*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Sau khi gặp chuyện không may, Sính Đình vẫn ở lại căn nhà ở Tiểu Thương Hà, được bác Trịnh chăm sóc, cứ cách hai ngày sẽ có một y tá chuyên nghiệp đến giúp cô lau rửa thân thể, mỗi quý lại kiểm tra sức khỏe một lần.
Đối với bác Trịnh và y tá mà nói thì việc này khá thoải mái, vì Sính Đình không điên kiểu nhe nanh múa vuốt gào thét khản cổ, cô yên tĩnh đến gần như ngây dại, thường ngồi dưới đất từ sáng sớm đến tối mịt, thỉnh thoảng sẽ vươn tay ra, tựa như đang sợ sệt chỉ vào cái thảm trải sàn dù rõ ràng trên đó không có một vết bẩn nào.
Bác Trịnh nói cô “không bình thường”, là chuyện xảy ra vào buổi đêm mấy ngày trước.
Do yếu tố vị trí địa lý, ban đêm ở Tiểu Thương Hà rất yên ắng, bình thường chỉ nghe thấy tiếng gió gầm rú. Bác Trịnh đã có tuổi, sớm đã quen với tiếng gió, nhưng đối với những tiếng động khác lạ khác thì lại cực kỳ thính nhạy.
Bữa đó, ngủ đến giữa đêm, bác bỗng giật mình tỉnh lại.
Thấp thoáng có tiếng hát văng vẳng vọng lại, tựa như một sợi tơ mỏng manh vấn vít trong không trung.
Là Sính Đình đang hát.
Sính Đình trước nay vẫn là một cô gái giỏi ca múa, khi còn bé từng học múa ballet, giọng hát cũng du dương êm tai, tuy rằng hát vào nửa đêm nửa hôm thế này có vẻ đột ngột, nhưng cũng có thể là đang đổi sang một kiểu điên khác lắm chứ.
Bác Trịnh chần chừ mãi, cuối cùng vẫn quyết định qua thử xem sao.
Bởi trước đó đã có tiền lệ của La Văn Miểu, không ai dám chắc được rằng liệu một ngày nào đó Sính Đình có âm thầm chạy mất hay không, vậy nên phòng cô thường xuyên khóa trái, nhưng để tiện chăm sóc và chuyển đồ vào phòng, nửa trên của cửa đã đổi sang dạng hàng rào.
Đó cũng là lý do vì sao tiếng hát nghe rõ ràng như vậy, căn phòng đó không cách âm.
Nửa đêm, lần mò theo tiếng hát, không khỏi cảm thấy sau lưng lạnh tê cả người, bác Trịnh cắn răng đi từ từ đến cửa, lúc bấy giờ mới phát hiện ra, Sính Đình không chỉ đang hát.
Cô còn múa nữa.
Hoàn toàn không giống những bước nhảy nhỏ nhẹ uyển chuyển mà cô múa khi trước, các động tác lần này mở rộng toàn thân, tư thế theo lối cổ xưa quái dị, như đang vây xung quanh một đồ vật nào đó, vừa hát vừa múa.
La Nhận hỏi: “Em ấy hát cái gì?”
“Hát đi hát lại, hai chữ một câu, tổng cộng có tám chữ.” Bác Trịnh gắng nhớ lại, “Con bé hát, Đoan trụ, Hư trúc, Phi thố hay Phỉ đồ gì đó, Trư nhục (*).”
(*) Đoan trụ là nơi khởi nguồn, Hư trúc là ống trúc rỗng, Phi thố là thỏ bay, Phỉ đồ là phường trộm cướp, Trư nhục là thịt lợn; vì ở đây câu từ chưa rõ ràng nên tạm thời chưa dịch, đợi hồi sau phân giải.…
***
Liên tiếp mấy ngày sóng yên biển lặng, không có tin tức gì của La Nhận, nếu như vẫn cứ tiếp tục yên lặng như thế, Mộc Đại tin rằng chẳng bao lâu nữa mấy chuyện hồ Lạc Mã rồi La Nhận này nọ cô sẽ quẳng hết ra sau đầu.
Thế nhưng một tối nọ, Lý Thản lại gọi điện tới, giọng nói run run, như đang rất kích động.
