Bên cạnh tường bao quanh đài phát thanh, cách chỗ phòng bảo vệ không xa lắm, có một dãy lều lụp xụp đắp điếm bằng những mảnh kim loại, giấy dầu và túi nilon. Những người đàn bà ở đó sống bằng nghề nhặt rác đem bán. Tôi thường tự hỏi không biết họ từ đâu tới, điều gì đã đưa họ đến với nhau, và kết cục của họ ở đó rồi sẽ ra sao. Dù sao, họ cũng khá khôn ngoan khi chọn một địa điểm an toàn cho những căn lều của mình, cận kề với những người lính gác ở phía bên kia bức tường.
Trong dãy lều thưa thớt đó có cái lều bé nhất nổi bật hẳn lên. Vật liệu của nó không có gì khác, nhưng được nó được sắp xếp khá cẩn thận. Những bức vách bằng mảnh kim loại được sơn màu ráng chiều rực rỡ, và giấy dầu được cuộn lại trông giống như cái tháp nhỏ trên lâu đài. Có ba cái cửa sổ nhỏ làm bằng túi nilon đỏ, vàng và xanh lam, còn cửa ra vào làm bằng các tông nhiều màu xen lẫn những tấm nhựa, che gió chắn mưa khá tốt. Tôi thấy xúc động trước sự cẩn thận và tỉ mẩn rõ rệt trong việc dựng lên chiếc lều mỏng manh này, và chợt nhận ra hình ảnh mấy chiếc chuông gió làm từ những mảnh thủy tinh vỡ nhẹ nhàng va vào nhau leng keng trên cái cửa thật hết sức thương tâm.
Chủ nhân lâu đài phế liệu này là một người đàn bà gầy guộc yếu đuối, đã ngoài năm mươi. Không chỉ cái lều của bà độc nhất vô nhị; ngay cả bà cũng khác hẳn những người đàn bà nhặt rác khác về ngoại hình. Hầu hết bọn họ đều đầu tóc bù xù, mặt mũi nhem nhuốc và rách rưới thảm hại, nhưng người đàn bà này luôn giữ cho mình gọn gàng, và những bộ quần áo sờn cũ của bà được giữ gìn tuyệt đối sạch sẽ và vá rất khéo. Nếu không có chiếc túi bà mang theo để thu gom phế thải, người ta sẽ không hình dung nổi bà là một người nhặt rác. Có vẻ như người đàn bà này sống khá khép mình.
Khi tôi kể với các đồng nghiệp về điều tôi quan sát được ở người đàn bà nhặt rác đó, thì tất cả họ, không muốn tôi cảm thấy mình là người duy nhất, người nọ nối tiếp người kia bèn nói rằng họ cũng đã chú ý đến bà ta. Có người thậm chí còn bảo tôi rằng mấy phụ nữ nhặt rác đó chính là thính giả nhiệt thành của chương trình của tôi. Tôi không rõ liệu có phải họ đang giễu cợt mình hay không nữa.
Đứng ngoài cuộc, Lý Đại, phóng viên mảng xã hội, gõ bút lên mặt bàn đánh cộp, dấu hiệu cho thấy ông sắp sửa thuyết giảng cho các đồng nghiệp trẻ một bài.
“Các cô các cậu chẳng nên thương xót những bà nhặt rác đó làm gì. Họ chẳng nghèo đâu. Linh hồn của họ siêu thoát khỏi thế giới trần tục này theo cách mà người bình thường không hình dung nổi. Cuộc đời họ không có chỗ nào dành cho sở hữu vật chất, nên ham muốn vật chất của họ rất dễ thỏa mãn. Mà nếu các cô các cậu lấy tiền làm tiêu chuẩn đánh giá, rồi các cô các cậu sẽ nhận ra rằng một vài người trong số họ chẳng nghèo khổ hơn những người làm nghề khác chút nào đâu”.
Ông bảo chúng tôi rằng ông từng thấy một bà nhặt rác trong hộp đêm cao cấp, đeo trang sức khắp người và uống rượu brandy Pháp giá một trăm tệ một ly.
“Thật vớ vẩn!” Mạnh Tinh, làm chương trình âm nhạc, phản bác lại. Với cô, riêng sự khác biệt thế hệ đã có nghĩa là cô không bao giờ tin bất kỳ điều gì Lý Đại nói rồi.
Vốn là người thận trọng nhất, không ngờ Lý Đại lại hăng máu lên đòi cá cược với Mạnh Tinh. Cánh nhà báo thích khuấy tung mọi thứ lên, nên những người khác đều hăng hái hùa vào gợi ý nên đặt cược bao nhiêu tiền. Và rồi họ quyết định cá một chiếc xe đạp.
