Năm Thiên Hữu thứ hai mươi bảy, lại vào một mùa thu. Cố Minh Cử đã ở trong gian nhà lao nho nhỏ kia được gần hai năm.

Hai năm, bệnh tình nguy kịch của thiên tử có lúc chuyển biến tốt, có lúc lại xấu đi, kéo dài hơi tàn không muốn dễ dàng buông tay để đi về chốn Tây Thiên cực lạc. Trên mặt hai vị quý phi Bàng Cung cũng nhiều thêm vài đạo nếp nhăn nhàn nhạt. Các hoàng tử vẫn nhỏ tuổi nhưng trong ánh mắt đã không còn nét ngây thơ, thùy chủ trầm phù* vẫn còn là một câu hỏi chưa ai có thể trả lời được chính xác. Cao tướng đã già, Lâm Giang vương cũng không còn như thời niên thiếu, chỉ có điều khát vọng của cả hai người đối với quyền lực vẫn rất hừng hực, so với năm đó chỉ hơn chứ không kém.

(*thùy chủ trầm phù: ai chìm ai nổi, vị trí quân vương vào tay ai)

Trên triều đình đã không còn ai nhắc tới Cố Minh Cử. Năm tháng trôi qua vội vàng như dòng nước chảy, mỗi con người giữa chúng sinh đông đúc chỉ như một hạt cát nhỏ bên bờ sông, bất luận đã để lại vết tích gì chăng nữa, sau khi nước triều dâng lên rồi lại rút đi, tất cả cũng bị cọ xóa đến vô tung vô ảnh.

Lúc bệnh tình của thánh thượng có chút khởi sắc, phía bên Cao tướng từng có người dâng tấu chương, thỉnh lựa ngày đem Cố Minh Cử ra hành quyết. Thánh thượng gạt bỏ. Nghe nói, Lâm Giang vương đã nhúng một tay vào trong đó. Bên Lâm Giang vương cũng từng có người dâng tấu, thưa rằng án của Cố Minh Cử còn rất nhiều điểm đáng ngờ, khẩn cầu được thẩm lại từ đầu. Tấu chương cũng bị trả trở về. Theo lời đám công công trong cung, Cao tướng đã nói đôi câu trước mặt thánh thượng.

Mọi người đều biết rõ, Cố Minh Cử đối với Lâm Giang vương đã chẳng còn quan trọng như vậy, chỉ là một quân cờ bị ăn mất không còn chút giá trị lợi dụng. Nhưng Lâm Giang vương lại lên tiếng, hắn muốn bảo vệ Cố Minh Cử. Nguyên nhân là gì được mọi người bàn tán rất sôi nổi, toàn bộ những rắc rối phức tạp cuối cùng đều quấn tới một người, đó chính là Nghiêm Phượng Lâu.

Cũng vào mùa thu của năm Thiên Hữu thứ hai mươi bảy, thị ngự sử Nghiêm Phượng Lâu lại giành được long ân, quan bái lên làm ngự sử trung thừa ngũ phẩm, chưởng quản ngự sử thai, giám sát bách quan. Kể ra mới có hai năm ngắn ngủi, Nghiêm Phượng Lâu đã bất phi tắc dĩ, nhất phi trùng thiên (1).

Ôn Nhã Thần thường hay mang theo một vò rượu nhỏ đến thăm Cố Minh Cử. Thứ mà vị công tử luôn chểnh mảng chính sự của nhà tướng quân này sở hữu nhiều nhất chính là khoảng thời gian trống chẳng biết phải tiêu khiển bằng cách nào, vừa hay có thể dùng để tán gẫu liên thiên.

Cố thị lang miệng lưỡi lưu loát khi xưa, lúc này lại chỉ thường hay trầm mặc, vừa uống rượu vừa nghe hắn nói.

