1 Cm Ánh Dương

Quyển 1 - Chương 10: Lý do để kiên cường

Cô mở cửa ra, thấy đèn phòng khách sáng rỡ.

Ti vi đã tắt, khi Kỷ Ức lấy chìa khóa ra mở cửa, bên trong vẫn còn rất ồn ào, nhưng đến khi cô thật sự bước vào thì trong thoáng chốc, tất cả đều trở nên yên lặng. Trong phòng khách đầy những người, người nhà họ Vương, ông nội, chú hai thím hai và cậu em họ, chú ba thím ba… còn có cả hai mẹ con Triệu Tiểu Dĩnh. Tất cả mọi người, với đôi mắt của họ đều đang hướng về phía cô.

Cô đặt cặp sách xuống đi vào bên trong, khi nhìn thấy mẹ của Vương Hành Vũ, cô định mở lời thì bà ta đã lao đến đẩy cô ngã về phía ghế sô pha, định ra tay đánh người.

Kỷ Ức ngã ngồi xuống ghế sô pha, đờ đẫn.

“Sao chị lại có thể đánh cháu như thế?” Thím ba định ngăn bà ta lại nhưng lại bị chú ba giữ chặt lấy tay, “Anh sao thế? Dù có thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn là con cháu nhà họ Kỷ…”

“Không ai được phép can thiệp vào chuyện của nó!”

Người có uy quyền nhất trong nhà họ Kỷ đã mở lời.

Ông nội quay người đi vào phòng làm việc, đóng sầm cánh cửa lại.

Ông đã nói thế thì chẳng ai dám can ngăn nữa.

Nhưng ba của Vương Hành Vũ lại chủ động bước tới ngăn vợ mình lại: “Chuyện đã đến nông nỗi này, em có đánh con bé cũng chẳng có tác dụng!” Mắt của mẹ Vương Hành Vũ sưng húp, bà ta nhìn Kỷ Ức đầy căm ghét: “Con tao đã làm gì mày? Mà mày lại đi gọi một lũ lưu manh đến định đánh chết nó?” Bà ta vừa nói vừa ra sức ném một tờ giấy bị vò nát vào mắt Kỷ Ức, đó là kết quả khám.

Kỷ Ức chầm chậm đứng dậy, chân cô như dính sát vào ghế sô pha phía sau, cô không dám cúi xuống nhặt tờ giấy bị ném rơi xuống đất.

Triệu Tiểu Dĩnh đang ở trong lòng mẹ, rõ ràng trước khi Kỷ Ức về nhà, Tiểu Dĩnh cũng đã bị mắng chửi rồi. Tiểu Dĩnh nhìn Kỷ Ức với sắc mặt trắng bệch, khó khăn lắm cô bé mới thu được hết can đảm để nói nhỏ được thành câu: “Là Vương Hành Vũ định đánh cháu, Kỷ Ức muốn giúp cháu…” Nhưng mẹ của Tiểu Dĩnh lại véo mạnh vào cánh tay cô bé, rồi thấp giọng mắng mỏ: “Đừng có nói năng lung tung! Lũ lưu manh ấy có quan hệ gì với con không? Hả? Sao cái gì con cũng dám nói thế?”

Mắt Triệu Tiểu Dĩnh đỏ hoe, cô bé cắn chặt môi, không dám nói thêm lời nào nữa.

Kỷ Ức vốn tưởng rằng mình vẫn còn có cơ hội để giải thích, nhưng nào ngờ cô lại phải đối mặt với một buổi hỏi cung đơn phương thế này.

Triệu Tiểu Dĩnh có mẹ bảo vệ cho, bố mẹ Vương Hành Vũ đến đòi công bằng cho con trai, thím hai thì lo lắng con trai mình bị sợ hãi nên đưa cậu em họ của Kỷ Ức vào trong phòng làm việc né tránh. Chỉ có một mình Kỷ Ức ngồi trên ghế sô pha, tứ cố vô thân.

Cô muốn nói rõ đầu đuôi sự việc cho rõ ngọn ngành, nhưng chẳng ai cho cô cơ hội ấy.

Ba của Vương Hành Vũ dùng giọng điệu của quân nhân, mắng mỏ Kỷ Ức ngay trước mặt tất cả mọi người. Ông nói rất rõ ràng, Vương Hành Vũ bị đánh rất nghiêm trọng, thậm chí còn phải cấp cứu, suýt nữa đã chết trên bàn mổ. Cho dù bây giờ đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn phải nghỉ học để tĩnh dưỡng, có tham gia thi đại học được hay không vẫn chưa thể chắc chắn.

Ba của Vương Hành Vũ liên tục nhấn mạnh bằng lời lẽ rất đanh thép: “Chuyện này nhất định phải điều tra đến cùng, nhất là đối với thủ phạm gây ra vụ ẩu đả tập thể.”

Ông ta tiếp tục nói về việc phải truy cứu như thế nào, phải bồi thường ra sao. Kỷ Ức nghe thấy rất nhiều rất nhiều, nhưng chỉ nhớ được đúng một con số, bốn trăm nghìn tệ. Giây phút cô nghe thấy con số này thì đầu óc lập tức trống rỗng, cứ như cô bị đẩy đến bên bờ vực thẳm, chân đạp vào không khí. Cô không dám dùng quá nhiều sức, không dám suy nghĩ, không dám nghĩ đến bất cứ một thứ gì.

Kinh nghiệm sống của cô hoàn toàn không đủ để ứng phó với tình cảnh này.

Bất kể đó là những lời mắng chửi của gia đình người bị hại hay một loạt những điều kiện và truy cứu hà khắc, dữ dội này.

