Ngay trưa hôm sau,
Hàn Đinh đáp chuyến bay của hãng hàng không Phương Đông rời Bắc Kinh.
Đây là chuyến bay sớm nhất tới Hàng Châu mà anh có thể mua được vé.
Chuyến bay này còn duy nhất một chỗ trống ở khoang hạng nhất. Nếu không
mua vé, anh sẽ phải đợi thêm một ngày mới có thể khởi hành. Giá vé hạng
nhất gần như cao gấp đôi so với giá vé hạng kinh tế. Hàn Đinh do dự vài
ba giây, rồi quyết định mua. Đương nhiên, cho dù là vé kinh tế hay vé
hạng nhất, thì Hàn Đinh cũng đều phải tự bỏ tiền túi.
Anh không
nói rõ với La Tinh Tinh về lý do thực sự của việc anh đột ngột đi xuống
phía nam. Chỉ bảo, Văn phòng có việc gấp bảo anh phải tới ngay Hàng
Châu. Sáng sớm dậy, La Tinh Tinh cứ mè nheo đòi phải đi cùng anh bằng
được. Vẻ nhõng nhẽo, nũng nịu của nàng dường như đã chứng tỏ rằng, nàng
đã thực sự thoát ra khỏi đau khổ, và lấy lại được trạng thái tâm lý bình thường.
Trong thâm tâm, anh rất muốn đưa nàng đi cùng. Đi xa
cùng với người con gái mình yêu mới tuyệt vời, thú vị làm sao. Nhưng anh thật sự không thể làm như thế. Anh dỗ dành La Tinh Tinh, bảo lần này
không được. Lần này anh đi công tác, còn có cả người khác. Với lại, vé
máy bay cũng không kịp mua. La Tinh Tinh liền bảo thôi thì để nàng tiễn
anh đến sân bay. Nhưng anh không đồng ý. “Em tranh thủ ngủ tiếp đi”. Anh nói: “Anh còn phải tạt qua cơ quan trước, rồi mới đi.”
Đây là
lần đầu tiên Hàn Đinh tới Hàng Châu. Trên có thiên đàng, dưới có Tô,
Hàng(10). Anh biết, Hàng Châu là chốn chơi. Nhưng lần này, bao nhiêu
cảnh đẹp nức tiếng thiên hạ, như: đê Tô, đê Bạch(11), sóng liễu nghe
oanh, Tam Đàm Ấn Nguyệt... đều không phải là mục đích của anh. Anh đến
đây là để tìm Tiền, để người quen của Tiền làm việc ở trại giam dẫn anh
tới gặp phạm nhân tên là Trương Hùng.
Hàn Đinh thầm đoán, gã Trương Hùng này có đến tám, chín phần chắc, là gã Đại Hùng mà anh từng gặp trước đây.
Kỳ thực, Hàn Đinh không muốn đến. Anh không muốn có một chuyến tới Hàng
Châu như thế. Từ lâu, anh đã chán chường với vụ án dai dẳng này. Vụ án
này thiếu suýt nữa thì làm đảo lộn, phá tan cuộc sống hiện tại và hạnh
phúc tương lai của anh! Thực lòng, anh không muốn để bản thân mình, để
La Tinh Tinh lại bị cuốn vào vụ án này một lần nữa!
Nhưng cuối cùng, anh vẫn đến. Trên chuyến bay tới Hàng Châu sớm nhất có thể.
Vừa xuống máy bay, là Hàn Đinh gọi ngay di động cho Tiền. Máy di động của
Tiền tắt máy. Anh liền tới thẳng khách sạn Vọng Hồ nơi Tiền ở. Anh ngồi ở đại sảnh khách sạn đợi đến tận mười một giờ đêm, trông ngóng mòn hai
con mắt, Tiền mới ngáp ngắn ngáp dài về đến khách sạn. Tối hôm ấy, anh
ngủ ở phòng Tiền. Tiền đang mệt, không nói chuyện nhiều. Trước lúc đi
ngủ, ông ta mới nói qua loa về đầu đuôi câu chuyện. Chẳng là phòng kiểm
sát trại giam thuộc Viện kiểm sát thành phố Hàng Châu mới đây phát động
phong trào khuyến khích phạm nhân cung cấp manh mối tội phạm. Một tuần
sau khi phát động phong trào, có hai phạm nhân - bị bắt vì tội trộm cắp, tiêu thụ trái phép vật liệu xây dựng - ở trại giam Tiền Đường xảy ra xô xát. Đánh nhau xong, một trong hai người tố giác với công an trại giam
rằng, người kia từng phạm tội giết người. Theo như lời tố giác của anh
ta, phạm nhân tên là Trương Hùng trong một lần say rượu đã nói rằng, hắn ta đã giết một cô gái tên là Tứ Bình ở Bình Lĩnh. Hắn ta bảo, cái cô Tứ Bình ấy do hắn ta nuôi, vậy mà còn dám nổi nóng với hắn, nên bị hắn
giết. Bây giờ, ban quản lý trại giam Tiền Đường đã chuyển tay Trương
Hùng đó sang giam ở khu tội phạm nguy hiểm. Sở dĩ Tiền biết chuyện này,
là vì mấy hôm trước, ông ta đến trại giam để gặp thân chủ của mình. Ở
đó, ông đã nghe thấy người của trại giam nói chuyện như thế. Còn chuyện
manh mối này tiếp theo sẽ được điều tra, xác minh như thế nào, viện kiểm sát đã chuyển sang cho công an Hàng Châu chưa, công an Hàng Châu sẽ tự
mình điều tra hay lại chuyển cho công an Bình Lĩnh điều tra, thì Tiền
không rõ. Có thể, cả bên kiểm sát và bên công an đều không sốt ruột. Vì
dù sao, nghi can cũng đang bị giam. Điều tra sớm hay muộn một ngày thì
hắn ta cũng chẳng thể nào thoát được.
Nhưng Hàn Đinh không thể
không sốt ruột. Bởi việc này liên quan đến sự sống chết của Long Tiểu
Vũ. Cho dù Long Tiểu Vũ và anh là hai kẻ tình địch, nhưng người Trung
Quốc có câu: Mạng sống là chuyện tày trời! Huống hồ, dù sao đi nữa, Hàn
Đinh cũng là luật sư của anh ta. Mà đã là luật sư, thì dù có thế nào đi
nữa, cũng không được để cho thân chủ của mình bị chết oan uổng!