Ôn Nhã Thần nói cho hắn nghe, trong đám tiến sĩ trúng cử của năm ngoái, những kẻ có chút tài năng đi đến nơi khác được một năm, năm nay đã lại bị triệu trở về kinh thành: “Giang sơn đại hữu tài nhân xuất (2), Trường Giang sóng sau xô sóng trước. Cố Minh Cử, người ta đã vượt qua ngươi rồi.”

Cố Minh Cử chỉ lặng im nhấp chén rượu cười cười.

Ôn Nhã Thần lại liệt kê ra tên tuổi của từng người cho hắn nghe, ai đắc ý, ai phong quang, ai xứng đáng là một Cố thị lang thứ hai. Liệt kê suốt một hồi lâu, vẫn chưa thấy nói tới Đỗ Viễn Sơn. Hắn là bảng nhãn của năm ngoái.

“Đỗ Viễn Sơn thì sao? Bị biếm đi nơi nào rồi?”

“Ha ha, sao ngươi biết hắn sẽ bị biếm?” Ôn Nhã Thần vô cùng hiếu kỳ.

Cố Minh Cử đáp chẳng hề gợn sóng: “Dựa theo dáng điệu của hắn mà nói, cho dù có bị hại chết thì cũng không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên.”

Đỗ Viễn Sơn a, so với Nghiêm Phượng Lâu thì đúng là một tiểu Nghiêm Phượng Lâu, không rập khuôn theo bước chân cũ của Nghiêm Phượng Lâu, hắn còn có thể làm gì khác đây? Câu nói của Cố Minh Cử chọc Ôn Nhã Thần cười đến vui vẻ, rượu trong chén không cẩn thận cũng bị sánh ra bên ngoài một nửa.

Cố Minh Cử ngẩng đầu liếc nhìn hắn, sau đó ánh mắt lại rơi trở về chén rượu lấp lánh thủy quang: “Nghiêm Phượng Lâu có thể tới được như ngày hôm nay, kể cũng là một chuyện lạ. Trước đây nếu có người nói với ta rằng, sẽ có một ngày Nghiêm Phượng Lâu chạm được tới ngưỡng cửa của cung vàng điện ngọc, ta sẽ cười hơn ba ngày ba đêm.”

Hắn cúi đầu như có điều cảm khái, một câu “Phượng khanh” thốt ra khẽ khàng tựa hồ chẳng thể nghe rõ: “Ngươi nói xem, hai năm nay hắn sống thế nào?”

“Ta…” Ôn Nhã Thần ngừng cánh tay đang rót rượu, muốn nói lại thôi.

Suốt hai năm nay, tràng cảnh giữa hai người đều là ngồi đối ẩm với nhau qua tấm song gỗ như vậy. Trong cuộc nói chuyện cũng sẽ có lúc đề cập tới Nghiêm Phượng Lâu, dáng vẻ của y khi vào triều, phủ đệ của y ở kinh thành, những lời đối thoại hiếm hoi giữa y và Ôn Nhã Thần… Ngữ khí của Ôn Nhã Thần khi trần thuật đều rất bình thản, dùng một loại giọng điệu qua loa đại khái để kể về những việc không liên quan tới khổ đau.

Có một số việc chính là không thể nói được.

Ôn Nhã Thần bỗng nhiên bật cười lớn vài tiếng miễn cưỡng: “Ái chà, hắn là ngự sử Nghiêm đại nhân tiếng tăm lẫy lừng, ta tính là gì đâu? Sao có thể thân cận hắn được?”

Cố Minh Cử nghe vậy liền biến đổi thần sắc, vươn tay ra đoạt lấy vò rượu, nâng lên nốc mạnh một ngụm lớn: “Bỏ đi, ngươi có nói ta cũng không muốn nghe.”

Khóe miệng cong cong, hắn ngả nghiêng ném lại vò rượu cho Ôn Nhã Thần. Nét cười chỉ như khói sương, trong giây lát đã tiêu biến mất. Cố Minh Cử nhanh chóng quay đầu vùi mặt vào trong bóng tối mờ mịt.

Ôn Nhã Thần ở bên ngoài song gỗ sững sờ tiếp nhận vò rượu rỗng: “Hắn… sống rất tốt.”