Điều duy nhất mà cô có thể làm, chỉ là tiếp tục ngồi nghe. Hai tay để ra phía sau lưng và nỗ lực xoắn chặt lấy nhau, gắng cho đừng bật khóc.

Noãn Noãn đã từng nói, gia cảnh nhà Phó Tiểu Ninh cực kỳ khó khăn, bố mẹ cũng thường xuyên không ở với nhau. Lần này lại chỉ vì cô mà hắn ta bị nhốt trong đồn, thế mà còn phải bồi thường.

Cô vô thức nghiến móng tay vào tay mình, dù người nhà có nói thêm điều gì đi chăng nữa, cô cũng chẳng thể nghe nổi.

Mãi cho tới khi ba mẹ của Vương Hành Vũ đi về, Triệu Tiểu Dĩnh mới lao tới nắm lấy tay cô định nói gì đó. Nhưng chưa kịp nói thành lời thì cô bạn đã bật khóc nức nở. Triệu Tiểu Dĩnh muốn xin lỗi, nhưng lại không có đủ dũng khí để nói trước mặt mẹ mình, nên chỉ nhìn cô mà khóc, cho tới khi bị mẹ kéo đi.

Kỷ Ức nhìn những người họ hàng ngồi trong phòng ăn đầy bàng quan, cô chẳng nói lời nào, trở về phòng.

Cô khóa cửa lại.

Ngay lập tức cô nghe thấy bên ngoài, tiếng thím ba oán trách: “Bốn trăm ngàn tệ đủ để mua một căn nhà ở ngoại ô rồi đấy. Thế mà cũng mở được miệng ra đòi.”

“Có phải tiền của em đâu, em nói nhiều thế làm gì, cẩn thận làm ba nổi giận đấy!” Chú ba nói có vẻ không hài lòng.

“Tôi nói cho thím biết, chuyện này còn rắc rối nhiều. Nhà họ Vương đòi thằng lưu manh ấy bốn trăm ngàn tệ, nhưng lúc nãy họ cũng nói rồi đấy, mấy thằng lưu manh ấy có đứa nào đủ hai mươi tuổi đâu, lấy tiền đâu ra? Đến lúc đó bố mẹ thằng lưu manh ấy lại mò đến đây thôi, thím cứ đợi đấy mà xem. Ấy, xảy ra chuyện lớn thế này mà bố mẹ Tây Tây cũng chẳng về.” Thím hai cũng không nhịn được, “Chúng ta có là gì đâu, năm hết Tết đến mà phải khom lưng cúi đầu suốt cả buổi tối, đúng là đen đủi. Nhanh nhanh mời ba ra ăn cơm thôi, để tôi đi đun nóng đồ ăn.”

“Không về là chuyện bình thường, chị có biết lúc mẹ nó nghe điện thoại đã nói gì không? Ông cụ nghe xong tức điên người?” Thím ba cũng tỏ ra bức xúc, “Xảy ra chuyện lớn thế này mà mẹ nó cũng chẳng thèm nghĩ đến việc về đây xử lý, lại còn nói, ngày xưa khi mới sinh Tây Tây ra, bao nhiêu người đã bảo bát tự của con bé khắc với bố mẹ, quả nhiên không thể tránh được!”

“Là tránh không nổi mới đúng, nó mới có mười sáu tuổi, định rũ bỏ trách nhiệm chắc? Đợi thêm hai năm nữa đi đã!”

“Trông con bé có vẻ ngoan ngoãn, nào ngờ lại qua lại với bọn lưu manh. Thím bảo, người ta vì nó mà dám giết người đốt nhà thật ấy chứ, đáng sợ thật. Nói chung vẫn là lũ trẻ nhà chúng ta ngoan nhất, bình thường có nghịch ngợm nhưng chẳng bao giờ gây ra chuyện cả!” Thím hai tiếp tục cảm thán.



Kỷ Ức bật đèn bàn, lôi một tập đề chưa làm ra bắt đầu giải bài. Trước nay cô chưa từng biết rằng ngày sinh tháng đẻ của mình lại khắc bố mẹ.

Đèn được bật ở nấc sáng nhất.

Cô bắt đầu làm đề trắc nghiệm, từng câu từng câu, chỉ cần tốc độ, không cần chất lượng.

Không biết phải làm sao, và cũng không rõ ngày mai sẽ lại xảy ra chuyện gì.

Rất nhanh sau đó, bên ngoài phòng khách vang lên tiếng ti vi, bữa cơm Tất niên theo thông lệ hằng năm đã bắt đầu. Có tiếng em họ đang kêu đói, chỉ lát sau là mọi người trong nhà bắt đầu ăn cơm. Cô nghe thấy tiếng thím ba bảo cô ra ngoài ăn cơm, nhưng bị ông nội ngăn lại: “Cho nó đói, để mà ăn năn hối lỗi!”



Kỷ Ức cúi đầu, tiếp tục đọc đề.

Những giọt nước mắt cố gắng nhẫn nhịn cả buổi tối giờ đều ứa ra, rơi lộp bộp xuống tờ đề thi.

Cô hoàn toàn không hay biết rằng, có một người đang đứng cách cô một bức tường, từ đầu đến cuối chờ cô vượt qua được trận trách mắng đơn phương này.

Trong hành lang tối đen như mực, Quý Thành Dương đứng ở góc khuất giữa hai tầng, lắng nghe tiếng người nhà họ Vương rời đi.

Anh lôi bao thuốc trong túi ra, rút lấy một điếu, đặt nhẹ lên đầu mũi. Khi nãy anh có thể lờ mờ nghe thấy tiếng cãi nhau, tiếng khóc, có một cô bé đang khóc, nhưng không phải là Kỷ Ức.