Tối hôm ấy, Tiền không thể nào cưỡng lại cơn buồn ngủ. Vừa đặt lưng đã ngáy khò khò. Đã là mười hai giờ đêm. Hàn Đinh chạy vào nhà vệ sinh. Đóng
cửa lại, gọi điện thoại cho Diêu Đại Duy. Máy di động của Diêu Đại Duy
tắt máy. Hàn Đinh lại không biết số điện thoại nhà và máy nhắn tin của
ông ta. Bất đắc dĩ, anh gọi thẳng cho tổng đài hỏi số máy trực ban của
Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Bình Lĩnh. Phòng trực ban của tòa án quả nhiên có người trực. Hàn Đinh giới thiệu tên tuổi và nghề nghiệp
của mình, rằng anh là luật sư sơ thẩm trong vụ án Long Tiểu Vũ. Cán bộ
trực ban của tòa án hỏi anh có việc gì. Hàn Đinh bảo muốn hỏi xem án tử
hình Long Tiểu Vũ đã thi hành án chưa. Cán bộ trực ban bảo: - Cái này
thì tôi cũng không rõ lắm. Hay ngày mai, anh gọi điện thẳng cho thẩm
phán hỏi xem thế nào. Hàn Đinh bảo: - Tôi đang ở Hàng Châu. Chỗ tôi có
khả năng có manh mối mới. Cán bộ trực ban bảo: - Thế thì anh càng phải
tìm gặp thẩm phán, chứ nói với tôi chẳng tác dụng gì. Hàn Đinh cũng
biết, có nói với anh ta cũng vô ích. Nói chuyện qua điện thoại, người ta không thể phân biệt được anh là luật sư thật hay luật sư giả, hay một
kẻ liều lĩnh muốn cướp pháp trường cứu tử tù.
Cúp máy xong, Hàn
Đinh lại gọi số điện thoại trực ban của trại giam sở công an Bình Lĩnh.
Cũng có thể vì cùng một nguyên nhân, nên người nghe điện thoại không nói dài dòng. Thậm chí, thái độ rất gay gắt. Anh ta tra hỏi Hàn Đinh với
thái độ nghi ngờ, rồi trả lời: “Không biết! Sáng mai, anh tới tòa án mà
hỏi!”, rồi dập máy.
Hàn Đinh ngồi trên nắp bệ xí bệt trong nhà vệ sinh. Đờ đẫn.
Sáng hôm sau, Hàn Đinh lay Tiền dậy từ rất sớm, nhờ ông ta giúp anh nhanh
chóng liên hệ với trại giam Tiền Đường. Người quen của Tiền ở trại giam
Tiền Đường tên là Lưu Thanh Tuyền. Ông ta bảo Hàn Đinh buổi sáng tới.
Hàn Đinh sốt sắng đi ngay. Tới nơi mới biết, Lưu Thanh Tuyền chẳng qua
cũng chỉ là một nhân viên trại giam bình thường, không có quyền hành gì
lớn. Ông ta đưa Hàn Đinh tới gặp trưởng phòng dự thẩm trại giam. Vị
trưởng phòng họ Phùng đòi xem giấy tờ của Hàn Đinh. Sau đó, còn hỏi han
rất nhiều. Nhưng rốt cục, vẫn không cho anh gặp Trương Hùng. Anh ta trả
lời kiểu công vụ rằng, lời tố giác này do Viện kiểm sát trực tiếp thụ
lý. Nếu anh muốn tìm hiểu về vụ án, thì phải đến Viện kiểm sát. Chứ
chúng tôi không có thẩm quyền, mà cũng chẳng thể cung cấp bất cứ thông
tin gì.
Phùng xem ra rất vội vã. Ông ta trả lời đối phó qua loa
vài câu, rồi bảo rất bận, còn phải xử lý việc khác, nên đứng dậy đi
trước. Hàn Đinh đành phải ra ngoài theo. Anh lại đến tìm Lưu Thanh
Tuyền. Lưu Thanh Tuyền xòe hai tay tỏ ra không thể làm gì hơn, đồng thời thoái thác: “Những gì tôi biết, tôi đều đã nói với luật sư Tiền chỗ các anh rồi. Còn chi tiết nữa, tôi cũng không biết.” Hàn Đinh nói: “Thế này vậy. Tôi chỉ xin anh giúp một chuyện thôi. Anh cho tôi xem tấm ảnh của
Trương Hùng được không? Nếu người trong ảnh đúng như tôi dự đoán, tôi
cũng vững tâm hơn.” Lưu Thanh Tuyền ngẫm nghĩ giây lát, rồi đi vào phòng làm việc. Lát sau, ông ta đi ra, tay cầm một tờ biểu mẫu gì đó - ở góc
phải phía trên biểu mẫu có dán một tấm ảnh đen trắng cỡ 3 x 4cm - đưa
cho Hàn Đinh xem. Hàn Đinh xem xong, gật đầu: “Được rồi ạ.”
Ra
khỏi trại giam, Hàn Đinh đứng ngay bên đường phố nhộn nhịp xe cộ, gọi
tiếp điện thoại cho phòng trực ban Tòa án nhân dân trung cấp thành phố
Bình Lĩnh. Bên kia có người nhấc máy. Anh tự giới thiệu họ tên và nghề
nghiệp, rồi xin số điện thoại của vị thẩm phán xét xử vụ Long Tiểu Vũ.
Người đầu dây bên kia không biết thật giả thế nào, nên đương nhiên không cho anh số. Hàn Đinh cuống quýt: “Bây giờ tôi có chứng cứ mới, có thể
chứng minh phán quyết trước đây của tòa có sự nhầm lẫn. Đề nghị các anh
đừng tử hình Long Tiểu Vũ vội. Tôi sẽ tới Bình Lĩnh ngay.” Bên kia cũng
không khách sáo: “Lệnh tử hình là của Tòa án tối cao đưa ra. Chẳng lẽ
không thi hành án chỉ vì một cú điện thoại này của anh chắc? Nếu anh có
chứng cứ thì hãy mang tới đây!” Hàn Đinh: “Được. Tôi sẽ đến chỗ các anh
ngay!”
