Sắp tới nửa đêm.

Bóng sáng bằng bàng quang dê ít nhất cũng phải có đến bốn, năm trăm quả, buộc lại thành từng bó lớn túm tụm lại một chỗ, những chấm sáng rậm rịt bên trong màng bàng quang mỏng manh lúc tụ lúc tán, cảnh tượng kỳ dị nhưng cũng thật lộng lẫy. Đinh Bàn Lĩnh chọn mấy người, bảo họ mang một nửa số bóng sáng sang bờ kênh bên kia, đối diện xa xa với bên này, lại bảo Đinh Thích dẫn người chuyển bè da dê tới mép nước.

Chiếc bè da dê này là một chiếc bè mười hai chỗ, có điều “chỗ” này không chỉ số người ngồi mà ý là có mười hai “hỗn thoát”: hỗn là “toàn bộ”, thoát là “lột da”, trước đây, đồ tể lành nghề khi làm thịt dê sẽ đào rỗng nội tạng, ít làm tổn thương lớp da nhất có thể để giữ được bộ da hoàn chỉnh, sau khi vò nitrat thì thổi khí cho phồng căng, còn có thể phồng thành hình con dê, đó chính là “hỗn thoát”, mỗi một hỗn thoát là một “chỗ”.

Bè da dê mười hai chỗ là mười hai xác dê rỗng ruột căng khí xếp thành hình kẻ bảng, bên trên buộc một khung gỗ có thể ngồi lên. Chiếc bè này đã cũ, da dê thổi phồng đã biến thành màu đen, chiếu đèn qua chỉ thấy toàn thân bóng loáng, nhìn rất u ám ma mị.

Trong sát na ông già nhắm mắt dưỡng thần mở mắt ra, không hiểu sao máu huyết Tông Hàng sôi sục, cảm thấy chuyến khóa canh vàng này hẳn là sắp bắt đầu.

Quả nhiên, mở đầu là thắp hương kính nước, từng que hương cháy lên, dưới chân dùng sáp nung mềm nhanh chóng cố định dọc trên hàng rào mép bờ, đứng giữa hai bờ mà nhìn, trông như hai đường lửa song song, chạy dọc xuống dài chừng bốn, năm mươi mét, khói khương dài mảnh lượn lờ, lúc bay lên trên bị hơi nước va vào, lại rối loạn thành từng đám từng đám.

Sau đó là tam sinh mở đường, chỉ có điều dòng nước quá xiết, Tông Hàng nghi ngờ tam sinh xuống nước chỉ là làm cho có chứ kỳ thực đã sớm không biết bị đánh dạt đi đâu rồi.

Kế tiếp, hai bên đồng thời thả bóng sáng xuống.

Mấy trăm quả bóng sáng từ trên Long Tào bay tản ra, có quả rơi xuống, có quả bay lên, có quả bị sóng lớn cuốn lấy, lúc ẩn lúc hiện, không ngừng nhào lộn. Người đứng hai bên mắt đều sáng ngời, cũng không biết là tìm cái gì, lúc lúc lại có tiếng la lên: “Bên này! Không đúng không đúng, bên kia, cái kia giống kìa!”

Dịch Táp kéo Đinh Ngọc Điệp hỏi: “Đây chính là nhà họ Đinh các anh tìm mắt nước à?”

“Ừ.”

“Tìm thế nào?”

Đinh Ngọc Điệp hưng phấn vô cùng, trong mắt chỉ thấy vô số đom đóm lướt bay, nào có kiên nhẫn giải thích thắc mắc cho cô: “Ôi dào, mày nhìn đi rồi biết!”

Nhìn cái rắm ấy, Dịch Táp thầm nổi giận, thật muốn đạp hắn một cước xuống sông cho rồi.

Nhưng Đinh Bàn Lĩnh ở bên cạnh lại nghe thấy, rất có kiên nhẫn giải thích cho cô ngọn nguồn trong đó: “Mắt nước là chỗ nước lặng trong vùng nước loạn, giải thích thế này cho cháu vậy, bão tố hoành hành ngang ngược, nhưng khu vực nằm trong trung tâm nó thì lại không có bị tàn phá mạnh như thế; cả một đống bùi nhùi rối tung, nhìn thì có vẻ như không thể xuống tay, nhưng chỉ cần tìm được đầu dây then chốt, kéo một cái là mọi thứ đều sẽ được giải quyết dễ dàng.”