Mùi thuốc quen thuộc khiến tâm trạng anh dần dần ổn định, cho tới khi anh hoàn toàn bình tĩnh lại.

Khi nãy trong nhà đó có bao nhiêu người? Người nhà của Kỷ Ức, bố mẹ của cậu bé kia, anh đoán, có lẽ còn có cả cô bạn thân của Kỷ Ức nữa. Đầu đuôi câu chuyện này thực ra rất đơn giản, nói cho cùng cũng chỉ là chuyện của nhà người khác, con trai đánh con gái, có dây dưa đến đâu cũng chẳng thể liên quan được đến tiền bạc và kiện tụng. Thế nhưng đối với Kỷ Ức mà nói thì đây lại là tai bay vạ gió.

Anh quá quen thuộc với quy định của trường Phụ Trung. Cho dù vụ ẩu đả này không phải do cô gây ra, nhưng chỉ cần căn cứ vào việc cô có quan hệ qua lại thân thiết với thanh niên bên ngoài trường, lại còn bị cảnh sát đến tận trường để nói chuyện đã đủ để phía nhà trường xử lý học sinh ưu tú này rồi.

Hơn nữa… đây mới chỉ là việc bên phía nhà trường.

Còn về cậu bé kia…

Quý Thành Dương cảm thấy hơi khó chịu.

Anh bẻ gãy điếu thuốc đặt trên thành cửa sổ, ở đó đã có rất nhiều đầu thuốc bị bẻ gãy, còn có cả những sợi thuốc màu cỏ úa.

Cậu bé kia do bị ẩu đả nên toàn thân sưng phù, cánh tay phải, ống chân trái, xương sườn phải có rất nhiều chỗ gãy, lá gan bị rách, ổ bụng tụ máu… Đứa trẻ này vẫn đang trong quá trình điều trị, Vương Hạo Nhiên còn gọi điện nhờ người hỏi giúp kết quả xét nghiệm, đến bác sĩ còn cảm thán rằng may mà đưa đến bệnh viện kịp thời, nếu không thì hậu quả khó lường.



Quý Thành Dương bỗng nhớ đến hồi mình mới mười mấy tuổi đã từng trông thấy một bạn học sinh chết dưới lưỡi dao của lưu manh ngay trước cổng trường cấp hai. Đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy một sinh mạng đầy sức sống chết trước mặt mình, khi ấy anh cũng vô cùng hoảng sợ.

Mãi một lúc lâu sau, anh mới rút điện thoại trong túi ra, sờ tìm phím số 1 và ấn thật lâu vào đó.

Do vấn đề nghề nghiệp, điện thoại của anh có rất nhiều số điện thoại. Đôi khi anh sợ không tìm thấy số điện thoại của Kỷ Ức, nên mới thiết lập chế độ quay số nhanh. Phím số 1 chính là số điện thoại của cô.

Đầu dây bên kia trả lời rất nhanh chóng.

Anh nghe thấy tiếng Kỷ Ức đáp: “A lô?” Giọng nói của cô rất khẽ, cứ như thể còn đi kèm cả giọng mũi.

“Kết thúc rồi à?” Anh khẽ hỏi.

“Vâng.”

Anh đang định nói tiếp.

Bên ngoài cửa sổ chợt vang lên những tiếng pháo nổ đinh tai nhức óc. Bên trái là tiếng động ngoài cửa sổ, bên phải là giọng nói của Kỷ Ức. Hai người, một người ở trong phòng riêng dưới tầng một, một người đứng ở góc cầu thang giữa tầng một với tầng hai. Bởi vì tiếng pháo quá to, nên cả hai đều yên lặng. Đợi đến khi bốn bề yên ắng, Quý Thành Dương mới hỏi: “Lúc nãy ở trên xe anh nghe thấy Noãn Noãn nói, lát nữa ở quảng trường sẽ bắn pháo hoa hả?”

Cô đáp: “Khoảng hơn mười một giờ sẽ có pháo hoa. Năm nào cũng bắn tầm một tiếng đồng hồ.”

“Anh nhớ trước khi anh ra nước ngoài du học, Bắc Kinh vẫn chưa cấm chơi pháo đâu.” Quý Thành Dương cười, “Lúc nãy Noãn Noãn mới nói cho anh biết, sau khi có lệnh cấm, viện mình năm nào cũng sẽ bắn pháo hoa tại quảng trường.”

Kỷ Ức lại “Vâng” một tiếng.

Cô không muốn nói chuyện lắm.

Thống cực vô ngôn, tiếu cực bất ngữ (Có nghĩa là khi quá đau đớn hay lúc quá vui mừng, tâm trạng đều sẽ khó nói nổi thành lời.

Trước đây mỗi khi hai người gọi điện cho nhau, Kỷ Ức thường sẽ là người nói nhiều hơn một chút, hoặc là dặn dò hoặc là thông báo tình hình đời sống, đôi khi còn xin ý kiến của anh về những vấn đề khiến cô băn khoăn. Cô là một cô bé trưởng thành sớm, nhưng có trưởng thành sớm đến mấy thì cũng không thể là mình đồng da sắt được.

Kinh nghiệm sống của cô mới chỉ có trong trường học.

Quý Thành Dương cố gắng nói chuyện với cô thêm vài câu, khi cảm thấy tâm trạng của cô có vẻ ổn định hơn tưởng tượng rất nhiều thì mới tạm an tâm.