Hôm đó, Hàng Châu không có chuyến bay thẳng tới Bình Lĩnh. Hàn Đinh đành phải đi tàu hỏa. Chuyến nhanh nhất có thể đến Bình Lĩnh
là chuyến tốc hành Nam Xương-Bắc Kinh. Chuyến tàu ấy đi qua Hàng Châu và cũng qua cả Bình Lĩnh. Nhưng vé giường nằm và ghế ngồi đều đã bán hết
sạch. Hàn Đinh liền mua một vé đứng. Mười một giờ đêm, anh lên tàu. Rời
khu cố đô thiên đường mà đến hình dạng thế nào anh cũng chưa kịp nhìn
cho kỹ.
Anh phải tới ngay Bình Lĩnh, chứ không thể đến Viện kiểm
sát Hàng Châu để điều tra xác minh vụ việc theo như quy trình thủ tục
hành chính. Bởi anh sợ, nếu đợi Viện kiểm sát xác minh thân phận anh
xong, rồi lại báo cáo lên trên để xin phép, rồi cuối cùng mới lại đồng ý giới thiệu cho anh biết thông tin về vụ án, thì Long Tiểu Vũ chưa biết
chừng đã thành hồn ma.
Anh phải tới ngay Bình Lĩnh. Không thể trì hoãn, dù chỉ là tích tắc. Bởi anh đoán, lệnh tử hình của tòa án tối cao vẫn chưa được thi hành. Chứ nếu đã thi hành rồi, thì ít ra, nhân viên
trực ban của Tòa án trung cấp Bình Lĩnh và Trại giam công an Bình Lĩnh
cũng sẽ biết. Và như vậy, họ hoàn toàn có thể thông báo ngay với anh
trong điện thoại!
Bảy giờ mười một phút sáng ngày 23 tháng Năm
năm 2000. Hàn Đinh mệt mỏi phờ phạc, loạng choạng bước ra khỏi ga tàu
Bình Lĩnh. Anh đứng trên quảng trường trước ga. Gió từ những tòa nhà
phía xa ào tới, xộc thẳng vào mặt. Bên đường. Những tấm biển quảng cáo
làm bằng sắt tây run bần bật vì gió. Trong tiếng gió phần phật ấy, Hàn
Đinh vội vàng bấm số di động.
Hôm ấy là ngày thứ sáu kể từ khi
Tòa án nhân dân tối cao ký lệnh thi hành án tử hình với Long Tiểu Vũ.
Tám giờ sáng. Thẩm phán Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Bình Lĩnh
chịu trách nhiệm thi hành án, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bình Lĩnh chịu trách nhiệm giám sát thi hành án, cùng đội cảnh sát
tư pháp súng ống chỉnh tề, có mặt đúng giờ tại trại giam Sở công an Bình Lĩnh. Sau khi xuất trình lệnh xử bắn cho nhân viên trại giam, họ liền
giải tử tù Long Tiểu Vũ đi.
Hôm ấy, Long Tiểu Vũ không ăn sáng.
Mặc dù bữa sáng hôm ấy thịnh soạn hơn rất nhiều so với ngày thường. Có
trứng gà, thịt băm, mỳ... Dù là bữa sáng, nhưng vẫn có cả ít rượu trắng. Ngay từ lúc trời tờ mờ sáng, bữa ăn thịnh soạn ấy đã được bày biện
trước giường Long Tiểu Vũ nằm. Nhưng mãi đến khi bị đưa ra khỏi trại
giam, những rượu thịt ấy, anh ta vẫn chưa hề động đũa. Việc Long Tiểu Vũ không đả động gì đến bữa ăn sáng cuối cùng ấy cũng cho thấy, anh ta quả thực là người nội tâm mềm yếu. Anh ta quả thực không có được “khí phách của bậc anh hùng” đánh chén một bữa cho ra trò trước khi hành quyết,
rồi nói đôi ba câu hùng hồn để đưa tiễn chính mình. Hoặc giả, cũng có
thể, trên đời này vẫn còn những thứ làm anh ta quyến luyến, khiến anh ta không thể coi cái chết nhẹ như lông hồng. Thế nên, với một người như
anh ta, chờ đợi cái chết thực sự là một sự hành hạ, dày vò khổ sở. Mấy
hôm nay, anh ta không ngủ. Mặt mày hốc hác. Người gầy rộc. Nhưng khi bị
dẫn vào phòng xét hỏi, anh ta vẫn đi thẳng người. Thần sắc khá bình
tĩnh. Tại đây, viên thẩm phán xác minh lại lý lịch tư pháp của anh ta
lần cuối. Đây là thủ tục hành chính cuối cùng anh ta phải trải qua trước khi chết.
Phòng xét hỏi không mấy rộng rãi ấy gần như chật ních
người. Những người đàn ông mặc đồng phục của các ngành cảnh sát, tòa án
và viện kiểm sát. Nét mặt ai nấy cũng nghiêm trang, khiến người ta cảm
thấy nơi đây sát khí đằng đằng. Long Tiểu Vũ bị dẫn tới trước một chiếc
bàn, rồi đứng đó. Anh ta nhìn vị thẩm phán tuổi gần sáu mươi đứng ở phía đối diện. Ánh mắt giống như nhìn một người cha nghiêm khắc. Còn ánh mắt ông ta lại chăm chú vào một biểu mẫu. Trên đó đại khái viết những thông tin về phạm nhân như: tên tuổi, giới tính và tội trạng.
Vị thẩm phán không buồn ngẩng đầu lên, bắt đầu hỏi:
- Phạm nhân tên gì?
- Long Tiểu Vũ.
- Phạm nhân quê quán ở đâu?
- Thị trấn Thạch Kiều, Thiệu Hưng, Chiết Giang.
- Phạm nhân sinh ngày tháng năm nào?
- Ngày 23 tháng Giêng năm 1978.
...
