Bạch Cốt Đạo Cung

Quyển 1 - Chương 7: Rời đi và tu hành

Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

***

Dù có là kẻ mừng giận chẳng hề lộ ra mặt, song khi nghe Thanh Dương Tử nói mình sắp phải rời khỏi Ô Phượng Quốc, đem chức vị quốc sư truyền lại cho thằng bé Ô Phượng Lan Thạch bấy giờ đương đứng cạnh bên y, Ô Phượng Quốc Vương vẫn bất giác khẽ nhíu mày.

Theo lão thấy, Ô Phượng Quốc không thể thiếu được Thanh Dương Tử.

Tuy Thanh Dương Tử nói rằng Ô Phượng Lan Thạch đã được y truyền đạo pháp, lời ấy vẫn không sao có thể khiến Ô Phượng Quốc Vương yên tâm. Bởi lẽ, dưới gầm trời này, chỉ cần có bất kỳ một con yêu quái nào xuất hiện từ nơi thâm sơn, thì đấy cũng là một đại họa đối với Ô Phượng Quốc.

“Quốc sư, có thể cho quả nhân biết vì nguyên nhân gì mà ngài lại muốn rời đi chăng?” Ô Phượng Quốc Vương ngự trên ngai vương, nói bằng chất giọng khô khốc lại già nua, cằn cỗi.

Đứng giữa đại điện của vương cung, Thanh Dương Tử điềm tĩnh đáp lời:

“Sư môn của bần đạo triệu hồi, sớm thì mười năm, muộn thì ba mươi năm, ắt phải trở về.” Y bỗng sực nhớ lại chuyện mười năm về trước, khi vừa mới đến Ô Phượng Quốc, y đã từng nói một câu: “Trong vòng mười năm, tất có thể khiến Ô Phượng Quốc không còn họa yêu quái nữa.”

Khi ấy, Ô Phượng Quốc Vương không còn sự lựa chọn nào khác, chỉ đành giữ Thanh Dương Tử lại.

Hiện giờ, lão cũng không có sự lựa chọn.

Tuy Thanh Dương Tử trông bề ngoài có vẻ trầm tĩnh, điềm đạm, song bằng vào đôi mắt tinh tường đã gặp qua vô số kẻ trung người gian, Ô Phượng Quốc Vương từ lâu đã nhìn ra: Ẩn bên dưới vẻ ngoài trầm tĩnh ấy của Thanh Dương Tử là sự cứng cỏi, khó bề lay chuyển, cũng không cách gì có thể khiến y thay đổi tâm ý.

Đôi mày nhíu lại sâu hơn, Ô Phượng Quốc Vương nói: “Mười năm trước quốc sư đã nói, nội trong mười năm ắt sẽ giúp Ô Phượng Quốc không còn họa yêu quái. Thế nhưng... Hiện giờ con Thận Yêu trong hoang mạc ở mạn bắc Ô Phượng Quốc đã bị quốc sư hàng phục, song Băng Tiêu(1) trên dãy tuyết sơn ở phía tây nam thì vẫn còn. Giống yêu quái này nếu nổi cơn thịnh nộ, có thể sẽ xua tuyết ập xuống, chôn vùi cả Ô Phượng Quốc, vậy phải làm thế nào đây?”

Ô Phượng Quốc Vương thõng tay, rầu rĩ nói.

“Xin bệ hạ yên tâm, Băng Tiêu trên đỉnh tuyết sơn đã bị bần đạo phong ấn ở cửa tây của Ô Phượng Thành. Nếu lại có yêu quái xâm phạm cửa tây, con Băng Tiêu này sẽ hiển hóa ngăn chặn.”

Ô Phượng Quốc Vương kinh ngạc, liền nói tiếp: “Vậy còn đại yêu quái ‘Trạch’ trong lòng sông Nộ Phong Hà bắt nguồn từ Tuyết Sơn, có thể khiến Nộ Phong Hà cuộn trào, làm ngập hết ruộng đồng của Ô Phượng Quốc ta…”

“Xin bệ hạ chớ lo, con yêu này đã bị bần đạo phong ấn ở cửa thành nam. Nhỡ ngày sau lại có yêu quái xâm phạm vào cửa nam, con yêu thú đó cũng sẽ hiển hóa, bảo vệ Ô Phượng Thành.”