“Tôi cũng không ngờ chuyện lại tiến triển nhanh đến thế, sau khi vẽ xong bức tranh, tôi nghĩ, tôi nhìn thấy kẻ đó ở Tiểu Thương Hà, vậy thì hẳn là có thể tìm lại hắn ở đấy, vậy nên tôi đi một chuyến đến Tiểu Thương Hà, không dám gióng trống khua chiêng hỏi thăm nên tự mình đi loanh quanh trên đường xem mặt từng người. Hai ngày trước, có một chiếc xe lái vào Tiểu Thương Hà, tôi thấy người lái xe, tôi thấy người lái xe…”
Ông kích động đến nói không thành lời.
“Tôi theo đó mà thăm dò, không quá khó tìm, chiếc xe đó tôi cũng từng trông thấy rồi. Chủ hộ tên là La Văn Miểu, cô nói có trùng hợp không cơ chứ, ngay sau ngày xảy ra vụ ở Tiểu Thương Hà, người này đã chết mất. Còn nữa, kẻ trong bức vẽ, tên là La Nhận…”
Mộc Đại cảm thấy đau đầu, nên nói thế nào với Lý Thản đây, chuyện không phải như ông nghĩ, làm sao để ông ta có thể tiếp nhận được bây giờ?
“Nói chung,” ông như đã hạ quyết tâm gì đó, “Nếu tôi xảy ra chuyện gì, cô…hiểu rồi đấy.”
Hiểu cái gì? Mộc Đại còn chưa kịp hỏi, ông đã cúp máy.
Lời Lý Thản phảng phất vẻ bi tráng nghe rất là “Gió hiu hiu thổi, sông Dịch lạnh ghê” (*).
(*) Câu thơ trong Dịch Thủy Ca (易水歌), Kinh Kha đã hát bên bờ sông Dịch khi từ biệt Cao Tiệm Ly để lên đường hành thích Tần Thủy Hoàng. Nguyên cả hai câu thơ là: “Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn. (Gió hiu hiu thổi, sông Dịch lạnh ghê. Tráng sĩ ra đi, không ngày trở về.)”Mộc Đại thầm thấy không ổn, vội gọi lại, đầu bên kia không nhấc máy, cô không thể làm gì khác đành soạn một tin nhắn gửi qua trước, bảo ông phải bình tĩnh lại, chuyện rất phức tạp, không phải như ông nghĩ, La Nhận cũng không phải đồng phạm.
Tin nhắn gửi đi, hệt như ném đá xuống biển.
Không còn cách nào khác, đành gọi cho La Nhận, trong lòng cực kỳ không cam: Cái loại người đi không thèm nói một tiếng như thế, dựa vào đâu mà ta đây lại phải gọi điện cho hắn trước chớ?
La Nhận bắt máy rất nhanh, Mộc Đại kể tóm tắt lại sự tình, rồi nhắc nhở anh: “Lý Thản sẽ đến tìm anh đó.”
“Cảm ơn.”
Mộc Đại bỗng cảm thấy không vui: “Anh biết võ công, tôi biết bác ấy đánh không lại anh, anh đừng nhất thời mạnh tay mà đả thương bác ấy, bác ấy đáng thương lắm.”
Nói xong, sống mũi cay cay, cũng không đợi La Nhận đáp lời đã cúp máy.
Cô cảm thấy Lý Thản thật sự rất đáng thương. Lúc trước nói chuyện với Hoắc Tử Hồng, vốn chỉ là để thêm mắm dặm muối tăng hiệu quả sống động cho thêm phần chân thật, nhưng giờ càng nghĩ lại càng thấy bi thương, gối đầu lên tay nhắm mắt ngủ, cảm thấy đêm nay lạnh lẽo thấu xương.
Vừa vẽ ra bức họa thôi miên liền đi ngay tới Tiểu Thương Hà, ông ấy quả thật không hề có ý định an hưởng một cuộc sống yên ổn. Cuộc đời có dài mấy đâu, nếu dì Hồng đích xác là Lý Á Thanh, vậy thì nửa đời này của Lý Thản chẳng khác nào đã uổng phí vào một câu chuyện hoang đường.
Trằn trọc một lúc, cuối cùng cũng thiếp đi, mơ một giấc mộng kỳ quái, thấy mình bắt máy nghe điện thoại, La Nhận nói: “Lý Thản đang ở đây.”