Để thực hiện vụ cá cược, Lý Đại nói dối vợ rằng ông sắp phải làm một số bản tin tối, còn Mạnh Tinh bảo bạn trai là cô phải đi ra ngoài tìm hiểu về âm nhạc đương đại. Trong vài ngày sau đó, tối nào hai người cũng tới chỗ hộp đêm mà Lý Đại tuyên bố là người nhặt rác nọ thường lui tới.
Mạnh Tinh thua. Nhấm nháp whisky, người nhặt rác kể với Mạnh Tinh rằng thu nhập của bà ta từ việc bán đồ phế thải là 900 tệ mỗi tháng. Lý Đại kể Mạnh Tinh bị sốc mất mấy tiếng liền. Mạnh Tinh kiếm được khoảng 400 tệ một tháng, và cô được xem là một trong những nhân viên được ưu ái ở cấp bậc của cô. Kể từ đó, Mạnh Tinh không còn cầu kỳ về giá trị thẩm mỹ của nghề nghiệp nữa; miễn là có thể kiếm tiền, cô ta chấp nhận bất kể việc gì. Mọi người trong phòng nói rằng vụ thua cược cái xe đạp đã dẫn đến cung cách thực dụng kiểu mới đó.
Dù có để ý đến người đàn bà ngăn nắp sống trong lâu đài phế liệu đó, song tôi cũng chẳng chú ý nhiều lắm tới cách sống của những người nhặt rác. Thật lòng, trong tôi có phần nào đó xa lánh họ. Tuy nhiên, sau vụ của Mạnh Tinh, mỗi lần nhìn thấy người ta nhặt rác tôi lại cố đoán xem liệu thực ra họ có phải là người lắm tiền nhiều của hay không. Biết đâu lều của những người phụ nữ nhặt rác chỉ là nơi làm việc của họ, còn nhà của họ lại là những căn hộ cực kỳ hiện đại.
Chính chuyện cô bạn đồng nghiệp Tiểu Dao của tôi có thai đã thúc đẩy tôi tìm hiểu về người phụ nữ nhặt rác đó. Ngay khi Tiểu Dao biết mình có thai, cô ta bắt đầu đi tìm người trông trẻ. Tôi có thể hiểu tại sao cô lại bắt đầu tìm kiếm trước khi sinh chín tháng: tìm được ai đó đáng tin cậy để chăm sóc đứa bé và làm việc nhà không phải là việc dễ dàng.
Người trông trẻ của tôi là một cô bé mười chín tuổi ở quê ra, tử tế, trung thực, siêng năng, cô bé một thân một mình chạy ra thành phố để trốn một cuộc hôn nhân bị ép buộc. Cô bé cũng có chút tư chất, nhưng chưa bao giờ được giáo dục. Điều này khiến cuộc sống của cô bé gặp vô số trở ngại: cô bé không phân biệt được tờ tiền này với tờ tiền khác hoặc hiểu được tín hiệu đèn giao thông. Ở nhà, cô bé có thể òa khóc nức nở bởi vì không thể nhấc cái nắp nồi cơm điện ra, hay nhầm trứng muối cao cấp với trứng thối và vứt vào thùng rác. Một lần, cô bé chỉ vào một cái thùng rác nhỏ bên vệ đường, bảo tôi vẻ hoàn toàn nghiêm túc rằng cô đã bỏ thư từ của tôi vào "thùng thư" đó. Hàng ngày tôi đều phải để lại những lời hướng dẫn cẩn thận về những việc cô bé nên và không nên làm, và gọi điện đều đặn về nhà kiểm tra xem mọi thứ có ổn không. May thay, không có gì khủng khiếp xảy ra, đồng thời cô bé và Phan Phan cũng rất quấn nhau. Tuy nhiên, có một lần, tôi không thể ngăn nổi cơn giận. Đó là vào mùa đông, hôm ấy tôi đi làm về sau khi thực hiện chương trình và thấy Phan Phan, lúc đó mới mười tám tháng, đang ngồi trên cầu thang lên tầng năm, chỉ mặc độc một bộ quần áo ngủ mỏng. Nó bị lạnh bởi cái rét cắt thịt đến mức chỉ có thể khóc một cách yếu ớt. Tôi hớt hải chạy đến bế con lên và đánh thức cô bé trông trẻ đang ngủ say, tự sỉ vả bản thân vì không thể dành thời gian hay sự chăm sóc của người mẹ cho con mình.
Tôi không bao giờ bàn luận với các đồng nghiệp về những khó khăn trong việc chăm sóc con cái, nhưng tôi đã nghe rất nhiều chuyện khủng khiếp từ những người khác. Trên báo đầy rẫy những chuyện như vậy. Những cô giúp việc bất cẩn để trẻ con ngã từ bậu cửa sổ tầng bốn xuống mà chết; những người khác, ngu dốt và đần độn, để trẻ con vào máy giặt để tắm rửa, hay nhốt chúng vào tủ lạnh trong khi chơi trốn tìm. Còn có những trường hợp trẻ con bị bắt cóc đòi tiền chuộc, hoặc bị đánh đập.