Ô Phượng Quốc Vương cả kinh, vội vàng nói: “Ở mạn đông có rặng núi trập trùng, trải dài những mấy ngàn dặm, ngăn cách sự giao thương giữa Ô Phượng Quốc với các nước phía đông. Nơi quần sơn trùng điệp ấy, núi núi non non đều có động yêu quái, mỗi động đều có yêu vương, vậy phải làm thế nào?”

Thanh Dương Tử bèn hỏi: “Bệ hạ có biết, ở nơi quần sơn trùng trùng ấy, giống yêu quái nào nổi danh nhất chăng?”

“Theo quả nhân được biết thì nổi danh nhất có U Minh Quỷ Vương và Cửu Thiên Ưng Vương. Nghe đâu U Minh Quỷ Vương đó là ác quỷ trốn ra từ trong cõi U Minh, tu hành trên chốn nhân gian này trải mấy trăm năm, nay đã thành quỷ vương. Còn Cửu Thiên Ưng Vương kia, nghe nói đã từng lượn vòng khắp cửu thiên, trong vùng trời nơi Thái Hoa Lão Tổ(2) giảng đạo, nhờ nghe trộm mà đắc thành đại đạo, tự xưng Cửu Thiên.”

“U Minh Quỷ Vương và Cửu Thiên Ưng Vương đều đã bị bần đạo lần lượt phong ấn tại cửa tây và cửa bắc, cùng với hai con yêu ở cửa nam và cửa tây hợp thành ‘tứ tượng đại trận’, có thể bảo hộ cho Ô Phượng Quốc.”

Lần này, Ô Phượng Quốc Vương mới thực sự ngỡ ngàng.

Dù là Băng Tiêu trên đỉnh tuyết sơn phía tây nam hay là đại yêu quái “Trạch” trong lòng Nộ Phong Hà, nếu đem so với những giống yêu quái trong quần sơn trùng trùng muôn dặm ở mạn đông, thì không đáng là gì, đều sức yếu thế cô. Những giống yêu đó trước nay luôn là thanh kiếm treo lửng lơ trên đỉnh đầu trăm họ Ô Phượng Quốc, là mối âu lo trong lòng Ô Phượng Quốc Vương không chỉ ở thời điểm hiện tại…

Còn nhớ lúc Ô Phượng Quốc vẫn gọi là Ô Phượng Thành, và lão thuở ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ nít, trong lòng lão luôn tràn ngập nỗi khiếp hãi đối với yêu quái trong quần sơn ở phía đông. Khi lũ yêu đó cưỡi gió kéo đến, hàng trăm con người đã bị chúng nuốt chửng.

Thế nhưng bây giờ, hai đại yêu quái hung ác lẫy lừng ở vùng núi đó đều đã bị phong ấn ở cửa thành Ô Phượng Quốc.

Lão vẫn nhớ rõ tình cảnh mười năm trước, khi Thanh Dương Tử mới đến Ô Phượng Quốc. Lúc bấy giờ, y tuy mang khí chất bất phàm, song lão vẫn có thể nhìn ra, trên người y còn vương trần khí, như thể hùm thiêng gặp lúc sa cơ.

Cũng ngày ấy mười năm sau, cũng tại nơi này, Ô Phượng Quốc Vương hồi tưởng lại cảnh triệu kiến Thanh Dương Tử năm xưa, bất chợt nhận ra mình đã già rồi; còn Thanh Dương Tử lại hóa thành một ngọn núi - một ngọn núi không lường được, nơi tịch tĩnh thì hương hoa thoang thoảng, chim muông rộn ràng, chốn hiểm trở lại chỉ có sự lạnh lùng tàn khốc.

Dòng hồi tưởng này của Ô Phượng Quốc Vương, chẳng qua chỉ trong một niệm mà thôi.

Dẫu cho đất nước nhỏ bé này chỉ có mỗi một thành trì, thì lão vẫn là bậc quốc vương - quốc vương nhân gian. Lão xua đi những cảm xúc hỗn loạn vừa nãy, rồi nói tiếp: “Phong ấn đó, chẳng biết có được bền chắc?”