Cô lơ mơ trả lời: “À.”
“Mộc Đại, cô tỉnh ngủ chưa vậy? Lý Thản đang ở đây.”
Ý thức từ từ thanh tỉnh lại, thấy điện thoại thình lình nằm trong tay, màn hình vẫn sáng, đồng hồ tính thời gian trò chuyện đang đếm từng giây.
Vậy là, không phải mơ, cô thực sự đang nghe điện thoại sao?
Mộc Đại vội vàng dậy khỏi giường, câu chữ nói ra có hơi lộn xộn: “Ở đây…Lý Thản? Anh?”
“Ừ, ông ta trèo tường vào, may là đã được cô nhắc từ trước… Trói lại rồi, đang trừng mắt nhìn tôi đây này… Bác Trịnh, đừng để ông ta dựa vào tường!”
Câu sau dường như là nói với bác Trịnh. Mộc Đại không tưởng tượng ra được khung cảnh bên đó, trong lồng ngực tim bình bình đập loạn.
Lát sau, La Nhận nói với cô: “Bị trói xong thì mắng loạn lên, muốn lấy băng dính dán miệng ông ta lại thì quay qua quay lại gây trở ngại… Loại người này là phiền nhất, tôi cũng lười chẳng muốn giải thích với ông ta… Có nói cũng nghe không vào.”
Lòng thương cảm rất dễ khiến người ta bất bình đến nghiến răng, Mộc Đại chợt dâng trào máu nóng, nhảy xộc ra khỏi giường: “Chờ tôi chút, đừng cúp máy.”
Cô lao thẳng một mạch tới trước cửa phòng Hoắc Tử Hồng, đến nơi rồi thì lại thấy ngần ngừ, tự khuyên mình: Thôi bỏ đi, muộn thế này rồi, đừng chọc dì Hồng không vui…
Xoay người định đi, lại bỗng thấy dưới khe cửa hắt ra một tia sáng.
Chắc là vẫn chưa ngủ, Mộc Đại do dự một chút, cuối cùng vẫn gõ cửa.
Hoắc Tử Hồng khoác áo ra mở cửa cho cô: “Mộc Đại à, muộn vậy rồi sao còn chưa ngủ? Vừa hay, vào đây xem giúp dì mấy họa tiết này đi.”
Bà dẫn cô vào phòng, đến trước bàn làm việc đang bật đèn sáng trưng, trên bàn đang mở rất nhiều sách tư liệu, tranh ảnh vẽ họa tiết, còn có mười bức họa tiết hoặc tự sáng tạo hoặc phỏng theo mẫu. Hoắc Tử Hồng cầm một bức lên, soi dưới ánh đèn cho cô xem, họa tiết trên bức này nhìn giống như dùng để trang trí trong kiến trúc hơn, một cái là hoa văn lăng hoa lậu song, còn một cái là hoa văn hà hoa thủy cầm (*).
(*) Lăng hoa lậu song là hoa văn hình hoa bốn cánh dùng để tạo hình cho hoa văn cho song cửa sổ, còn hà hoa thủy cầm là hình vẽ hoa sen và thủy cầm (các loài chim biết bơi) (xem hình minh họa cuối chương). “Hiện giờ đa số họa tiết không phải hoa thì cũng là cỏ, chẳng có gì mới mẻ cả. Dì đang định lấy đá núi người làm ngọc đất mình (*), dùng một số hoa văn trong kiến trúc, nếu in lên vải, trông sẽ rất độc đáo…”
(*) Nguyên văn là 它山之石可以攻玉 (tha sơn chi thạch khả dĩ công ngọc), thành ngữ lấy từ bài “Hạc minh” thuộc phần Tiểu nhã trong Kinh Thi, có thể dùng với ý lấy tài lực nơi khác để phục vụ cho bên mình, hoặc dùng để chỉ một người hoặc một ý kiến có thể giúp mình cải thiện được khuyết điểm.Còn nói thêm rất nhiều cái khác, nhưng đều không lọt được vào tai Mộc Đại. Cô nhìn chòng chọc vào bát canh trên bàn, mỗi lần dì Hồng thức đêm hoặc ngủ muộn, để nhuận phổi tránh khô họng, thường chuẩn bị một bát canh bối mẫu Tứ Xuyên cẩu kỷ lê tuyết (*) thế này.