Ít cặp vợ chồng nào sẵn sàng nhờ bố mẹ mình chăm sóc lũ trẻ, vì như vậy họ sẽ phải sống chung dưới một mái nhà. Hầu hết bọn họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống khó khăn hơn một chút để tránh cặp mắt soi mói của người già. Các bà mẹ chồng Trung Quốc, đặc biệt là những người truyền thống hoặc ít học, nổi tiếng là hay hành hạ con dâu, bởi chính họ đã từng phải co rúm lại trước mẹ chồng của họ ngày xưa. Mặt khác, người phụ nữ bỏ việc để dành thời gian chăm sóc con cái là một chuyện không thể thực hiện được, bởi vì gần như không thể chi tiêu cho cả gia đình chỉ bằng đồng lương trung bình của một người. Mà những ông chồng ở nhà làm nội trợ là điều chưa có ai nghe thấy bao giờ.
Nghe Tiểu Dao khẩn nài giúp tìm một người trông trẻ đáng tin, sống tình cảm và lương thấp, ông Trần đùa cợt đáp lại, “Có nhiều bà nhặt rác quanh đây đấy, sao cô không đề nghị một trong số những người nghèo khổ làm cho cô? Cô sẽ không phải lo chuyện họ bỏ việc, và cũng không cần phải trả cho họ nhiều tiền nữa.”
Người ta bảo rằng đàn ông nhìn xa, đàn bà nhìn kỹ. Giống như mọi điều khái quát, tôi chưa từng tin điều đó là thật, nhưng câu nhận xét bâng quơ của ông Trần khiến tôi kinh ngạc trước cái kiểu cái khó ló cái khôn đôi khi vẫn thấy ở đàn ông. Không chỉ mình tôi thấy thế. Vài đồng nghiệp nữ cũng buột mồm thốt lên thích thú: “Đúng! Sao chúng ta không nghĩ ra từ trước nhỉ?”
Câu nói nổi tiếng của Mao Chủ Tịch: Một tia lửa cũng có thể làm bùng lên cả biển lửa, được khẳng định nhanh chóng. Chọn một người nhặt rác làm trông trẻ trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của đám đồng nghiệp nữ ở cơ quan tôi suốt mấy ngày. Vì các con của họ chênh tuổi nhau, họ nghĩ có thể tìm được ai đó để có thể thuê luân phiên. Họ lập nên cả một kế hoạch chi tiết giám sát và đánh giá bà ta, và đề ra cả các quy tắc nữa.
Ngay sau đó, tôi được đề nghị tham gia “buổi họp mặt của chị em” trong một phòng họp nhỏ cạnh nhà vệ sinh nữ. Tôi vừa ngồi xuống và nhấp nhổm hỏi liệu họ có gọi nhầm người không, thì họ đã tuyên bố nhất trí cử tôi là người đại diện để chọn ra một người trông trẻ trong đám các bà nhặt rác sống cạnh đài phát thanh. Với kiểu quân phiệt không cho phép tranh cãi, họ tuôn ra một loạt các tiêu chuẩn đã khiến họ cử tôi làm đại diện. Đây là lần đầu tiên các nữ đồng nghiệp tỏ ra tán thưởng tôi. Họ bảo rằng trông tôi thành thật, có cách ứng xử dễ được cảm tình và hiểu lẽ sống, rằng tôi chín chắn, và cẩn thận. Mặc dù ngờ họ có những động cơ đằng sau, tôi vẫn bị sự tâng bốc ấy làm cho mềm lòng.
Vài ngày sau, tôi bắt đầu kiếm cớ đi ra chỗ dãy lều của những người phụ nữ nhặt rác. Nhưng kết quả tôi quan sát được thật đáng thất vọng: nhìn những người đàn bà mọc rễ quanh đó nhặt tìm những đồ phế thải có thể tận dụng được, thật khó lòng hình dung họ như những người cẩn thận, hiểu lý lẽ, nói gì đến chuyện mời họ về nhà. Họ chùi nước mũi bằng bất cứ thứ gì trong tầm với, những ai có con thì quắp con dưới nách để hai bàn tay rảnh rang nhặt rác. Chỉ với một mẩu giấy che chắn, họ tiểu tiện ngay bên vệ đường.
Người đàn bà nhặt rác duy nhất đáng xem xét chính là chủ nhân của cái lâu đài phế liệu kia. Trong những hoạt động thường nhật, bà ta dường như cũng thể hiện sự ân cần, sạch sẽ và nhân hậu. Sau vài lần khởi đầu sai cách, tôi thu hết can đảm chặn bà ta trên đường về căn lều.
“Chào bà! Tôi tên là Hân Nhiên, tôi làm việc trong đài phát thanh. Xin lỗi, tôi có thể nói chuyện với bà được không?”
“Chào cô! Tôi biết cô. Cô là người dẫn chương trình Khinh Phong Dạ Thoại. Tối nào tôi cũng nghe chương trình của cô. Tôi giúp gì cho cô được nhỉ?”
“Chuyện là thế này...” tôi, người dẫn chương trình có thể nói không ngừng nghỉ trước micro, đột nhiên lại ăn nói chẳng ra đâu vào đâu đến mức hầu như không theo kịp những lời lảm nhảm của mình.
Bà nhặt rác nhanh chóng nắm bắt được ý định của tôi. Bà ta trả lời điềm đạm, nhưng dứt khoát. “Cô làm ơn gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp của cô hộ tôi vì ý định tốt đẹp của họ, nhưng tôi khó mà nhận lời đề nghị hào hiệp ấy. Tôi thích được sống một cuộc sống không bị ràng buộc.” Chỉ với một câu nói điềm tĩnh, bà ta đã quét sạch mọi khả năng thuyết phục mà các đồng nghiệp đã nhận thấy ở tôi.
Khi tôi thuật lại với các đồng nghiệp, họ không tin nổi vào tai mình. “Người dẫn chương trình phát thanh cứng cựa mà không thuyết phục nổi một bà nhặt rác...”
Lúc ấy có muốn tôi cũng chẳng thể làm được gì. Ánh mắt của bà nhặt rác đã chặn mọi lý lẽ lại. Tôi cảm thấy trong nét mặt của bà không chỉ có sự từ chối, nhưng vẫn chưa hiểu nổi là còn có gì khác nữa.
Kể từ đó, việc quan sát lâu đài phế liệu và chủ nhân của nó trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của tôi. Một tối nọ vào tháng thứ hai của mùa thu, cuối cùng tôi cũng có một cơ hội khác tiến lại gần túp lều nhỏ đó. Sau khi kết thúc chương trình, tôi đi bộ qua dãy lều của những người nhặt rác như thường lệ. Lúc tôi đi qua tòa lâu đài phế liệu, một giọng hát khe khẽ vẳng ra - đó là một bài dân ca Nga “Thảo Nguyên”. Tôi hết sức tò mò. Sau Cách Mạng Văn hóa, Trung Quốc đã có chiến tranh lạnh với Nga, vì thế không nhiều người biết bài hát này; và số người hát được nó còn ít hơn. Mẹ tôi học tiếng Nga ở trường đại học và dạy tôi bài hát này. Làm sao một bà nhặt rác lại biết nó nhỉ?
Tôi ghé lại gần lâu đài phế liệu đó. Tiếng hát đột nhiên ngừng bặt, và cái cửa sổ được thiết kế đặc biệt khẽ mở ra. Người đàn bà nhặt rác, mặc chiếc váy ngủ tự khâu, hỏi, “Gì thế? Cô cần gì à?”
“Tôi... tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nghe bà hát, bà hát hay lắm!”
“Thật hả? Cô thích bài hát đó hả, Hân Nhiên?”
“Có, có chứ! Tôi thích lắm. Tôi thích cả ca từ lẫn giai điệu, đặc biệt là vào buổi đêm khuya. Nó như một bức tranh hoàn hảo vậy.”
“Cô hát được chứ?”
“Một chút thôi, không hay lắm. Có vẻ tôi không thể nắm bắt được hương vị của nó.”
“Mấy người trong đài phát thanh các cô thật buồn cười. Các cô làm từ ngữ sống dậy, nhưng lại không thể hát. Thế hương vị của bài hát này là gì vậy? Ngọt ngào? Gay gắt? Đắng chát?”
“Xin lỗi, nhưng tôi phải xưng hô với bà như thế nào nhỉ?”
“Tất cả các cô vẫn gọi chúng tôi là bà nhặt rác đó thôi, phải vậy không? Tôi nghĩ đó là cách hay để gọi chúng tôi, thế nên chỉ cần gọi tôi là Người Đàn Bà Nhặt Rác là được. Cách gọi ấy hợp với tôi.”
“Nghe có vẻ không ổn lắm thì phải?”
“Đừng bận tâm, cô Hân Nhiên ạ. Chỉ cần gọi tôi là Người Đàn Bà Nhặt Rác A, B hay C gì đó là được. Không sao. Vậy ra cô đang nghe tôi hát. Cô có muốn gì thêm nữa không?”
“Không, tôi chỉ đi ngang qua trên đường về nhà sau buổi phát thanh thôi. Khi nghe bà hát bài dân ca Nga đó, tôi chỉ nghĩ có gì đó hơi khác thường thôi. Xin lỗi, nhưng tôi có thể hỏi làm cách nào bà biết bài hát đó không?”
“Chồng tôi dạy; ông ấy học ở Nga.”