Anh buộc phải về nhà thôi, đây là một vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng nan giải nhất là việc anh sắp phải tiến hành phẫu thuật. Vị trí của khối u não không thuận tiện, dẫn đến việc phẫu thuật sẽ có rủi ro rất lớn. Anh vừa suy nghĩ vừa cân nhắc xem có nên dặn dò Vương Hạo Nhiên bám sát vấn đề để xử lý tình hình không. Anh, đứng trong hành lang tối om, trước mặt cũng toàn một màu đen, bỗng có tâm lý cấp thiết cần phải chuẩn bị lo liệu hậu sự. Anh chỉ sợ lên bàn phẫu thuật rồi không xuống lại được, để lại cô một mình đối mặt với quá nhiều phiền phức.

Cô mới có mười sáu tuổi, vừa mới tròn mười sáu tuổi.

Quý Thành Dương vò nát điếu thuốc cuối cùng trong tay, vo lại thành một nhúm rồi lại ném lên cửa sổ.

Hai người họ chưa nói tiếp được mấy câu thì đợt pháo hoa mừng năm mới thứ hai đã lại nổ tưng bừng.

“Có pháo hoa rồi!” Kỷ Ức lớn tiếng nói cho anh biết, trong tiếng pháo hoa nổ ồn ào bên ngoài cửa sổ, “Bên phía quảng trường bắt đầu bắn pháo hoa rồi!”

Quý Thành Dương bật cười: “Chúc mừng năm mới nhé Tây Tây.”

“Chúc mừng năm mới.”

“Tối ngủ thật ngon nhé, một năm mới đã bắt đầu rồi.”

“Vâng.”

“Tạm biệt.”

“Tạm biệt.”

Kỷ Ức cúp máy, nhìn thời gian cuộc gọi ‘chín phút hai mươi mốt giây’.

Sau này Noãn Noãn mới kể lại, tối hôm ấy khi Quý Thành Dương trở về nhà, mọi người trong gia đình đều đã ăn xong bữa tất niên. Ông nội của Noãn Noãn được con trai thứ đón về ăn giao thừa xong lẽ ra sẽ phải tham gia hoạt động khác. Nhưng Quý Thành Dương bất ngờ về nhà và chủ động muốn được nói chuyện với ông nội của Noãn Noãn. Ông cụ rất kinh ngạc nhưng vẫn đi theo anh vào trong phòng làm việc.

Còn việc hai người nói chuyện gì trong phòng thì không một ai biết. Kể cả những người nhà họ Quý ở bên ngoài cũng vậy.

Đêm giao thừa ấy, Kỷ Ức mơ đến một số chuyện đã qua.

Trong giấc mơ, cô cứ không ngừng khóc, có người đi tới hỏi có chuyện gì, có phải bị lạc không, nhà cô ở đâu. Cô chỉ ra sau lưng, thực ra cánh cửa sổ này chính là của nhà cô. Người đó lại nói thêm gì đó nhưng không khuyên được cô. Mãi cho tới khi có một cậu thiếu niên đi tới đưa cho cô một cái chai nhựa nhỏ màu hồng. Hình dáng của cái chai rất đáng yêu, miệng chai được bọc bằng giấy bạc, chỉ cần xé ra là có thể mở được, trên thân chai có viết chữ “Hỷ Lạc”.

Cô bừng tỉnh, nhận ra đó chính là tình cảnh khi cô gặp Quý Thành Dương lần đầu tiên.

Tai bay vạ gió lần này ùa tới mạnh mẽ như một cơn lốc, sau khi đã gào thét điên cuồng và cuốn bay nhà cửa cây cối, thì sáng hôm sau lại biến mất tăm không còn dấu vết, chỉ để lại một bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Nghe nói, việc thuyên chuyển công tác của ba Vương Hành Vũ gặp phải trở ngại, nên đầu năm mới phải đến chúc Tết ông cụ Quý vốn chẳng mấy khi ở chơi nhà con trai cả. Hôm ấy họ nói cười vui vẻ và đều cho rằng việc trẻ con tranh cãi nhau không phải là chuyện gì quá to tát, can qua hóa thành ngọc lụa, khó khăn trong việc thuyên chuyển công tác cũng qua đó mà được giải quyết dễ dàng.

Còn về việc đúng sai thì chẳng ai muốn nhiều lời bàn luận.

Mười năm sau, khi cô đến phỏng vấn một phạm nhân vị thành niên mười bảy tuổi ở nhà tù và lắng nghe tình tiết vụ án ly kỳ ấy, cô bỗng nghĩ rằng, nếu như mùa xuân năm 2002 không có sự can thiệp của Quý Thành Dương, thì chắc Phó Tiểu Ninh cũng sẽ lâm vào tình cảnh như thế này: Ngồi trên ghế, một mặt nói những lời linh tinh chẳng có logic, một mặt liên tục nhìn ra bầu trời xanh bên ngoài do mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Mùng Năm Tết, tất cả học sinh lớp Mười hai phải quay lại trường học bù.

Bởi vì đây đã là học kỳ hai của lớp Mười hai, nên trường Phụ Trung dĩ nhiên yêu cầu toàn bộ học sinh phải học nội trú để có thể chuyên tâm học hành. Sáng mùng Bốn, mẹ Noãn Noãn đích thân đưa Noãn Noãn và Kỷ Ức đến trường, khi xe dừng lại trước cổng trường, bà bảo Noãn Noãn dẫn chú lái xe mang giúp hành lý của họ đưa đến kí túc xá, còn Kỷ Ức ngồi lại trên xe với mình. Lúc đầu Noãn Noãn không đồng ý, nhưng khi thấy mẹ rất nghiêm túc thì đành phải đi trước.

Khi cửa xe đóng lại, Kỷ Ức quay sang nhìn mẹ Noãn Noãn.