“Tương tự với đạo lý đó, tổ sư gia cho rằng vùng nước càng loạn lại càng có một điểm như vậy, có thể đặt chân, cũng có thể đậu thuyền, điểm đó gọi là mắt nước…”

“Lời còn chưa dứt, tiếng hò reo lại nổi lên, Đinh Ngọc Điệp hét to nhất: “Cái kia! Cái kia! Chắc chắn là cái kia!”

Dịch Táp theo hướng nhìn qua.

Đã thấy, số bóng sáng thả xuống nãy giờ hơn nửa đã bị nước cuốn đi, một số còn nổ giữa không trung, tội nghiệp đám đom đóm thoát ra còn chưa kịp bay lên đã bị sóng đánh cho mất sạch – còn lại mười mấy quả coi như kéo dài hơi tàn, nhô lên hạ xuống, dạt qua bên này trôi sang bên nọ.

Duy chỉ có một quả, đã rơi xuống nước, đang không ngường dao động, có lúc bị ngoại lực đè ép hồi lâu mà vẫn đứng yên không rời khỏi vị trí đó, giống như đầu cành nhú lên một nụ hoa vậy, mặc cho gió táp mưa sa, rung lắc trái phải, nhưng vẫn không di chuyển đi đâu khác.

Đinh Bàn Lĩnh rùng mình một cái, kêu to: “Chính là chỗ đó! Đinh Thích!”

Y sải bước đi lên bè, vừa đi vừa vén tay áo lên, Dịch Táp hơi giật mình: Đinh Bàn Lĩnh thoạt nhìn tướng mạo không có gì ấn tượng, vậy nhưng cất giấu dưới lớp áo quần lại là một cơ thể khỏe khoắn vạm vỡ, hoàn toàn không thua gì Đinh Thích kém y hơn hai mươi tuổi.

Chỉ thấy y cùng Đinh Thích chia nhau đứng hai bên bè da dê, cúi người xuống dùng sức nâng bè lên, đung đưa trước sau lấy đà ném ra, mắt nhìn chăm chú vào quả bóng sáng có thể vỡ tung bất cứ lúc nào, trầm giọng hô: “Theo tôi, một, hai, ba!”

Chữ “ba” vừa vang lên, chiếc bè lập tức bay ra ngoài.

Đám người nãy giờ vẫn reo hò gần như đồng loạt im lặng trong khoảnh khắc. Dịch Táp cũng nín thở, nhìn chằm chằm vào thế đi của chiếc bè: cứ cảm thấy ngay giây tiếp theo nó sẽ bị sóng đánh lật nhào, da đầu cũng mơ hồ tê dại…

Vậy nhưng sau khi trúng vài con sóng, tròng trành suýt lật, chiếc bè vậy nhưng lại vẫn đứng yên giữa dòng nước xiết điên cuồng! Tuy đứng cũng chẳng ổn định lắm, giống như một đặt bát lên kim vậy, nhưng không hề bị cuốn đi! Cũng không lật!

Tiếng reo hò trong nháy mắt lại dâng lên, Đinh Ngọc Điệp là phấn khởi nhất, vỗ tay bụp bụp, Dịch Táp thì thở phào nhẹ nhõm, trong lòng không thể không thừa nhận, chiêu này quả thực quá đẹp quá gọn gàng!

Quay sang nhìn Tông Hàng, hắn cũng đang nhìn không dời mắt, miệng đóng không nổi, lát sau mới thì thào: “Chiêu này nhà các anh có thể đi đăng ký di sản văn hóa phi vật chất được đấy.”

Đinh Ngọc Điệp quay đầu lại nhìn hắn, đắc ý hết sức, cứ như thể người vừa nãy ném bè là hắn không bằng: “Thế này đã là gì, cậu cứ xem tiếp đi!”

Xem tiếp? Tìm được mắt nước rồi, bè cũng đã đứng, kế tiếp là “hát âm ca mở đường” đúng không?

Tông Hàng ngẩng đầu nhìn ông già ca sĩ kia.

Ông đã đứng bên bờ kênh, một bên cắp nách chiếc ô giấy màu đỏ, bên tay xách trong tay một ngọn đèn dầu đã châm lửa – có điều phải điều chỉnh lại cột trụ, hiện giờ sợi cáp kia cách cái bè đang lắc lư dữ dội bên dưới quá xa, nếu bè là “điểm”, cáp là “đường” thì để tiện làm việc, phải điều chỉnh điểm và đường sao cho nằm cùng trên một mặt phẳng.