“Ở Ô Phượng Thành này...” Thanh Dương Tử nói “... Lòng dân nếu bất tán, phong ấn muôn đời tồn.”

Mối lo trong thâm tâm Ô Phượng Quốc Vương dần được tháo gỡ. Tuy vậy, rất nhanh, lại có một nỗi lo phiền khác dấy lên trong lòng lão. Lão nói: “Quốc sư, ngài phong ấn bốn con yêu quái đó trong cổng thành, phải chăng sẽ khiến những giống yêu khác dấy lên, ùn ùn kéo đến?”

“Bệ hạ, tuy bần đạo rời đi, song Ô Phượng Quốc vẫn còn quốc sư. Bọn chúng kéo đến, thì cũng có làm sao?”

Ô Phượng Quốc Vương không hề hài lòng chuyện Ô Phượng Lan Thạch trở thành quốc sư, nhưng lão không còn cách nào khác.

Nếu phải đợi một tu sĩ khác nguyện ý ở lại Ô Phượng Quốc thì chẳng biết phải đợi bao lâu, mà chính Thanh Dương Tử cũng đã mở miệng nói Ô Phượng Lan Thạch có thể đảm đương. Thế nên, lão không cách gì từ chối. Lời Thanh Dương Tử đã nói ra, chẳng hiểu vì sao lại khiến kẻ khác có cảm giác không thể chống đối được.

Rốt cuộc, Ô Phượng Lan Thạch vẫn là quốc sư của Ô Phượng Quốc.

Bất luận Thanh Dương Tử đã sắp đặt những gì, thì việc y ra đi vẫn là một thách thức chưa lường rõ được của cả Ô Phượng Quốc Vương lẫn Ô Phương Lan Thạch. Từ đây về sau, Ô Phượng Quốc Vương mỗi ngày đều phải lo lắng về họa yêu quái. Tân quốc sư, Lan Thạch tiểu đạo trưởng, lại ngày ngày tu hành nơi Thanh Dương Quán. Lan Thạch tiểu đạo trưởng là cách gọi Ô Phượng Lan Thạch của Ô Phượng Quốc Vương.

oooOoOoOooo

Thanh Dương Tử rời đi trong thinh lặng, ở Ô Phượng Thành rất ít người hay biết chuyện này. Khi Lan Thạch tiểu đạo trưởng tiếp vị quốc sư, Ô Phượng Quốc Vương cũng không cử hành bất cứ một khánh điển thọ mệnh nào; bởi lão sợ, tin tức về sự ra đi của Thanh Dương Tử nếu truyền ra ngoài, sẽ dẫn đến sự dòm ngó của lũ yêu quái.

Trước khi Thanh Dương Tử rời đi, Ô Phượng Quốc Vương còn sai nữ nhi của lão, cũng tức là Ô Phượng Công Chúa, đi thăm dò xem rốt cuộc Thanh Dương Tử rời đi là vì lý do gì. Ở trên ngai vương càng lâu, lão càng đâm ra khó có thể tin tưởng ai được. Lão luôn cảm thấy, trong chuyện này còn có nguyên nhân nào đó mà bản thân lão chưa được biết.

Thế nhưng, nằm ngoài dự tính của lão, Ô Phượng Công Chúa lại chẳng hề đi dò la. Nàng nói: “Lá rụng cây hãy còn, xuân đến trổ nhành non. Chỉ cần chúng ta sống tốt đẹp, thì đất lành chim đậu, điềm may tự khắc sẽ đến.”

Trước giờ lão vẫn luôn nghĩ cách khiến cô con gái này giữ khoảng cách với Thanh Dương Tử; nhưng lão đâu ngờ, công chúa chỉ vào hoang mạc một chuyến mà đã trở nên lạnh nhạt với quốc sư. Chẳng như khi trước, cứ cách hai ngày, nàng lại muốn đi Thanh Dương Quán một lần.