“Tây Tây, cháu đừng căng thẳng.” Mẹ của Noãn Noãn an ủi cô, “Ông nội Noãn Noãn bảo dì nói chuyện với cháu, vừa hay dì cũng đang có ý định này.”

Kỷ Ức gật đầu, cô không đoán được nội dung nói chuyện giữa họ.

Mẹ Noãn Noãn bắt đầu kể chuyện về ông bà nội của Kỷ Ức, khiến cô không khỏi bất ngờ. Bà nội của Kỷ Ức là con dâu nuôi từ nhỏ, không được học hành, từ khi còn bé đã được gửi đến nhà họ Kỷ. Ông nội Kỷ Ức rời nhà lên Bắc Kinh đi học, bà nội Kỷ Ức ở lại một ngôi làng nhỏ tại Quảng Tây. Sau giải phóng, bà nội Kỷ Ức rời bỏ Quảng Tây để đến Bắc Kinh, cuối cùng đến năm bốn mươi tuổi mới có được một người con trai, nhưng do hai vợ chồng có trình độ văn hóa quá khác biệt nên đã ly hôn. Ông nội Kỷ Ức cưới vợ hai và đẻ thêm hai người con trai nữa.

Năm ấy khi họ ly hôn, có người vì ý kiến chính trị đối lập với ông nội Kỷ Ức nên bày mưu cho bà nội cô, để bà tới gây sự cãi lộn ầm ĩ. Cứ ngỡ rằng làm vậy có thể thay đổi được kết quả, nào ngờ cuối cùng họ vẫn phải chia tay. Thời ấy có không ít gia đình ly hôn, nhưng chỉ có nhà họ Kỷ là ồn ào nhất.

“Do đó quan hệ cha con giữa ông nội và cha cháu rất tệ.” Mẹ của Kỷ Ức nói giảm nói tránh, “Cha cháu là người duy nhất trong nhà không làm trong quân đội. Lúc bấy giờ, nếu không vào quân đội thì chỉ có thể về quê thôi. Cha cháu vì thế mới quen mẹ cháu ở Đông Bắc, họ đã phải trải qua rất nhiều khổ sở. Đến khi hai người quay về đây thì bà nội cháu lại qua đời vì bệnh tật, cha cháu cũng vì chuyện này mà đã to tiếng với ông nội cháu rất nhiều lần.”

Cha của Kỷ Ức hận ông nội vì bỏ vợ bỏ con. Ông nội Kỷ Ức cũng hận con trai bất hiếu, không biết ông đã viết giấy đoạn tuyệt quan hệ cha con bao nhiêu lần. Những việc này được mọi người giấu kín, gần đây ông nội Quý mới kể cho mẹ của Noãn Noãn nghe.

“Thế nên, Tây Tây à, nếu như ông nội không gần gũi với cháu thì cũng không phải là lỗi của cháu.” Mẹ của Noãn Noãn nói tiếp, “Lẽ ra những lời này không nên do dì nói ra. Nhưng dì và ông nội Noãn Noãn, cũng như chú út đều đã ở bên cạnh nhìn cháu lớn lên, cháu lại ngoan ngoãn nghe lời thế này, mọi người đều không muốn cháu bị tổn thương chỉ vì không biết rõ mọi chuyện. Mười sáu tuổi đã là con gái lớn rồi, hiểu rõ chuyện vẫn hơn là bị giấu diếm, có phải không?”

“Vâng ạ.”

“Ông nội cháu cũng già rồi, các chú thím và cháu nội đều thường xuyên ở bên cạnh nên tình cảm rất sâu sắc, những gì họ nói ông cháu đều rất tin tưởng. Cháu cũng đừng trách ông cụ, dù sao ông cũng đã già rồi, chỉ có thể hy vọng vào con cái ở bên phụng dưỡng, còn những đứa con bất hiếu thì cứ coi như chưa từng sinh ra, đó cũng là chuyện thường tình.”

Nhà họ Kỷ con cháu mãn đường, con trai thứ hai và thứ ba đều rất hiếu thuận, chăm sóc ông cụ tận tình chu đáo, là những đứa con ngoan. Dĩ nhiên những lời nói vu vơ không căn cứ thoảng qua bên tai của những người con ngoan đó sẽ khiến ông cụ hoàn toàn tưởng thật.

Các chú thím của Kỷ Ức đều cho rằng, việc Kỷ Ức sống ở đây là do cha của cô bé cố tình vì muốn có quyền đòi hỏi khi chia tài sản sau này. Dù sao quan hệ cha con cũng đã đoạn tuyệt nên cô cháu gái chính là mối liên hệ duy nhất giữa hai người họ. Những lời này, hai thím của Kỷ Ức gặp ai cũng sẽ nói, và cũng thường nhắc đến trước mặt ông nội cô bé. Lâu dần, mọi người cũng coi đó là sự thật.

Con trai trưởng và con dâu đều không tận đạo hiếu, lại thường đối nghịch với ông cụ, quả thật cũng khiến ông cụ chạnh lòng.

Con người càng già thì kết cấu trí nhớ lại càng đơn giản. Họ chỉ nhớ được những người đối xử tốt và những người đối xử tệ với mình. Sáng sớm ngày mùng một Tết, ông nội Quý và ông nội Kỷ ngồi tâm sự với nhau, khi nhắc đến tên người con trai cả là ông cụ Kỷ lập tức trở nên kích động, lớn tiếng mắng chửi, cứ liên tục chỉ ra ngoài cửa bảo Kỷ Ức cút đi càng xa càng tốt. Thấy vậy ông nội Quý cũng biết rằng chẳng còn gì có thể nói thêm được nữa.

Đây quả thật là chuyện trong nhà, người ngoài chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn.