(*) Bối mẫu Tứ Xuyên, cẩu kỷ và lê tuyết đều là các vị thuốc Đông Y.Một đầu thì ngồi dưới ánh đèn ấm áp sáng tỏ vẽ họa tiết, lúc nào mệt thì nghỉ tay uống ngụm canh ngọt, mà một đầu thì bị trói gô lại, liên mồm mắng chửi, bị dán băng bịt miệng thì lắc đầu cản trở…
“Dì Hồng, dì là Lý Á Thanh phải không?”
Trong phòng lập tức lặng như tờ.
Một lát sau, Hoắc Tử Hồng nhẹ nhàng đặt bức vẽ trong tay lên bàn, tiếng giấy ma sát lên mặt bàn vang lên sàn sạt khe khẽ.
Đầu bên kia La Nhận sững lại, liếc nhanh qua vẻ mặt dữ tợn của Lý Thản đang ngồi bệt trước mắt, rồi đứng dậy ra hành lang yên tĩnh bên ngoài, trong lúc nhất thời chợt vô thức nín thở.
Mộc Đại trong phút chốc cũng thấy hối hận, rồi lại nghĩ, đã lỡ hỏi rồi thì hỏi nốt luôn đi.
“Dì Hồng, cháu đã đi gặp La Nhận, gia đình anh ấy cũng xảy ra án mạng giống như vụ án ở hồ Lạc Mã, chú chết, em gái phát điên, vậy nên anh ấy mới truy xét tất cả những ai có thể biết chân tướng. Lý Thản thì không cần phải nói, đã hao tổn cả nửa đời vì chuyện này…
“Dì Hồng, có lẽ dì có nỗi khổ tâm riêng, có một vài bí mật buộc phải giấu giếm, cháu sẽ không truy hỏi. Nhưng mà, dưới tình huống không gây hại đến dì, dì có thể tiết lộ đôi chút được không? Nói chút ít cho người khác hay, ít nhất cũng đừng để Lý Thản phải xuôi ngược lòng vòng như thế.
“Nếu con đoán sai thì dì cứ mắng con là được.”
Cô mở màn hình điện thoại lên, chìa ra cho Hoắc Tử Hồng xem người đang giữ đầu máy bên kia, rồi đặt điện thoại vào tay bà. Bàn tay Hoắc Tử Hồng cầm không chắc, lỏng ra, điện thoại nhanh như chớp rơi xuống sàn.
Mộc Đại không nhặt lên, không nói gì, cũng không nhìn bà nữa, xoay người rời đi. Cô đi một mạch về phòng mình, lên giường, đắp chăn.
Giờ thì tốt rồi, khép mí mắt lại, chỉ còn một màu đen tuyền, không còn thấy gì nữa.
Những gì cô có thể làm, cũng chỉ có đến thế thôi.
***
La Nhận vẫn lẳng lặng lắng nghe, không lên tiếng. Thật ra anh đã chẳng còn ôm hi vọng gì với Hoắc Tử Hồng nữa, nhưng Mộc Đại lại khiến anh vô cùng bất ngờ.
Nếu ở thời cổ đại thì hẳn sẽ là một nữ hiệp nhỉ, sự nhiệt tình của cô mới chân thành làm sao.
Không biết xuất phát từ tâm lý gì mà anh không cúp máy ngay, có lẽ trong lòng vẫn còn sót lại một mong đợi, lát sau, không khỏi tự cười nhạo mình hão huyền.
Đang định ngắt máy, đầu bên kia chợt truyền đến giọng Hoắc Tử Hồng khàn khàn: “Alo?”
***
Hôm sau, Mộc Đại tỉnh dậy từ rất sớm, nhưng để tránh phải xấu hổ, cô cố ý nằm lì trên giường, bỏ lỡ luôn cả giờ ăn sáng.
Dì Hồng chắc là giận cô lắm, thế nên mới không thèm qua gọi cô dậy, cũng không bảo Một Vạn Ba lên đây hỏi xem cô có cần để dành bữa sáng cho không.
Hơn mười giờ, cô thấy có gì đó không đúng, bình thường vào giờ này, dưới nhà hẳn là đã bắt đầu huyên náo, sớm khiến người ta không thể ngủ nổi nữa rồi mới phải.
