Có một số việc, nói dễ hơn làm.

Điều tra nghe ngóng là một trong những việc như vậy, giống như Vạn Phong Hỏa từng nói, việc hỏi thăm tin tức đôi lúc sẽ thu hoạch được một bước ngoặt, bước ngoặt chưa xuất hiện, dây dưa mất dăm ba năm là chuyện bình thường.

Bước ngoặt đầu tiên là Lý Thản, qua việc tìm hiểu về ông ta đã dò ra được án mạng hồ Lạc Mã.

Bước ngoặt thứ hai là Sầm Xuân Kiều, qua bà ta biết được chuyện xảy ra trong quán trọ ở Tế Nam, và cả án mạng ở Erenhot vùng Nội Mông.

Bước ngoặt thứ ba thì lại chính là Mộc Đại, Mã Đồ Văn nói với anh là đã từng nói chuyện với cô bé “tuổi tâm lý mới chỉ mười tám”, cô thật ra cũng không biết gì cả, là dì cô bảo cô tới, người dì đó tên là Hoắc Tử Hồng.

Hoắc Tử Hồng, hồ Lạc Mã?

La Nhận lấy đó làm trọng tâm tái điều tra, từ đó tra ra được một chi tiết rất thú vị: Hoắc Tử Hồng sinh ra ở nông thôn, gia cảnh bần hàn, cha mẹ là nhà nông trồng rau, bà bỏ học từ sớm, phụ cha mẹ bán hàng, vào năm hai mươi tuổi đã liên tiếp xảy ra vài biến cố.

Một là, cha mẹ bà một lần sau khi bán hàng trở về, trên đường đã gặp phải tai nạn giao thông, cứu chữa không được, đồng thời qua đời.

Hai là, không lâu sau khi cha mẹ mất, Hoắc Tử Hồng bán lại hết đồ đạc trong nhà, chuyển đến sống ở hồ Lạc Mã, trọ ở số 12 ngõ Trần Tiền.

Ba là, không lâu sau khi Hoắc Tử Hồng chuyển đến hồ Lạc Mã, án mạng phát sinh, một tuần sau, Hoắc tử Hồng trả lại nhà trọ, rời khỏi hồ Lạc Mã, chưa từng trở lại.

Những chuyện mà Hoắc Tử Hồng trải qua sau đó rất khó truy tra ra được, có vẻ như hành tung của bà khá là bất định, lại cũng giống như bị cố ý xóa sạch, cho đến tám năm trước mới ổn định được, định cư ở Lệ Giang, mở một quán rượu, đến giờ vẫn kinh doanh.

La Nhận một dạo từng hoài nghi Hoắc Tử Hồng là hung thủ, đến tận khi anh phát hiện ra người có hiềm nghi nhất cũng đã chết, đồng thời tử trạng cũng đồng dạng một cách kỳ lạ, giống như Lưu Thụ Hải, và cả chú anh La Văn Miểu, đều bị chặt mất chân trái, sau lưng lột mất một mảng da.

Hoắc Tử Hồng nhất định là biết điều gì đó, mà chuyện này chắc chắn chính là mấu chốt của tất cả các vụ án.

Tiếc là chuyện hỏi thăm Hoắc Tử Hồng không được thuận lợi. Lúc anh hỏi “Thật ra bà chính là Lý Á Thanh phải không?” thì thật ra trong lòng cũng chỉ nắm chắc 80%, dù sao con người theo thời gian đều sẽ biến đổi, cách xa nhau ba ngày có khi đã phải lau mắt nhìn lại, trên đời có biết bao nhiêu kỳ tích, xuất thân nhà nông trồng rau trình độ học vấn tiểu học, trải qua nhiều năm như vậy cũng có thể tinh thông đủ loại cầm kỳ thi họa lắm chứ.

Nhưng phản ứng quá mức dữ dội của Hoắc Tử Hồng lại khiến anh càng thêm chắc chắn vào suy đoán của mình.

