SINH CHẲNG ĐÚNG THỜI

No recess. 

You’re in high school again. 

- Nirvana, “School” 

Trung học Tây X, cái trường tôi đã cố hết sức để rời bỏ, và sợ rằng có lẽ tôi chẳng bao giờ ra được. Trong hơn hai năm rưỡi dầm mình ở đó, tôi cảm thấy như là tôi đa bị tiêu tán hết tât cả nhiệt tình và sức lực tôi có. Kể cả đến cái ngày tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ phải trở lại đó nữa, nó vẫn tràn vào những giấc mơ của tôi và biến chúng thành những cơn ác mộng. 

Tôi đẩy chiếc xe đạp vào sân trường vào ngày đầu khai giảng và ngay lập tức đụng phải hai giáo viên chủ nhiệm, một người tên Lý và người kia tên là Vương Bụng phệ. Họ đều cười mỉm, nhưng tôi có thể thấy đó chỉ là nụ cười điệu bộ, và nom họ hệt như một đội giám sát. “Này, này, cô kia! Mang xe ra ngòai rồi hãy lại vào trường!” Vương Bụng phệ nói. Tôi làm gì đây? Hòan tòan bối rối, tôi đẩy xe đạp lùi ra cổng và quan sát xem các học sinh khác vào trường thế nào: Tất cả bọ họ ai nấy đều cúi đầu trước các giáo viên và chào họ như “Em chào thầy, cô ạ!” Các chủ nhiệm liền “hiền từ” chào lại. Cả hai bọn họ, một nam một nữ, đều nắm vững kỹ thuật vẫy vẫy tay của các vị lãnh tụ, một cặp xứng đôi. Tôi đã hiểu rõ. Nuốt giận và dẹp hết xấu hổ, tôi lại đẩy chiếc xe đạp vào trong, “Em chào thầy, cô ạ!” Bọn họ cười. “Chào em.” Tôi ghê tởm đến mức tôi tưởng như sắp nôn ọe. 

Học phí ở đây rất cao – một nghìn ba trăm tệ - cộng với các khỏan phụ phí khác thành tổng cộng gần hai nghìn tệ, một số tiền lớn hơn cả ba năm học phí của tôi ở phổ thông cơ sở. Học phí chó chết cao đến nỗi tôi đã tự nhủ sẽ phải học thật tốt. Những lời hòanh tráng cứ thế từ từ trào lên trong người, luẩn quẩn một lúc, rồi biến đi đằng nào sạch. 

Các đợt kiểm tra vào buổi sáng và buổi trưa trong tháng đầu tiên là để phục vụ cho việc học tập nội qui của nhà trường, một truyền thống từ lâu nay. Mỗi học sinh học năm đầu tiên, không có ai ngọai lệ, đều được phát một cuốn sổ hai mươi bốn trang, mà chúng tôi phải học thuộc vào buổi sáng và sẽ được kiểm tra vào buổi trưa. Tên đầy đủ của nó là “Điều lệ quản lý học sinh của Trường Trung học Dạy nghề Tây X Bắc Kinh,” và nó được chia thành mười một chương – Giới thiệu, Tiêu chuẩn cá nhân, Hành vi đúng đắn, Học tập trên lớp, Họat động ngọai khóa, Thói quen vệ sinh, Tài sản cá nhân, Sĩ số, Xếp hạng học sinh, Phần thưởng, Thi hành kỷ luật – cộng với các phụ lục sau: (1) Đánh giá và chọn lựa lớp xuất sắc, học sinh “ba tốt” và cán bộ xuất sắc; (2) Đánh giá hành vi hàng ngày của học sinh; và (3) Đánh giá hành vi hàng ngày của lớp. 

Tố chất chuyên nghiệp của cán bộ giao tiếp đối ngọai văn thư là: 

Tôn trọng kỷ luật và giữ gìn bí mật; phải chăm chỉ và học tập tốt; phải mỉm cười chào mọi người; ăn mặc phù hợp và có tư cách; cử chỉ khoan thai và nho nhã. 