Đây chẳng qua là một thứ trình tự. Lạnh lẽo không một chút sinh khí. Mọi
câu hỏi và trả lời đều đơn giản, nhanh gọn. Hỏi đến đây, vị thẩm phán
mới ngẩng đầu lên nhìn Long Tiểu Vũ. Chắc là để đối chiếu với tấm ảnh
trên biểu mẫu. Rồi nói:
- Long Tiểu Vũ. Do phạm nhân phạm tội cố ý giết người, nên bị tuyên án tử hình theo pháp luật. Căn cứ lệnh thi
hành án do Tòa án nhân dân tối cao đã ký, hôm nay, sẽ thi hành án tử
hình đối với phạm nhân. Phạm nhân có còn muốn để lại lời trăn trối hay
thư từ gì không?
Long Tiểu Vũ không trả lời ngay. Nghĩ một lát, anh ta mới cất tiếng:
- Tôi có một chiếc vòng đeo tay của bố mẹ tôi để lại. Lúc vào đây, tôi để nó ở bên công an. Tôi muốn được đeo nó.
Vị thẩm phán sửng sốt. Dường như chưa chuẩn bị cho tình huống này. Nhưng
yêu cầu này của phạm nhân cũng không có gì là bất hợp lý. Nếu từ chối, e rằng nhẫn tâm quá. May mà trong lúc ông ta đang do dự, thì một nhân
viên trại giam - dường như đã có sự chuẩn bị sẵn - đưa chiếc vòng ra.
- Đây là chiếc vòng của phạm nhân. Được chúng tôi thu giữ và bảo quản hộ.
Nhân viên trại giam chìa chiếc vòng cho vị thẩm phán xem, để ông ta quyết
định xem có thể đáp ứng lời thỉnh cầu của phạm nhân hay không. Vị thẩm
phán cầm lấy chiếc vòng, ngắm nghía. Đó là một chiếc vòng tay ngọc trai. Mỗi hạt ngọc đều trong vắt, lung linh. Kỳ lạ là, giữa những viên ngọc
trai trắng muốt ấy, lại điểm một hạt ngọc xanh biếc, trông rất bắt mắt.
Vị thẩm phán trịnh trọng xem xét một lượt, rồi trả lại chiếc vòng cho
nhân viên trại giam. Ông ta gật nhẹ đầu, nói:
- Có thể đeo cho phạm nhân.
Nhân viên trại giam bước tới, định đeo chiếc vòng vào cổ tay Long Tiểu Vũ. Vị thẩm phán nói xen vào:
- Đừng đeo vào tay. Có thể để nó trong túi áo của phạm nhân.
Nhân viên trại giam liếc nhanh Long Tiểu Vũ, rồi nhét chiếc vòng vào túi áo trước ngực anh ta.
Đợi nhân viên trại giam để chiếc vòng vào túi áo Long Tiểu Vũ xong, vị thẩm phán lại hỏi:
- Long Tiểu Vũ. Phạm nhân có còn muốn nói thêm điều gì nữa không?
Long Tiểu Vũ rời mắt khỏi chiếc túi vừa được đặt chiếc vòng vào, ngẩng lên nói:
- Không ạ.
Vị thẩm phán liếc mắt, gật đầu ra hiệu cho viên chỉ huy cảnh sát tư pháp, rồi ra lệnh: - Giải phạm nhân ra pháp trường!
Lệnh vị thẩm phán vừa phát ra, Long Tiểu Vũ liền bị trói gô cổ, hai cánh tay bẻ chéo ra sau lưng. Cổ tay và chân đều bị cùm. Dịch chuyển bước chân
rất khó khăn. Cảnh sát áp giải anh ta ra khỏi phòng. Tới ngoài sân. Rồi
lên một chiếc xe chở tù đã đậu sẵn ở đó.
Khi chiếc xe tù được hai chiếc xe cảnh sát - một trước, một sau - áp giải đi ra khỏi cánh cổng
sắt trại giam Sở công an Bình Lĩnh, thì Hàn Đinh đang ngồi trên chiếc xe Jeep của Diêu Đại Duy, lao như bay đến trại giam Bình Lĩnh. Lúc ở quảng trường nhà ga, Hàn Đinh đã gọi di động cho Diêu Đại Duy. Diêu Đại Duy
cơ hồ không dám tin câu chuyện Hàn Đinh nói trong điện thoại lại là sự
thật. Không thể nào như thế được. Vụ này không thể nhầm lẫn được! Diêu
Đại Duy quả quyết nhắc đi nhắc lại như thế. Nhưng đồng thời, ông ta cũng dồn dập hỏi Hàn Đinh: “Cậu đã tới Hàng Châu chưa? Cậu đã đích thân tới
Hàng Châu chưa? Cậu đã nhìn thấy cái tay Đại Hùng ấy chưa?” Không hiểu
tại sao, Hàn Đinh cũng thốt ra những lời mà một luật sư tuyệt đối không
nên nói ra: “Vâng. Em cũng không tin đây là sự thật! Em cũng không tin
vụ án này có nhầm lẫn! Nhưng, chính mắt em đã nhìn thấy Đại Hùng, nhìn
thấy ảnh của hắn ta. Chính là hắn. Không thể sai được!”
Dù khó có thể tin đây là sự thật, nhưng Diêu Đại Duy vẫn lái xe ô tô đến. Ông ta
đón Hàn Đinh ở một nơi khuất gió tại đầu con phố gần nhà ga, rồi phóng
xe về hướng tòa án. Trên đường đi, Diêu Đại Duy gọi điện cho một ai đó,
giọng giận giữ. Qua đầu dây bên kia, ông ta mới biết hôm nay là ngày
Long Tiểu Vũ bị xử bắn. Người của tòa án đã đến trại giam từ sáng sớm.
Hai người liền quay đầu xe, phóng về hướng trại giam. Đến trại giam, mới hay Long Tiểu Vũ đã lên đường ra pháp trường. Hai người lại phóng thục
mạng, đuổi theo đám bụi của đoàn xe tù.