Ô Phượng Quốc Vương thở dài một hơi, cảm khái sao thời gian chẳng bao dung cho người đời. Lão già rồi, nhưng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, cũng không tránh khỏi phải lo nghĩ nhiều.

oooOoOoOooo

Trong khoảng thời gian hai mươi năm kể từ khi rời khỏi Thiên Diễn Đạo Phái, Thanh Dương Tử đã hành tẩu khắp nhân gian suốt mười năm, rồi ở lại Ô Phượng Quốc mười năm. Hai mươi năm nay, y đã từng sa vào bùn nhơ phàm tục, không thể tự dứt ra được. Đáng lẽ, y đã phải vĩnh viễn vùi chôn xác phàm giữa bùn lầy ô trọc chốn hồng trần, song y đã tự mình leo lên được, cuối cùng rũ sạch bùn nhơ, tựa như thoát thai hoán cốt, trùng sinh giữa chốn hồng trần khổ hải.

Hai mươi năm ấy, mười năm trước trầm luân bể khổ, mười năm sau trút bỏ bụi trần, biến kiếp cải mệnh.

Tuy nhiên, trong mười năm thoát thai hoán cốt đó ở Ô Phượng Quốc, bản lĩnh thực sự của y vẫn không cao. Cái thực sự biến đổi chính là tâm linh của y.

Chỉ đến khi y đoạt được món bảo vật kia từ nơi hoang mạc, từ đó có được linh lực cùng với pháp ý, tu vi của y mới nhanh chóng chuyển hóa thành thực lực, chỉ trong một đêm mà thực lực đã có sự tăng tiến vượt bậc.

Lại nói, Thiên Diễn Đạo Phái không nằm trên bất kỳ ngọn núi nào của nhân gian, mà ở tít trên chín tầng trời bao la. Mà không chỉ có Thiên Diễn Đạo Phái chẳng tọa lạc giữa phàm thế, nhiều môn phái khác cũng vậy.

Mỗi mười năm, Thiên Diễn Đạo Phái sẽ chiêu mộ đệ tử một lần. Bây giờ vừa khéo đến thời điểm chiêu mộ đệ tử.

Nơi chiêu mộ đệ tử nằm ở Bạch Nguyên Châu, cách vùng đất hoang vu của Ô Phượng Quốc ít nhất cũng phải bốn nghìn dặm, ở giữa còn bị ngăn trở bởi Hắc Trạch Châu.

Vùng đất hoang vu đó của Ô Phượng Quốc dân cư thưa thớt. Hắc Trạch Châu tuy phần nhiều là sông ngòi ao hồ, một khi đến mùa mưa, đất liền trên bảy thành trì đều ngập cả; song dân cư so ra cũng còn nhiều hơn vùng đất hoang vu đó. Nơi dân cư đông đúc nhất đương nhiên là Bạch Nguyên Châu, bởi nơi đây địa thế bằng phẳng, cực kỳ thích hợp để con người sinh sống; lại còn có mấy dòng sông lớn cắt xuyên qua, khí hậu ôn hòa.

Có một loại cỏ sắc trắng sinh trưởng ở Bạch Nguyên Châu, khắp châu này nơi nơi đều có. Nếu từ trên không vọng xuống, sẽ thấy một mảng màu trắng phau phau, thế nên châu này gọi là Bạch Nguyên Châu.

Tuy phần lớn Bạch Nguyên Châu đều là bình nguyên, nhưng cũng không hẳn không có núi non. Ở vùng trung tâm Bạch Nguyên Châu có một ngọn núi gọi là Lạc Hà Sơn. Bởi luôn có người trông thấy ngọn núi như được “khoác” một lớp mây ráng rực rỡ, đẹp đẽ vô song, cho nên núi ấy mới được đặt tên là “Lạc Hà”. Cảnh sắc nơi đây tú lệ, gần xa nức tiếng, nên đã thu hút vô số văn nhân mặc khách đến du ngoạn.

Chỉ có điều, thế nhân phần lớn đâu hay biết, Lạc Hà Sơn ấy còn có một tên gọi khác:

Thăng Tiên Đài.

Nơi Thanh Dương Tử muốn đến chính là Thăng Tiên Đài - Lạc Hà Sơn. Quay về Thiên Diễn Đạo Phái từ Thăng Tiên Đài là cách thức nhanh nhất. Ở đó có một cây cầu đã được các phái hợp lực luyện thành là Độ Trần Kim Kiều, có thể nối liền với cửu thiên.