Nếu như vào hai năm trước, khi chú và Sính Đình vừa mới xảy ra chuyện, anh nhất định sẽ máu nóng dồn lên não mà liều mạng xông bừa, dù phải dùng thủ đoạn cực đoan đến mấy cũng sẽ ép hỏi cho bằng được một vài manh mối. Vậy nhưng hai năm qua đi, hơn bảy trăm ngày đêm giày vò đã khiến anh càng ngày càng luyện được cách kìm lòng nhẫn nại. Chuyện về Hoắc Tử Hồng anh cứ thư thả trước đã, trái lại dời mắt sang một nhân vật khác.

Mộc Đại.

Là một người sớm chiều chung đụng với Hoắc Tử Hồng, cho dù chỉ vô ý để lộ ra một chi tiết nho nhỏ cũng đủ để giúp anh mở ra một cánh cửa mới.

Nhưng Mộc Đại là một cô gái thông minh, muốn có được sự tín nhiệm để có thể hợp tác thì phải đủ thẳng thắn đệm đường trước đã.

***

Ở một mức độ nào đó, bước này anh đã đi đúng. Anh vẫn luôn chú ý đến vẻ mặt của Mộc Đại, cô ban đầu từ không mấy để tâm đã dần dần tập trung rồi chuyển sang lây nhiễm cảm xúc, cuối cùng thì, về mặt tình cảm mà nói, đã hoàn toàn nghiêng về phía anh.

Cô lại một lần nữa nhìn đăm đăm vào sợi dây chuyền trên cổ anh, đột nhiên hỏi: “Thật ra anh thích Sính Đình đúng không? Nhưng mà, cô ấy không phải là em họ anh sao? Hay là…”

Ánh mắt La Nhận hơi sững lại, không trả lời ngay. Anh đang nghĩ xem nên trả lời thế nào, nếu tròng thêm một mối tình tuyệt vọng đầy bứt rứt vào bi kịch này, có phải sẽ càng gợi được nhiều lòng cảm thông của cô hơn không?

Thế nhưng Mộc Đại ngay sau đó đã xua tay: “Thôi bỏ đi, anh cứ coi như tôi chưa hỏi gì là được.”

La Nhận vừa mới kể cho cô nghe về thảm kịch trong nhà, cô lại hiếu kỳ hỏi chút chuyện không quan trọng này, như thế cũng quá không có đạo đức rồi.

Mộc Đại hơi ngượng: “Nhưng mà, sao tôi giúp được anh đây?”

La Nhận nhìn cô một hồi, lấy bút và giấy nhớ từ trong túi ra. Mộc Đại phần nào đoán được ý định của anh, tự giác giúp một tay dời bình giấm và chai ớt trên bàn để sang một bên.

Anh trước tiên viết ba tờ giấy, rồi dán song song từng tờ lên mặt bàn, theo thứ tự là, 1 hồ Lạc Mã, 2 thảo nguyên Erenhot, 3 Tiểu Thương Hà.

Sau đó lại viết thêm mấy tờ nữa, một tờ là “hiện trường”, dán thành một hàng khác so với ba tờ trước đấy như muốn lập một bảng biểu, rồi lần lượt lấp đầy hàng đó với ba tờ, viết: dây, người rối.

Anh giải thích với Mộc Đại: “Hiện trường đều gần giống nhau, đều là dùng dây cố định thân người tạo thành một cảnh tượng. Tôi cảm thấy loại dây được sử dụng là vật liệu có sẵn tại chỗ, hồ Lạc Mã và Tiểu Thương Hà đều là những nơi lân cận sông hồ, dây câu là vật dụng quen thuộc. Hơn nữa chú tôi từng đến hồ Lạc Mã, rất có thể là cố ý bắt chước. Nhưng vụ án ở thảo nguyên Erenhot thì lại dùng dây thừng tách sợi.”

Mộc Đại gật đầu: “Vậy nhưng vụ án ở Erenhot hình như chưa từng nghe thấy chút phong thanh nào.”

“Ba vụ án, chỉ có vụ ở hồ Lạc Mã là kinh động đến cảnh sát, có thể tra ra được. Vụ ở Tiểu Thương Hà thì do hiện trường gặp hỏa hoạn, đốt xong thì chỉ hệt như một vụ giết người phóng hỏa bình thường, còn ở thảo nguyên Erenhot thì tôi không dám chắc chắn, nhưng có một phỏng đoán.”

Phỏng đoán? Thế cũng tính sao?

