Quyển 2: Kinh thành phong vân
Chương 42: Nói chuyện bên lò sưởi
Dịch: Tử Lăng
Nguồn: Tàng Thư Viện
Trên xe ngựa, Trương Hoán một mực lặng thinh. Trương Nhược Hạo dựa lên giường ngồi, mắt nửa nhắm nửa mở, hết sức hứng thú nhìn kỹ chàng trai trẻ trước mặt. Toàn thân y toát ra đầy vẻ thần bí. Mỗi lần gặp mặt, y đều có thể mang đến cho mình một cảm giác mới lạ.
Không phải ông khen ngợi y dám xông vào nha môn cứu người vào ban đêm, càng không phải ông đánh giá cao chuyện y bắt đại tiểu thư của Thôi gia, mà là ông có cảm giác y đã khéo léo lợi dụng ông.
Tên tiểu tử này đã có thể trả một trăm xâu tiền để chủ hiệu nọ gửi thư, không ngờ lại bị bắt. Tùy tiện trốn ở nơi nào đó, Thôi Viên đi đâu bắt y?
Nhưng y lại cứ lộ mặt để Thôi Viên bắt được. Chuyện này chỉ có một cách giải thích, y cố ý bị bắt, sau đó nhờ mình đứng ra bảo vệ y.
Mục đích thực sự của y là ép mình ra mặt trừ khử mọi nỗi lo sau những vụ kia cho y. Một chàng trai trẻ xảo quyệt làm sao! Tuy Trương Nhược Hạo cuối cùng đã hiểu ra mình bị lợi dụng, nhưng lòng ông vẫn cảm thấy vô cùng mừng rỡ.
Đây mới là Trương Hoán mà ông hy vọng thấy được, vừa dám làm dám chịu lại mưu tính sâu xa.
"Thập bát lang... ngươi đang nghĩ gì vậy?" Trương Nhược Hạo mỉm cười hỏi.
Trương Hoán cười, "cháu đang nghĩ gia chủ rốt cuộc đã đáp ứng điều kiện gì của Thôi Viên rồi. Nếu không thì ông ta sao có thể thả cháu dễ dàng vậy được."
"Tào Vận Sứ Triệu Viễn Triều của Lưỡng Hoài sắp thôi làm quan. Ta đáp ứng lão, do ta ra mặt tiến cử Vương Tấn thay chỗ."
Nói đến đây, Trương Nhược Hạo liếc nhìn Trương Hoán, thấy Hoán không lộ vẻ gì trên nét mặt, lại nhấn mạnh giọng tiếp: "Tào Vận Sứ của Lưỡng Hoài khống chế thủy vận của Hoài Nam, luôn luôn là miếng ăn béo bở của Sở gia. Mục đích của Thôi Viên không gì ngoài việc muốn mượn tay ta giúp Vương gia vươn tay đến Hoài Nam, đồng thời cũng khiến Sở Hành Thủy bất mãn với ta."
"Gia chủ đã đáp ứng ư?"
Trương Nhược Hạo không vui khoát tay, "đương nhiên! Để dẹp yên tai vạ do tiểu tử ngươi gây ra, ta chỉ có thể đáp ứng thôi."
Khóe miệng Trương Hoán động đậy. Hồi lâu sau, y mới khẽ nói: "Gia chủ, cháu rất xin lỗi!"
"Ta cũng biết ngươi chẳng hề thiếu suy nghĩ, mà là bị tình thế bắt buộc. Ta không trách ngươi!"
Trương Nhược Hạo vỗ vai Trương Hoán cười nói: "Ngươi chịu ra tay vì bằng hữu, chứng minh ngươi là một người có tình có nghĩa. Thế là rất tốt. Nếu như ngươi thực nghe lời khuyên của ta, bỏ mặc bằng hữu sống chết, tuy thỏa lòng ta, nhưng ta cũng sẽ rất thất vọng đối với ngươi. Đại trượng phu xử thế, biết linh hoạt theo tình hình dĩ nhiên quan trọng, nhưng cũng không thể đánh mất nguyên tắc làm người. Chỉ là..."