Nếu như không trở về thông qua Độ Trần Kim Kiều ấy, mà xuyên qua tầng mây kia, thì cũng đồng nghĩa với việc độ kiếp - là chuyện vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, sở dĩ Thanh Dương Tử đến Thăng Tiên Đài này cũng là bởi Thiên Diễn Đạo Phái rất có thể đã không còn ở nơi ban đầu nữa.

Nhân gian gọi nơi mà hai mươi năm trước Thanh Dương Tử đã ở đó để tu hành là thượng giới. Tuy kẻ tu hành trong nhân gian đều biết, vùng trời của thượng giới được phân thành tam giới - cửu trùng, tầng thứ nhất đến tầng thứ ba là Chân Linh Giới, tầng thứ tư đến tầng thứ sáu là Động Huyền Giới, từ tầng bảy đến tầng thứ chín thì gọi là Hóa Ngoại. Thiên Diễn Đạo Phái là một môn phái lớn ở tầng trời thứ năm thuộc Động Huyền Giới.

Hiện tại, pháp cơ của môn phái đã bị mấy vị sư thúc sư bá đem đi mất, Thiên Diễn Đạo Phái chắc chắn phải suy yếu, ắt sẽ phải giáng hạ từ Động Huyền Ngũ Trùng; còn như giáng xuống nơi nào thì Thanh Dương Tử cũng không biết. Thế nên y phải đến Thăng Tiên Đài, quay về cùng với những người từ Thiên Diễn Đạo Phái đến để chiêu nạp đệ tử.

Thanh Dương Tử hướng về Bạch Nguyên Châu đi một mạch. Đôi chân y bước đi trên mặt đất tựa như bước trong mây mù. Từ trên người y có một làn đạo ý lãng đãng, như hư như ảo bốc lên.

Khi y đi vào nơi rừng núi, cây cối cũng không thể ngăn trở, thân thể y đều xuyên qua được cả.

Gặp nơi sông suối ao hồ, y cũng thế, đạp trên mặt nước lướt đi. Thành trì của con người cũng không thể cản bước chân y.

Vào nơi biển lửa, lửa không lém tới; đắm mình trong nước, nước không nhận chìm; có thể xuyên tường, cũng có thể độn thổ; có thể đằng vân, lại cũng biết trục quỷ. Những bản lĩnh này trong con mắt của người phàm tục quả đều là bản lĩnh của bậc thần tiên, song với kẻ tu hành ở nơi đây lại chẳng phải đại thần thông chi. Những bản lĩnh ấy bất quá chỉ coi như tiểu pháp thuật mà thôi.

Lúc này, Thanh Dương Tử vừa đi vừa cảm ngộ pháp ý “huyễn”, “không” trong lòng oán ma pháp châu. Pháp ý này không như huyễn thuật thô thiển của nhân gian.

Những thứ huyễn thuật thô thiển của nhân gian mê hoặc tâm ý của kẻ khác thông qua mê hoặc nhãn thần của họ trước, còn pháp ý “huyễn” trong lòng oán ma pháp châu có thể trực tiếp mê hoặc nhân tâm. Nếu pháp ý ấy tương hợp cùng oán ma, huyễn hóa thành pháp thuật, sẽ ngay lập tức sinh ra sự biến hóa có thể làm xoay trời chuyển đất...

- -----------------------------------

Chú thích của người dịch:

(1) Tiêu: một giống yêu quái trong thần thoại Trung Hoa, trong thực tế cũng dùng chỉ một giống linh trưởng ở châu Phi.

(2) Thái Hoa Lão Tổ: chưa rõ Thái Hoa Lão Tổ là ai, nhưng theo người dịch tìm hiểu thì có lẽ không phải Thái Thượng Lão Quân, mà là Trần Đoàn Lão Tổ, cũng là một nhân vật lẫy lừng của Đạo gia. Trần Đoàn, tự Hi Di, người đời cũng gọi “Hi Di Tiên Sinh” hay “Hi Di Lão Tổ”, là ẩn sỹ đầu đời nhà Tống, sống ẩn dật trên núi Hoa Sơn. Hai chữ “Thái Hoa” trong “Thái Hoa Lão Tổ” có lẽ là tên gọi khác của núi Hoa Sơn.