Khẩu khí yếu ớt đến không thể lừa được ai.

Nhưng còn có thể nói sao đây? Nói hai năm qua Nghiêm Phượng Lâu gần như chưa từng lộ ra một nụ cười? Hay là nói y gầy đến sắp không nhận ra? Hoặc là, cười hì hì nói với người nam nhân đã có chút say trước mặt rằng: Biết sao không? Cao tướng đối đãi với Phượng khanh của ngươi thế nào? Dưới chân Lâm Giang vương là một con cẩu không biết kêu la ra sao?

Cố Minh Cử nằm trong bóng tối chẳng chút khách khí mà châm biếm: “May cho ngươi có một người cha làm tướng quân, bằng không, ngươi chết so với Đỗ Viễn Sơn còn nhanh hơn.”

Ôn Nhã Thần không nói gì, cúi đầu dốc cạn chén rượu trong tay.

Lúc ra về, Ôn Nhã Thần mới đi được vài bước lại ngoảnh đầu lại, Cố Minh Cử trong phòng giam đang kề mặt lên chấn song gỗ, nhìn hắn bằng ánh mắt phức tạp.

Thấy hắn quay đầu lại, trong mắt Cố Minh Cử thoáng xẹt qua một tia bối rối, vội vàng xoay chuyển tầm nhìn sang hướng khác: “Ta là muốn nói cho ngươi biết, tốt xấu gì cũng nên có chút tiền đồ, phủ tướng quân tương lai còn phải dựa vào ngươi.”

Ôn Nhã Thần đứng bên bậc thềm đá, từ trên nhìn xuống liền thấy vạt áo có chút rộng mở của Cố Minh Cử, trên lồng ngực trước kia trắng ngần là từng đạo vết roi xúc mục kinh tâm: “Nếu ngươi muốn gặp Nghiêm Phượng Lâu, lần sau ta sẽ đưa hắn đến.”

Cố Minh Cử liều chết chống đỡ: “Ta đang nói ngươi, ngươi lại nhắc tới hắn với ta làm gì?”

Sau đó, chẳng thèm quan tâm đến câu trả lời của Ôn Nhã Thần, hắn lập tức quay trở về manh chiếu bên tường, đối diện với bức tường ngập đầy những vết khắc, bỗng như cao tăng đang ngồi thiền: “Hắn tới rồi thì có thể tốt hơn sao? Để những kẻ đang đỏ mắt ghen tức nắm được nhược điểm của hắn, rồi bọn chúng lại đi tố cáo hắn kết bè kết đảng mưu đồ gây rối? A, tư vị khi trở thành bia ngắm của mọi người, ta so với ngươi hay với hắn lại càng thấu hiểu hơn.”

Nhắm mắt lại, thứ duy nhất có thể đạt được chỉ còn là một mảng hoàn toàn tối đen. Manh chiếu rách không thể so sánh với chăn gấm đệm thêu, nhưng lại khiến hắn ngủ được an ổn tới bất ngờ. Chẳng ngại thương tích khắp người lở loét đau đớn, chỉ cần nhắm mắt lại, luôn có thể chìm vào giấc ngủ thật say.

Cảnh trong mộng lại là hồi còn đi học, khóa đường sạch sẽ kiền tịnh, thầy giáo râu tóc bạc phơ, cảm thấy buồn chán liền lặng lẽ chọc chọc cán bút vào sống lưng của người ngồi phía trước, một rồi lại hai, hai rồi lại ba. Người kia cuối cùng cũng chịu quay đầu lại, vừa đúng lúc một cơn gió thổi qua, mái tóc của người nọ bị gió thổi tung bay, tản mác trên tập thơ còn chưa kịp viết hết. Từng trang giấy trắng như tuyết loạt xoạt rơi xuống phủ kín mặt đất.