Nói đến hai chữ 'chỉ là', một nét xảo quyệt lóe lên trong mắt Trương Nhược Hạo, "chỉ là tiểu tử ngươi không ngờ dám chơi ta một vố, ta không thể tha ngươi được!"
Trương Hoán thấy gia chủ đoán ra ý đồ của mình, y hổ thẹn gãi gáy, đoạn cười nói: "Thực ra đáp ứng Thôi Viên, Trương gia chúng ta cũng không hề có thiệt hại. Trái lại, dẫn Vương gia đến Hoài Nam còn có rất nhiều cái lợi cho chúng ta. Gia chủ nghĩ sao?"
"Nói tiếp đi!" Ánh mắt Trương Nhược Hạo bừng sáng hứng thú.
Trương Hoán mỉm cười nói: "Hai nhà Sở, Vương trở mặt, Vương Ngang không rảnh dòm ngó phương Bắc. Như vậy gia chủ có thể thừa cơ quét sạch nội loạn của gia tộc."
Trương Nhược Hạo vỗ tay cười lớn, "chuẩn! Ngươi nhìn thấu triệt lắm. Tối nay ta phải bàn luận kỹ lưỡng với ngươi việc của gia tộc!"
...
Ăn cơm, tắm rửa súc miệng, thay quần áo, đến khi lão quản gia run lẩy bẩy dắt Trương Hoán đến thì đã là giờ tý (*).
"Lão gia, tôi đã dắt Thập bát lang tới!"
"Để nó vào đây!" Trương Nhược Hạo đặt sách xuống, cười rạng ngời nhìn Trương Hoán đi vào.
Trương Hoán tiến lên một bước, vái thật dài với Trương Nhược Hạo, đoạn nói: "Đã khiến gia chủ phải đợi lâu!"
"Đến đây! Ngồi xuống nói chuyện." Trương Nhược Hạo bảo Trương Hoán ngồi xuống. Ông cũng không hỏi han, mà nói thẳng vào chủ đề: "Ta đã sửa quy tắc kế thừa chức gia chủ. Không nhất định phải là con trưởng chi chính mới có thể kế thừa. Ngươi nên biết, ta đã chịu áp lực rất lớn vì chuyện này."
Trương Hoán lặng im gật đầu. Trong cái xã hội phân chia cấp bậc rạch ròi này, đó là quy tắc hành sự của cả Đại Đường, từ những dòng họ quyền thế bên trên, đến những gia tộc nghèo hèn ở dưới. Thậm chí kế thừa ruộng đất, gia tài, vân vân... đều lấy đó làm thước đo.
Mà cấp bậc cao quý hay hèn kém của một con người đã được xác định từ trước khi ra đời. Địa vị của một con cháu chi phụ trong thế gia thậm chí còn thua kém con cháu của những gia đình bần hàn. Con cháu của gia đình bần hàn có thể vươn lên nổi trội nhờ nỗ lực, còn con cháu chi phụ của thế gia thì đã bị đóng lên một dấu ấn hèn kém ngay từ khi sinh ra.
Cho nên quyết định không phân chính phụ của Trương Nhược Hạo vừa được đưa ra, lập tức gây náo động một thời. Hành động này của ông đã lật nhào truyền thống, thay đổi quy tắc ngầm mà người người công nhận.
Mà tất cả đều là vì Trương Hoán.
Đương nhiên, quyết không thể chỉ mình gia chủ vừa ý là y thành được người kế thừa chức gia chủ. Chuyện này liên quan đến sự hưng suy của gia tộc, y cần phải có đủ thực lực khiến cả gia tộc chấp nhận.
Trương Nhược Hạo thực ra chỉ cho y một cơ hội biểu hiện tài năng. Có thể nắm được cơ hội này hay không, vẫn phải xem bản thân y.
"Được gia chủ coi trọng, Trương Hoán khắc ghi trong lòng. Cháu sẽ cố gắng gấp bội, tuyệt không để gia chủ thất vọng."