Những gia đình hạnh phúc lúc nào cũng giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì đều có nỗi khổ riêng.

Người không hiểu rõ thì cứ ngỡ như đang được nghe kể chuyện, câu chuyện này lồng vào câu chuyện khác. Đôi khi xem tin tức xã hội sẽ thấy, có những người không hề cùng quan hệ huyết thống lại có thể ở bên nhau kiên quyết không rời. Nhưng đôi khi, có những người cùng huyết thống với nhau lại mỗi người mỗi ngã.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã, câu này không phải lúc nào cũng có thể dùng được.

“Người nhà có nói gì cháu thì cháu cũng chỉ nghe là xong, không cần phải nhớ làm gì. Sau này cháu có làm gì thì cũng phải cẩn thận một chút, chờ đến lúc tốt nghiệp là ổn rồi.” Mẹ của Noãn Noãn gạt những sợi tóc mái lòa xòa trước trán cho cô, “Tốt nghiệp cấp ba, vào đại học, là cháu có thể tự lập được rồi. Ông nội Noãn Noãn nhờ dì nói với cháu rằng, ông đã mất bố mẹ từ khi mới lên mười tuổi, mà vẫn có thể sống mạnh khỏe vui vẻ đến tận bây giờ, nên những chuyện này đều không đáng gì đâu.”

Kỷ Ức nhìn mẹ của Noãn Noãn: “Cháu cảm ơn dì.”

Kỷ Ức quay về kí túc xá thu dọn hành lý. Cô cất hết đồ dùng cho cả tháng vào trong thùng gỗ dưới gầm giường. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, vẫn kịp đi đến bệnh viện 301 một chuyến. Cô nghĩ vậy và cứ thế rời khỏi kí túc xá vào thời điểm tầng lầu kí túc xá dành cho học sinh lớp Mười hai bắt đầu đông đúc náo nhiệt.

Khi dì quản lý kí túc xá nhìn thấy Kỷ Ức liền lập tức chạy tới nhét vào tay cô một túi táo đỏ sấy khô: “Cái này ngọt lắm, bổ máu.”

Kỷ Ức thấy ánh mắt của dì là hiểu rằng dì đã biết chuyện xảy ra trước Tết, muốn an ủi cô nên cảm ơn không ngớt. Kỷ Ức đón lấy túi táo cất vào trong cặp rồi vội vàng chạy mất.

Đến bệnh viện, y tá trực tầng có phòng bệnh của Quý Thành Dương nhanh chóng nhận ra Kỷ Ức nên không ngăn cản cô vào trong.

Kỷ Ức men theo hành lang đi vào bên trong, sau khi rẽ vào, cô phát hiện ra cửa phòng bệnh của Quý Thành Dương chỉ khép hờ. Dường như mỗi lần đến thăm Quý Thành Dương cô đều thấy có người đến thăm. Cô vừa định mở cửa bước vào thì chợt nhìn thấy một cô gái trẻ, tóc ngắn đang ngồi trên ghế sô pha ở gian ngoài qua khe cửa. Cô gái đó ngồi quay lưng lại với cửa và nói chuyện với Quý Thành Dương lúc này cũng đang ngồi trên ghế sô pha.

Trên chiếc ghế sô pha màu xám nhạt, cả người anh lún sâu vào trong lớp đệm êm ái của ghế sô pha, anh nghiêm túc lắng nghe khách nói chuyện, trong tay cầm chiếc cốc thủy tinh trong suốt, ngón trỏ vô thức cọ nhẹ lên thành cốc.

Ngoài hành động rất nhỏ của ngón tay ấy ra thì cả người anh đều rất yên tĩnh, tới mức như thể anh không còn thuộc về không gian này.

Một người vốn đã từng đi ngang qua bom đạn, một đôi mắt vốn có thể nhìn thấu người khác, lúc này lại phải hao phí thời gian ở đây. Nhưng anh vẫn rất thản nhiên, đối với vận mệnh, anh có một sự thản nhiên vượt xa tuổi tác của bản thân.

“Tớ vẫn luôn muốn được làm một chuyên đề về Rick Atkinson*.” Cô gái trẻ nói.

*Rick Atkinson sinh ngày 16/11/1952, là một nhà văn người Mỹ đã được nhận giải thưởng Pulitzer về lịch sử và nghề làm báo. Ông đã từng là người đưa tin, biên tập và thông tín viên cho tờ Post Washington, trước khi chuyển sang viết về lịch sử quân đội.

“Để tớ đoán xem các cậu định giới thiệu như thế nào nhé.” Quý Thành Dương dường như rất có hứng thú với chủ đề này, ít nhất anh cũng có mong muốn được nói chuyện tiếp, “Sở trường của ông ấy là viết báo cáo văn học, ví dụ như cuốn ‘Sợi dây màu xám dài’ về học viện quân đội Mỹ, hay mấy cuốn đề cập đến chiến tranh vùng vịnh đầu thập niên 90 như Thập Tự Quân, đều là những cuốn bán rất chạy.”

Giọng nói của anh vẫn lạnh nhạt bình tĩnh như mọi khi.

“Ừm, những chuyện này tớ đều đã tìm hiểu hết rồi. Còn gì nữa không?”

“Còn gì nữa không à?” Quý Thành Dương trầm ngâm, “Những điều tớ biết thì cậu cũng có thể tự tìm hiểu được. Con người này không những thích viết về đề tài chiến tranh, mà bản thân còn là một ký giả giỏi. Ông ta là ký giả chủ chốt của cuộc chiến vùng vịnh, phóng viên hàng đầu của tờ Post Washington, sau này đã trở thành phó tổng biên tập của tờ báo này.”