La Nhận tựa như biết cô đang nghĩ gì: “Đành phải chịu thôi, dù sao cũng không có ai từng đi đến hiện trường. Thảo nguyên Erenhot rất rộng, nghe nói còn thường xuyên có chó sói lui tới. Hơn nữa căn cứ theo lời Sầm Xuân Kiều thì thời điểm Lưu Thụ Hải phạm án là lúc sắp sang đông, mà năm đó, thảo nguyên Nội Mông gặp phải bão tuyết rất lớn.”

“Ở tình huống bình thường, khi có bão tuyết, dân du mục đều sẽ sớm dẫn bò dê đi tránh, nhưng nếu như cả một nhà bị giết thì họ và đàn dê của họ đều chỉ có thể ở nguyên chỗ đó, không tránh được kiếp số bị chết cóng. Hơn nữa lúc có bão tuyết, sói thảo nguyên sẽ lại càng dữ tợn, kiếm được cái gì là ăn cái đó.”

Anh hơi dừng lại một chút, ngón tay vẽ một vòng tròn trên mặt bàn: “Chúng đánh hơi được mùi máu tươi ở đâu, nơi đó sẽ trở thành lò mổ.”

Hiểu rồi, đến đầu xuân năm sau, những gì còn sót lại của vụ án chỉ còn là một đống xương trắng, người ngoài gặp được chỉ nghĩ là do thiên tai, dù có kiểm tra thì cũng chỉ biết là có kẻ giết người, sẽ không tưởng tượng được cảnh tượng lúc đó trông như thế nào.

Giống như vụ án ở Tiểu Thương Hà, đều bị vùi lấp bởi yếu tố bên ngoài không thể dự đoán trước.

Tim Mộc Đại đập thình thịch, đây là ba vụ án đầu tiên đã biết với thủ pháp gây án hoàn toàn tương tự nhau.

La Nhận lại viết thêm một tờ, là “thời gian phạm án”.

Mộc Đại chỉ vào tờ hồ Lạc Mã: “Cái này tôi biết, là vào hai mươi năm trước.”

La Nhận dán một tờ ứng dưới đó, viết “>20 năm trước”, tiếp theo dán dưới Tiểu Thương Hà, “2 năm trước”, cuối cùng là dưới Erenhot, trước khi hạ bút thì thoáng nhìn qua Mộc Đại.

Cứ như bị thầy giáo đặt câu hỏi vậy, Mộc Đại hơi căng thẳng: “Lưu Thụ Hải chết năm 2010, nếu vụ án thảo nguyên là do ông ta làm, vậy thì ít nhất là vào hơn 5 năm trước…”

Cô nhớ tới lúc ở biệt uyển Ba Thục đã đọc được tư liệu về cuộc đời của Lưu Thụ Hải, lại mau chóng thêm một câu: “Ông ta rời nhà năm 2008, mất năm 2010, thời gian phạm án khả năng cao là trong khoảng này, anh cứ viết là khoảng 6 đến 7 năm trước đi.”

Nghiêm túc thế này, lúc đi học hẳn là một học sinh ngoan nhỉ, La Nhận chiếu theo lời cô, viết vào.

Hiện tại, trên mặt bàn đã có ba hàng nội dung, La Nhận hỏi cô: “Nhìn ra cái gì chưa?”

Mộc Đại chống má ngắm nghía: “Từ vụ án hồ Lạc Mã đến vụ án thảo nguyên Erenhot, cách nhau rất nhiều năm.”

Không sai, vụ án ở Erenhot và Tiểu Thương Hà chỉ cách nhau tối đa là 2 – 3 năm, vậy nhưng hồ Lạc Mã và Erenhot thì lại cách nhau gần 15 năm.

Trong khoảng thời gian này, có thể đã xảy ra những vụ án mà hiện giờ họ chưa được nghe đến, cũng có thể là, thực sự không xảy ra vụ nào. Thế nhưng, nếu không có thì nguyên nhân là gì?

La Nhận dán thêm một hàng thứ tư, “tình nghi phạm tội”.

Lưu Thụ Hải, La Văn Miểu, tờ giấy ứng với vụ hồ Lạc Mã là một dấu chấm hỏi lớn.

Thứ năm, địa điểm tử vong của của kẻ tình nghi, lần lượt là: dấu chấm hỏi, Tế Nam, Tiểu Thương Hà.

