được lan truyền rộng khắp, tính mệnh không còn đáng ngại, cho nên nể mặt nàng mà rời đi.

Còn bản thân hóa giải một trận mưu sát, tuy có thể thoái thác là không biết hoàng đế muốn giết Hách Dịch, nhưng dù sao đi nữa, chung quy vẫn làm hỏng đại sự của Chiêu Doãn, cho nên, dùng danh nghĩa của Chiêu Doãn để phát khoản tiền này, thay y giành lấy tiếng thơm, mua chuộc lòng người, cũng coi là một cách bổ cứu. Bây giờ đang là lúc dùng người, Chiêu Doãn dù giận nàng, nhưng cũng sẽ không đối phó với nàng.

Chuyện này đến Trình quốc, nếu sự thành, y sẽ vui vẻ, có lẽ không truy cứu nữa.

Cho dù ra sao, chuyện cũng đã làm rồi, người cũng đã cứu rồi, có những việc nàng có thể khống chế, nhưng cũng có những việc lo nghĩ cũng chẳng ích gì, đến đâu hay đến đó.

Khi thuyền cập bến Thiên Trì trấn, khắp trấn là một bầu không khí trời êm bể lặng, khi đám thuyền viên mua hàng hóa, Khương Trầm Ngư ngóng nhìn dòng người qua lại và bến thuyền dường như không có gì khác với ngày thường, bất giác trào dâng một nỗi bâng khuâng.

Âm mưu kinh tâm động phách đêm qua rốt cuộc là từng thực sự tồn tại, chỉ là vì bị nàng phá hoại mà không thể diễn ra, hay chỉ là nàng quá nhạy cảm đa nghi, tự tưởng tượng ra?

Cho dù thế nào, ánh dương sáng rỡ này chiếu trên cánh tay của những thuyền phu, những giọt mồ hôi sáng lấp lánh; rọi vào gương mặt tươi cười của đám thị nữ, những tiếng cười nói vui tai như chuông kêu - sinh mệnh tươi đẹp là thế.

Chỉ cần còn tồn tại là tốt rồi.

Nghĩ đến đây, nàng nhấc váy bước xuống thuyền, nắm một nhúm đất, bỏ vào túi thơm đeo bên hông.

Bỉ thử ly ly, hành mại thê thê.

Bích hề Bích hề, ngô tâm như ế(*).

Một cầu cha mẹ mạnh khỏe, ơn dưỡng dục biết bao sâu nặng; Hai cầu công tử bình an, nét mặt vui cười những ngóng trông; Ba cầu thịnh thế bình an, đợi ngày ta trở về.

Ngày thứ mười bảy trên biển, đương tầm tháng sáu.

Có lẽ trời cao phù trợ, hành trình tiếp theo hết sức thuận lợi, dọc đường sóng êm biển lặng, thuyền viên đều tắc lưỡi nói, nhất định vì có Nghi vương trên thuyền, khí tượng phúc quý của quân vương đã che chở cho họ.

Khương Trầm Ngư nghe xong chỉ cười nhạt, vị Duyệt đế(**) đó không mang theo tai họa là tốt lắm rồi. Có điều kể ra cũng lạ, tuy họ đã đánh cược, nhưng Hách Dịch hình như không hề bận tâm, không những không dò hỏi người khác về lai lịch của nàng, mà còn từ sau lần đó, cũng tuyệt đối không nhắc đến chuyện đó nữa.

Y không nhắc, Trầm Ngư đương nhiên càng không đả động tới.

Cứ thế nửa tháng trôi qua, đúng như lịch trình dự kiến, giờ Tí ngày mùng một tháng sáu, đội thuyền cập bến hải cảng lớn nhất của Trình quốc, cũng là đế đô của Trình quốc - Lô Loan.

Khi Trầm Ngư cùng Giang Vãn Y ra khỏi khoang thuyền, dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng nhìn thấy đội quân đứng sắp thành hàng tăm tắp nghênh đón, nàng vẫn cảm thấy chấn động.