Kỷ Ức muốn gõ cửa đi vào, nhưng lại sợ cắt ngang câu chuyện mang tính công việc giữa họ, nên cô chuyển sang đi qua đi lại trước cửa phòng.

“Bố của ông ấy cũng là quân nhân.” Cô gái đó mỉm cười, có vẻ tâm trạng vô cùng vui vẻ, “Giống cậu!”

Quý Thành Dương không tiếp lời.

Anh chỉ nói tiếp: “Ông ấy đã được nhận giải thưởng Pulitzer hai lần vào năm 1982 và năm 1999. Chỉ tiếc rằng bây giờ đã là năm 2002 rồi, nếu nhắc đến chuyện đã xảy ra hai, ba năm về trước sẽ không mang lại cảm giác mới mẻ.”

“Thế nên tớ mới đến bàn bạc với cậu, để xem liệu có cách nào mới mẻ hơn không.”

“Mới mẻ hơn à? Ví dụ như, cậu có thể mạnh dạn đưa ra một dự đoán rằng… ông ấy sẽ giành được giải Pulitzer lần thứ ba, vì ông ấy đã hình thành được phong cách của mình, hơn nữa phong cách viết ấy lại rất hợp ý các nhà bình chọn cho giải thưởng Pulitzer.”

“Sao cậu có thể chắc chắn như thế?” Trong giọng nói của cô gái có pha lẫn ý cười, cô tiếp tục chủ đề khi nãy, “Rằng ông ấy sẽ lại giành được giải Pulitzer?”

“Nếu như không có bất ngờ gì xảy ra thì tớ nghĩ, trong vòng mấy năm tới ông ấy sẽ lại đạt giải thôi!”

Kỷ Ức lắng nghe những lời này mà chợt thấy Quý Thành Dương cách mình quá xa.

Anh chuyên nghiệp, có chuyên ngành, khiến người khác phải tôn trọng. Cho dù đôi mắt đẹp của anh bị che mất thì những thần thái khi nói ra những lời này, hoặc giả chỉ là một nụ cười, cũng đã đủ để khiến người khác cảm thấy, một người đàn ông như anh… nhất định được giấu kín trong sâu thẳm trái tim của rất nhiều người.

Kỷ Ức nghe thấy bên trong có một khoảng im lặng ngắn ngủi nên định đẩy cửa bước vào, nhưng tay vừa giơ lên đã ngừng lại.

Quý Thành Dương móc một viên kẹo từ trong túi áo ra, bóc vỏ rất thuần thục rồi ném viên kẹo hình vuông màu xanh sữa vào trong miệng để ăn.

“Từ khi nào cậu có thói quen ăn kẹo thế?” Cô gái trẻ kia hỏi, “Chẳng phải cậu vốn không thích đồ ngọt ư?”



“Sao em vẫn chưa vào trong thế?” Tiếng cô y tá bất chợt vang lên, ngay ở phía sau lưng Kỷ Ức.

Tim Kỷ Ức đập loạn, câu chuyện trong phòng đã bị cắt ngang, cô đành phải đẩy cửa đi vào.

Cô gái trẻ ngồi trên ghế sô pha quay lại nhìn Kỷ Ức, đôi mắt và nét mày của cô gái trẻ này rất giống với nữ phát thanh viên trong chuyên mục Nhân vật, chỉ có điều ở ngoài trông cô ấy không chuyên nghiệp như trên ti vi. Ở ngoài, cô ấy trang điểm nhạt trông càng gần gũi và có vẻ trẻ hơn rất nhiều.

Kỷ Ức nhớ lại cái tên mà cô đã từng nhìn thấy trên ti vi, Lưu Vãn Hạ.

Lưu Vãn Hạ nhìn thấy Kỷ Ức thì mỉm cười, hóa ra là một cô bé.

Vị phát thanh viên đang nổi này thấy có khách đến liền nhanh chóng nói rằng còn bận việc ở đài, sau đó lại dịu dàng oán trách mới mùng Bốn Tết mà đã phải đi làm, khiến cô ấy đến thăm bệnh mà cũng phải nói chuyện công việc với Quý Thành Dương.

Y tá dịu giọng nói chuyện với Quý Thành Dương, dường như đang thông báo cho anh về thời gian biểu, mấy giờ phải làm xét nghiệm, ai sẽ đưa anh đi. Lưu Vãn Hạ chăm chú lắng nghe và còn hỏi han kỹ càng, xem ra cô ấy rất quan tâm đến bệnh tình của anh.

Kỷ Ức đợi cho y tá và Vãn Hạ đều đi khỏi mới cảm thấy tự nhiên hơn một chút, cô ngồi xuống bên cạnh anh: “Pulitzer là gì ạ?”

“Đó là tên người.” Quý Thành Dương cười, giải thích một cách ngắn gọn hàm súc cho cô nghe, “Đây là tên của người đứng đầu ngành báo chí nước Mỹ, sau khi ông chết, họ lấy tên ông để xây dựng nên giải thưởng này, đây là giải thưởng có sức ảnh hưởng lớn trong giới báo chí nước Mỹ. Giải thưởng này đến nay đã phát triển và bao trùm rất nhiều phương diện, ví dụ như văn học hay âm nhạc…”

Cô đại khái đã hiểu rồi.

Vậy nên, Rick Atkinson mà hai người họ nhắc đến khi nãy chắc chắn là một người nổi tiếng trong giới báo chí nước Mỹ.

“Tây Tây, phiền em lấy máy tính trong ngăn bàn bên cạnh giường ra đây giúp anh.” Anh bỗng nói.