Trong lúc đám người kia điều chỉnh, có người khác qua đây giúp ông già thắt đai lưng, trên đai lưng có móc treo, có thể móc vào khuyên treo trên cáp.

Sống lưng Tông Hàng dậy lên hơi lạnh: Đây không phải trò “đu dây” ở mấy vùng hẻo lánh từng thấy trên ti vi sao? Ông già này đã chừng ấy tuổi rồi sao chơi được trò này?

Sự thực chứng minh, đúng là chơi trò này.

Hắn đứng đây nơm nớp thấp thỏm, ông cụ thì lại bình tĩnh ung dung. Hai thanh niên họ Đinh làm người kéo ròng rọc, từng chút từng chút kéo khuyên móc di chuyển trên sợi cáp, đưa ông già ra tới giữa sợi cáp.

Thân hình hơi còng của ông già nhanh chóng đi ra, lắc lư, tựa như con mồi run rẩy trên cần câu. Lúc đã đến đúng vị trí bên trên chiếc bè, cáp treo dừng lại, ông già, bấm nút thả kéo dây cáp trên móc treo, thân thể chậm rãi thả xuống dưới.

Tông Hàng cúi đầu nhìn theo, thân hình ông già nhanh chóng trở nên rõ ràng, chỉ có thể nhìn rõ ngọn đèn dầu phát sáng trong tay ông, sóng nước trong kênh sông Hoàng Hà ẩn hiện trong bóng đêm, hệt như những cái miệng há to liên tiếp trồi lên, bất cứ lúc nào cũng có thể nuốt trọn ánh sáng.

Đúng lúc đó, Đinh Bàn Lĩnh nói: “Lát nữa mấy đứa cũng xuống dưới đó như vậy.”

Da đầu Tông Hàng tê rần: Đây mà là khóa canh vàng à, đi đặt cược mạng sống thì có, so ra thì nghi thức bên Trường Giang vẫn dịu dàng hơn, sông và người phương bắc quả nhiên đều thô lỗ như nhau.

Có điều ý nghĩ này chỉ lóe lên trong chớp mắt, sự chú ý lại bị tình hình bên dưới hấp dẫn toàn bộ.

Ông già kia đã sắp lên được bè rồi.

Mẹ nó, đứng thế quái nào được vậy, bè tròng trành như mắc chứng động kinh tâm thần thế kia – dẫu đã đoán được “Không có dùi kim cang, sao dám hàn đồ sứ (*)”, song Tông Hàng vẫn vô thức nhắm mắt lại như lúc xem tới cảnh ghê rợn trong phim kinh dị, thà bỏ qua cũng không muốn đối mặt.

(*) Thành ngữ Trung Quốc ý chỉ người không có bản lĩnh thì không làm nên chuyện. (giải thích cặn kẽ ở cuối chương)

Lúc len lén mở mắt, ông già đã đứng vững trên bè, không chỉ đứng vững mà còn mở được ô đỏ ra, ngọn đèn dầu chiếu xuyên qua lớp ô đỏ, tựa như rải một lớp dầu đỏ dịu dàng lên mặt nước cuồn cuộn, đung đưa bất định trên những đầu sóng nhấp nhô không ngừng.

Đinh Ngọc Điệp tấm tắc: “Lợi hại, chiêu ‘chân mọc rễ trên bè nước loạn’ này cháu học kém nhất đấy, lúc luyện, chưa tới một phút đã ngã nhào xuống rồi chứ đừng nói là còn một tay bung ô một tay xách đèn thế kia.”

Đinh Bàn Lĩnh thản nhiên nói: “Lát nữa ông ấy còn phải hát âm ca đấy, bởi vậy mới nói ai cũng có sở trường riêng, làm được ma nước cũng chưa chắc đã là giỏi nhất.”

Đương nói chuyện, sau lưng có tiếng bước chân truyền đến.

Quay đầu lại nhìn, là Đinh Trường Thịnh cả tối nay không thấy bóng dáng đâu, trong lòng ôm một cái hộp lớn dáng dài.

Đinh Bàn Lĩnh nhìn chằm chằm cái hộp: “Thỉnh được bài vị ông tổ tới rồi?”

“Thỉnh được rồi.”