Pháp trường xử bắn Long
Tiểu Vũ nằm ở ngoại ô Bình Lĩnh. Trong một nhà máy gạch bỏ hoang lâu
năm, không một bóng người. Ở đó có một hố đấu vốn được đào để lấy đất
làm phôi gạch. Nói chính xác hơn, chiếc đấu ấy giống như một chiếc ao
tù. Trước khi cùng Hàn Đinh tới được đây, Diêu Đại Duy liên tục gọi di
động cho người quen ở tòa án và viện kiểm sát, định bảo họ nói với vị
thẩm phán chịu trách nhiệm thi hành án ngừng thi hành án. Nhưng không
cuộc điện thoại nào gọi được. Cuộc thì máy bên kia tắt máy. Cuộc thì
không tìm thấy người cần tìm. Liên tiếp các cú điện thoại thất bại làm
Hàn Đinh càng thêm lo lắng, tuyệt vọng. Lúc ấy, anh đã nghĩ, mưu sự tại
nhân, thành sự tại thiên. Anh chỉ có thể cố gắng hết sức. Còn lại, tất
cả phải tuân theo số Trời. Có lẽ, Ngài Phật đã nói đúng: Mọi thứ đều có
nguyên do, bất luận sinh, bất luận tử.
Giờ phải xem xem liệu số của Long Tiểu Vũ đã đến hồi tận.
Khi Hàn Đinh và Diêu Đại Duy đến nhà máy gạch, tiến gần tới ao tù, họ nhìn
thấy xe cảnh sát và xe chở tù còn đứng đó. Đèn trên xe vẫn xoay tròn
nhấp nháy. Ở ngoại thành, gió to hơn nội thành. Gió cuốn đất vàng bay
lên từ chiếc đấu, rồi hắt vào viên cảnh sát tư pháp đang làm nhiệm vụ
cảnh giới trên một gò đất cao. Gió cũng ra sức lay giật tóc trên đầu Hàn Đinh, nhưng không thể nào làm xiêu vẹo bước chạy hối hả của anh. Vừa
xuống xe, anh đã chạy như bay về con dốc ở phía chiếc ao. Chiếc xe tù
dáng vẻ nặng nề và hai chiếc xe cảnh sát trông lừ lừ, dữ tợn đang án ngữ trên con dốc dẫn đến chiếc ao. Viên cảnh sát tư pháp một tay cầm súng
tiểu liên, một tay giữ chiếc mũ sắt trên đầu - sợ gió thổi bay mất -
bước nhanh tới, chặn anh lại. Miệng hô: “Đứng lại!”. Nhưng Hàn Đinh
không đứng lại. Tiếp tục lao về phía trước. Anh và viên cảnh sát kia lập tức xoắn vào nhau. Viên cảnh sát khỏe hơn Hàn Đinh nhiều. Một viên cảnh sát khác đang cầm súng đứng ở gần đó cũng chạy lại hỗ trợ đồng đội. Hàn Đinh biết sức mình địch không lại đối phương, đành hét thật to. Anh
muốn tiếng hét của mình vượt qua vòng phong tỏa, làm kinh động vị thẩm
phán và kiểm sát viên giám sát thi hành án, làm kinh động cả pháp
trường!
- Dừng tay! Dừng tay! Án oan!
Vị thẩm phán và kiểm sát viên đang đứng trước xe cảnh sát, cùng nhân viên thư ký - chịu
trách nhiệm viết biên bản thi hành án - đều nghe thấy tiếng hét dữ dội.
Họ ngoái đầu lại, nhìn về bên này.
Theo quy định, khi có người
kêu oan trước khi hành hình, vị thẩm phán thi hành án phải đưa ra quyết
định quyết đoán. Nhưng tất cả họ đều đứng ngây người. Có lẽ, chưa ai
trong số họ từng gặp phải tình huống như thế: Người kêu oan trước khi
hành hình không phải là bản thân phạm nhân, mà là một kẻ ngoài cuộc tự
tiện xông vào pháp trường!
Họ cũng trông thấy, kẻ ngoài cuộc ấy
đến đây trên một chiếc xe Jeep mang biển số công an. Diêu Đại Duy cũng
đã xuống xe. Ông ta bẻ dựng cổ áo chiếc áo khoác, đến chỗ hai nhân viên
cảnh sát tư pháp - lúc này đã bẻ quặt tay Hàn Đinh ra sau và đè nghiến
anh xuống đất - xuất trình giấy tờ, rồi rảo bước thật nhanh về phía vị
thẩm phán.
Hàn Đinh bị một viên cảnh sát dùng đầu gối ấn mạnh
xuống đất. Mặt mày lấm lem. Anh ngước đầu lên, thấy Diêu Đại Duy vừa lấy tay làm hiệu, vừa trao đổi với vị thẩm phán và kiểm sát viên. Vị kiểm
sát viên không ngừng hỏi một điều gì đó. Diêu Đại Duy lúc lắc đầu, lúc
gật đầu, giải thích cho ông ta. Cuối cùng, Hàn Đinh thấy vị thẩm phán
ngắt lời hai người, nói một câu gì đó. Ngay lập tức, có người hướng
xuống chiếc ao tù, gọi rất to... Hàn Đinh trông thấy, hai nhân viên cảnh sát tư pháp áp giải Long Tiểu Vũ từ dưới ao đi lên. Lúc này, chiếc đầu
gối rắn chắc đè lên người anh cũng lỏng ra. Anh bị mất thăng bằng, ngã
quay cu đơ, rồi mới lồm cồm bò dậy. Lúc bò dậy, anh trông thấy rất rõ,
trước khi bị giải lên xe, Long Tiểu Vũ hướng mắt về phía anh, sửng sốt.
Vị thẩm phán và kiểm sát viên đều tiến lại chỗ anh. Theo sau là Diêu Đại
Duy và nhân viên thư ký. Gặp anh, vị thẩm phán liền hỏi:
- Anh là luật sư của Long Tiểu Vũ?
Hàn Đinh phủi đất bám trên áo, chưa trả lời. Người kiểm sát viên trẻ tuổi
hơn đã nhận ra anh. Hai người đã từng đối mặt với nhau trước tòa. “Đúng
anh ta đấy.” Kiểm sát viên xác nhận thân phận của Hàn Đinh. Rồi cơ hồ
đóng thay vai thẩm phán, chất vấn Hàn Đinh bằng giọng gay gắt hơn:
- Anh kêu oan. Vậy anh có chứng cứ gì không?
- Tôi vừa từ Hàng Châu đến. Trại giam Tiền Đường Hàng Châu có một phạm
nhân đã tố giác, Chúc Tứ Bình bị một người tên là Trương Hùng giết chết!
Thái độ vị kiểm sát viên vẫn cứng rắn:
- Tôi hỏi anh có mang theo chứng cứ đến không?