Đội quân này mười người một hàng, xếp thành mười chín hàng, chiều cao tương đương, thân mặc áo đen, thắt lưng vải gấm, đội mũ bạc cắm lông vũ đỏ và mặc áo khoác lông cùng màu, tỏa sáng lấp lánh dưới ánh dương, khi gió thổi, lá cờ thêu chữ "Trình" mang đồ đằng kim xà bay phần phật, thể hiện vẻ uy vũ khó diễn tả thành lời.

Mà trong số đó, người bắt mắt nhất chính là một nam tử trẻ tuổi cưỡi bạch mã.

Con bạch mã rất cao lớn, nam tử lại hơi thấp bé.

Tuổi tác của hắn chừng ngoài hai mươi, mặc một bộ khôi giáp màu đỏ, ngũ quan sắc nét, thần sắc nghiêm trang, trên gương mặt sát khí đằng đằng, nhìn là biết được tôi luyện trên sa trường, khiến người ta trông mà sợ hãi.

Khương Trầm Ngư thầm nghĩ, đây chắc là Hàm Kỳ, Hồng Dực tướng quân lừng danh của Trình quốc, con thứ của Trình vương Minh Cung. Nghe nói người này võ nghệ phi phàm, kiên nhẫn thiện chiến, khá được lòng quân, nhưng tâm địa cay nghiệt lại vui giận thất thường, đặc biệt kỵ húy người khác nói hắn thấp bé.

Nghe nói binh mã đô giám tiền nhiệm của Trình quốc là Mã Khang muốn lấy lòng hắn, đặc biệt tìm một con Hãn Huyết Bảo Mã chỉ mới ba tháng tuổi, cười nói: "Dắt con ngựa nhỏ này của ta đến dâng cho nhị hoàng tử, tiểu mã phối với tiểu nhân mời họp".

Hàm Kỳ không nói lời nào, nhưng khi bọn thuộc hạ dắt con bảo mã đó đến trước mặt, hắn liền một đao chém rơi đầu con ngựa nhỏ, máu tươi bắn lên toàn thân Mã Khang, khiến cho tất cả mọi người ở đó đều hồn bay phách tán. Duy chỉ có tam hoàng tử Di Phi đứng bên cạnh cười hì hì: "Tiểu nhân phối tiểu mã, vậy thì đại nhân phải phối với đại kỵ đúng không? Cũng được, ở đây Mã đại nhân lớn tuổi nhất mà trong bách kỵ voi là lớn nhất, Mã đại nhân từ nay về sau cưỡi voi lên triều đi!".

Mã Khang tự biết nịnh bợ nhầm chỗ, không những phạm phải chỗ kỵ húy của Hàm Kỳ, mà còn vì hành động nịnh bợ lại quá rõ ràng, nên đồng thời cũng đắc tội với các hoàng tử khác, hối hận không sao kể xiết, nhưng Di Phi đã ra lệnh, sao dám làm trái đây, từ đó về sau đành cưỡi voi lên triều, trông thì oai phong, nhưng thực ra xấu hổ, trở thành trò cười một dạo.

Cũng vì thế, trước lúc xuất hành, Khương Trọng từng tổng kết: "Trong ba hoàng tử của Trình vương, thái tử Lân Tố tầm thường vô năng, là một kẻ không có chủ trương; nhị hoàng tử Hàm Kỳ bạo ngược tàn nhẫn, tuyệt đối không được chọc giận hắn, tam hoàng tử Di Phi trông có vẻ chơi bời, nhưng lại là kẻ nham hiểm, cần phải cẩn thận đề phòng".

Bây giờ, Khương Trầm Ngư nhìn Hàm Kỳ cách xa mười trượng, nhớ đến lời dặn dò của phụ thân, lòng bỗng trào dâng một nỗi thổn thức vô cớ - Hàm Kỳ và Hách Dịch đều là những người nàng từng chỉ nghe kể trong những lời đồn thổi, tựa như những người sống trong thế giới khác, vĩnh viễn không thể gặp gỡ, giờ đây lần lượt từng người lại xuất hiện trước mặt nàng, thật là không thể không nói thế sự khó lường.

Khi nàng đang chìm trong suy nghĩ, Hàm Kỳ quất ngựa đi đến đầu bến cảng, chắp tay nói với bọn Nghi vương đã xuống thuyền: "Quý khách đến, không tiếp đón từ xa, mong được lượng thứ!".