Trương Nhược Hạo liếc nhìn Trương Hoán, đoạn cười nhạt. Mười năm trước, Trương Nhược Phong thề thốt bày tỏ mong muốn quản lý thật tốt từng đồng từng cắc của Trương gia với mình, nhưng y lại rút bốn mươi vạn xâu tiền gửi cho Vương gia ở Sơn Nam ; mười lăm năm trước, người em cùng tộc Trương Phá Thiên xin thề dốc lòng trung thành với mình, nhưng cuối cùng y lại làm chia rẽ Trương gia.
Bày tỏ thái độ không thể nói lên điều gì.
Ông cân nhắc giây lát, đoạn hỏi: "Ngươi quản lý tài chính vài tháng, có lẽ cũng nhìn thấy được tình trạng hiện nay của Trương gia ta. Vậy ngươi nói xem, nguy cơ trước mắt của Trương gia ta là gì?"
"Nguy cơ ư?" Trương Hoán cười gượng. Ở thành Thái Nguyên, ai nấy đều rõ nguy cơ của Trương gia, đâu cần phải hỏi y.
"Mấy năm nay, lối sống xa hoa trong tộc ngày càng thịnh hành. Tiền tháng của con cháu chi chính dư dả. Bọn họ suốt ngày chỉ ngâm thơ làm phú, thưởng thức gió trăng. Còn con cháu chi phụ nghèo túng lại không có cơ hội ngẩng đầu dậy. Kẻ có quan chức cũng không chịu suy nghĩ vươn lên, được chăng hay chớ. Cứ lấy phụ thân cháu làm ví dụ, ông phải dùng tận mười lăm năm mới từ chức Chủ bộ bát phẩm lên được chức Trưởng Sử lục phẩm. Đánh giá hằng năm đều là trung bình kém. Ngược lại, chưa năm nào ông chịu thua kém người ta cái khoản nạp thiếp."
Nói đến đây, Trương Hoán thở dài, "nhìn những dấu hiệu đó là rõ, nếu gia chủ vẫn không chịu quyết tâm chỉnh đốn, e rằng ba năm sau, Hà Đông sẽ có biến cố. Bộ Lại chỉ gửi một tờ công văn xuống, Huyện lệnh, Trưởng Sử của Trương gia ở khắp nơi đều phải khăn gói về nhà."
Sắc mặt Trương Nhược Hạo thay đổi mấy lần. Hồi lâu sau, ông mới chán nản nói: "Chẳng phải ta không biết tình huống ngươi nói. Nhưng có những chuyện không đơn giản như ngươi nghĩ. Từ sau nội loạn ở mười năm trước, Trương gia ta đã không còn chút thực lực nào để tự bảo vệ. Vương gia nhìn lom lom thèm thuồng ở đằng trước, Thôi gia rình mò tập kích ở đằng sau. Còn có một Bùi gia ngồi đợi trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi. Dưới tình hình này, một cử động thôi sẽ kéo theo toàn cục thay đổi. Nhưng sang năm, lại đến cái hẹn năm năm sang nhượng chức Hữu tướng, không ai dám manh động lúc này. Đây chính là cơ hội."
"Vậy gia chủ định xử lý thế nào?"
Trương Nhược Hạo mỉm cười nói: "Cho nên ta muốn nghe xem ý kiến của ngươi, chúng ta cần bắt đầu từ đâu?"
"Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó!"
Trương Hoán ngẩng đầu. Y nhìn chăm chú Trương Nhược Hạo nói chậm rãi: "Trương gia ta suy yếu là do rối loạn trong gia tộc mười năm trước, vậy nếu muốn chỉnh lý dựng lại huy hoàng ngày xưa của Trương gia, gia chủ cần phải mở rộng tấm lòng, để dòng họ của Trương Phá Thiên trở về lại cội nguồn. Ngày hai Trương lại trở thành huynh đệ lần nữa cũng chính là ngày khởi đầu gây lại phong thái oai hùng của Trương gia ta."