Thứ sáu, tử trạng của kẻ tình nghi, chặt chân, khoét da, thiếu một mảng da hình chữ nhật, ứng với cột hồ Lạc Mã vẫn là dấu chấm hỏi.

Hàng thứ bảy, khác.

La Nhận dán dưới cột Lưu Thụ Hải một tờ giấy, viết năm 2007, tai nạn giao thông ở Đại Đồng, Sơn Tây.

Mộc Đại giật mình, cô nhớ đến trong tư liệu có viết, Lưu Thụ Hải là một người trung hậu thật thà, cả đời chưa từng cãi cọ với ai. Khúc ngoặt duy nhất trong đời chính là lần gặp tai nạn giao thông rơi xuống nước này, hôn mê 48 tiếng, năm 2008 đột nhiên rời nhà, năm 2010 mất.

Có phải vào lần gặp tai nạn giao thông đó đã có gì đó thay đổi không?

La Nhận lại viết một tờ nữa, vậy nhưng lại chỉ nắm chặt trong tay, chậm chạp mãi chưa dán xuống.

Mộc Đại tò mò cực kỳ, nếu không phải không mấy quen thân với La Nhận thì cô đã kéo tay anh rút ra xem rồi.

Cặp mắt ấy ngập tràn mong ngóng mà lại giả bộ như không có gì, La Nhận thật không nỡ tiếp tục treo ngang lòng hiếu kỳ của cô.

Tờ giấy nhớ đó viết hai chữ.

Tế Nam.

“Lần ấy, Sính Đình tìm tôi, tôi liền chạy tới Tiểu Thương Hà. Lúc đó chú vẫn đang mất tích chưa có tin tức, tôi hỏi Sính Đình, rốt cuộc thì vì sao cô ấy lại cảm thấy chú có gì đó không ổn.”

Sính Đình cũng không nói rõ được, vào một số thời điểm, chỉ có người thân nhất mới có thể cảm nhận được sự khác lạ không bộc lộ ra ngoài này. Cô ấy nói, chính là dường như biến thành một người khác, lúc thì lẩm bẩm một mình, lúc thì cười quái dị, lúc lại đột nhiên nóng nảy nổi cáu trong phòng làm việc, trong cơn thịnh nộ đã xé rách rất nhiều sách vở.

La Văn Miểu bình thường tuyệt đối không phải người như thế, lúc nào cũng giữ hình tượng thành phần trí thức trung niên nho nhã, cư xử ăn nói luôn rất có phong độ.

La Nhận hỏi tiếp, thay đổi bắt đầu từ lúc nào?

Sính Đình nghĩ rất lâu, lắp bắp mãi, cuối cùng mới nói, hình như là có một lần, được mời đi thỉnh giảng, đến Tế Nam tổ chức một buổi diễn thuyết về lịch sử đối đầu giữa Tây Hạ và triều Tống.

Lần đó đã xảy ra chút trục trặc. Bởi vì địa điểm là thành phố phụ cận, đi xe khách thuận tiện hơn nhiều so với tàu hỏa và máy bay, vậy nên đã hẹn xe đến đón ở trạm trung chuyển hành khách. Vậy nhưng La Văn Miểu lại mua nhầm vé, giữa đường bị hỏng xe, lúc đó đã là gần nửa đêm, đành phải xuống xe ở trạm trung chuyển hành khách Tây Giao.

Nửa đêm? Trạm trung chuyển hành khách Tây Giao? Khi đó không phải Sầm Xuân Kiều vẫn còn đang là nhân viên của quán trọ gần trạm trung chuyển hành khách Tây Giao sao? Mà Lưu Thụ Hải không phải chính là đã chết vào nửa đêm ở quán trọ sao?

Không biết có phải do giật mình kinh hãi quá mức không mà Mộc Đại cứ trỏ tay vào cái tên Lưu Thụ Hải, nửa ngày không thốt nên lời.

La Nhận dùng bút nối liền tờ “Tế Nam” ứng dưới tên La Văn Miểu với “Tế Nam” bên trên và “Địa điểm tử vong của kẻ tình nghi”, rồi mới cho Mộc Đại một câu trả lời khẳng định.