Hách Dịch đương định đáp lễ, một giọng nói khác đột nhiên từ xa vọng tới: "Nhị ca thật quá đáng, nghênh tiếp khách quý cũng không gọi đệ đệ đi cùng, sợ đệ làm mất mặt huynh sao?".

Giọng nói biếng nhác, mang theo vài phần ranh ma lẫn châm chọc, nhưng lọt vào tai mỗi người một cách hết sức rõ ràng.

Khương Trầm Ngư quay đầu, thấy ba kẻ giống như tùy tùng theo một thiếu niên đi tới.

Sở dĩ nói "giống như" tùy tùng, là vì ba người đó khí chất đều không giống tùy tùng, nhưng khi họ đi cạnh thiếu niên đó họ đều tụt hạng xuống thành tùy tùng.

Thiếu niên đội một chiếc mũ xiêu xiêu vẹo vẹo, mặc bộ y phục có hơn mười màu, lùng bùng xốc xếch, không vừa người, nút áo ở cổ còn chưa cài, để lộ làn da ngăm ngăm và xương quai xanh, dáng đi cũng lả lướt nghiêng ngả.

Không chỉ gã như thế, ba tên tùy tùng của gã cũng đi như lướt.

Vì thế, khi bốn người này đi xuyên qua đội ngũ đón khách, giống như bốn con sâu xuyên qua ngọc mễ, những chỗ đi qua liền trở nên hỗn độn.

Khương Trầm Ngư thấy thích thú, không rời mắt nổi. Gã chính là tam hoàng tử của Trình vương - Di Phi sao?

Nhưng khi thiếu niên đó tới gần, gương mặt trở nên rõ ràng, ngũ quan cực kỳ tuấn mỹ, nhưng biểu tình tầm thường, ánh mắt chớp nhá, lại thêm toàn thân phục sức lòe loẹt hoa hòe hoa soi, trông gã không giống hoàng tử mà giống lưu manh hơn.

Ánh mắt của tên "lưu manh" này quét một vòng qua mặt mọi người, đặc biệt nhìn nàng lâu hơn một chút, sau cùng nói: "Xin lỗi xin lỗi. Nghi vương bệ hạ, Đông Bích hầu, Phan tướng quân, các vị đi đường vất vả, cho nên tiểu vương cố ý chuẩn bị một tiết mục, coi như để chào đón các vị".

Nói đoạn gã vỗ tay, một tràng tiếng trúc tiếng tơ dìu dặt nổi lên, tấu khúc "Dương xuân bạch tuyết", đồng thời một cỗ xe ngựa xuất hiện.

Khương Trầm Ngư chưa bao giờ thấy cỗ xe ngựa nào lớn đến thế, lớn bằng một căn phòng, phía dưới có hai mươi tư cặp bánh xe, do hai mươi tư con tuấn mã kéo, thong thả lại gần.

Thân xe chia làm hai phần, nửa trước là một mặt sàn, mấy nhạc sư ngồi trên đó, người tấu đàn, người thổi, người gõ. Mà nửa sau là thùng xe, bấy giờ bốn cánh cửa xe đồng loạt mở ra, hết thiếu nữ này đến thiếu nữ khác từ trong bước ra.

Những thiếu nữ này ai nấy dung mạo diễm lệ, mặc áo lụa kim tuyến gần như trong suốt, để lộ đôi chân thon dài, trắng trẻo, gợi cảm mà yêu mị.

Cả đội quân vốn chỉnh tề nghiêm trang đã có chút rối loạn trước sự xuất hiện của bốn người Di Phi, nay những cô nương như hoa như ngọc lao tới, lại càng trở nên hỗn độn, mất hết uy phong.

Các thiếu nữ chạy đến bến tàu, sắp thành một hàng đằng sau Di Phi, không hề ngượng ngùng đánh giá các khách nhân, mồm năm miệng mười nói: "Ai da, vị mặc áo đỏ kia là Nghi vương trong tồn tại sao? Ngài tuấn tú quá...".

"Ta thích vị mặc áo xanh kia, một lang quân tuấn nhã làm sao, có cảm giác thoát tục xuất trần...".