Y thích chí bật cười, Cố Minh Cử luống cuống tay chân chạy đi nhặt, cầm lên một tờ giấy, ánh mắt lạc tới một hàng thơ: Thần khởi lâm phong nhất trù trướng, thông xuyên bồn thủy đoạn tương văn. Bất tri ức ngã nhân hà sự, tạc dạ tam canh mộng kiến quân. (3)

***

Mùa đông năm nay, tuyết rơi mù trời. Đương kim thiên tử lại tái phát bệnh cũ. Trong một đêm đã phải triệu gấp thái y tới ba lần, đến lúc bình minh vẫn nhắm mắt không thấy tỉnh lại. Cùng ngã bệnh còn có Cao tướng. Lão hồ ly chung quy cũng già rồi, đầu óc mặc dù thông minh khôn khéo hơn nhiều so với vô số thanh niên tài giỏi khác, nhưng một thân gầy yếu run rẩy lại bị gió bấc lạnh thấu xương thổi đến lung lay chực đổ. Trên triều đình, trước mặt bá quan văn võ, Lâm Giang vương đang thời kỳ tinh tráng mỉm cười tặng cho lão một nhánh sâm núi ngàn năm.

Mọi người nói, nên đến thời điểm phân rõ thắng bại rồi.

Ôn Nhã Thần đem tin tức tới báo cho Cố Minh Cử. Cố Minh Cử ngồi xếp bằng trên tấm chiếu rách: “Thảo nào ta thấy, dạo này sao nhiều người phải vào thiên lao đến vậy. Đứng chia thành hai ban văn võ, như sắp có thể lập thành một triều đình khác rồi.”

Ôn Nhã Thần tức giận trừng hắn: “Trong số đó có không ít người là người quen cũ của ngươi.”

“Có lẽ vậy.” Kéo nhánh cỏ khô đang ngậm trong miệng ra, Cố Minh Cử thẳng thừng nói: “Lúc bọn họ chê cười ta, sớm nên nghĩ sẽ có một ngày chính mình cũng như vậy.”

Ôn thiếu gia chán ghét danh lợi nhíu chặt đầu mày, Cố Minh Cử liền không nói thêm nữa, quay lại tiếp tục chủ đề ban nãy. Bệnh mà Cao tướng mắc phải lúc này không còn là tiểu bệnh, mặc dù gắng gượng vẫn có thể xuống giường, nhưng tinh thần nói cho cùng đã không còn như xưa. Lão cũng đã tới tuổi thiên mệnh, người ta thì cùng con cháu an hưởng tuổi già, lão lại vẫn dốc sức tranh đấu trong tinh phong huyết vũ.

Ôn thiếu gia thiện lương lắc đầu cảm khái: “Lão đầu sống cũng không dễ dàng.”

Cố Minh Cử lại cười lạnh: “Lão hồ ly nếu chịu an phận thì đã không phải lão hồ ly. Khi lão vào triều năm đó, khắp người trên dưới ngay cả một kiện y phục không bị chắp vá cũng chẳng có. Có thể từng bước trèo tới được địa vị như ngày hôm nay, chính là dùng tính mạng của bản thân và cả gia đình để đổi lấy. Theo tính cách của lão mà nói, tương lai nếu không mặc hoàng bào nhập liệm, cho dù có chết cũng chẳng nhắm mắt.”

Ôn Nhã Thần khoanh tay nói: “Khởi nguồn của ngươi và lão chính là từ cùng một loại người.”

Cố Minh Cử cũng không lấy làm giận, cắn cắn nhánh cỏ bĩu môi: “Năm đó lão vứt bỏ Tam vương gia xem lão như tâm phúc, lúc lâm trận thì phản chiến, quay sang trợ giúp cho tiên đế đăng cơ khi ấy còn là Tứ hoàng tử, lập thành cơ nghiệp như ngày hôm nay. Thật ra mà nói, ta quả thực không bằng lão.”