"Lại trở thành huynh đệ!" Trương Nhược Hạo lẩm bẩm. Trương Hoán nói rất đúng. Trương Phá Thiên là Thái sư đương triều, quan hệ rất rộng trong quân đội ; mà mình là Thượng thư bộ Lễ, có chân trong nội các, có tư cách họp bàn quyết sách. Nếu hai Trương bắt tay nhau, thì sợ gì sự chèn ép của hai nhà Thôi, Vương?
Ông vui mừng gật đầu, vẻ hy vọng tràn trề trong ánh mắt. Tính cách quả quyết và ánh mắt tinh tường mà Trương Hoán biểu lộ ra khiến ông tựa như đã nhìn thấy ngày Trương gia vùng dậy trở lại.
"Ta biết rồi, ngươi nghỉ sớm đi! Ngày mai ta sẽ dắt ngươi đi thăm hỏi Vi Ngạc và Bùi Tuấn."
...
Phủ đệ ở Trường An của Vi Ngạc nằm trong phường An Nhân lân cận đường lớn Chu Tước, chiếm diện tích khá lớn. Đây cũng là chỗ ở của Tướng quốc đời trước Vi Kiến Tố. Năm xưa, dòng họ Vi sống ở Trường An, nhưng sau khi loạn An Sử nổ ra, Vi Kiến Tố dời dòng họ đến quận Khai Dương ở Lũng Hữu. Dần dà, nơi đó trở thành nhà của họ Vi. Cũng bởi đấy mà được gọi là họ Vi ở Quan Lũng.
Trương Nhược Hạo đến khiến Vi Ngạc vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Trong cuộc tranh đấu quan trường sắp mở màn, không nghi ngờ gì cuộc viếng thăm này như cơn mưa rào trút xuống vùng đất khô hạn. Mặc dù thế lực của Trương gia không lớn như trước, nhưng ông ta là Thượng thư bộ Lễ, hơn nữa còn kiểm soát bộ Công của triều đình (**), Thị lang bộ Công hiện nhiệm Triệu Tung chính là môn sinh của Trương Nhược Hạo.
"Vị tiểu ca này là?" Vi Ngạc nhìn Trương Hoán, thoáng ngạc nhiên nghi ngờ. Trương Nhược Hạo dắt vãn bối đến viếng thăm y nhưng người này không phải con trưởng chi chính Trương Huyên của Trương gia mà là một chàng trai trẻ lạ mặt. Có điều, dường như y đã gặp chàng trai trẻ này ở đâu rồi?
"Ha ha! Để tôi giới thiệu, đây là Trương Hoán, con của lục đệ tôi. Lần này nó vào kinh để tham gia thi cử." Trương Nhược Hạo nói rồi nháy mắt với Trương Hoán, "Thập bát lang còn không lên làm lễ chào đi?"
Trương Hoán tiến lên vái dài, "xin chào Vi thế thúc!"
"À! Hóa ra cháu chính là Trương Hoán." Vi Ngạc mừng lắm. Y kéo tay Trương Hoán cảm kích cười nói: "Đa tạ cháu ra tay cứu mẹ già của ta. Bà nhắc đến cháu luôn luôn. Ta vốn định mấy ngày nữa đến nhà cảm ơn, không ngờ cháu lại đến đây trước rồi."
Nói đến đây, y do dự thoáng chốc, dường như muốn hỏi điều gì, song lại khó bề mở miệng. Trương Hoán hiểu ý của Vi Ngạc, bèn mỉm cười nói: "Cháu đã cứu thoát hiền đệ Vi Thanh, sau đó bọn cháu tách ra bởi gặp sự cố. Nhưng lúc đó người Hồi Hột đã rút về phía tây, có lẽ Vi hiền đệ không sao cả."
"Thật như vậy sao?"
Vi Ngạc không thể kiềm chế nỗi xúc động trong lòng nữa, vẻ vui mừng lộ rõ trên nét mặt. Thành Khai Dương bị phá, con trưởng bị quân Hồi Hột đuổi bắt, sống chết không rõ. Đây vẫn luôn là chuyện y lo lắng nhất. Hiện giờ biết được tin tức từ Trương Hoán, bảo sao y không mừng rỡ như điên. Chỉ là, Trương Nhược Hạo ở bên cạnh, y không thể bày tỏ quá nhiều cảm xúc. Vi Ngạc dằn nén nỗi xúc động lại, gật đầu với Trương Hoán nói: "Đa tạ tin tức của tiểu ca. Có lẽ bọn nó vẫn đang tránh nạn ở nơi nào đó, vài bữa nữa sẽ về kinh!"
