Vọng Hải Loan, chính là gần khu vực Hàng Châu thời hậu thế, nhưng khi đó vùng Hàng Châu vẫn còn ngập trong biển nước, địa hình địa lí khác xa so với hiện nay. Tôn Vũ sau khi cho đại quân lên bờ, lệnh cho một bộ phận binh lính quen thuộc thủy tính cưỡi thuyền nhẹ dọc theo bờ biển tiến lên Bắc, còn quân chủ lực đi đường bộ, chia làm hai ngả đánh tan hai đồn biên phòng của quân Ngô đóng tại biên giới.
Đang đại chiến ở nước Sở, quan hệ giữa nước Ngô với Lỗ quốc và các bộ lạc Đông Di ở phương Bắc ngày một căng thẳng, tuy nhiên Việt quốc trong mắt người Ngô có thực lực kém xa, không phải là mối đe dọa chí mạng, đóng quân ngay đây chỉ là phòng hờ Việt quốc thừa lúc chủ nhà đi vắng, như con chó điên xộc vào chuồng ngoặm một miếng thịt rồi bỏ đi, tận đáy lòng người Ngô đã tồn tại ý nghĩ khinh thường người Việt, nên mới tạo cơ hội thuận lợi cho Tôn Vũ dễ dàng dẹp yên đồn biên phòng của Ngô.
Khi đội thuyền của Tôn Vũ áp sát doanh trại thủy quân của Ngô quốc, đang vào lúc tờ mờ sáng, tinh thần cảnh giác của con người vào lúc kém nhất. Mấy chục chiếc thuyền cánh én nhỏ lặng lẽ tiến về phía Ngô doanh, hai chiếc thuyền đi trước dùng nỏ Sở bắn rụng số binh lính gác đêm trên chòi canh giữa sông, mở đập ngăn ra, đội thuyền nhanh chóng ùa vào.
Loại thuyền cánh én nhỏ này dài không quá mười thước, chỉ đủ chở mười người, nhưng lại xoay chuyển linh hoạt, dùng trong tấn công phòng thủ đều thần tốc. Trên thuyền chỉ có hai tay chèo, tám người còn lại có bốn người cầm nỏ, dưới chân đặt sẵn rìu bự, bốn người kia ngồi xen kẽ với nỏ binh, giơ khiên yểm trợ cho đồng đội, họ được trang bị trường mâu, chuẩn bị khi hai thuyền giáp chiến sẽ đưa qua móc lấy thuyền địch, nhảy vào trợ chiến. Ngoài ra, trên thuyền còn để nhiều vật dụng dễ bắt lửa đã được tẩm dầu và rất nhiều chai lọ sành sứ.
“Trên sông có người, trên sông có người, tập kích…Á!” Một tên lính Ngô đang đứng bên mạn thuyền tè xuống sông thấy trong sương đêm đột nhiên xuất hiện mấy chiếc thuyền địch, sợ đến nỗi lập tức hét toáng lên.
Hắn mới kêu được ba tiếng, ba mũi tên đã cắm phập vào người hắn, tên lính gục đầu chết tươi, rơi tỏm xuống mặt nước, một chiếc thuyền cánh én nhanh chóng áp sát, ném mồi lửa lên chiến thuyền quân Ngô, có mấy tên lính Ngô nghe tiếng hét báo động còn chưa kịp mặc áo hấp tấp ùa ra ngoài, lập tức bị nỏ Sở tiêu diệt, số binh lính còn lại cúi rạp người trong khoang thuyền không dám động đậy lên tiếng.
Chiến thuyền thời đó đều làm bằng gỗ, một khi bắt lửa, lại ném lên đó mấy cái lọ sành, trong lọ đều chứa đầy dầu, lọ sành vỡ tan khi đập vào thân tàu, lửa cháy lan theo vệt dầu loang, cả con thuyền lập tức cháy bừng bừng như một ngọn núi lửa. Chiếc thuyền cánh én vòng nhanh qua chiếc thuyền đang cháy, tiếp cận tiêu diệt chiến thuyền tiếp theo.