Trong lời đồn, Cao tướng thời còn trẻ từng có một người biểu muội thanh mai trúc mã. Sau khi trúng cử, lão giơ tay lên trời lập lời thề, tới khi thăng quan tiến chức, nhất định sẽ dùng kiệu lớn tám người khiêng đến rước biểu muội vào cửa. Năm thứ hai sau khi vào kinh, quả nhiên lão hân hoan thành thân, người ngồi trong kiệu lớn lại không phải biểu muội từng tâm ái, mà là con gái của Lại bộ thượng thư.

Người biểu muội kia có từng tồn tại thực sự hay không, tới bây giờ vẫn chẳng ai biết rõ. Nhưng Cao tướng vì muốn trở nên vượt trội hơn người mà không từ thủ đoạn, bởi vậy có thể thấy rõ một vết chàm.

Ôn Nhã Thần nghe xong liền hỏi Cố Minh Cử: “Còn ngươi thì sao? Nếu lúc này có người hứa hẹn sẽ cứu ngươi ra, vả lại còn phục hồi quan chức cho ngươi, không nhắc tới chuyện cũ, chỉ cần ngươi có thể thành thân với tiểu thư nhà hắn. Ngươi có nguyện ý không?”

“Ta đương nhiên nguyện ý.” Chén rượu dừng bên khóe môi, Cố Minh Cử nghiêng đầu qua, khó hiểu nhìn hắn, “Không nguyện ý thì ta chính là một tên ngốc.”

Ôn Nhã Thần truy vấn: “Thật sự?”

Đúng là một tên tiểu tử ngốc nghếch. Nhìn gương mặt khờ dại thiện lương kia của hắn lại cảm thấy buồn cười, Cố Minh Cử bưng chén rượu cười ha hả không ngừng.

Bên kia chấn song bất chợt chuyền tới một mảnh giấy trắng như tuyết.

“Gì vậy?” Nụ cười vẫn còn ngây ngốc treo trên mặt, Cố Minh Cử có chút sững sờ.

“Có người nhờ ta chuyển cho ngươi.” Ôn Nhã Thần nghiêng người qua, cố chấp duỗi dài cánh tay đưa mảnh giấy tới trước mặt hắn, “Xem đi.”

Một tờ giấy mỏng manh, được cẩn thận gập làm tư, nét mực giấu thật sâu bên trong mặt giấy, không lộ ra nửa điểm vết tích. Hắn vẫn ngồi yên bất động, nhìn chằm chằm vào thứ trong tay Ôn Nhã Thần, như bất chợt trở nên mất hồn: “Ai đưa cho ngươi?”

“Ngươi nói xem còn có thể là ai?”

Bàn tay nâng chén rượu không nghe theo sai sử, chén rượu nho nhỏ chỉ trong giây lát tựa như nặng thêm cả ngàn cân, đè xuống cánh tay hắn không cách nào nâng dậy. Ánh mắt Cố Minh Cử trở nên sáng rực, tựa như muốn nhìn xuyên ra một lỗ thủng trên mảnh giấy kia: “Là hắn?”

Ôn Nhã Thần lẳng lặng gật đầu, ngồi khuỵu xuống, đặt mảnh giấy bên tay Cố Minh Cử: “Ngoài hắn ra, ngươi nghĩ còn ai tới tận bây giờ vẫn nhớ kỹ ngươi?”

Sau khi Ôn thiếu gia rời đi, không khí ấm áp trong gian ngục tựa hồ cũng ly khai theo hắn. Hàn ý len qua khe hở trên vách tường, thâm nhập vào theo bốn phương tám hướng. Chén rượu bằng gốm rơi trên mặt đất thong thả xoay nửa vòng tròn. Đầu ngón tay của Cố Minh Cử khẽ run rẩy, chầm chậm nhặt mảnh giấy trắng từ dưới đất lên.