Nói đoạn, Vi Ngạc lại nhìn đánh giá Trương Hoán, chuyển đầu đề câu chuyện: "Nếu không phải gia chủ nhà cháu nói cháu tham gia thi cử năm nay, ta còn cho rằng cháu là người trong quân đội. Nam nhi của Đại Đường ta cần phải giống như thế này, có thể cưỡi ngựa bắn cung, bảo vệ gia tộc, tổ quốc, lại có thể thông thuộc thi thư, quản lý một cõi. Cho nên Lũng Hữu bọn ta quản lý trường học bằng quân quy, cũng là vì mục đích đó."
Đã biết tăm tích của con trai, lòng Vi Ngạc thoải mái nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Y lại nghĩ đến một chuyện, bèn trỏ Trương Hoán nhìn Trương Nhược Hạo cười nói: "Trương huynh, ta thoạt nhìn Trương hiền điệt, còn nghĩ rằng y chính là người ta gặp trên cầu ở Nhạc Du Nguyên đêm hôm trước. Ôi! Gã đó..."
Vi Ngạc nhìn Trương Hoán, nở nụ cười mang ý nghĩa sâu xa, rồi không nói tiếp nữa.
Trương Hoán cũng cười nhạt. Y biết Vi Ngạc thực ra đã nhận ra mình, chỉ là không vạch trần thôi.
Lúc này, Trương Nhược Hạo ở bên cạnh nói chen vào: "Vi huynh có lẽ còn chưa biết, kỳ thực chính là Thập bát lang nhà ta đã đốt cháy lương thảo của quân Hồi Hột ở Mã An lĩnh, cuối cùng bị lão nhị của họ Thôi đoạt đi công lao!"
"Hừ!" Vi Ngạc nghe đến chữ 'Thôi', mắt y liền bắn ra nét căm hận sâu sắc, "ta nói tên đê tiện chỉ biết giở trò đồi bại với nữ nhân của Thôi gia đó sao có thể làm ra đại sự như vậy, quả nhiên là mạo nhận công lao!"
Biết Trương Hoán mới là công thần đốt lương thảo của địch, Vi Ngạc cười tươi rói. Y nắm tay Trương Hoán đi vào trong phủ. "Đi! Đến phòng sách của ta, kể tỉ mỉ cho ta làm thế nào cháu đốt được quân lương. Việc này là nguyên nhân chính khiến người Hồi Hột lui về phương bắc!"
Chú thích:
(*) Tác giả chú: giờ tý là mười một giờ đêm
(**) Tác giả chú: Ở đây cần phải nói thêm vài câu, từ thời kỳ Trung Đường (1) về sau, chức Thượng thư của sáu bộ (2) căn bản trở thành tư cách được thăng cấp của quan viên. Những danh hiệu này chỉ đại biểu cho một thứ thân phận, mà không cần phải nêu rõ chức vụ đảm đương. Họ cũng không thể xử lý công việc cụ thể trong bộ mình, mà thực quyền thì nằm trong tay của Thị lang của sáu bộ này.
Người dịch chú thích thêm:
(1) Thời kỳ Trung Đường là trỏ khoảng thời gian giữa những năm Đại Lịch - niên hiệu của Đường Đại Tông Lý Dự (766-779) - đến những năm Đại Hòa - niên hiệu đầu tiên của Đường Văn Tông Lý Ngang (827-835).
(2) Đời Đường, Thượng thư của sáu bộ chia làm ba ngôi: Lại, Binh là ngôi đầu ; Hình, Hộ là ngôi giữa ; Lễ, Công là ngôi cuối. Quan viên của các bộ thăng chức theo thứ tự từ ngôi cuối lên ngôi giữa rồi ngôi đầu.
Danh Môn
Tác giả: Cao Nguyệt