Hàn Đinh cũng lớn tiếng, giọng cứng rắn:
- Các anh có thể liên hệ với Viện kiểm sát Hàng Châu. Nếu như tôi đợi
phải thu thập đầy đủ tài liệu rồi mới đến, thì liệu có còn kịp không?!
Kiểm sát viên thần người. Không biết vì thái độ của Hàn Đinh, hay vì lý lẽ
của anh làm ông ta cứng họng. Vị thẩm phán là người từng trải, tỏ ra rất biết làm chủ tình hình. Ông không để cho hai người tiếp tục tranh cãi,
mà nghiêm khắc nói như kết luận: - Căn cứ khoản 1 điều 211 Luật tố tụng
hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tôi đã quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình với Long Tiểu Vũ. Đề nghị anh cùng chúng tôi tới tòa
án, phối hợp với chúng tôi làm biên bản.
Nói xong, vị thẩm phán
già hỏi kiểm sát viên một cách tượng trưng: “Thế nhỉ?”, rồi không đợi
câu trả lời, quay người đi ra xe. Kiểm sát viên và nhân viên thư ký tòa
án rì rầm trao đổi với nhau vài câu gì đó, rồi cũng đi theo ra xe. Giống như khi đến, hai chiếc xe cảnh sát, một trước một sau, kẹp chiếc xe chở tù vào giữa, đi ra khỏi triền dốc. Bụi đất bốc mù mịt. Đoàn xe vụt qua
chỗ Hàn Đinh, chạy lên đường quốc lộ. Diêu Đại Duy chậm rãi đi ra khỏi
đám bụi, đến bên cạnh Hàn Đinh. Hai người im lặng, dõi theo đoàn xe chở
tù đang khuất dần, rồi mất dạng. Xong, hai người không hẹn mà gặp cùng
thở dài. Tiếng thở dài ấy, mặc dù hàm nghĩa khác nhau, nguyên nhân khác
nhau, nhưng tâm trạng giống nhau, thậm chí, thanh âm cũng giống nhau -
hít một hơi thật sâu, tụ lại trong lồng ngực nửa nhịp, sau đó thở ra,
nặng nề, dài thuột.
Diêu Đại Duy nói khẽ: - Đi thôi.
Cái
mạng của Long Tiểu Vũ chắc chắn đã được giữ lại. Luật pháp quy định, nếu thi hành án tử hình lần nữa, lại phải xin phép Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ lại ký lệnh tử hình lần
nữa. Thế nhưng, ba ngày sau đó, Viện kiểm sát Hàng Châu chuyển vụ án
Trương Hùng sang cho Viện kiểm sát Bình Lĩnh. Một tuần sau, tại một công trường xây dựng ở Hàng Châu, phòng trinh sát hình sự Sở công an Bình
Lĩnh đã bắt giữ hai công nhân quê Thiệu Hưng tên là Tiền Đức Lai và Hồng Vệ Quốc vì dính líu đến tội khai man và giết người. Hai người này đều
là người của Trương Hùng, từng là nhân chứng quan trọng trong vụ án Long Tiểu Vũ. Họ đã khai, Long Tiểu Vũ bám theo Tứ Bình vào công trường,
trước khi Tứ Bình bị giết. Và giữa Chúc Tứ Bình và Long Tiểu Vũ không hề có quan hệ yêu đương.
Sau khi Tiền Đức Lai và Hồng Vệ Quốc bị
bắt, vụ Tứ Bình bị giết ngay lập tức rõ như ban ngày! Qua lời khai của
hai tên tòng phạm, Hàn Đinh cuối cùng đã biết được vào đêm tối trời gió
to ấy, câu chuyện về “cái chết của Tứ Bình” đã diễn ra như thế nào.
Tối hôm ấy, sau khi uống rượu say, Đại Hùng cùng Tiền Đức Lai và Hồng Vệ
Quốc tới công trường nhà máy chế dược. Sau khi vào công trường, quả
thật, bọn họ đã trông thấy Long Tiểu Vũ đi ra từ văn phòng công trường.
Đại Hùng gọi Long Tiểu Vũ một tiếng. Có thể vì khoảng cách xa, gió to,
nên Long Tiểu Vũ không nghe thấy. Sau đấy, đám ba người Đại Hùng vào
trong văn phòng công trường. Ở đó, Đại Hùng và Tứ Bình cãi cọ nhau.
Nguyên nhân do Đại Hùng nhân đà rượu, muốn làm chuyện ấy với Tứ Bình.
Chuyện ấy đã từng xảy ra giữa hắn và Chúc Tứ Bình. Thậm chí, không chỉ
một lần. Nhưng tối hôm ấy, Tứ Bình kiên quyết không chịu. Bởi Long Tiểu
Vũ vừa đi khỏi. Lúc đi, anh ta đã một lần nữa nói lời chia tay rõ ràng
với cô. Điều đó làm Tứ Bình hết sức buồn bã, bực bội. Trong khi ấy, Đại
Hùng miệng đầy hơi rượu, mặt mày trơ trẽn, sờ soạng cơ thể cô. Tứ Bình
cương quyết cự tuyệt. Hai người đôi co nhau rất hăng. Đại Hùng nổi giận, giáng cho Tứ Bình một cái bạt tai và chửi cô là đồ rác rưởi. Tứ Bình
tức giận, lao ra cửa bỏ đi. Đại Hùng ra lệnh Tiền Đức Lai và Hồng Vệ
Quốc giữ cô lại. Trong lúc xô xát, Đại Hùng vớ lấy chiếc cán xẻng, vụt
vào lưng Tứ Bình. Tứ Bình ngã xuống đất. Nhưng bất ngờ, cô đá vào bộ hạ
Đại Hùng. Đại Hùng đau quá gục xuống, mãi không dậy nổi. Nhưng khi cơn
đau dịu đi, Đại Hùng đứng dậy được, thì hắn phát khùng. Hắn đánh đấm Tứ
Bình túi bụi. Tứ Bình cũng không vừa. Chân đá, tay cào, miệng chửi... Tứ Bình vốn tính cục cằn. Khi cô ta nổi xung lên, thì đến cả hai gã đàn
ông to khỏe là Tiền Đức Lai và Hồng Vệ Quốc cũng không giữ nổi. Đang
hăng men rượu, Đại Hùng rút dao đâm liền ba nhát vào bụng Tứ Bình. Tứ
Bình gục xuống, bất động. Máu trào đầy ngực và bụng! Đại Hùng tỉnh rượu. Vội vàng cùng bọn Tiền, Hồng trốn khỏi hiện trường. Khi công an vào
cuộc, ba tên thông đồng với nhau, cố ý khai man sự thật để đổ tội cho
Long Tiểu Vũ, đánh lạc hướng điều tra của công an. Kết quả khám nghiệm
tử thi sau đấy lại chứng minh Long Tiểu Vũ tối hôm ấy quả thật đã có
quan hệ tình dục với Tứ Bình. Từ đó, bên công an có lý do để nhận định
rằng, Long Tiểu Vũ đã cưỡng bức Tứ Bình, rồi giết cô diệt khẩu.
Sau khi Tiền Đức Lai và Hồng Vệ Quốc khai ra toàn bộ sự thật, kẻ chủ mưu
Trương Hùng đã buộc phải khai nhận chính hắn đã giết chết Tứ Bình!
Trước khi Trương Hùng cúi đầu nhận tội, Hàn Đinh đã về tới Bắc Kinh. Sau khi
có mặt ở Tòa án nhân dân trung cấp Bình Lĩnh làm biên bản về việc kêu
oan cho Long Tiểu Vũ trước lúc hành hình, việc duy nhất Hàn Đinh có thể
làm là chờ tin tốt lành. Khi vụ án đã có sự thay đổi đột biến và rõ ràng như thế, hững việc còn lại sẽ là nhiệm vụ của Sở công an và Viện kiểm
sát. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian và quy trình thủ tục. Long Tiểu
Vũ vẫn bị giam tại trại giam Bình Lĩnh, chưa được thả. Nhưng đãi ngộ
dành cho anh ta đã có sự thay đổi rõ rệt. Việc thả Long Tiểu Vũ cũng
phải tuân theo quy trình thủ tục: Vì để nhận định Long Tiểu Vũ vô tội,
thì trước hết phải nhận định Trương Hùng có tội. Trước khi tòa án căn cứ quy định của luật pháp phán xử tội danh của Trương Hùng, cần phải sửa
lại bản án trước đây, khẳng định Long Tiểu Vũ vô tội và thả tự do cho
anh ta. Những thủ tục này đều phải được Tòa án tỉnh và Tòa án tối cao
xem xét, phê chuẩn. Để giải quyết chừng ấy thủ tục, thì cần phải đợi,
cần phải có thời gian.
Vì thế, ngày thứ ba sau khi Long Tiểu Vũ
trở về từ cõi chết, Hàn Đinh đáp máy bay về Bắc Kinh. Diêu Đại Duy vốn
đã hứa với Hàn Đinh sẽ mời anh một bữa. Lý do: vì vụ án của Long Tiểu
Vũ, Hàn Đinh đã vài lần mời cơm Diêu Đại Duy. Nào ngờ, cuối cùng lại là
vụ án oan sai. Diêu Đại Duy cảm thấy rất áy náy, muốn mời lại anh một
bữa cho bằng được. Hàn Đinh lúc đầu đồng ý, nhưng sau đấy lại từ chối.
Long Tiểu Vũ được xử vô tội. Với anh, đây là việc vừa mừng, vừa lo. Lúc
này đây, anh khó có thể vui vẻ nâng cốc cho được. Anh nói với Diêu Đại
Duy:
- Em phải về sớm. Vì công việc của bọn em ở văn phòng nhiều lắm, bận lu bù.
Diêu Đại Duy cười:
- Sao thế, muốn về sớm tâng công với Lâm, để tay ấy cười vào mũi tớ, hả?
Nụ cười của Diêu Đại Duy ẩn chứa cả sự chua chát khó tả. Hàn Đinh nhận ra
điều ấy. Anh cảm thấy, lúc này cần phải nói đôi ba câu an ủi Diêu Đại
Duy, gỡ lại thể diện cho ông ta:
- Việc này không phải lỗi của
anh. Việc định tội Long Tiểu Vũ chủ yếu vẫn là căn cứ vào bản giám định
vết máu thứ hai. Bản giám định ấy cũng đã được đem giám định lại ở trên
tỉnh. Từng ấy chuyên gia đều khẳng định chính xác một trăm phần trăm.
Bây giờ, sự thật chứng minh họ đã sai. Nên chịu trách nhiệm trong vụ này phải là đám chuyên gia kia. Chứ không thể trách anh được.
Diêu Đại Duy bực tức:
- Chuyên gia ấy à? Còn lâu đám ấy mới nhận trách nhiệm về mình. Hai hôm
nay, bọn tớ chỉ săn phòng trinh sát kỹ thuật để hỏi họ xem bản giám định ấy là như thế nào. Họ liền lôi ra một lô xích xông chuyên gia. Trong đó có cả chuyên gia trên tỉnh, làm giám định lại, tiến hành đủ loại xét
nghiệm. Họ khẳng định, vết máu trên ống tay áo đúng là phun vấy, không
thể sai được. Mà trong thường thức khoa học của ngành tư pháp trinh sát, thì chỉ có trên người của kẻ giết người mới có thể có vết máu phun vấy. Thế nên, bản giám định vết máu nhận định Long Tiểu Vũ giết người cũng
không có gì sai.
Hàn Đinh cười nhạt:
- Rõ nực cười. Sự
thực đã chứng minh, chắc chắn có trường hợp ngoại lệ. Vậy mà bọn họ vẫn
không chịu nhận sai. Thế thì bằng coi mạng người như cỏ rác còn gì?