Cách thức mảnh giấy được gấp lại rất đặc biệt, hai mặt trước sau đều trống trơn, bốn cạnh bằng phẳng, nhìn như chưa hề có ai động tay vào. Cố Minh Cử dùng ngón tay vuốt nhẹ trong giây lát, cẩn thận dùng móng tay hẩy nhẹ một khe hở khó có thể nhìn thấy, bút tích quen thuộc chầm chậm hiện ra từng chút trước mắt: Sơn thủy vạn trọng thư đoạn tuyệt, niệm quân liên ngã mộng tương văn. Ngã kim nhân bệnh hồn điên đảo, duy mộng nhàn nhân bất mộng quân. (3)

Bốn dòng ngắn ngủi, hai mươi tám từ. Khẽ giọng thì thầm niệm đọc từng chữ, bất giác lệ rơi đầy mặt.

Đêm nay là đêm trừ tịch, bên ngoài thiên lao sáng rực đèn đuốc của vạn nhà. Giữa thành có nhà công hầu bắn pháo hoa trong vương phủ của mình, khói hoa ngập trời, muôn màu muôn sắc, lấp lánh ánh quang mang.

***

Cuối hè năm Thiên Hữu thứ hai mươi tám, Tĩnh đế băng hà.

Nửa tháng sau, Cao tướng qua đời vì tật bệnh.

Lại trôi qua thêm một tháng, hoàng tử Chương đăng cơ, tôn thân mẫu Bàng phi lên làm thái hậu, thúc phụ Lâm Giang vương hỗ trợ nhiếp chính. Sùng hoàng tử bị cưỡng chế bắt giam ở thiên điện, vĩnh viễn không được đặt chân ra ngoài nửa bước, Cung phi thắt cổ tự vẫn. Bè đảng của Cao tướng hoặc bị vấn trảm hoặc xử lưu đày, trong chốc lát đã tan đàn xẻ nghé.

Thứ không thiếu nhất trên thế gian chính là quan viên, người trước ngã xuống sẽ có người sau đứng lên thay thế, tre già măng mọc. Nội bộ triều đình rất nhanh đã bình ổn trở lại. Khởi tạo lầu cao, mở yến đãi tiệc, ca múa mừng cảnh thái bình.

Ngày ấy thiên tử lâm triều, bá quan cung kính im lặng. Hoạn quan y phục đỏ tươi đứng dưới long ỷ cao giọng tuyên cáo: “Tội thần Nghiêm Phượng Lâu, kiểu tạo dị tượng, ngụy xảo điềm lành, lừa gạt tiên đế, che mắt thiên hạ, phán tội đại bất kính, tội nghiệt đáng chém. Nhưng niệm tình tấm lòng trung thành tận tâm, có công hộ giá, nay cách đi quan chức, đuổi khỏi kinh thành, đời này vĩnh viễn không được đặt chân vào triều.”

Nghiêm Phượng Lâu cung kính quỳ gối, phủ phục trên mặt đất, vầng trán điểm mạnh xuống: “Tạ long ân của ngô hoàng.”

Bên ngoài thiên lao, ánh mặt trời chói chang tựa hồ khiến Cố Minh Cử không cách nào mở mắt. Tiền nhiệm thị lang đã thay một thân áo vải sạch sẽ, đang đứng tựa dưới chân tường, lẳng lặng chờ đợi.

Từ phía xa xa, một thân ảnh đi tới, đến gần mới nhìn thấy rõ diện mạo của y, mi mục bình thản, khóe môi khẽ cười. Người như vậy, làm phụ tá thì không đủ nhạy bén, làm thương nhân xem chừng còn thiếu lõi đời, mời vào con đường tu đạo niệm kinh lại chưa dứt khỏi trần duyên, chỉ có thể mở một học đường sâu trong con ngõ nhỏ, làm một vị tiên sinh dạy học trong nóng ngoài lạnh, bình bình đạm đạm trải qua cả một đời, không phú quý không quyền thế, nhưng cũng không sóng không gió, không âu lo đến tính mệnh.

Chờ y đi tới trước mặt, Cố Minh Cử mỉm cười chìa tay ra: “Này, ngươi có lạnh không?”

Nghiêm Phượng Lâu mím mím khóe môi, bắt hai tay ra sau lưng: “Ta không lạnh.”

“Nhưng mà ta lạnh.”