Người Đàn Bà Nhặt Rác không nói gì thêm, hay mời tôi vào trong cái lâu đài của bà, nhưng tôi không để tâm, vì bài hát Nga đã cho tôi một chiếc chìa khóa nhỏ mở cánh cửa dẫn vào ký ức của bà.
Sau cuộc trò chuyện đêm đó, Người Đàn Bà Nhặt Rác không tỏ ra dấu hiệu thân thiện đặc biệt nào khi thấy tôi nữa. Trong đầu tôi không ngừng ong ong những câu hỏi: Chồng bà ta từng là du học sinh, vậy làm sao bà ta lại trôi giạt đến mức trở thành một người nhặt rác? Lời ăn tiếng nói và cử chỉ của bà ta rất tao nhã - bà ta xuất thân trong một gia đình thế nào? Bà ta đã được học hành tới đâu? Bà ta có con không? Nếu có, chúng ở đâu?
Không lâu sau, khi sắp sang năm mới, tôi có một chuyến công tác viết bài ở Bắc Kinh. Một người bạn ở Đài Phát Thanh Bắc Kinh gợi ý tôi tới thăm Trung Tâm Lufthansa, một trung tâm mua sắm bán các mặt hàng của những nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài. Tôi chú ý đến một hộp sôcôla rượu mùi của Nga. Nó rất đắt, nhưng dù vậy tôi vẫn quyết định mua. Bạn tôi chép miệng trước sự kém hiểu biết của tôi: sôcôla rượu mùi của Thụy Sĩ mới là ngon nhất, đã ai nghe nói tới sôcôla rượu mùi của Nga bao giờ đâu? Nhưng tôi muốn mua cho Người Đàn Bà Nhặt Rác. Tôi cảm thấy một cách chắc chắn rằng ai có thể hát một bài dân ca Nga hay như thế thì sẽ hiểu rõ giá trị của nó.
Khi trở về từ Bắc Kinh, tôi không thể ngăn mình đi thẳng tới lâu đài phế liệu kia trước thay vì về nhà. Trước khi gõ tay lên cánh cửa túp lều của Người Đàn Bà Nhặt Rác, tôi lưỡng lự. Người Trung Quốc có câu, Trên đời này, chẳng có tình yêu vô duyên vô cớ, chẳng hận thù không có nguyên do. Làm sao tôi có thể giải thích được lý do tặng quà cho bà ta, khi tôi không thể giải thích nổi cho chính mình?
Người Đàn Bà Nhặt Rác đón nhận chiếc hộp một cách kính cẩn bằng cả hai tay, lộ vẻ xúc động sâu sắc. Thường ngày vốn bình thản dửng dưng, nhưng lúc đó rõ ràng là bà đã run lên khi nhìn thấy hộp sôcôla. Bà ta bảo tôi rằng chồng bà thích loại sôcôla rượu mùi này lắm - đúng như tôi dự đoán, những người thế hệ đó nghĩ rằng đồ Liên Xô là đồ tốt nhất - và rằng bà đã không nhìn thấy chúng từ hơn ba mươi năm nay rồi.
Nét mặt Người Đàn Bà Nhặt Rác dần lấy lại vẻ điềm đạm, cuối cùng bà hỏi tôi tại sao lại tặng bà một món quà đắt tiền đến thế.
“Bởi vì chúng ta đều là phụ nữ, và tôi muốn nghe câu chuyện của bà,” chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên trước sự chân thành của mình lúc ấy.
“... Thôi được rồi!” Người Đàn Bà Nhặt Rác dường như đã có một quyết định quan trọng. “Nhưng không phải ở đây, không có bức tường nào ở đây cả. Không có ai, nhất là một người đàn bà, muốn để tất cả mọi người nhìn thấy những vết sẹo trên ngực mình cả.”
Chúng tôi đi bộ lên một quả đồi nhỏ trong vườn bách thảo, nơi chỉ có cây cối và tôi có thể nghe thấy câu chuyện của Người Đàn Bà Nhặt Rác.
Câu chuyện của bà thật rời rạc. Bà không nói rõ nguyên nhân hay hệ quả, và tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng bà vẫn chưa sẵn sàng phơi bày hết tất cả những gì bà đã trải qua. Những lời bà kể mới chỉ mở nắp chiếc hộp mà bà tự nhốt mình trong đó, chứ chưa vén tấm mạng lên khỏi mặt bà.
Khi còn trẻ, chồng Người Đàn Bà Nhặt Rác đi học ở Matxcơva ba năm, rồi gia nhập chính trường không lâu sau khi về nước. Đó vừa hay cũng là thời điểm xảy ra những sự kiện khủng khiếp trong cuộc Đại Nhảy Vọt. Được Đảng quan tâm, làm mối, ông đã lấy Người Đàn Bà Nhặt Rác. Khi cả gia đình bà đang vui mừng đón đứa con thứ hai thì chồng bà đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Cuối năm sau, đứa con nhỏ của bà chết vì sốt phát ban. Nỗi đau mất chồng mất con khiến Người Đàn Bà Nhặt Rác không còn can đảm để sống tiếp. Một hôm, bà đem đứa con lớn tới bờ sông Dương Tử để tìm cách tái hợp với chồng và con trong kiếp sau.