Làm chủ được hòan tòan các kỹ năng hướng nghiệp; kỹ năng ăn nói mạch lạc dễ hiểu; kỹ năng giao tiếp hòa nhã, thân ái; kỹ năng thảo các lọai công văn trơn tru, đúng mực; thành thạo các lọai máy (gồm cả đánh máy tiếng Anh và tiếng Trung); tương đối hiểu biết văn phong và thư pháp; kỹ năng tốc ký và lưu trữ văn bản. 

Khi tốt nghiệp, những chứng chỉ sau đây sẽ được trao: Văn thư, Đánh máy, và Sọan thảo văn bản. 

Thậm chí còn có một bài thơ về hành vi đúng mực được ai đó trong ban giám hiệu “sọan” thêm vào, rất có thể là hiệu trưởng Phan, một dạng người độc nhất vô nhị: 

Phong cách, vẻ người, tối ư quan trọng. 

Đứng ngồi nghiêm chỉnh, chân không khùynh khùynh. 

Bước đi đĩnh đạc, không ngả không nghiêng. 

Tư thế tự nhiên, không làm ra vẻ. 

Đối xử nhiệt tình, thăm hỏi cung kính. 

Thái độ hòa nhã, không được cãi nhau. 

Biết dưỡng biết tu, khiêm nhường lễ phép. 

Eo thẳng bụng thóp, tập hợp đứng nghiêm. 

Không cần điểm trang, mặt mày sạch sẽ. 

Hợp với cơ thể, áo quần phẳng phiu. 

Nhu mì như mèo, lịch sự, có học. 

Tự nhiên đầu tóc, không giống chó xù. 

Chí hướng cao xa, nghĩ điều tử tế. 

Ngoài ra còn có thêm một số những qui định hòan tòan không thể hiểu nổi: Không được phép vào phòng học của các lớp khác (điều 7 trong Qui định Học tập trên lớp); Cấm chỉ học sinh trường khác đến cổng trường đưa đón, nếu phát hiện ra, sẽ xử lý kỷ luật học sinh được đưa đón (điều 11 trong Qui định Học tập trên lớp); Học sinh phải ăn trưa tại trường, không cho phép ra ngòai mua thức ăn (cũng qui định trên); Học sinh muốn được về nhà ăn trưa, phải có đơn xin phép của phụ huynh, và phụ huynh sẽ phải theo dõi họat động trong thời gian buổi trưa của học sinh (cũng qui định trên); Học sinh được về nhà ăn trưa phải có thẻ ra vào đề thường trực dễ bề kiểm tra (vẫn theo qui định trên). Và còn có những khẩu hiệu như “Ngăn nắp là kỷ luật”. Không la cà ở các hành lang; thư từ không được gửi về trường; thậm chí nghỉ có lý do hoặc nghỉ ốm cũng đều bị trừ điểm thi đua. Mỗi tháng đều có thi kiểm tra và không có thi lại… 

Nhưng lượng bài vở lại không nhiều, và có rất ít bài tập về nhà. Ở phổ thông trung học năm đầu tiên gần như là để thư giãn, hưởng thụ đời sống. Còn ở trường trung học nghề, áp lực thi cử còn nhẹ nhàng hơn nhiều. Mọi thứ ban đầu bao giờ cũng dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có hai môn học khiến chúng tôi phải lộn tiết: môn Nghi thức xã giao cùng môn Tư thế và Dáng điệu. Hiệu trưởng Phan thân chinh dạy môn Nghi thức xã giao. Nếu ai đó nhìn vào khuôn mặt nhợt nhạt như ma của bà ấy lâu một chút, bà ta liền trông giống như một con vật – một con hồ li. Còn đến giờ Tư thế và Dáng điệu, chúng tôi phải mặc quần áo thể thao bó sát người, và chẳng bao giờ có đủ thời gian giữa các tiết học để thay quần áo ra rồi lại mặc quần áo vào. Chúng tôi căm ghét chuyện đó.