Kỷ Ức nghe theo lời anh đi tìm dây cắm điện và dây mạng, sau khi lắp xong liền mở máy.

“Ngoài màn hình chính có Outlook, anh cần em trả lời giúp một mail trong đó.”

“Em tìm thấy rồi.” Cô kích đúp chuột vào biểu tượng đó.

Màn hình nhảy ra một cửa sổ.

“Mật mã là gì ạ?”

“770521.”

Kỷ Ức nhớ, đây là ngày sinh nhật của anh. Hôm ấy khi anh đi ăn với cô tại nhà hàng chỗ Tân Nhai Khẩu, anh chẳng ăn gì mấy. Anh nói bởi vì anh đã nhìn thấy quá nhiều khung cảnh máu me bạo lực, nhìn thấy thi thể của rất nhiều người rõ ràng đang sống trong thời đại hòa bình lại phải chết trong chiến trận. Do đó anh không thấy muốn ăn những món liên quan đến nội tạng này, thậm chí trong lòng anh còn rất bài trừ.

Quý Thành Dương hỏi: “Em đã mở được chưa?”

Cô như bừng tỉnh: “Mở được rồi ạ, đang tải email đến.”

Tải email tận những mười phút, hàng nghìn email chưa đọc ùn ùn gửi đến, cô nhìn thấy thông báo có thư mới không ngừng nhảy nhót bên góc trái màn hình mà chợt cảm thấy rất thần kỳ. Anh phải bận rộn bao nhiêu mới cần nhiều email qua lại thế này?

Đợi đến khi tải xong xuôi hết, Quý Thành Dương mới đọc cho cô tên một địa chỉ email: “Em nhập hai chữ cái đầu tiên thì sẽ tự động nhảy ra cái tên tương ứng, em tìm giúp anh email cuối cùng mà anh ấy gửi rồi đọc cho anh nghe.” Kỷ Ức làm theo lời anh, nhưng lại có chút lơ đãng, cô vẫn nghĩ mãi đến dãy số mật mã ấy: “Email cuối cùng của anh ấy… hỏi anh bao giờ mới quay lại.”

Quý Thành Dương hướng dẫn cô trả lời email.

Đại ý nói rằng trong thời gian này sức khỏe anh không tốt, không thể dùng máy tính được, có thể sẽ phải làm phẫu thuật. “Phẫu thuật sẽ diễn ra sau ba ngày nữa.” Quý Thành Dương dùng Tiếng Anh nói cho cô viết những dòng này, “Đợi tớ khỏe lại sẽ liên hệ với cậu ngay. Nội dung trên đây là do một người bạn của tớ gửi giúp.”

Kỷ Ức sững sờ.

Ba ngày nữa sẽ phẫu thuật ư?

Chưa rõ kết quả của cuộc phẫu thuật sẽ ra sao, trong phút chốc cô bỗng cảm thấy hoảng sợ. Đó chính là cảm giác sợ hãi khi đứng trên con đường tối om, không nhìn thấy bước tiếp theo sẽ là bậc cầu thang hay hố sâu thăm thẳm. Rất bất lực, không dám đối mặt.

Cô chầm chậm gõ đến dòng chữ Tiếng Anh cuối cùng, sau khi kiểm tra lại liền giúp anh ký tên Yang rồi ấn phím gửi đi.

“Đây là bạn cùng nhà với anh ở Mỹ.” Quý Thành Dương nói với cô.

Đầu óc cô rất hỗn độn, cô chỉ đáp ậm ừ.

Kỷ Ức tắt máy, đứng dậy khỏi ghế sô pha, định cất chiếc máy tính xách tay này về vị trí ban đầu.

Nhưng chưa đi được mấy bước cô đã quay lại: “Anh thật sự sẽ phẫu thuật sau ba ngày nữa ư?”

“Nếu không có bất ngờ nào thì sẽ là ba ngày sau.” Quý Thành Dương vẫn ngồi ở đó, anh giơ tay lên chạm vào vai cô, “Anh chợt nhớ ra đã quên không nói với em một chuyện.”

“Chuyện gì ạ?” Cô bỗng thấy căng thẳng, sợ anh sẽ nói về việc phẫu thuật rủi ro.

Quý Thành Dương vuốt mái tóc đen của cô.

Nếu như đôi mắt anh vẫn bình thường thì trong đó nhất định sẽ chứa đầy sự dịu dàng và chiều chuộng chưa từng bị ai phát giác.

Anh dùng bàn tay chầm chậm cảm nhận độ dài mái tóc của cô và phán đoán, liệu có phải tóc cô lại dài hơn một chút rồi không. Sau khoảnh khắc im lặng, anh nói tiếp: “Anh quên mất không nói với em rằng, tập một phim ‘Chúa tể những chiếc nhẫn’ sắp chiếu rồi, chờ anh phẫu thuật xong sẽ đi xem cùng em nhé.”

“Bản tiếng Trung ạ?” Cô khẽ hỏi.

“Bản tiếng Trung thường sẽ bị cắt bớt.” Quý Thành Dương cười, “Anh sẽ cùng em xem bản gốc. Nếu như không có phụ đề tiếng Trung thì anh sẽ dịch từng câu cho em nghe.”

Kỷ Ức cúi đầu, cổ họng bỗng chốc nghẹn đắng: “Có lẽ em cũng có thể hiểu được… bản gốc.”

Cô và anh đã từng thảo luận về bộ phim này tại địa điểm quay ngoại cảnh của nó, thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua, mới chớp mắt mà bộ phim đã được công chiếu trên khắp thế giới. Hơn nữa, trong giây phút này đây, cô đã hiểu, Quý Thành Dương đang hứa với cô, hứa rằng anh sẽ sống.