Bên bờ sông, khi bà đã sẵn sàng để vĩnh biệt cuộc đời thì đứa con trai ngây thơ hỏi, “Mình đi gặp bố hả mẹ?”
Người Đàn Bà Nhặt Rác choáng váng: làm sao một đứa trẻ năm tuổi lại hiểu thấu điều trong trái tim bà? Bà hỏi con trai mình, “Con nghĩ sao?”
Thằng bé đáp lớn, “Tất nhiên là đi gặp bố rồi! Nhưng con không cầm ô tô đồ chơi đi để khoe bố rồi!”
Bà bật khóc, và không hỏi thêm câu nào nữa. Bà nhận ra rằng thằng bé cảm nhận được nỗi lòng mình. Nó hiểu rằng cha không còn ở trên cùng một thế giới với mẹ con nó nữa, nhưng giống mọi đứa trẻ khác, nó không hiểu rõ về sự khác nhau giữa sự sống và cái chết. Nước mắt làm sống lại tình mẫu tử và ý thức trách nhiệm trong bà. Bà ôm con vào lòng và khóc, để cho nước sông cuốn trôi sự yếu đuối và đem lại cho bà sức mạnh. Sau đó, bà nhặt bức thư tuyệt mệnh lên và dẫn con trai về nhà.
Thằng bé lại hỏi bà, “Thế mình không đi gặp bố nữa hả mẹ?”
Bà đáp, “Bố ở xa quá con ạ, mà con còn quá nhỏ chưa tới đó được. Mẹ sẽ nuôi con khôn lớn, để con có thể lấy được nhiều thứ đẹp hơn, tốt hơn mà mang tới khoe với bố con.”
Sau đó, Người Đàn Bà Nhặt Rác làm mọi việc mà một người mẹ độc thân có thể làm để đem lại cho con trai những thứ tốt đẹp nhất. Bà kể rằng con trai bà đang gặt hái thành công rực rỡ.
Nhưng tại sao con trai bà, giờ hẳn đã lấy vợ và có nghề nghiệp ổn định rồi, lại để cho mẹ mình, người đã vất vả cả đời vì anh ta, phải đi nhặt rác như thế? “Con trai bà giờ ở đâu? Tại sao...?” Tôi ngập ngừng hỏi.
Người Đàn Bà Nhặt Rác không trả lời thẳng vào vấn đề. Bà chỉ bảo không ai có thể diễn tả được trái tim người mẹ. Bà bóng gió một cách dứt khoát rằng tôi đừng gặng hỏi gì thêm nữa.
Năm mới đã qua và Tết Âm Lịch đang tới. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc, nhiều người thường sử dụng nó như một cơ hội để củng cố quan hệ làm ăn của mình. Hàng năm, các viên chức trong giới truyền thông thường thu hoạch khá nhiều trong dịp này. Dù ở cấp bậc nào, họ cũng nhận được hàng đống quà và hàng tá thiệp mời dự các sự kiện tiệc tùng. Mặc dù vào thời điểm đó tôi chỉ là một người dẫn chương trình xoàng xĩnh, không có chút thực quyền, tôi vẫn được những người giàu có và có ảnh hưởng săn đón bởi chương trình của tôi được nhiều người biết đến. Sự quan tâm của họ không phải là một sự công nhận đối với thành quả tôi đạt được, mà là tầm quan trọng của các thính giả. Mọi quan chức ở Trung Quốc đều biết lời nói của cổ nhân từ đời Đường truyền lại: Nước đẩy thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền. Những người bình thường như các thính giả của tôi là nước, và các quan chức là thuyền.
Trong đống thiệp mời sơn son thếp vàng rực rỡ mà tôi nhận được, có một cái từ một người rất thành đạt mới được bổ nhiệm vào hội đồng thành phố. Người ta đồn rằng người đàn ông trẻ này có khả năng làm việc lớn; anh ta có tiềm năng sẽ trở thành một trong số ít những người tiếp tục thăng tiến thành cán bộ nòng cốt cấp tỉnh. Tôi rất muốn biết người đàn ông chỉ nhỉnh hơn tôi vài tuổi này có những phẩm chất đặc biệt gì để có thể vượt qua được cái mê cung chính trị của người Trung Quốc. Tôi quyết định tham gia bữa tiệc của ông ta; tấm thiệp mời ghi rõ là tiệc buffet tự phục vụ theo kiểu Phương Tây, một điều mới mẻ.