Xem ra trong đó là bài vị ông tổ họ Đinh. Tông Hàng nghển cổ, thiết tha mong mỏi muốn xem một cái, song Đinh Bàn Lĩnh không có ý định mở ra, chỉ ra hiệu về phía cột trụ bên kia.

Đinh Trường Thịnh trực tiếp qua đó, không bao lâu sau, dây cáp lại kéo ra ngoài, nhưng lần này không phải kéo người ra – Tông Hàng thấy được rất rõ ràng, bóng dáng kia rõ ràng là một tấm bài vị.

Cũng giống như lúc đưa ông già kia ra, bài vị đi tới vị trí bên trên chiếc bè, sau đó chậm rãi thả xuống, cho đến khi chìm xuống nước.

Ngay sau đó, tiếng hát vang lên.

Phản ứng đầu tiên của Tông Hàng là muốn bịt tai, hắn cảm thấy giọng hát này thật rối loạn, gần như là khó nghe, âm không ra âm, điệu không ra điệu.

Nhưng tay vừa giơ lên đã lại thả xuống, cũng không phải tiếng ca trở nên êm tai hơn mà là hắn đột nhiên phát hiện ra, bài hát này căn bản nghe không giống do một người hát.

Phần đầu nghe như múa đại thần (*) ở nông thôn, hừ hừ ha ha, sau đó âm thanh trở nên hỗn tạp, có tiếng chuông reo, có tiếng trống đánh, có giọng nữ mềm mại, có giọng nam ngả ngớn, có tiếng cụ già ho khan, cũng có tiếng khe khẽ xì xào của những người xem kịch, linh tinh lang tang, lẫn trong tiếng gầm thét khuấy đảo cuộn trào của dòng nước xiếc, khiến người ta cảm thấy hồn vía lên mây, lạc vào trong đó, nhưng thình lình rùng mình một cái, lại phát hiện ra dưới đó chỉ là một chiếc bè, một ông lão mà thôi, sao có thể có nhiều âm thanh như vậy?

(*) Nguyên văn: 跳大神, là một nghi thức hoạt động dân gian trong lễ tế thần.

Thái dương Tông Hàng đổ mồ hôi lạnh, lông tóc trên tay dựng đứng lên, không dám nhìn xuống nữa: cảm tưởng như ông lão nào vừa cất tiếng hát đã khơi lên vô số âm hồn dưới đáy nước Hoàng Hà, bay lượn lơ lửng, thê thiết bi thương, đều đang cùng cất tiếng ngâm nga với âm điệu neo trên chiếc bè của ông lão, chỉ là mình không nhìn thấy mà thôi.

Được nửa chừng, giọng hát kia bỗng thu về chỉ còn lại một sợi âm thanh, không cao vang mà linh hoạt vô cùng, tựa như đang lắc mình tiến vào chui ra trong sóng nước, bất kể anh muốn chèn ép vùi lấp nó ra sao, nó cũng có thể tìm ra khe hở mà vùng thoát.

Thật chẳng biết giọng nói của ông già này nghe như thế nào, giọng luồn tới điểm cực chói tai, không chút hòa hoãn, trong nháy mắt lại trầm thấp khàn khàn, tựa như một cụ già cùng đường mạt lộ, ai ai than trời, rầm rĩ đập đất.

Hai bên bờ rãnh, hầu như tất cả mọi người đều đứng im bất động như bị tiếng ca này điểm huyệt.

Chỉ có mình Dịch Táp là thả hồn theo mây. Cô đã quen làm lính đào ngũ, nghe được một nửa là hết nhìn đông lại nhìn tây, tầm mắt lúc thì đậu lên chiếc ô đỏ, chốc lát lại ra sức tìm kiếm bài vị ngâm trong nước.

Dưới đáy hồ Bà Dương, Khương Tuấn đẩy nước như nhập mật mã lên bàn phím, nhập đúng rồi, hang canh vàng sẽ mở cửa.

Vậy dưới Long Tào này thì sao, đợi lát nữa xuống nước, thân mình còn chẳng ổn định được, hiển nhiên “đẩy nước” cũng khó lòng thực hiện, hơn nữa, vì sao phải hát âm ca, tiếng động ở đây loạn như vậy, tiếng thác đổ còn là “trống trăm trượng”…

Trong lòng Dịch Táp bỗng giật thót.

Chẳng lẽ bàn phím mật mã dưới đáy Hoàng Hà là “thanh khống (*)”?

(*) Ngôn ngữ mạng Trung Quốc, chỉ những người mê nghe giọng hay.

Rất có khả năng là như vậy, ở đất Tấn Thiểm, ương ca chiếc ô rất nổi danh, nhưng âm ca chiếc ô thì lại là độc hữu của nhà họ Đinh, người hát được đào tạo từ nhỏ, chỉ luyện đúng một ca khúc này, bài hát này hoàn toàn đi ngược lại lẽ thường, đi ngược lại khuôn sáo, quả thực không phải thứ người thường có thể hát được, dẫu có bị người khác nghe lén, muốn bắt chước một câu thôi cũng khó khăn chứ đừng nói tới nhớ được toàn bộ.

Âm ca chiếc ô trên mắt nước, cộng thêm tiếng nước trăm trượng bốn bềm lại có bài vị ông tổ ngâm dưới nước – bài vị ông tổ được trận thế âm thanh này bọc ở giữa e rằng chính là đầu “dây” then chốt kia, chỉ cần bị kích thích là có thể truyền tin tức xuống dưới nước.

Đúng lúc đó, ông già trên bè bỗng ngẩng phắt đầu.

Chỉ có mình ông tự biết, thời khắc này, trong tai không nghe được bất cứ âm thanh gì.

Thân mình vẫn đang đong đưa, lòng bàn chân vẫn đang lắc lư, nhưng trong tai không có bất kỳ âm thanh gì, hoàn toàn tĩnh mịch.

Sau đó nữa, có tiếng tí tách rơi lên mặt ô, đầu tiên là một giọt hai giọt, sau đó dần dần hỗn loạn, cho đến sau cùng, tiếng tí tách liên miên không dứt bên tai như có ngàn vạn hạt mưa đang nên trên mặt ô bừng lên ánh sáng màu đỏ.

Ông già dùng hết sức bình sinh, hét lớn một tiếng: “Mở cửa rồi!”

***

Câu này thốt lên, những người khác không sao, chỉ có Đinh Ngọc Điệp là cuống lên như một con gà bị cuồng chân, sải mấy bước đã chạy như điên tới bên cột trụ, thúc giục người khác mau đeo móc cho hắn, treo lên khuyên treo.

Dịch Táp thở dài một hơi, vẩy vẩy tay rồi cũng đi qua. Tông Hàng đang định đuổi theo, Đinh Bàn Lĩnh chợt tiến lên hai bước, đưa một thứ gì đó bọc trong túi chống thấm nước qua.

Tông Hàng đón lấy xem.

Là một chiếc…máy ảnh? Nhưng không phải lần trước đã nói với họ rất rõ ràng rồi sao, máy ảnh máy quay các thứ xuống nước đều sẽ bị nhiễu, căn bản không dùng được.

Đinh Bàn Lĩnh như đoán được hắn đang nghĩ gì: “Đây là loại máy ảnh chụp phim cổ lỗ nhất, có khả năng cậu chưa từng thấy, còn gọi là máy instamatic, ấn một cái là được. Nghe nói thiết bị điện tử xuống dưới đó sẽ không chạy, loại này không tân tiến như thế, có lẽ ngược lại…sẽ phát huy được tác dụng.”

Không có dùi kim cang, sao dám hàn sứ vỡ (没有金刚钻就别揽瓷器活): Thời cổ đại, đồ sứ bị vỡ hỏng sẽ không vứt đi mà nhờ người sửa, dùng một chiếc dùi trên đầu có đính kim cương, đục hai cái lỗ hai bên chỗ vỡ rồi dùng sợi dây đồng mảnh vá lại. Vì đục lỗ trên đồ sứ rất khó, không có tay nghề không thể làm được nên mới có câu thành ngữ này.

Giải thích một chút, trước đây dịch là “dân ca chiếc ô”, giờ tới đây mới vỡ lẽ, chính xác là “âm ca chiếc ô” nha mọi người, ở đây chỉ bài dân ca riêng của nhà họ Đinh, đối lập với “ương ca chiếc ô” rất phổ biến vùng Đông Bắc Trung Quốc, mà ương ca thì còn được gọi là “dương ca” nữa, âm dương tương khắc đó, nhạc chuông riêng cho Đinh Trường Thịnh trong điện thoại Đinh Thích cũng là âm ca. Xin lỗi ạ, ahuhu, xin lỗi mãi không biết ngượng mồm.