“Phóng tiễn, phóng tiễn!” Một số binh sĩ quân Ngô giờ đã phát giác bị tấn công lóp ngóp bò dậy cầm cung tên chạy ra, bắn lung tung vào làn sương mờ ảo trước mặt, thuyền cánh én giơ khiên chắn tên bắn tới, đồng thời dùng nỏ Sở bắn trả, số binh sĩ phụ trách che khiên một tay cầm khiên, tì vào vai mượn sức, tay còn lại cầm lấy mồi lửa đợi khi thuyền cánh én tiến vào phạm vi tầm ném thì ném sang chiến thuyền phe địch, sau đó còn bồi thêm vài lọ dầu qua kia.
Khi số thuyền cánh én luồn lách như cá trê vào đội chiến thuyền đang dừng đậu ven sông của quân Ngô, sau lưng họ các thuyền lớn đang cháy to bừng bừng. “Người Việt đánh lén, thuyền lớn không di chuyển được, mau lên thuyền nhỏ cản quân địch lại!”
Cuối cùng cũng có mấy viên tướng lĩnh chạy ra, hốt hoảng hạ mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu, lập tức có mấy chiếc thuyền con chở theo lính Ngô còn chưa kịp trang bị đầy đủ áo giáp vũ khí tiến lên chặn đầu số thuyền cánh én, binh sĩ trên thuyền cánh én bắn nỏ, không cần đứng lên giương cung lắp tên, chỉ cần đặt tên vào, núp sau tấm khiên bắn ra, đợi khi hai thuyền áp sát, binh sĩ hai bên phóng móc câu vào thuyền đối phương, binh sĩ trên thuyền cánh én cũng lập tức buông nỏ xuống, nhặt rìu bự lên phối hợp với lính cầm trường mâu nhảy vào chém giết.
Số binh lính này đều trước sau trải qua huấn luyện nghiêm ngặt bởi Khánh Kỵ và Tôn Vũ, giỏi về sử dụng binh khí ngắn khi giáp chiến cự ly gần, mà quân Ngô hấp tấp lên thuyền ra trận, chưa kịp mang theo binh khí dài, với lại chúng không phải là đội quân kiếm thủ vang danh thiên hạ của Ngô quốc, chiến đấu trên thuyền con chật hẹp, quân địch sử dụng rìu to có sức, bên cạnh còn có trường mâu phối hợp, còn quân Ngô dùng kiếm ngắn bị thua thiệt, chúng không dám dùng kiếm tiếp chiêu với rìu bự của đối phương, vì chiến đấu trong khu vực chật hẹp lại không tận dụng được ưu điểm linh hoạt của kiếm ngắn, dưới thế chém mạnh của rìu bự hết tên này đến tên khác rơi tỏm xuống nước, máu loang đỏ cả mặt sông.
May là đám thuyền cánh én này không muốn đánh lâu, một khi đốt cháy một chiến thuyền, lập tức quay sang một chiến thuyền khác, số thuyền này vốn đang dừng đậu san sát nhau trên bến, thuyền cánh én lợi dụng khe hẹp len lỏi đi lại, còn thuyền to của Ngô lại không nhúc nhích được. Lúc này trời tờ mờ sáng, thủy triều dâng cao, gió thổi mạnh vào bờ, số thuyền chiến cháy rực như ngọn đuốc bị gió thổi cuốn vào bên trong, bắt lửa cả vào các thuyền khác, hàng chiến thuyền sau cùng chưa bị cháy, nhưng khói bay mù mịt làm cho quân Ngô tối tăm mặt mũi, không còn quan sát gì được nữa.
Số thuyền cánh én thấy đã hoàn thành xong nhiệm vụ tập kích, lập tức chia ra hai cánh đột phá vòng vây, số binh lính quen thuộc thủy tính châm lửa lên cả thuyền cánh én, đâm sầm vào chiến thuyền quân Ngô, sau đó nhảy xuống nước bỏ trốn.