Bữa tối được tổ chức tại nhà của chính khách kia, tuy không phải là một dinh thự lớn, nhưng rất ấn tượng. Riêng phòng khách lẽ ra có thể chia thành bốn căn hộ một phòng cho những người độc thân như tôi. Vì tôi tới khá muộn, căn phòng đã tràn ngập tiếng chuyện trò râm ran của đám đông và tiếng ly cốc lanh canh. Bà chủ nhà cẩn thận giới thiệu tôi với vài nhân vật vai vế theo thứ tự đẳng cấp của họ. Một ý nghĩ bất kính lóe lên trong óc tôi: khi những nhân vật vai vế này đi vệ sinh, liệu họ có phải theo trật tự đẳng cấp này không nhỉ? Nếu mà vậy thì chắc những người ở thứ bậc thấp hơn phải nhịn khổ nhịn sở mất.
Bữa tiệc buffet Phương Tây khá sang trọng, và có vẻ đúng kiểu, nếu theo tiêu chuẩn của những bức ảnh tôi thấy trên các tạp chí. Để chứng minh rằng mình đang đối xử với những người phụ nữ trong giới truyền thông một cách đặc biệt, bà chủ nhà nhiệt tình đã diễn một màn biểu thị sự thân thiết, bằng cách gọi mấy nhà báo nữ vào phòng ngủ, và mang ra một hộp sôcôla rượu mùi bà ta dành riêng cho chúng tôi.
Tôi sững người vì ngạc nhiên: hộp sôcôla đó giống hệt với hộp tôi đã tặng cho Người Đàn Bà Nhặt Rác. Nữ chủ nhân mở hộp ra. Trong nắp là lời của bài dân ca Nga “Thảo Nguyên” mà tôi chép tay cho Người Đàn Bà Nhặt Rác như một lời chúc mừng năm mới.
Gia đình quyền lực này và lâu đài phế liệu của Người Đàn Bà Nhặt Rác cách nhau xa một trời một vực. Tại sao hộp sôcôla lại lưu lạc tới đây? Đầu tôi ong lên với những câu hỏi, nhịp tim cũng tăng lên. Tôi chẳng muốn ở lại bữa tiệc thêm chút nào nữa, nên nhanh chóng cáo lỗi rồi chạy ngay đến lâu đài phế liệu, chạy như một người đàn bà điên.
Người Đàn Bà Nhặt Rác không có ở đó. Tôi chờ một lúc lâu cho đến khi bà ta trở về lúc đêm khuya. Vừa mới nhìn thấy tôi, bà liền vui vẻ reo lên, “Năm mới Tết Âm Lịch là mùa bận rộn của những người nhặt rác chúng tôi. Có rất nhiều thức ăn còn nguyên cả bao bì, và những vật dụng hữu ích bị người ta bỏ đi trong tất cả thùng rác lớn nhỏ. Thành thật mà nói, thời buổi này... Người ta đã quên mất cái thời khó khăn rồi.”
Tôi không kìm nén thêm được nữa, ngắt lời bà ta hỏi thẳng thừng, “Tại sao tôi lại vừa thấy hộp sôcôla tôi tặng bà trong nhà một chính khách đang lên? Có kẻ nào đã đánh cắp nó sao? Chuyện này là thế nào?”
Người Đàn Bà Nhặt Rác nghe trong câu hỏi với vẻ mặt phức tạp. Rõ ràng là bà đang run lên, nhưng với một nỗ lực lớn bà đã kìm nén được mà đáp, “Chúng ta có thể thu xếp một buổi gặp sau Tết và tôi sẽ kể cho cô nghe.”
Sau đó, bà đóng cửa và không để ý đến tôi nữa. Tôi đứng như trời trồng ở đó. Chiếc chuông gió kêu leng keng trong ngọn gió lạnh buốt cuối cùng cũng đánh thức tôi khỏi trạng thái ngơ ngẩn, và tôi trở về nhà.
Tết Âm Lịch dường như kéo dài vô tận. Tôi cảm thấy vô cùng áy náy, sống một mình trong căn lều mỏng manh bị mưa gió dập vùi, không bạn bè, không người thân, Người Đàn Bà Nhặt Rác hẳn là còn lâu mới muốn mang thêm gánh nặng những câu hỏi thiếu tế nhị của tôi. Tôi nghĩ đến chuyện tới thăm bà, nhưng tôi biết rằng bà đã quyết định dứt khoát: Sẽ phải sau Tết Âm Lịch.