Lúc này đây, đã chẳng còn là nhẹ nhàng dắt tay, Cố Minh Cử hung hăng ấn Nghiêm Phượng Lâu vào trong lồng ngực của mình, ôm chặt y vào lòng.

Từ rất nhiều năm về trước đã bắt đầu âm thầm tưởng tượng, sẽ có một ngày nào đó, ta dùng sức kéo ngươi ôm chặt vào trong vòng tay của ta. Cho tới khi trở thành hai lão hĩ râu tóc bạc phơ, ngắm nhìn lá vàng rụng rơi bên ngoài khung cửa sổ, ta xoay người sang, ngươi ngoái đầu lại, cùng nhìn nhau nở nụ cười, trong mắt mình ngoại trừ đối phương, sẽ chẳng còn một điều gì khác.

__Hết vĩ thanh – Chính văn hoàn__

*Chú thích:

(1): Xuất từ câu “Thử điểu bất phi tắc dĩ, nhất phi trùng thiên”: có nghĩa là con chim ấy không cất tiếng hót thì thôi, một khi đã cất tiếng thì ai nấy đều phải kinh ngạc. Dùng để so sánh với người lúc thường không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng vừa ra tay liền tạo được thành tích đáng kinh ngạc.

Vâng, Phượng Lâu không muốn ra tay đấy thôi, một khi em đã ra tay thì thăng tiến có kém gì anh Cử đâu ;)

(2) Giang Sơn đại hữu tài nhân xuất: Trích từ bài thơ “Luận thi” của Triệu Dực.

Hán Việt:

“Lí Đỗ thi thiên vạn nhân truyền,

Chí kim dĩ giác bất tân tiên.

Giang Sơn đại hữu tài nhân xuất

Các lĩnh phong tao sổ bách niên.”

(Dịch nghĩa: Những áng thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ đã từng được ngàn vạn người tán tụng,

Hiện tại đọc lên cảm giác đã không còn ý tứ gì mới.

Giang sơn tươi đẹp của chúng ta mỗi triều đại đều có nhân vật tài hoa hơn người xuất hiện,

Thơ văn của bọn họ cùng với nhân khí đều sẽ lưu truyền mấy trăm năm)

Dịch thơ (Người dịch: Hoàng Tạo)

“Tập thơ Lý, Đỗ miệng muôn người

Xem lại ngày nay đã cũ rồi.

Sông núi sinh tài đời vẫn có

Lẫy lừng ai cũng một thời thôi.”

(3) Phần này mình sẽ chú thích khá kỹ về hai bài thơ: một là bài thơ mà Cố Minh Cử nhìn thấy trong giấc mộng, hai là bài thơ mà Nghiêm Phượng Lâu gửi cho Cố Minh Cử. Sẽ khá dài nên bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì đọc nhé, bản thân mình cảm thấy rất thích hai bài thơ này cũng như cách mà Hoan Hỉ lồng nó vào tình huống trong truyện ^.^

Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị là đôi bạn thân thiết: bạn thơ và cũng là bạn đồng liêu, vì cùng đấu tranh chính trị trong nội bộ mà cùng bị biếm.

Năm 817 sau công nguyên, lúc này Nguyên Chẩn bị biếm đi Thông Châu, Bạch Cư Dị bị điều tới Giang Châu, hai nơi cách xa nhau cả vạn dặm, thư từ vô cùng khó khăn. Một hôm, Nguyên Chẩn nhận được thư của Bạch Cư Dị, nội dung thư là bài “Mộng Vi Chi”, cũng chính là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt mà Cố Minh Cử đã nhìn thấy trong giấc mộng:

“Thần khởi lâm phong nhất trù trướng,

Thông xuyên bồn thủy đoạn tương văn.

Bất tri ức ngã nhân hà sự,

Tạc dạ tam canh mộng kiến quân.”