Doanh trại quân Ngô đóng trên bờ là trận địa phía trước Ngự Nhi thành, trong doanh trại có hai ngàn binh sĩ, quân chủ lực của Tôn Vũ tiến đánh chỗ này không cần đánh lén, mà là phái một cánh quân tiên phong bày binh bố trận, lấy kiếm gõ vào khiên, khiêu chiến với quân Ngô trong doanh trại.
Sương đêm mịt mờ, mờ mờ ảo ảo không nhìn rõ đối phương có bao nhiêu binh mã, người Ngô nghe thấy bên ngoài huyên náo, trong đó còn xen lẫn tiếng địa phương của Việt quốc, cứ tưởng là quân Việt đến tập kích, Việt quốc có binh lực ít ỏi, giao chiến với Ngô quốc chuốc lấy thất bại như cơm bữa, tướng sĩ quân Ngô vốn đã kiêu căng không xem quân Việt ra gì, đại tướng Tây Môn Thắng nghe báo có người Việt khiêu chiến, lập tức tập hợp binh mã ra trận, quay lưng về phía doanh trại bày trận tiếp chiến.
Theo thông lệ, đối phương đã ngang nhiên khiêu chiến, hai bên sẽ bày binh bố trận, sau đó binh sĩ hai bên mới xông vào nhau chém giết, chưa đến lúc phân thắng bại thì đội quân do chủ tướng thống lĩnh ít khi phát động tấn công. Nhưng không ngờ binh mã của Tây Môn Thắng vừa bước ra khỏi doanh trại, đội hình còn chưa bày xong, “Quân Việt” bên kia lập tức ùa sang tấn công, mưa tên vù vù bắn về phía quân Ngô.
Muốn cất giữ cung tên trong miền sông nước phương Nam không hề dễ, nên cung tên không phải là vũ khí chủ lực trong các cuộc giao tranh Ngô Việt, Tây Môn Thắng nằm mơ cũng không ngờ kẻ địch lại trang bị nỏ mạnh, binh chủng hoàn toàn khác với quân Việt trước đây, binh mã của hắn vang lên tiếng rú thảm thiết trong đêm.
“Bắn tiếp!” Tôn Vũ đứng ở trận tiền, dõng tai lắng nghe tiếng kêu gào đau đớn phía bên kia chiến tuyến, lạnh lùng ra lệnh. Đội cung nỏ thứ hai đã chuẩn bị sẵn lập tức bắn tiếp một chập tên, “Vù, vù!” tiếng tên bay xé gió lao đi, ào ạt trút xuống đầu quân Ngô tội nghiệp. Tiếng lích kích kéo căng dây cung lại vang lên, đội cung nỏ đầu tiên bắn tên đi nay lại lắp tên xong giơ nỏ lên.
Tên là một loại binh khí hao phí nặng, muốn cất giữ cung nỏ, cán tên, lông vũ, mũi nhọn đều hao phí không hề ít, vả lại phần lớn là chỉ bắn tên vào đợt đầu trước khi tấn công, tên bắn ra khó có cơ hội thu hồi lại, hai nước Ngô Việt không giàu bằng Sở quốc rộng lớn và các nước chư hầu trung nguyên, nên cung tên có rất ít, về vấn đề tiền của là một lí do lớn ảnh hưởng.
Hai lượt tên bắn ra, đó là một món hao phí lớn, Chúc Dung công tử đứng xem bên cạnh có hơi tiếc đứt ruột, Tôn Vũ không hề biến sắc, lạnh lùng ra lệnh: “Tiếp tục bắn! Nổi trống lên, tấn công hai cánh!” Cùng với giọng nói của Tôn Vũ, trận mưa tên thứ ba được bắn ra, hai cánh quân trái phải được sương mù che chắn nghe hồi trống xông trận, dũng mãnh lao lên như hổ dữ xuống núi…