"Các ngươi ngốc chết đi được, nếu là ta, ta sẽ chọn vị tướng quân kia, nhìn thân thể chàng cường tráng thế, bản lĩnh đối phó với nữ nhân chậc chậc... cứ phải gọi là...".

Nghe thấy những lời xằng bậy đó, gương mặt vốn đã thâm trầm của Hàm Kỳ lại càng tối sầm, cuối cùng không nhịn được mắng: "Trước mặt Nghi vương hạ, sao có thể dung túng cho bọn chúng làm càn được, còn không bảo bọn oanh oanh yến yến này của đệ cút hết đi!".

Di Phi kêu lên một tiếng, đáp: "Chính vì đệ biết Nghi vương giá đáo, cho nên mới đặc biệt dẫn đám én vàng này đi cùng. Từ lâu đã nghe nói Nghi vương phong lưu vô song, không thể thiếu mỹ nhân bầu bạn, chuyến này lần đầu tới Trình quốc, đương nhiên phải tặng cái ngài thích, đầu tiên là dâng mỹ nhân Trình quốc của chúng ta... Không biết đám mỹ nữ này có thể lọt vào mắt xanh của bệ hạ không?".

Khương Trầm Ngư bỗng hiểu ra: Di Phi làm vậy rõ ràng muốn cướp uy thế của Hàm Kỳ. Gã biết Hàm Kỳ sẽ tới nghênh đón đoàn thuyền, cũng biết Hàm Kỳ xưa nay tự hào vì quân luật nghiêm minh, cho nên, khi Hàm Kỳ nghênh đón Nghi vương, nhất định sẽ càng làm cho không khí trở nên vô cùng uy nghiêm. Vì thế, gã cố ý mang theo đám nhạc sư và mỹ nữ đến, làm cho nơi này trở nên hỗn loạn... Kỳ lạ là gã khiêu chiến Hàm Kỳ cũng được, nhưng không sợ hành động ngông cuồng, khinh mạn khách quý, sẽ khiến người đời dị nghị sao?

Đang lúc nghi hoặc, lại thấy Nghi vương biến sắc, nhìn chằm chằm Di Phi, đột nhiên bước lên trước một bước, nắm chặt tay gã, cảm động nói: "Tam hoàng tử đúng là tri kỷ của trẫm!". Nói rồi buông tay ra, quay người, hai cánh tay cực kỳ tự nhiên kéo hai mỹ nhân lại, lôi họ ra khỏi hàng, mỗi bên ôm một người, hỏi: "Nàng tên gì?".

Khương Trầm Ngư bỗng cảm thấy ảo giác tiêu tan, nàng nhầm rồi! Đối với vị Duyệt đế này, e rằng kiểu tiếp đón này mới là thích hợp nhất...

Thiếu nữ cắn môi, cười ngọt lịm: "Thiếp tên là Châu Viên".

"A, Châu Viên, tên đẹp lắm". Hách Dịch quay đầu, hỏi người kia: "Thế còn nàng?".

Thiếu nữ kia chớp mắt: "Thiếp là muội muội của tỉ ấy, bệ hạ đoán xem thiếp tên gì?".

"Châu (Trư) Đầu?".

"Đáng ghét quá, người ta tên là Nhuận Ngọc!". Ba người vừa cười nói, vừa nhẹ nhàng lên xe.

Sắc mặt Hàm Kỳ càng khó coi hơn, Di Phi lại càng cười bỉ ổi hơn, nói với đám thiếu nữ phía sau lưng: "Các ngươi thật vô dụng bị Châu Viên, Nhuận Ngọc qua mặt rồi...".

Gã vừa nói vậy, đám thiếu nữ lập tức tỉnh ngộ, cùng nhau xông lên, vây chặt lấy Giang Vãn Y và Phan Phương, tranh nhau nói: "Tướng quân tướng quân, để Minh Châu đưa ngài lên xe nhé... Nghe nói hầu gia y thuật thần thông đúng không? Ai da, mấy hôm nay thiếp đều cảm thấy hơi đau ngực...".