Vào ngày đi làm đầu tiên sau đợt nghỉ Tết, tôi vội vàng đến văn phòng từ rất sớm. Khi đi qua lâu đài phế liệu, tôi nhìn thấy cửa đã khóa móc. Người Đàn Bà Nhặt Rác cũng luôn rời nhà từ rất sớm. Điều này không có gì lạ: ai muốn ngủ muộn trong cái lều bé tin hin chẳng chống được nóng cũng chẳng che được lạnh này? Ở cổng đài phát thanh, người gác cổng oang oang gọi tôi lại để thông báo có người nào đó gửi lại cho tôi một bức thư từ hôm trước. Nhiều thính giả thường chịu khó đích thân mang thư tới. Có vẻ như họ nghĩ rằng làm vậy sẽ an toàn hơn, và có nhiều khả năng được tôi chú ý đến hơn. Tôi cảm ơn người gác cổng, nhưng không chú ý đặc biệt gì đến lá thư, mà bỏ luôn vào chiếc khay đựng công văn của tôi khi đi ngang qua.
Ngày hôm đó tôi lẻn ra ngoài ba, bốn lần để ra chỗ lâu đài phế liệu, nhưng cửa vẫn khóa và vẫn không thấy Người Đàn Bà Nhặt Rác đâu cả. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi cáu vì bà ta không giữ lời, nhưng quyết định sẽ đợi bà đến cùng. Tôi muốn xin lỗi, và xí xóa vụ hộp sôcôla lần trước. Tôi quyết định ở lại văn phòng đến ca cuối để đọc thư.
Khoảng tám giờ hai mươi tối đó, tôi lại ra ngoài lần nữa, nhưng cửa lâu đài phế liệu vẫn khóa. Tôi tự hỏi tại sao bà ta vẫn chưa về. Phải chăng bà nhặt được rất nhiều đồ? Trở về phòng làm việc, tôi tiếp tục đọc thư. Lá thư tiếp theo được viết bằng nét chữ bay bướm, rất đẹp. Người viết hẳn là một phụ nữ có học vấn cao, một người đã được giáo dục rất tốt. Tôi đờ người ra khi đọc những dòng này:
Hân Nhiên thân mến!
Cảm ơn cô. Cảm ơn chương trình của cô - tôi vẫn nghe hàng ngày. Cảm ơn vì lòng chân thành của cô - bao năm rồi tôi mới có một người bạn. Cảm ơn vì hộp sôcôla rượu mùi của Nga - nó làm tôi nhớ ra rằng tôi là người đàn bà đã từng có một người chồng.
Tôi đã tặng cho con trai chúng tôi hộp sôcôla đó. Tôi nghĩ nó sẽ thích hộp sôcôla đó như cha nó trước kia.
Sống với mẹ là chuyện rất khó khăn với một đứa con trai, và cũng rất khó khăn đối với vợ nó. Tôi không muốn phá hoại cuộc sống của con trai tôi, hay khiến nó chịu khổ sở khi phải cố giữ cân bằng giữa vợ và mẹ. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mình không thể nào lẩn tránh được bản tính đàn bà của mình và những thói quen chung thân của một bà mẹ. Tôi sống như thế này để được gần con trai tôi, để được nhìn thấy nó dù thoáng qua khi nó đi làm mỗi sáng sớm, xin đừng nói cho nó biết điều đó. Nó vẫn nghĩ rằng tôi đã chuyển về sống ở vùng nông thôn trong suốt thời gian rồi.
Hân Nhiên, tôi xin lỗi; nhưng tôi phải đi rồi. Tôi là một giáo viên dạy ngoại ngữ, và tôi nên trở lại nông thôn để dạy dỗ được nhiều trẻ em hơn nữa. Như cô từng nói trong chương trình của mình ấy, người già cần có một không gian riêng để dệt nên tuổi già đẹp đẽ cho chính mình.
Xin hãy bỏ quá cho tôi vì đã đối xử lạnh lùng với cô. Tôi đã dành hết tất cả sự ấm áp cho con trai tôi rồi, cha nó tiếp tục sống trong nó.
Chúc cô một năm mới hạnh phúc và an bình.
Người Đàn Bà Nhặt Rác
Lều Rác
Tôi có thể hiểu tại sao Người Đàn Bà Nhặt Rác lại ra đi. Bà ta đã để cho tôi nhìn thấu tâm can mình và sự hổ thẹn không để bà đối mặt với tôi lần nữa. Tôi cảm thấy ân hận vì đã buộc bà ra đi khỏi cái thế giới được tạo dựng công phu của bà, đồng thời cũng thấy tiếc cho bà vì bà đã đốt cháy mình để thắp sáng cuộc đời con cái, để rồi cam chịu bị hất sang bên lề. Niềm tin duy nhất của bà chính là tư cách của một người mẹ.
Tôi giữ bí mật cho Người Đàn Bà Nhặt Rác và không bao giờ nói với con trai bà chuyện mẹ anh ta đã dõi theo anh ta từng bước như thế nào. Nhưng tôi cũng không bao giờ tới nhà anh ta lần nữa, vì tôi trân trọng ký ức của Người Đàn Bà Nhặt Rác, người chưa bao giờ bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà đó. Mặc dù trông anh ta có vẻ giàu sang, nhưng mẹ của anh ta mới chính là người giàu có thực sự.