Câu “coi mạng người như cỏ rác” có vẻ như nói hơi nặng, có chút động chạm,
làm Diêu Đại Duy lặng thinh trong giây lát. Nhưng sau đấy, ông ta lại
bào chữa hộ đám chuyên gia kia:
- Sáng nay, cánh chuyên gia phân
tích với tớ thế này: Lúc Long Tiểu Vũ trở lại hiện trường vụ án lần thứ
hai, thấy Tứ Bình gục trong vũng máu, anh ta đã muốn xốc cô ấy lên, đúng không nào? Mặc dù Tứ Bình đã chết, nhưng nếu cơ thể cô ấy còn ấm, máu
trong động mạch vẫn tồn tại ở thể rất loãng. Nếu bị người khác dùng sức
ôm xốc lên, thì không khí trong mạch máu sẽ tràn ra ngoài, tạo ra một áp suất nhất định, làm cho vết máu bị phun vấy. Cánh chuyên gia cho rằng,
vết máu phun vấy trên ống tay áo của Long Tiểu Vũ rất có thể đã được
hình thành như thế. Và bây giờ cũng chỉ có thể giải thích được như vậy.
Nếu cậu thật sự cho rằng, bọn tớ coi mạng người như cỏ rác, thì tớ hy
vọng cậu có thể lưu lại thêm một ngày. Chuyên gia trên tỉnh vẫn đang ở
đây. Tớ sẽ bảo họ đích thân giải thích cho cậu.
Hàn Đinh lắc đầu, mỉm cười thân thiện với Diêu Đại Duy. Anh muốn dùng nụ cười ấy để thể
hiện sự cảm thông và khoan dung của mình. Anh nói:
- Không cần đâu ạ. Em phải về sớm. Bạn gái Long Tiểu Vũ đang ở Bắc Kinh. Em muốn về sớm báo cho cô ấy biết.
Diêu Đại Duy cười trệu trạo, vỗ vỗ vai Hàn Đinh:
- Thôi được. Thế thì cậu tranh thủ về sớm đi. Kẻo cô gái ấy nhằm đúng lúc này mà lấy chồng, thì anh chàng Long Tiểu Vũ kia hận tớ đến chết mất.
Bữa cơm này, cậu cho tớ nợ. Lần sau tớ lên Bắc Kinh, cậu thích ăn món
gì, tớ cũng chiều.
Ngày hôm sau, Hàn Đinh mua vé máy bay, trở về
Bắc Kinh. Anh vốn định đi tàu hỏa cho tiết kiệm. Vì vụ án của Long Tiểu
Vũ, anh đã tiêu non nửa số tài sản người bác để lại. Số tiền ấy vốn là
tiền để anh đi Mỹ du học. Vốn là tiền để anh và La Tinh Tinh sau này có
cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng bây giờ, nó đã vơi đi một nửa. Dù
vậy, anh vẫn mua vé máy bay - đắt gần gấp đôi vé tàu - để sớm về Bắc
Kinh. Quả thực, anh muốn bất luận thế nào, cũng phải sớm báo tin cho La
Tinh Tinh - người từ lâu đinh ninh Long Tiểu Vũ đã không còn có mặt trên đời này, và đau khổ vô ngần trước sự ra đi của anh ta - rằng: Long Tiểu Vũ không chết.
Về đến Bắc Kinh, về đến nhà mình, Hàn Đinh sửng
sốt trước sự thay đổi của căn nhà. Trong mấy ngày anh “đi công tác”, La
Tinh Tinh đã làm một cuộc tổng vệ sinh, và bày biện lại đồ đạc trong
nhà. Vào trong nhà, dù đã thay giày, đi dép, nhưng anh vẫn không dám cất bước, sợ làm bẩn nền nhà sạch bóng đến độ có thể soi gương. Cả căn nhà
sạnh sẽ tinh tươm, ngập tràn ánh nắng. Vài đóa hoa tươi được trang trí
tinh tế. Chiếc đệm trên ghế sofa sặc sỡ đến chói chang dưới ánh mặt
trời. Tất cả đã tạo cho Hàn Đinh một cảm giác mới mẻ, lãng mạn. Căn nhà
đã thật sự thay đổi. Trở nên trẻ trung hơn, ấm áp hơn, đầy ý vị cuộc
sống và hơi thở con gái hơn! Lúc Hàn Đinh vào đến phòng khách, La Tinh
Tinh đang vất vả treo một khung ảnh to lên tường. Trong khung ảnh ấy
lồng một tấm ảnh cỡ lớn của nàng. Trên bức ảnh, một đôi mắt mở to đang
cười với anh - chàng trai vừa bụi bặm trở về sau chuyến công tác xa xôi.
Hàn Đinh đột ngột về nhà làm La Tinh Tinh giật nảy mình, nhưng ngay sau
đấy, nàng mỉm cười. Nàng đứng trên chiếc ghế cao chót vót. Khuôn mặt
nàng còn nhỏ hơn cả khuôn mặt trên bức ảnh. Nhưng nụ cười và thần thái
thì giống nhau như đúc. Nàng bẽn lẽn như đứa trẻ, đợi câu khen ngợi của
Hàn Đinh. Nàng nói: - Anh về rồi à? Anh thấy thế nào? Tất cả do em tự
bày biện đấy. Anh thấy đẹp không?
Hàn Đinh không trả lời. Con tim anh chợt buồn. Xa xót khôn tả. Bởi cảm giác mà thời khắc này cho anh là hạnh phúc. Tiếc thay, niềm hạnh phúc ấy đã đến muộn. Anh biết, chẳng
bao lâu nữa, rồi mọi thứ sẽ thay đổi một cách triệt để. Không kiềm chế
được. Mắt anh rưng rưng. La Tinh Tinh hoảng quá. Nàng bần thần trèo
xuống ghế, hỏi anh: “Sao thế anh? Anh thấy không đẹp à?” Hàn Đinh lắc
đầu. Anh muốn nói đẹp, đẹp lắm! Nhưng bao đau đớn, chua xót trong tim
lại trào lên, làm tắc ứ cổ họng. Mọi niềm vui, mọi lời khen ngợi, mọi
niềm xúc động đều bị nghẽn lại ở đó, không phát ra lời. Anh lấy tay vuốt mặt. Muốn nhân đấy để lau đi dòng nước mắt. Động tác vuốt mặt ấy giống
như động tác “biến mặt” trong nghệ thuật sân khấu dân gian Tứ Xuyên. Lúc tay anh buông xuống, khuôn mặt ấy đã lấp đầy nụ cười gượng gạo. Miệng
anh cũng đồng thời phát ra ngữ điệu nghe tưởng như nhẹ nhõm, khoái hoạt. Anh nói thật to: “Đẹp chứ. Thế này mới giống... là nhà của chúng mình!”