Giữa quang cảnh diễm lệ ấy, Giang Vãn Y toàn thân cứng đờ và Phan Phương mặt không biểu cảm bị đám thiếu nữ kẻ lôi người kéo lên xe ngựa, những người còn lại chỉ biết đưa mắt nhìn nhau.

Còn Di Phi thu ánh mắt nhìn theo bọn Giang Vãn Y lại, nhìn Trầm Ngư, nói: "Vị này chắc là Ngu cô nương - sư muội của Đông Bích hầu?".

Ánh nắng chớm hạ tỏa những tia sáng màu vàng nhạt, rọi trên chiếc mũ cao cao và y phục sặc sỡ, trong một tích tắc, sự ngược sáng khiến gương mặt gã trở nên mơ hồ, nhưng ngay giây sau, nhìn kỹ lại, rõ ràng vẫn là dáng vẻ tà khí khinh mạn như trước. Gã giơ một tay ra, làm điệu bộ ân cần dìu bước: "Ngu cô nương, mời đi cùng xe tiểu vương".

Khương Trầm Ngư im lặng nhìn gã một lúc, chợt nghiêng đầu nói với những người phía sau: "Đừng ngây ra nữa. Kẻ nào cần dỡ hàng thì dỡ đi, kẻ nào cần ghi danh thì ghi danh đi, tất cả thu xếp ổn thỏa xong theo ta về dịch quán".

Đám người nhận được mệnh lệnh, vội vàng bắt đầu hành động. Khương Trầm Ngư phẩy tay áo cười nhạt với Di Phi: "Xe ngựa của tam hoàng tử cao quá, tiểu nữ ngồi không tới, đi sau xe thì hơn".

Nói rồi, chẳng buồn nhìn cánh tay giơ trước mặt nàng lấy một cái, lách người lướt qua, đi thẳng đến trước mặt Hàm Kỳ, ngẩng đầu nhìn Hàm Kỳ trên lưng ngựa, nói: "Phiền nhị hoàng tử sai người dẫn đường cho chúng ta".

Ánh mắt Hàm Kỳ sâu thẳm, mang theo vài phần thăm dò, nhưng rốt cuộc vẫn vung roi quất ngựa, tự mình dẫn đường.

Khương Trầm Ngư đã dẫn theo đoàn sứ giả rầm rộ như thế cùng Hàm Kỳ rời khỏi bến tàu.

Nàng cảm nhận được ánh mắt hừng hực của Di Phi trên lưng mình, thủy chung vẫn nhìn nàng chằm chằm không chớp mắt, dường như muốn đốt cháy nàng.

Nàng nhếch miệng, nở nụ cười đầy trấn tĩnh.

Vừa xuống thuyền liền chứng kiến màn kịch huynh đệ đối chọi đặc sắc nhường ấy, không thuận nước đẩy thuyền một phen thì quả là không được.

Mâu thuẫn giữa Hàm Kỳ và Di Phi đã thật sự đến giai đoạn gay gắt, trước mặt sứ thần nước bên cũng không chịu che giấu một chút hay là đôi huynh đệ này hợp tác diễn kịch hay, nhân đó làm mọi người mất cảnh giác?

Cho dù thế nào, có thể khẳng định một điều là - đôi chân này từ trên thuyền bước lên đất Trình quốc, là đã mặc định rằng màn kịch lớn bắt đầu mở màn, cho dù diễn phân đoạn gì, nội dung gì, hết thảy đều liên quan đến nàng.

Đã chắc chắn không thể làm người đứng xem giữ mình thanh tịnh, vậy thì, hãy biến bị động thành chủ động, góp thêm một vai diễn đặc sắc của riêng mình đi.

Ánh dương tháng sáu tươi đẹp như thế, nhưng phía chân trời, gió cuộn mây trào.

(*) Bài này lấy ý thơ từ bài "Thử ly" thuộc Thi kinh, phần Vương phong. Tạm dịch: Cây lúa đã trổ bông trĩu hạt, ta chầm chậm bước đi, Bích quốc ơi Bích quốc, lòng ta nghẹn ngào.

(**) Nghi vương có biệt hiệu là Duyệt đế - đế vương vui vẻ, về biệt hiệu này sẽ được tác giả nói kỹ hơn ở phần sau.