Trong thơ của Bạch Cư Dị không nói thẳng ra rằng mình đã khổ tư thành mộng, nhưng lại lấy Nguyên Chẩn làm cớ, hỏi Nguyên Chẩn nhớ tới ông chuyện gì, khiến ông đêm qua nằm mộng thấy Nguyên Chẩn. Cách nói này đã thể hiện sự quan tâm và nhớ thương vô hạn của Bạch Cư Dị đối với Nguyên Chẩn. Thơ từ gợi tả, cấu tứ tinh xảo, tình cảm tha thiết.

Sau đó Nguyên Chẩn cũng hồi đáp Bạch Cư Dị bằng một bài thơ có tên là “Thù Lạc Thiên Tần Mộng Vi Chi”, chính là bài thơ mà Nghiêm Phượng Lâu đã gửi cho Cố Minh Cử ở trong truyện:

“Sơn thủy vạn trọng thư đoạn tuyệt,

Niệm quân liên ngã mộng tương văn.

Ngã kim nhân bệnh hồn điên đảo,

Duy mộng nhàn nhân bất mộng quân.”

(Dịch nghĩa: Sông núi vạn trùng, thư từ khó khăn

Nhớ thương nhau chỉ thấy nhau trong mộng

Nay ta mắc bệnh nên tinh thần rối rắm

Chỉ mộng thấy người dưng chứ không mộng thấy ngươi)

Lúc này Nguyên Chẩn thật vất vả mới nhận được một lá thư của Bạch Cư Dị, trong thư Bạch Cư Dị nói rằng đêm trước đã nằm mơ thấy ông. Tình cảm của lão bằng hữu tha thiết như vậy khiến ông vô cùng cảm động. Nguyên Chẩn lúc ở Thông Châu đã bị một trận sốt rét nghiêm trọng, thân thể sau đợt bệnh nặng rất suy yếu, ký ức suy tàn. Nhưng chữ “bệnh” của “ngã kim nhân bệnh” còn bao hàm nỗi buồn khổ của tinh thần càng thêm trầm trọng, hàm chứa vô hạn tình cảm khổ đau. Câu ba và câu bốn ý nói: bởi vì tinh thần của ta hoảng hốt, không thể tự chủ, nên mộng thấy chỉ toàn người lạ, cứ không mộng thấy ngươi.

“Mộng” là cảnh giới tinh thần của tình cảm thắm thiết. Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn cùng viết chữ “mộng”, nhưng phương pháp hoàn toàn khác nhau. Thơ của Bạch dùng “mộng” để biểu đạt tình cảm nhớ thương bạn cũ, thơ của Nguyên là một ý ngược lại, lấy ý “chưa từng nhập mộng” để thể hiện tâm tình thê lương. Thơ của Bạch dùng “nhập mộng” để tả “khổ tư”, là chuyện thường tình; thơ của Nguyên dùng “không thể nhập mộng” để tả “tâm tình”, là điều hãn hữu, thể hiện sự chí tình của người viết.

Nằm mộng hàm chứa nỗi hi vọng và tuyệt vọng cực sâu sắc, tình cảm cực thống khổ. Nguyên Chẩn đã đẩy ý nghĩa lên một tầng cao mới, đem nguyên nhân “không thể nhập mộng” làm lời giải thích gần như khác thường: ta vốn có thể khống chế giấc mộng của mình, cùng ngươi tương phùng trong mộng, trước kia cũng từng nhiều lần mộng thấy ngươi. Nhưng lúc này, thể xác và tinh thần của ta đã bị bệnh tật giày vò đến thần hồn điên đảo, bởi vậy mà “duy mộng nhàn nhân bất mộng quân.” Câu thơ này đã khắc họa rõ nét tâm tình đau khổ thấu tận xương cốt, nội dung cũng càng thêm sâu rộng. Hơn nữa, bài thơ này của Nguyên Chẩn là họa vần họa thi (họa theo thơ, có lẽ là dựa theo bài thơ của Bạch để viết thơ hồi âm), dưới tình huống vần chân chịu hạn chế, cấu tứ bị gò bó, lại càng thêm khó khăn.