Cô mặc quần áo tử tế rồi xuống nhà, lúc đi qua cửa phòng Hoắc Tử Hồng thì bất giác nín thở, sợ đột nhiên bị gọi lại, trong đầu suy tính xem tí nữa chạm mặt dì Hồng thì phải làm sao để tỏ vẻ hối hận và khiêm tốn một cách chân thực nhất.
Đúng vậy, trải qua một đêm ngọt ngào quấn chăn, đến khi tỉnh lại, ngọn lửa thay người bất bình và tấm lòng hành hiệp trượng nghĩa đã xẹp lép, cảm thấy mình rất không phải, nhưng không phải ở chỗ nào thì lại không nói rõ được.
Lúc đi xuống cầu thang, đột nhiên lại có cảm giác không đúng.
Dưới nhà rất tối, vì phải mở rộng cửa kinh doanh nên thường ngày trong sảnh luôn ngập tràn ánh nắng, nhưng hôm nay rõ ràng là không mở cửa, hơn nữa còn thả rèm che hết cửa sổ lại rồi.
Mộc Đại ba chân bốn cẳng, lạch bạch chạy xuống nhà.
Dì Hồng không thấy đâu, Một Vạn Ba và chú Trương ngồi bên bàn, bữa sáng tựa hồ còn chưa kết thúc, bát đĩa trên bàn chưa dọn, nhưng tâm tư hai người họ dường như cũng chẳng đặt vào bữa ăn, im lặng đối mặt với bát cháo đã nguội ngắt, nghe thấy tiếng bước chân, cả hai đồng thời nhìn về phía Mộc Đại.
Mộc Đại chột dạ: “Nhìn cháu làm gì?”
Cô làm như không có chuyện gì, đi qua đó như bình thường: “Dì Hồng đâu rồi?”
Chú Trương trả lời: “Rời nhà rồi.”
Vừa nói vừa đẩy điện thoại qua, là điện thoại của cô, chính là chiếc điện thoại mà cô đưa cho dì Hồng tối qua, bị rơi xuống đất cũng không nhặt lại.
“Hơn bốn giờ sáng nay, bà ấy gõ cửa phòng chú, nói là muốn ra ngoài giải sầu, nhưng không nói là bao giờ thì trở về, bảo chú trông quán cẩn thận, giúp đỡ cho cháu.”
Ông nhớ lại trọn vẹn lời Hoắc Tử Hồng nói: “Mộc Đại nếu có hứng thú với kinh doanh thì cứ để nó quản lý, còn nếu không có hứng thú thì anh cứ kệ nó, con bé còn trẻ, vẫn còn ham vui.”
“Cũng đã nói rõ với Một Vạn Ba, không cần nó trả lại tiền, còn cho nó thêm hai tháng tiền lương, nói muốn ở lại thì ở lại, không muốn ở lại thì đi lúc nào tùy nó.”
Sao lại có cảm giác như giao phó hậu sự thế này? Tâm trạng Mộc Đại rơi thẳng xuống đáy, mờ mịt bật thốt: “Tại sao?”
Cô vô thức mở điện thoại lên, vào xem lịch sử cuộc gọi, cuộc gọi cuối cùng là với La Nhận, độ dài: 2 tiếng 27 phút.
Trong đầu cô mịt mùng, lập tức bấm gọi lại, nghe thấy giọng La Nhận mà suýt khóc: “La Nhận, dì Hồng…anh…tối qua…”
La Nhận ngắt lời cô: “Mộc Đại, cô đừng lo lắng, dì Hồng của cô đi rồi phải không? Bà ấy có nói với tôi rồi, không phải do cô đâu, là vì chuyện khác.”
Thật vậy chăng? Trong lòng Mộc Đại thoải mái hơn ít nhiều.
“Mộc Đại?”
“Ừ?”
“Dì Hồng của cô đúng là Lý Á Thanh. Còn nữa…”
Anh muốn nói lại thôi, lòng Mộc Đại vừa buông lỏng đã lại căng lên: “Còn gì nữa?”
“Trương Quang Hoa là do bà ấy giết.”
Họa tiết lăng hoa song lậu:Họa tiết hà hoa thủy cầm: